Từ tháng 10 năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự nghiên cứu tìm một con đường dễ dàng nhất đi từ Nha Trang lên cao nguyên Lang Biang.
[links(right)]
Trạm Nông nghiệp và Trạm Khí tượng ở Đăng Kia
Từ tháng 10 năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự nghiên cứu tìm một con đường dễ dàng nhất đi từ Nha Trang lên cao nguyên Lang Biang.
Sau 11 tháng khảo sát, vào tháng 9 năm 1898, phái đoàn trở về lại vùng biển, chỉ để Missigbrott ở lại Đăng Kia, lập một vườn rau và chăn nuôi một ít gia súc.
Năm 1898, một trạm nông nghiệp và một trạm khí tượng được thiết lập ở Đăng Kia.
Trạm Nông nghiệp Lang Biang có diện tích 16,6706 ha, trồng thử nghiệm nhiều loại rau, hoa, cây ăn trái, cây lương thực, chè.
Trạm Nông nghiệp Lang Biang cũng nuôi bò giống Bretagne và cừu. Gia súc tăng trưởng tốt nhờ cỏ trên cao nguyên. Năm 1907, Trạm cung cấp bò giống cho nhiều đơn vị sản xuất ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Trạm Khí tượng cho biết: Từ năm 1898 đến năm 1911, nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,32oC, gần giống như nhiệt độ trên bờ biển Địa Trung Hải vào mùa xuân. Từ 00C vào tháng I, nhiệt độ tối thấp giảm xuống còn -20C vào tháng II.
Từ Lơm Biêng đến Langbian, Lang Biang,...
Người Kơho gọi dãy núi Lang Biang là Lơm Biêng, một dòng họ người Kơho sống dưới chân núi mang tên Lơm Biêng, nhưng trong các tư liệu tiếng Pháp ghi là Lang-bian, Lang-Bian, Langbian; trong các tư liệu tiếng Việt ghi là Lang Biang, Lang Bian, Lang Bi-an,...
Ngày 11/2/1881, Bác sĩ Paul Néis và Trung uý Albert Septans dẫn đầu một đoàn người gồm người Việt, người Mạ và người Hoa khởi hành từ Biên Hòa, thám hiểm thượng lưu sông Đồng Nai.
Tháng 3 và tháng 4, đoàn đến các buôn Late, Pateing trên cao nguyên Lang Biang ghi chép được nhiều số đo về khí tượng và nhân trắc học (mesures anthropométriques) của người dân trong vùng.
Trong báo cáo ngày 1/8/1881, hai ông viết về cao nguyên Lang Biang:
“...Khi rời khỏi núi Tion-lay để đi về hướng Đông Bắc, chúng tôi đi ngang qua một dãy cao nguyên nhỏ không cao lắm, nhiều cây cối và cắt ngang qua nhiều dòng nước. Sau khoảng 11 ngày đường, chúng tôi gặp thoạt tiên một dãy núi khác đơn độc: Delmann và Miul (300m) đầy cây rừng và chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, tạo thành một dãy đồi mấp mô. Những ngọn đồi này tiếp giáp về hướng Đông Bắc với một cao nguyên thứ hai trống trải gồm một dãy đồi hoàn hoàn trơ trụi, cao trung bình từ 30 đến 40 m. Về hướng Bắc của cao nguyên, một ngọn núi có hình dáng đặc biệt, dễ nhìn thấy từ xa, trơ trụi về phía Tây, có rừng về phía Đông. Đây là núi Lang Biang (Lang-bian*), đầu nguồn sông Đồng Nai mãi đến bây giờ vẫn chưa được biết đến”.
Lang-bian có thể là danh từ riêng đầu tiên người Pháp dùng để ghi tên núi Lang Biang.
*
Ngày 21/6/1693, Bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Biang. Trong hồi ký Sept mois chez les Mois (Bảy tháng trên xứ Thượng), ông viết về cao nguyên Lang Biang:
“Lang Biang (Langbian*) ở phía Bắc Riong cách hai ngày đường. Cao nguyên nhấp nhô và cao dần từ 900 m đến 1.200 m. Từ 15 đến 20 km trước khi đến chân núi, tôi ra khỏi rừng và đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và đầy cỏ. Núi đồi nhấp nhô khiến tôi có ấn tượng như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Biang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như càng xa dần khi tôi đến gần. Người ta dễ tính sai khoảng cách trên những cánh đồng bao la này. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho tôi đến gần vài trăm mét, rồi vụt chạy ra xa, ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi.
Dân cư trong vùng thưa thớt, vài làng người Lạch (M’Lates*) tập trung ở chân núi. Họ trồng lúa nước rất tốt. Chúng tôi qua sông Đồng Nai, chỉ là một con suối rộng 3 m, và đến Đăng Gia (Lang Ya* hay Dan Ya*) có chánh tổng trú ngụ.
Ngày 19/7/1897, Bác sĩ Alexandre Yersin gửi thư đến Toàn quyền Paul Doumer giới thiệu cao nguyên Lang Biang để thành lập nơi nghỉ dưỡng.
Ngày 1/11/1899, Toàn quyền Paul Doumer ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tân Linh (Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận ngày nay) và trên cao nguyên Lang Biang
(Langbian*).
Langbian là từ đầu tiên đăng trong Bulletin administratif de l’Indochine (Công báo Đông Dương) năm 1899.
*
Ngày 6/1/1916, tỉnh Langbian* được thành lập bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng và phần đất rừng thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước,... ngày nay.
Năm 1922, Khách sạn Langbian Palace (nay là Dalat Palace) được khánh thành.
*
Năm 1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Trưởng đoàn trong phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị đàm phán trù bị giữa Việt Nam và Pháp tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 19/4/1946 đến ngày 11/5/1946. Nhà văn Hữu Mai đã ghi lại sự kiện lịch sử này trong tác phẩm Những chặng đường lịch sử do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1976, trong đó có đoạn nhắc đến cao nguyên Lang Biang:
“Ngày 10 tháng Năm, lại họp phiên họp toàn thể. Đoàn ta tiếp tục nêu lên chủ trương của mình về việc thực hiện trưng cầu ý dân tại Nam Bộ. Các đại biểu Pháp vẫn giữ thái độ ngoan cố. Chúng ta đã nói thẳng với họ là một số người Pháp có âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, âm mưu đó không thể dung thứ, nhất định sẽ thất bại. Sau một cuộc tranh luận gay go, cả đoàn ta đứng dậy bỏ phòng họp.
Đêm hôm đó, sau buổi hội ý trong đoàn, tôi thức khuya. Nhìn ra cửa sổ, trời tối đen. Không còn nhận ra đâu là hồ, đâu là núi. Những quả đồi thông xinh đẹp, những cánh rừng hoang vu của cao nguyên Lang Biang chìm trong bóng đêm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta, của các chiến sĩ du kích trên những mỏm núi cao, những khu rừng rậm nơi xa kia đang tiếp tục và sẽ còn phải tiếp tục.”
Từ Lâm Viên đến Lâm Đồng
Năm 1917, ông Đoàn Đình Duyệt - Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công - lên cao nguyên Lang Biang để quan sát, đồng thời trù liệu xây cất hành cung cho vua Khải Định. Ông đã viết bài Lâm Viên hành trình nhật ký đăng trên tạp chí Nam Phong số 9 và 10, xuất bản vào tháng 3 và 4 năm 1918, ghi lại hành trình từ Huế đến Quy Nhơn, Ba Ngòi bằng đường thủy; từ Ba Ngòi đến Cầu Bảo (Tháp Chàm), Điếm Côn (Sông Pha ngày nay) bằng xe lửa; từ Điếm Côn lên Eo Gió (Bellevue, Phú Thuận thuộc thị trấn Dran ngày nay) bằng kiệu hay cưỡi ngựa; từ Eo Gió lên Đà Lạt bằng xe ô tô. Ông viết về Lang Biang:
“... Lại cách Đa Lạc ( 多樂*)14 ki-lô-mét là Lâm Viên ( 林園*), nơi đây có một vườn hoa và một chỗ nuôi thú. Trong vườn đất đai phì nhiêu, bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt, xứng đáng được gọi là Đàn Hương Sơn trên đại lục. Đàn Hương Sơn thuộc vùng biển Tây bán cầu, đi theo đường biển thì 7 ngày tới châu Mỹ. Bốn mùa cây cỏ đều ra hoa, kết quả, nổi tiếng thế giới.
Cách Lâm Viên phỏng chừng 5 - 6 ki-lô-mét còn có suối Đan Ki (Đăng Kia), tiếng Tây dịch là Ưng-kỳ-du-kiệt-từ (Ankroet). Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một thạch bàn.”
Ông Đoàn Đình Duyệt có thể là người Việt Nam đầu tiên dùng từ
Lâm Viên (lâm: rừng; viên: vườn).
*
Ngày 8/1/1941, tỉnh Langbian được tái lập, tỉnh lỵ là Đà Lạt. Người Việt gọi tỉnh Langbian là tỉnh Lâm Viên. Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên là ông Nguyễn Tiến Lãng.
Tháng 5 năm 1945, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập, Thư ký là ông Ngô Huy Diễn.
Tối ngày 23/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập, Chủ tịch là ông Phan Đức Huy.
Sau khởi nghĩa vào sáng ngày 24/8/1945, Ủy ban Việt Minh tỉnh Lâm Viên được thành lập, Chủ tịch là ông Ngô Huy Diễn.
Ngày 14/12/1950, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ Nguyễn Duy Trinh ký Nghị định sáp nhập hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 22/2/1951, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 73-TTg hợp nhất hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Lâm Đồng.
Tháng 12/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam.
Theo Nghị định này, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng.
NGUYỄN HỮU TRANH