Mộc bản triều Nguyễn trường tồn sau ba lần thiên di

09:07, 14/07/2016

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009, gồm 34.619 tấm, là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra sách.

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009, gồm 34.619 tấm, là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra sách. Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử,… triều đình đã cho khắc in nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp đi khắp nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là Mộc bản. Nội dung của khối tài liệu này rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến đầu thế kỷ XX. 
 

Trong quá trình khảo sát tư liệu, chúng tôi đã tìm thấy hồ sơ số 3439, về việc “Di chuyển văn khố và tài liệu lịch sử từ Huế lên Đà Lạt năm 1960 - 1961” thuộc Phông Tòa Đại biểu chánh phủ tại Trung nguyên Trung phần đang lưu giữ tại Kho lưu trữ chuyên dụng Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu thêm một số thông tin liên quan đến việc di dời Mộc bản triều Nguyễn lên vùng đất cao nguyên này. 
 
Trước năm 1960, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Huế. Từ năm 1960, Mộc bản chuyển từ Huế lên Đà Lạt. Quá trình di chuyển từ Huế lên Đà Lạt được chuẩn bị rất chu đáo, toàn bộ công việc này được tiến hành bí mật và mau lẹ, phải di chuyển ba lần mới hoàn thành.
 
Theo Công văn số 1508/HC/M ngày 5 tháng 6 năm 1960 của Ty trưởng Ty Tiểu học Đà Lạt Tuyên Đức gửi ông Trần Văn Tập - Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia về việc “Di chuyển các tài liệu từ Huế lên Đà Lạt” với nội dung “Ty tôi trân trọng phúc trình Quý Nha được rõ, Chi nhánh Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia Đà Lạt đã nhận đủ tài liệu lịch sử do Viện Bảo tàng Huế cho áp tải vào Đà Lạt”. Chứng tỏ rằng trước ngày 5 tháng 6 năm 1960, đã có một đợt di chuyển tài liệu từ Huế vào Đà Lạt.
 
Vào cuối tháng 6 năm 1960, tiếp tục có một đợt di chuyển tài liệu từ Huế vào Đà Lạt. Theo Công văn số 151 BTGH ngày 28/6/1960 của Viện Bảo tàng Huế gửi ông Phó Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia về việc “Chuyên chở cổ thư và tài liệu có tính cách lịch sử lên Đà Lạt” với nội dung “Viện chúng tôi kính tin quý Nha biết những bộ sách chữ Hán, địa bộ, hồ sơ Tòa Khâm cũ và Mộc bản đã xếp vào ba toa như sau: Toa số 13.105 gồm 69 thùng, sách và Mộc bản; Toa số 14.303 Mộc bản; Toa số 2.317 Mộc bản và 3 bó giấy gói hàng. Những toa xe đã rời khỏi Huế ngày 28/6/1960 hồi 17 giờ và có lẽ lên đến Đà Lạt trong vòng 3 hôm… Bộ Tư lệnh Quân khu 2 có cho 18 quân nhân đi hộ tống, Viện chúng tôi không có lý do gì để khước từ nên cũng đã xin giấy trưng vận xe lửa cho 18 quân nhân ấy đi đến Đà Lạt cùng một chuyến với các toa xe. Như vậy, tại Đà Lạt, số quân nhân tạp dịch đã có sẵn, chỉ có mượn vài xe G.M.C là có thể tiến hành mau lẹ việc chuyên chở các tài liệu về địa điểm đã ấn định”. Qua nội dung Công văn nói trên, chúng ta có thể thấy rõ loại hình tài liệu, cách thức di chuyển và bảo vệ khối tài liệu này.
 
Chuyến vận chuyển cuối cùng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và nghiêm ngặt theo Công văn số 25643/TM3/I của Quân khu 2 - Phòng 3 gửi Quân trấn Phú Bài Bộ Chỉ huy Thông vân Khu 2 “Yêu cầu quý quân trấp cho Viện Bảo tàng Huế tạp dịch để bốc đồ tàng cổ chở xe lên ga Huế và 6 G.M.C biệt phái về Phú Bài lúc 7 giờ ngày 19/12/1960 để chở 30 binh sĩ và khi xong công tác chở về Phú Bài”. Ngoài ra, còn có Công văn số 2566/TM3/I “Viện Bảo tàng Huế sẽ cho một số đồ cổ từ Huế đi Đà Lạt bằng hỏa xa. Yêu cầu đoàn biệt phái cho hai tiểu đội có võ trang để hộ tống”. Tiếp theo là Công văn số 04 BTGH ngày 6/1/1961 của Viện Bảo tàng Huế gửi ông Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần với nội dung “Chúng tôi trân trọng trình Quý Tòa hay rằng chúng tôi, tuân lệnh, đã cho đóng cẩn thận vào 188 thùng gỗ, có ràng dây kẽm kỹ càng các cổ vật quí giá nhất trong Viện Bảo tàng Huế và đã cho chở lên Đà Lạt bằng xe lửa trong 5 goong ngày 21/12/1960. Những biện pháp cần thiết đã được áp dụng tránh sự thất thoát, bể vỡ trong lúc đi đường. Việc chuyên chở này đã được hoàn toàn mỹ mãn, các thùng cổ vật đã được tạm gởi tại Chi nhánh Văn khố và Thư viện Quốc gia tại Đà Lạt trong khi chờ có trụ sở riêng biệt”. 
 
Từ những tài liệu trên đã chứng minh quá trình thiên di Mộc bản cũng như một số tài liệu khác từ Huế lên Đà Lạt tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có ba lần, tất cả những lần ấy đều di chuyển bằng hỏa xa và được vận chuyển một cách công phu và cẩn trọng, nhanh chóng, có trình tự và có sự giám sát bảo vệ rất nghiêm ngặt “Việc chuyên chở này đã được hoàn toàn mỹ mãn”. 
 
Từ năm 1961 - 1975, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt. Do chưa hiểu được tầm quan trọng, quý giá của khối tài liệu này và việc phục chế vẫn còn xem nhẹ, điều kiện bảo quản không tốt, nên hậu quả là hàng ngàn tấm Mộc bản bị thất lạc, hư hỏng nặng và xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1975, Mộc bản được giao về Cục Lưu trữ nhà nước (nay thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), bảo quản tại Tòa nhà Dòng Chúa cứu thế (nay là Phân viện Sinh học Tây Nguyên). Từ năm 1989, Mộc bản được chuyển về bảo quản tại Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV). Hiện nay, bản gốc Mộc bản được bảo quản nghiêm ngặt, phân loại và chỉnh lý khoa học, đồng thời được in dập ra giấy dó, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng.
 
Nguyễn Thị Hồng Loan