Có hai mảng chính kiến tạo nên diện mạo di sản kiến trúc Đà Lạt: mảng công trình thời thuộc địa (xây dựng từ 1916(1) đến giữa thập niên 1940) mang sắc thái cổ kính, hoa mỹ và ấm cúng của vùng Trung, Bắc Âu do phần lớn kiến trúc sư và nhà quy hoạch Pháp thiết kế và mảng kiến trúc hiện đại xuất hiện từ 1954-1975 hình thái mạnh mẽ, đề cao những giải pháp, công năng là tác phẩm của những kiến trúc sư người Việt sáng giá.
Bản sắc không gian “kiểu Đà Lạt”
[links()]
Có hai mảng chính kiến tạo nên diện mạo di sản kiến trúc Đà Lạt: mảng công trình thời thuộc địa (xây dựng từ 1916(1) đến giữa thập niên 1940) mang sắc thái cổ kính, hoa mỹ và ấm cúng của vùng Trung, Bắc Âu do phần lớn kiến trúc sư và nhà quy hoạch Pháp thiết kế và mảng kiến trúc hiện đại xuất hiện từ 1954-1975 hình thái mạnh mẽ, đề cao những giải pháp, công năng là tác phẩm của những kiến trúc sư người Việt sáng giá.
Và không chỉ có vậy…
Biệt thự, chuyện cũ luôn mới
Phần lớn mảng di sản kiến trúc đô thị Việt Nam rơi vào hình thái kiến trúc thời thuộc địa, hay còn gọi là phong cách Indochine. Một trong những nét phổ quát, đó là tính pha trộn hài hòa giữa kiến trúc châu Âu với một số yếu tố bản địa phương Đông, hướng tới sự phù hợp với điều kiện văn hóa, thổ nhưỡng, thời tiết từng vùng.
Đà Lạt có một “bộ sưu tập đồ sộ”; trên 1.300 biệt thự, theo ông Lê Phỉ
(2), người gắn bó lâu năm, có nhiều tư liệu về Đà Lạt. Nhưng với một “thang độ” thời tiết của vùng ôn đới, các công trình này không nặng tính “bản địa nhiệt đới” như kiến trúc Indochine ở Hà Nội và Sài Gòn; thậm chí, trong một số khung cảnh quy hoạch, đã chấp nhận cả sự đồng hiện văn hóa kiến trúc xứ lạnh châu Âu, cụ thể là miền Bắc Pháp tại đô thị nhỏ bé này.
|
Trường Grand Lycée Yersin nay là Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: NVN |
Thập niên 1940, trong quy hoạch Đà Lạt, sâu xa vẫn có sự phân biệt giữa khu vực cư trú của người Pháp thượng đẳng, sở hữu các biệt thự, làm việc tại các công thự trên những tuyến đường hình rẻ quạt phía Nam mặt chính hướng ra phía hồ Xuân Hương, núi Bà với những xóm người Việt xuôi về phía Bắc, hướng ra Đa Thành (Đa Thành ban đầu được người Pháp gọi là “khu An Nam”, lập từ năm 1942, thu hút khoảng 2.000 người Việt, sau ấp Hà Đông, thành lập năm 1938).
Một đô thị thống nhất hay đa dạng về mặt kiến trúc, thiên về tính công nghiệp hay hoa mỹ, “Tây hóa” hoàn toàn hay pha trộn tính bản địa? Ernest Hébrard, đã giải đáp câu hỏi đó cụ thể bằng bản quy hoạch năm từ 1923. Cây bút nghiên cứu lịch sử kiến trúc đô thị ở đại học Columbia Gwendolyn Wright cho rằng, với bản quy hoạch trên, Ernest Hébrard tạo ra “một hệ thống hết sức hài hòa qua một phong cách kiến trúc được cho là hiện thân của lý trí khoa học và dung nạp văn hóa, hàm ý một sự cân bằng hoàn hảo giữa quá khứ và tương lai, mỹ học và công nghiệp, nghệ thuật cao và tính chất bản địa”
(3).
Qua hai đợt quy hoạch tiếp theo, Louis-Georges (1932) và Jeacques Lagisquet (1942), vào năm 1944, thời cực thịnh trong xây dựng đô thị Đà Lạt giai đoạn thực dân, số lượng “biệt thự Tây” ở Đà Lạt tăng mạnh - “nơi đây đã có 750 biệt thự tư nhân, nhiều cơ quan chính phủ, các dinh cơ mùa hè của vua An Nam, của toàn quyền Đông Dương, của những chức sắc hàng đầu Trung Kỳ và Nam Kỳ, và một sân golf”
(4).
Là một thành phố giáo dục, ngoài những công trình giáo dục, tôn giáo cổ kính như: tháp Grand Lycée Yersin (xây dựng năm 1927, nay là Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), Nhà thờ Chánh tòa (1942), Trường Counvent des Oiseaux (1935, nay là Trường THPT Dân tộc Nội trú), Trường Thương mãi Franciscaines (1969, nay bỏ hoang),… thì không gian biệt thự, công thự Đà Lạt được tính toán chặt chẽ đề cao sự thân thiện với môi trường tạo ra những không gian sinh thái đô thị hoàn hảo được xây khoảng thập niên 1930-1940 trên những con đường Roses (nay là Huỳnh Thúc Kháng), Canivey (Lê Lai), Paul Doumer (Trần Hưng Đạo)
(5)… có thể xem là kiểu mẫu trong hệ quy chiếu di sản kiến trúc dân dụng của Đà Lạt.
Tiếc thay, qua thời gian, nhiều trong số đó đã xuống cấp nghiêm trọng. Thời bao cấp và đầu Đổi Mới, chúng được tận dụng, cắt xẻo làm nơi nuôi gia súc, chỗ trú ngụ của cán bộ công chức, người nhập cư tự do sang nhượng dễ dãi cho mãi đến đầu những năm 2000 thì mới có đợt hệ thống, bố trí sắp xếp lại; một số từng là công sở nhà nước; một số khác sau đó (2013) nằm trong nguồn quỹ biệt thự cổ đã được “thanh lý” để đem về nguồn thu, xây dựng những công sở mới - mà xét về phương diện kiến trúc - chúng “chẳng có họ hàng phả hệ gì”.
Một không gian biệt thự cổ (trên dưới 100 năm) phong phú nhưng lại chưa có một thống kê chính xác và chi tiết cũng như hồ sơ cụ thể của từng ngôi, để từ đó có chính sách bảo tồn, khai thác nhịp nhàng và minh bạch. Sự lúng túng, thiếu minh bạch trong hành xử với quỹ biệt thự cổ sẽ tiếp tục làm nguồn tài nguyên này thất thoát, biến dạng, xuống cấp và dĩ nhiên là vô cùng lãng phí.
Phía sau khung cảnh u hoài và tịch mịch, những huyền thoại kiểu “biệt thự ma” tha hồ được thêu dệt, càng làm cho số phận các công trình bị nhấn chìm mỗi lúc một sâu vào sương mù quên lãng.
Dệt giấc mộng về không gian sống
Giai đoạn 1954 đến 1975, Đà Lạt là đất sáng tạo của những kiến trúc sư (KTS) tài năng. Những KTS hàng đầu của miền Nam Việt Nam có công trình ở đô thị này. Đó là KTS Huỳnh Tấn Phát từng tham gia thiết kế Dinh 3 để lại dấu ấn hiện đại, tuyệt mỹ, KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế chợ Mới, KTS Võ Đức Diên thiết kế Lữ quán Thanh niên và Lao động (1961), KTS Tô Công Văn, GS Đại học Kiến trúc Sài Gòn thiết kế và xây dựng Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X Đà Lạt (1961)… Đặc biệt, KTS Ngô Viết Thụ, một cựu học sinh của Trường Grand Lycée Yersin, cựu sinh viên Trường Dự bị Kiến trúc Đà Lạt sau khi du học Trường Mỹ thuật quốc gia Paris, chủ nhân giải kiến trúc Khôi nguyên La Mã (1955) đã trở lại Đà Lạt cống hiến giải pháp đường nối chợ với khu Hòa Bình, tạo ra khung cảnh mặt tiền sống động, hài hòa và khu nhà hàng quanh chợ. Ông Thụ cũng là tác giả của Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt… Ông là con rể của cụ Võ Quang Tiềm, một trong những doanh nhân hàng đầu Đà Lạt giai đoạn 1960-1975.
Đà Lạt từng là một nơi lý tưởng để các kiến trúc sư tài năng miền Nam “dụng võ”, sáng tạo trong thời trào lưu kiến trúc modernisme (hiện đại) thịnh hành. Đây là thời gian kiến trúc Đà Lạt từ dân dụng nhà phố đến công cộng đề cao công năng, hiện đại, mạnh mẽ, gần với “tinh thần Mỹ”. Dù diễn ra trong một giai đoạn ngắn, chỉ 21 năm (1954-1975), trong một sinh quyển văn hóa do chính người Việt tạo ra trên vùng đô thị này, nhưng kết tinh nhiều công trình giá trị đứng vững qua thời gian.
Tuy nhiên, ngoài những di sản kiến trúc đô thị trung tâm đô thị, thì vùng ngoại đô với không gian kiến trúc nhà vườn truyền thống Đà Lạt là một mảng ít được đề cập đến. Việc khảo sát lại hình thái đặc thù của không gian sống này trong bối cảnh một thành phố nông nghiệp ôn đới có lẽ cần làm sớm, trước sự bê tông hóa và nông nghiệp công nghệ cao nhà lồng đang đẩy những nếp nhà gỗ mộc mạc, khoảng sân nhỏ thơ mộng tĩnh tại giữa những vườn rau xanh về phía thăm thẳm hoài niệm.
Như vậy, nhìn lại tiến trình lịch sử, Đà Lạt như một nơi để từ người Pháp đến người Việt hiện thực hóa giấc mơ về một không gian đô thị, không gian sinh hoạt xã hội và không gian cư trú. Chính yếu tố “dệt mộng”, lý tưởng hóa trong kiến trúc đã tạo ra linh hồn của nơi chốn cho đô thị này.
(1) Tính từ mốc ngày 30/5/1916, khâm sứ J.E.Charles ký quyết định thành lập thị trấn Đà Lạt và cũng trong năm này, Toàn quyền Roune cho xây một khách sạn lớn.
(2) Kỳ Nam. Du xuân ngắm biệt thự cổ Đà Lạt. Người Lao Động Online ngày 11/2/2016.
(3) Dẫn theo Eric T. Jennings, 2015. Đỉnh cao Đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp. Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch, Trần Đức Tài hiệu đính. TP.HCM: ĐH Hoa Sen & NXB Hồng Đức.
(4) Eric T. Jennings (2015). Sách đã dẫn. Trang 221.
(5) Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (2003). Đường phố Đà Lạt. NXB Đà Nẵng.
Đón đọc kỳ tới: Thành phố trí thức và sáng tạo
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN