Cồng chiêng "vật báu - hồn thiêng" trong đời sống của người Mạ

08:08, 25/08/2016

Cũng như các tộc người thiểu số sống trên dải đất Trường Sơn Tây Nguyên, đối với người Mạ, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà là "vật báu - hồn thiêng" của gia đình và cộng đồng. 

Cũng như các tộc người thiểu số sống trên dải đất Trường Sơn Tây Nguyên, đối với người Mạ, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà là “vật báu - hồn thiêng” của gia đình và cộng đồng. 
 
Cồng chiêng trong lễ hội của người Mạ
Cồng chiêng trong lễ hội của người Mạ

Cội nguồn của “vật báu - hồn thiêng” 
 
Người Mạ gọi chiêng núm là “cuông”, chiêng bằng là “cing” và họ thường sử dụng phổ biến loại chiêng bằng. Cồng, chiêng của người Mạ có từ bao giờ? Chưa ai biết, chỉ biết âm hưởng tiếng cồng, tiếng chiêng đã tồn tại trong tâm thức của người Mạ từ bao đời nay. Đối với họ, cồng chiêng không như những nhạc cụ bình thường khác, mà là “linh khí”, nghĩa là một thứ nhạc cụ thiêng do Yàng ban cho. Truyền thuyết người Mạ kể rằng: “… đã từ lâu lắm rồi không rõ từ bao giờ nữa, người ta thấy có một bộ chiêng gồm có 6 chiếc được sinh ra trong một khu rừng sâu không dấu chân người. Các chiêng đã sống như con người, cũng đi lại nói năng, cảm xúc vui, buồn. Và đã tập hợp lại, sống theo thứ tự ngôi bậc như một gia đình người Mạ, chiêng biết nói trước tiên là Cing - Bằng “chiêng mẹ ”, kế đến là Rờ - Đơm “cing cha”, rồi Rờm tức “anh cả”, Thoàn “anh thứ”, cuối cùng Thơ Thuy tức “em út”. Một gia đình người Mạ xưa đã phát hiện ra bộ chiêng, họ đã làm lễ cúng Yàng, rồi đưa về dùng trong cộng đồng người Mạ…”. 
 
Cồng, chiêng: “vật báu”
 
Người Mạ không tự đúc ra cồng, chiêng mà họ trao đổi từ trâu, bò, thổ cẩm,… ở nơi khác về, và các nghệ nhân đã chỉnh âm lại để âm thanh mang âm điệu đặc trưng riêng của dân tộc mình. Những chiếc chiêng có kích thước lớn hoặc được pha đồng với bạc, vàng hoặc đồng đen là loại chiêng quý, bởi âm sắc của nó mịn màng và có độ vang xa. Có bộ chiêng phải đổi đến 15-20 con trâu. 
 
Đối với người Mạ, cồng, chiêng được coi là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc. Chiêng càng được truyền qua nhiều đời càng quý. Những gia đình, dòng tộc nào còn giữ được những bộ chiêng đã được tiếp nối qua nhiều thế hệ trong dòng tộc, đều lấy làm tự hào với cộng đồng và họ sẽ được các dòng tộc khác kính trọng. Vậy nên, trước đây mỗi gia đình người Mạ đều có ít nhất một bộ cồng, chiêng, thậm chí có gia đình có đến vài bộ. 
 
Cồng, chiêng: “hồn thiêng”
 
Ngoài là “vật báu”, cồng chiêng còn được xem là vật thiêng gắn với các nghi lễ tâm linh của cộng đồng người Mạ. Họ quan niệm rằng, trong từng chiếc cồng, chiếc chiêng luôn có hiện thân của những vị thần (Yàng - Cing). Những bộ chiêng được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng, thì quyền lực của vị thần chiêng đó càng cao và bộ chiêng đó càng thiêng. Giá trị của bộ cồng, chiêng không chỉ ở kỹ thuật chế tác mà còn ở cả ý nghĩa tâm linh của nó. 
 
Được coi là vật thiêng nên trước khi đem cồng, chiêng ra sử dụng, người Mạ thường phải làm lễ cúng xin phép thần chiêng. Đây cũng được coi là nghi thức đánh thức “hồn” chiêng. Sau những ngày lễ hội, các bộ cồng, chiêng lại được cất giữ cẩn thận ở gần bàn thờ, nơi trang trọng nhất của nhà sàn dài, mà người Mạ thường gọi là không gian thiêng (Snao). 
 
Trong các nghi lễ quan trọng nhằm tạ ơn thần linh, máu của con vật hiến tế luôn được bôi lên những chiếc cồng, chiếc chiêng. Đây là nghi thức thể hiện rõ tính chất của lễ hội (hiến sinh). Đồng thời, bên ngọn lửa hồng bập bùng cùng với lời khấn vang vọng, âm thanh của cồng chiêng đã góp phần làm cho không gian trở nên trang trọng, huyền ảo, linh thiêng hơn. Nó được xem như là phương tiện giúp chủ tế chuyển tải được những lời cầu khấn đến với các thần linh. Vậy nên, cồng, chiêng được coi là linh hồn của lễ hội.
 
Đối với người Mạ, cồng chiêng không chỉ có mặt trong mọi nghi lễ quan trọng của đời sống con người và cộng đồng, mà ngay cả trong những vật báu “chia của” cho người chết về với thế giới bên kia, cũng không thể thiếu những chiếc cồng, chiếc chiêng.
 
Có thể nói, cồng chiêng không chỉ có ý nghĩa về nghệ thuật đơn thuần, mà nó còn được coi như là “Vật báu - hồn thiêng” của gia đình và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung, trong đó có người Mạ. Đó là bản sắc văn hóa rất đáng trân trọng và gìn giữ. Trong những năm gần đây, tại các khu du lịch nổi tiếng như: Lang Biang, đồi Mộng Mơ, thác Prenn, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà,… không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc bản địa vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến với Đà Lạt.
 
THANH BÌNH