Về xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Lâm Viên (Đà Lạt ngày nay), theo Toàn quyền Doumer: "đường sắt từ Sài Gòn đi Khánh Hòa còn cho phép giải quyết vấn đề rất quan trọng; có lợi ích rất cấp thiết, đó là việc thiết lập một trung tâm nghỉ dưỡng ở nam Đông Dương…
[links(right)]
Đến con đường lên khu nghỉ dưỡng Lâm Viên
Về xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Lâm Viên (Đà Lạt ngày nay), theo Toàn quyền Doumer: “đường sắt từ Sài Gòn đi Khánh Hòa còn cho phép giải quyết vấn đề rất quan trọng; có lợi ích rất cấp thiết, đó là việc thiết lập một trung tâm nghỉ dưỡng ở nam Đông Dương…
|
Đường ray xe lửa răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm (Ảnh trong “Xứ Đông Dương”) |
Để thực hiện thành công công cuộc thuộc địa hóa tại một quốc gia nhiệt đới, điều kiện cần thiết đầu tiên là làm sao cho người Âu sống được tại đó… vấn đề này bắt đầu được nghiên cứu vào năm 1897. Các yêu cầu khảo sát được gửi tới các Thống sứ trong một bức thư tôi viết cho họ ngày 23 tháng Bảy cùng năm, trong đó ấn định các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập một khu nghỉ dưỡng; có độ cao tối thiểu 1.200 m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng… Gần như ở mọi nơi việc khảo sát đều kéo dài và vấp phải khó khăn, nhất là khi tại nhiều nơi những người tham gia việc này không có niềm tin vào thành công. Theo những yêu cầu do bác sĩ Yersin đưa ra và dưới sự chỉ dẫn của ông, các cuộc thám hiểm đã được thực hiện ở khu vực dãy Trường Sơn gần ranh giới Nam Kỳ, nơi sông Đồng Nai và các phụ lưu chính của nó bắt nguồn. Những cuộc thám hiểm này đã thành công rực rỡ. Một cao nguyên rộng là cao nguyên Lâm Viên, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Với độ cao trung bình 1.500 m và có diện tích gần 300 cây số vuông, cao nguyên này được cấp nước từ một nhánh của sông Đồng Nai cùng nhiều nguồn suối nhỏ. Ngay từ tháng Mười năm 1897, một trạm thử nghiệm đã được thiết lập tại đó cùng một trạm quan sát khí tượng và một vườn rau dưới sự quản lý của một người Pháp được Giám đốc Viện Nha Trang tư vấn giúp. Rất nhanh chóng, đã có thể đánh giá được nhiệt độ ôn hòa của cao nguyên và chất lượng đất tại đây là đủ màu mỡ cho việc trồng các loại rau. Còn lại một vấn đề giao thông rất quan trọng mà ban đầu có vẻ khó tìm ra giải pháp. Một tuyến đường mòn đầu tiên được mở ra vào đầu năm 1898 giữa Lâm Viên và bờ biển tại cảng nhỏ Phan Rang. Việc mở đường sắt lên cao nguyên được nghiên cứu, và một tuyến đường dự kiến được đưa vào hệ thống đường sắt mà đạo luật ngày 25/12/1898 phê chuẩn.
Trong khi chờ đợi đường sắt đem đến câu trả lời dứt điểm cho vấn đề giao thông tại cao nguyên Lâm Viên, một tuyến đường với phần lớn lộ trình cho phép xe cộ lưu thông được xây dựng từ Phan Rang lên Lâm Viên trong năm 1899. Theo một nguồn tư liệu đáng tin cậy về bác sĩ Yersin: “Tháng 3/1899, ông (Yersin) lại tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên Đà Lạt, Đăng Kia. Đoàn đi rất sớm và đến Càn Rang (D’ran thuộc huyện Đơn Dương ngày nay) vào ngày 26/3/1899. Đến năm tiếp theo, người ta bắt đầu thi công một con đường dốc thoai thoải và có các đoạn cua với bán kính đủ rộng để có thể đặt đường ray xe lửa khi việc thi công diễn ra.
Đồng thời, những quan sát, thí nghiệm, nghiên cứu và thi công lắp đặt tiếp tục trên cao nguyên. Sau bốn năm quan trắc nghiêm túc với nhiệt kế, áp kế, vũ kế…, việc lưu trú của nhiều người Pháp tại đây đã chứng tỏ khí hậu hoàn hảo của Lâm Viên gần giống như khí hậu của miền nam châu Âu. Người ta tìm ra những nguồn nước sạch có chất lượng tốt ở đây, và việc thu dẫn phân phối nước được nghiên cứu. Những thử nghiệm trồng trọt và chăn nuôi được tiếp tục và mở rộng. Những ngôi nhà tiện nghi được xây lên; các thác nước được nắn dòng chảy và sử dụng để xây dựng một nhà máy cần thiết cho các công việc xây dựng khu nghỉ dưỡng… Khi tuyến đường sắt đi Lâm Viên được hoàn tất, khu nghỉ dưỡng sẽ chỉ cách Sài Gòn khoảng 340-400 cây số tùy theo tuyến đường chính thức được chọn, hay nói cách khác là khoảng 10 tiếng hành trình. Ngoài doanh trại và các cơ quan công vụ được thiết lập lâu dài tại Lâm Viên, các cư dân Pháp tại thuộc địa và các công chức có thể dễ dàng tới đây nghỉ ngơi cũng như đưa gia đình của họ tới đây và để con cái họ được giáo dục tại đây”.
Để khép lại bài giới thiệu này, thay đoạn kết người viết xin dẫn lời ngài Jean-Noel Poirier - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trong lời tựa cuốn Hồi ký “Xứ Đông Dương”: “Tôi rất lấy làm sung sướng về việc Alpha Book cho dịch ra tiếng Việt và ấn hành cuốn Hồi ký “Xứ Đông Dương”. Nói theo tâm linh của người Việt Nam, chắc chắn ông Doumer sẽ ngậm cười nơi chín suối vì cuốn hồi ký của ông được trở lại Việt Nam vào thời điểm mà quan hệ Pháp - Việt đang có những bước phát triển mới đầy hứa hẹn. Tôi cũng tin tưởng rằng độc giả Việt Nam không những không thất vọng khi có cuốn sách trên tay mà còn tận hưởng những giây phút tuyệt vời bên những trang sách của Paul Doumer, hiểu thêm về lịch sử Việt Nam qua một góc nhìn khác lạ hơn, góc nhìn của một nhân vật vĩ đại của nước Pháp…”.
PHAN HOÀNG THANH