Đi tìm di sản Đà Lạt (Kỳ 1)

09:07, 21/07/2016

LTS: Với áp lực dân số, phát triển kinh tế, làn sóng đô thị hóa, trong tương lai gần, Đà Lạt sẽ phải mở rộng so với địa giới hiện hữu, dù muốn dù không. Viễn kiến về một Đà Lạt trong tương lai sẽ thế nào?

[links()] LTS: Với áp lực dân số, phát triển kinh tế, làn sóng đô thị hóa, trong tương lai gần, Đà Lạt sẽ phải mở rộng so với địa giới hiện hữu, dù muốn dù không. Viễn kiến về một Đà Lạt trong tương lai sẽ thế nào? Làm sao để mở rộng nhưng vẫn đảm bảo phát huy những giá trị thuộc về căn tính, bản sắc tự nhiên lẫn môi trường văn hóa đô thị? - Rất cần đến những chiến lược, chính sách thận trọng, thấu đáo, khoa học!
 
Loạt bài Đi tìm di sản Đà Lạt xem như một góc tiếp cận từ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, mà theo người viết, đây là hai yếu tố góp phần tạo nên giá trị Đà Lạt; giúp Đà Lạt phát triển bền vững.
 
Di sản của khí trời!
 
Với Đà Lạt, trước khi nói đến những di sản mà con người tạo ra, thì phải nói đến các giá trị “trời cho”… Hình thái chức năng đô thị Đà Lạt những ngày đầu được thiết lập trên cơ sở địa lý tự nhiên, khí hậu.
 
Du khách đến Đà Lạt là để tận hưởng khí trời mát mẻ hài hòa
Du khách đến Đà Lạt là để tận hưởng khí trời mát mẻ hài hòa

Nơi mang lại nguồn sống
 
Trở lại những năm cuối thế kỷ XIX, trước tình trạng số quân nhân Pháp ở Nam Kỳ tử vong vì bệnh nhiệt đới (viêm gan, sốt rét) ngày càng gia tăng cộng với tình trạng chấn thương tâm lý do sốc văn hóa, chính quyền thực dân Pháp mở chiến lược khám phá những vùng núi cao ở trên xứ Đông Dương để làm trạm nghỉ dưỡng như một hướng giải quyết bền vững thay vì đưa thêm bác sĩ điều dưỡng đến và đóng thêm những chiếc thuyền lớn để chở binh lính vật vờ bệnh tật cùng những thùng tử thi chật cứng hồi hương (1)
 
Cao nguyên Lang Bian do bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra vào ngày 21/6/1893 sau cuộc hành trình thám hiểm vất vả đã được xem như một chọn lựa lý tưởng bởi yếu tố địa lý hoàn toàn phù hợp. Tuy ban đầu, ý tưởng này còn gây nhiều tranh cãi nhưng phần thắng đã thuộc về những nhà quy hoạch, chiến lược người Pháp có tầm nhìn xa.
 
Độ cao trung bình 1.500 m, nơi loài muỗi sốt rét khó sinh sôi, khí hậu tương đồng với vùng Địa Trung Hải (nhưng lượng mưa trong năm cao hơn), địa hình đồi núi ngoạn mục, lại ở một vị trí thuận lợi xét về địa chính trị trong tầm nhìn về một Liên bang Đông Dương tương lai, Đà Lạt là lựa chọn vượt trội hơn Bokor ở Campuchia, Trấn Ninh ở Lào, Bà Nà, Tam Đảo hay Sapa ở miền Trung và Bắc Việt Nam. Đà Lạt trở thành đô thị giúp người Pháp ở Đông Dương chống chọi bệnh nhiệt đới, một chốn phục hồi sinh lực thực sự và vơi bớt nỗi nhớ nhà và xa hơn, là một vườn ươm giáo dục cho con em Pháp và giới thượng lưu, tài phiệt người Việt miền Nam Việt Nam.
 
Qua bốn cuộc quy hoạch (Hébrard năm 1923, Pinneau năm 1933, Mondet năm 1940 và Jacques Lagisquet năm 1943), tuy có sự khác biệt chi tiết, song tính chất chức năng đô thị thống nhất bám quanh cái trục mục tiêu: đô thị nghỉ dưỡng và giáo dục.
 
Ba điểm mốc khí hậu
 
Trong cuốn Mes Trois Ans d’Annam (Ba năm ở An Nam), bà Gabrielle M. Vassal - một lữ khách Pháp có ghi lại cảm nhận khí hậu, khung cảnh khá thú vị khi tác giả đặt chân đến Đà Lạt - Dankia: “Trong một bữa ăn, nhà cửa đóng kín mít, lửa lò sưởi bùng cháy phừng phực ở lò sưởi góc nhà, một vài đóa hoa hồng cắm trên bàn. Điều này khiến tôi có cảm giác như thể mình đang ở một chốn không thuộc về xứ An Nam này. Đêm đến, tôi đã phải ôm một tấm nệm sưởi bọc nước nóng và bốn cái chăn thì mới ngủ được (vì trời quá lạnh). Như vậy, có thể khẳng định lời chồng của tôi nói là đúng: một tháng ở Lâm Viên bằng một tháng ở trên đất Pháp” (2).
 
Thời kỳ này, trạm khí tượng Dankia dưới sự quản lý của kỹ sư, thanh tra nông nghiệp M. Jacquet đã ghi lại nhiệt độ trung bình từ 1898 đến 1911 như sau: “Về nhiệt độ, đồ thị tối cao khá đều, dao động giữa 27 0C và 30 0C trừ tháng 7 năm 1902, nhiệt độ lên đến 32 0C. Từ 0 0C vào tháng 1, nhiệt độ tối thấp giảm xuống còn - 2 0C vào tháng 2 và lên cao khá đột ngột đến tháng 8 và tháng 9 khoảng 9 0C, sau đó giảm dần xuống còn 2 0C vào tháng 12. Nhiệt độ trung bình hằng tháng thay đổi giữa 16,37 0C (tháng 1) và 19,57 0C (tháng 5). Từ mùa hè sang mùa đông, nhiệt độ chỉ cách nhau 3,2 0C. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,32 0C, gần giống như nhiệt độ trên bờ Địa Trung Hải vào mùa xuân” (3). Tuy nhiên, lúc bấy giờ, trung tâm Đà Lạt có chỉ vài chục nếp nhà, dân số chỉ khoảng vài trăm người. 
 
Trong thời thịnh vượng (khoảng thập niên 1940-1950) có một sự “xê xích” về nhiệt độ, nhưng không đáng kể. Cuốn Địa chí Đà Lạt của Tòa thị chính Đà Lạt ấn hành năm 1953 (lúc này, Đà Lạt có khoảng trên 25.000 dân) ghi nhận nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,33 0C (tăng hơn 0,01 0C so với trước đó bốn thập kỷ). Cụ thể, vào năm 1953, nhiệt độ trung bình mùa hè 19,6 0C và trung bình mùa đông 16,4 0C. Tuy nhiên, hoàn toàn không thấy dữ liệu mô tả hiện tượng băng tuyết hay nhiệt độ xuống dưới 0 0C như thuở “khai sinh”. 
 
Đến năm 1974, quyển cẩm nang du lịch Anh ngữ có tựa Dalat do Bộ Du lịch Quốc gia chính phủ Việt Nam Cộng hòa (The National Tourist Office, Saigon ấn hành) cũng ghi nhận số liệu khí tượng không khác biệt lắm so với tài liệu Địa chí Đà Lạt 1953 trong phần giới thiệu thời tiết.
 
Sắc vóc của tự nhiên
 
Khí hậu, địa lý tự nhiên là điều kiện nền tảng để chính quyền Đà Lạt qua các thời kỳ từ Hoàng triều cương thổ (1950 - 1954) đến Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975) đều có sự nối tiếp mục tiêu phát triển chức năng đô thị. Không khí trong lành, sự luân chuyển thời tiết trong ngày, trong mùa và trong năm hài hòa cùng phong cảnh nên thơ có được từ địa hình cao nguyên nhiều thác ghềnh, ao hồ, đồi núi, rừng thông, trảng cỏ với hệ thảo mộc đặc thù phong phú, đã mang lại một chốn du ngoạn làm say lòng viễn khách ở xứ nhiệt đới. Những vùng nông nghiệp trong thành phố được hình thành không chỉ cung ứng nông sản sạch tại chỗ mà còn cung cấp cho thị trường các đô thị lớn miền Nam. Điều tạo ra sắc vóc văn hóa của một đô thị đặc khu giáo dục ở Đà Lạt lại cũng chính là khung cảnh hài hòa và khí hậu đầy lý tưởng, phù hợp cho nghiên cứu, hoạt động tri thức. 
 
Tính cách kín đáo, nhỏ nhẹ, bặt thiệp, khiêm cung của cư dân cũng được hình thành từ những yếu tố khí hậu tự nhiên. 
 
Chính nhờ qua bốn đợt quy hoạch thời Pháp thuộc đã xác định tính chức năng đô thị cho một tầm nhìn dài hạn, mà khi đứng trước những đợt nhập cư lớn (như vào năm 1954 và sau ngày đất nước thống nhất), Đà Lạt vẫn giữ gìn được căn tính, sắc vóc của mình. 
 
Sự quá tải cuối cùng cũng diễn ra. Khoảng hai thập niên sau Đổi mới, sự thay đổi về hình thái đô thị và sự biến đổi môi trường ở Đà Lạt có thể thấy rõ dưới sức ép gia tăng dân số, đô thị hóa và hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo tổng hợp từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, nhiệt độ trung bình năm từ 2003 - 2012 của thành phố Đà Lạt dao động từ 17,7 - 18,6 0C. Có thể cảm nhận sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày gia tăng, sương mù ít xuất hiện ở trung tâm đô thị, hiện tượng lũ quét, mưa đá xảy ra cường độ lớn, mức độ ngày càng cao... Không khó kiến giải điều đó, khi diện tích rừng tự nhiên trong khoảng 20 năm qua suy giảm nghiêm trọng trong khi phần rừng trồng thêm không bù đắp được diện tích mảng xanh mất đi; sự bê tông hóa diễn ra nhanh chóng, và hệ quả là đánh mất những chức năng đô thị căn bản đã được xác lập trong quá khứ.
 
Đà Lạt đang đứng ở giai đoạn bản lề, trước một sự thay đổi lớn của một đô thị trong thời toàn cầu hóa. Cần đặt lại vấn đề căn tính cốt lõi, đó là đặc thù môi trường và những gì làm nên thương hiệu một Đà Lạt trong quá khứ để thấy việc bảo tồn khí trời, tài nguyên thiên nhiên trong đô thị nói chung đã đến lúc phải được xem như một mệnh lệnh, một đòi hỏi sống còn. 
 
 (1) Tham khảo: Jennings, Eric T. (2015). Đỉnh cao Đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp. Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch, Trần Đức Tài hiệu đính. TP.HCM: Đại học Hoa Sen & NXB Hồng Đức, phần 1: Chạy trốn cái chết vùng nhiệt đới, trang 23 đến 52.
 
(2) do Librairie Hachette, Paris in năm 1911
 
(3) Nguyễn Hữu Tranh, 2001. Đà Lạt năm xưa. NXB TP.HCM. Trang 103.
 
(Đón đọc kỳ 2: DI CHỈ CỦA THỜI GIAN ĐÃ MẤT)
 
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN