Đi sâu vào nguồn tài nguyên nhân văn của một đô thị, thì đặc thù tâm tính thị dân là một mảng không thể bỏ qua. Khi nói: "Người Đà Lạt hiền hòa, nhỏ nhẹ, kín đáo, lịch lãm" nghĩa là ta đang chạm đến tâm hồn của thành phố, nhạy cảm và ẩn mật.
Nếp sống và ký ức cộng đồng
[links()]
Đi sâu vào nguồn tài nguyên nhân văn của một đô thị, thì đặc thù tâm tính thị dân là một mảng không thể bỏ qua. Khi nói: “Người Đà Lạt hiền hòa, nhỏ nhẹ, kín đáo, lịch lãm” nghĩa là ta đang chạm đến tâm hồn của thành phố, nhạy cảm và ẩn mật.
|
Tác giả trong một chuyến khảo sát kỷ vật Đà Lạt tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng (Ảnh Tư liệu) |
Hài hòa để chung sống
Tâm tính thị dân Đà Lạt được bồi tụ ra sao? Xin ngược về quá khứ để nhận diện sự xuất hiện của người Việt tại thành phố này.
Những người Việt đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt với tư cách cá nhân, là các tội nhân. Thay vì bị đày đọa, lao lý, họ được người Pháp cho lên vùng cao nguyên mới phát hiện để làm phu, phục dịch; ngoài ra, đó còn là những người lính khố xanh đi theo các đồn trưởng để áp tải nhóm tội nhân bị coi “bất hảo”. Ngoài ra, còn có thành phần con buôn người Việt từ đồng bằng Phan Rang, Sài Gòn, người Trung Hoa lên mua bán đổi chác với người bản địa.
Các nhóm trên sống rải rác ở khu ấp Ánh Sáng, Trại Hầm…
(1)
Mãi đến 1938 thì ông Hoàng Trọng Phu mới tổ chức một đợt di dân quy mô; đưa dân từ Nghi Tàm, Tây Thu, Quảng Bá, Ngọc Hà, Văn Phúc, Xuân Thảo (thuộc Hà Đông) vào lập ấp Hà Đông (200 người vào năm 1942)
(2). Hai năm sau, ấp Nghệ Tĩnh được thành lập cạnh đó, thành phần cư dân chính là người Nghệ Tĩnh.
Hà Đông và Nghệ Tĩnh là hai ấp nông nghiệp đầu tiên ở Đà Lạt. Lịch sử hình thành các vùng này cùng với đặc thù tổ chức mô hình làng ấp truyền thống đã tạo ra một khuôn mẫu những nhóm cư dân thuần nhất ở vùng vành đai thành phố về sau. Khu vực cư dân Xuân Thọ, Đa Thiện… cũng được hình thành qua việc chính quyền tổ chức các cuộc di dân ồ ạt sau một số biến động lịch sử, như: 1954 (1.000 dân nhập cư mới), 1955 (Dụ 21 đặt dấu chấm hết cho Hoàng triều cương thổ, kéo theo sự cho phép nhập cư tự do; thời kỳ này người Quảng Nam, Quảng Ngãi đến lập nghiệp khá đông).
Chính việc tổ chức các ấp định cư cho dân theo kiểu nhóm “địa phương”, cái được là tạo nên sự hài hòa thuần nhất, nhưng nhược điểm là duy trì tính cục bộ địa phương theo từng vùng (điều này sẽ là một “nếp xấu”, gây hệ lụy lớn về sau, phá vỡ nhiều trật tự giá trị đô thị ở Đà Lạt).
Ngoài sự thuần nhất của các vùng cư dân ở khía cạnh hương tục, còn có sự thuần nhất về tôn giáo. Các xứ đạo, giáo khu Công giáo được thành lập kể từ 1954 mở ra các vùng vành đai hiền hòa.
Cư dân đồng nhất về nghề nghiệp, đời sống tâm linh, hương tục, lại là di dân trên thành phố mới có kiểu thời tiết lạnh giá nên họ cũng là những người phải hòa đồng, nương tựa, đối đãi với nhau bằng sự tử tế, tạo nên không gian ấm áp để cùng tồn tại. Đặc biệt là sinh tồn trong cộng đồng người Việt trước sức ép chính trị, sự phân biệt đối xử về vùng cư trú của người Pháp, sự cạnh tranh làm ăn của người Hoa).
Đất đai miền núi tốt tươi trù phú dưới bàn tay cần lao của những thị dân có truyền thống nông nghiệp lâu đời ở các vùng đồng bằng khắc nghiệt đã tạo nên một mảng sống nông thôn trong đô thị an lành, sung túc, nhàn dật.
Người nhập cư cũ tiếp đón, bảo bọc người nhập cư mới với một sự tương thông, hỗ trợ, bao dung. Chính điều này làm nên sắc thái dễ chịu của xã hội Đà Lạt trong quá khứ.
Dịch vụ cho người giàu và trí thức
Học hỏi, thừa hưởng nếp sống từ một cộng đồng cư dân người phương Tây thượng lưu, công chức trước đó (năm 1944, Đà Lạt có 5.600 người Âu; năm 1951, còn lại 1.200 người). Sự lịch lãm, tư duy hoa mỹ, hướng tới những giá trị tinh thần kiểu phương Tây ít nhiều có ảnh hưởng đến lối sống lịch thiệp của người Đà Lạt.
Đà Lạt là một đô thị nghỉ dưỡng cao cấp và là một thành phố giáo dục, trí thức tinh hoa, cho nên, hệ thống dịch vụ dân sinh được thiết lập nương theo/ đáp ứng những nhu cầu của người đến ăn học, nghiên cứu, thư nhàn. Người trẻ, là sinh viên, học sinh, công chức đã có lúc lên đến trên một nửa tổng dân số. Không bon chen tranh đoạt vật chất mà hướng đến giá trị tinh thần; giao dịch, tương thông với lớp người có học thức, thượng lưu cũng làm nên đời sống dịch vụ coi trọng sự nền nã, đạo lý của người Đà Lạt hôm qua.
Một “tâm quyển” lý tưởng, giúp cho thành phố vốn dĩ đã đứng xa mọi chộn rộn thế cuộc, còn đủ kháng thể để tự nội trị được những phát sinh từ bên trong.
Tìm trong lãng quên…
Ký ức cộng đồng được coi là một mảng di sản đặc biệt trong đời sống đô thị. Vì đô thị vốn dĩ đối diện với những cuộc vật đổi sao dời nhanh chóng nên điều lưu lại trong tâm thức cư dân (các microhistory, vi lịch sử hay tiểu tự sự) sẽ giúp ta tái hiện và tìm thấy chân dung đô thị ngày đã qua.
Cũng như tâm tính tốt đẹp của người Đà Lạt cũ bị bỏ quên, không được nhắc nhủ giữ gìn, cũng như những di sản ngôn ngữ, hình ảnh thuộc nhóm di sản tư liệu (documentary heritage) đang bị đóng kín, xuống cấp trong các phòng đọc hạn chế của thư viện và trong những kho sách gia đình trí thức “thất truyền”, mảng ký ức đô thị trong dân của Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ chìm trong quên lãng. Việc điền dã đô thị gần đây với Sài Gòn, Hà Nội đang được tiến hành bởi các học giả, văn sĩ uy tín, nhưng tìm kiếm những cây bút đi ghi chép lại những câu chuyện phố phường Đà Lạt (đặc biệt, lịch sử giai đoạn 1954-1975) là vô vọng. Trong khi thế hệ những người của “muôn năm cũ” từng trải nghiệm qua những thăng trầm của thành phố thì đang “gần đất xa trời”.
Cùng với sự thay đổi nhanh chóng bề mặt, ký ức Đà Lạt cũng đang “mỏng đi” qua thời gian. Chính sự “kín đáo” vốn dĩ là một phần tính cách tốt đẹp của cư dân đã trở thành mối quan ngại cho hành trình về quá khứ của người khảo cứu, nhưng quan ngại hơn vẫn chính là những rập rình, trì trệ nào đó trong cơ chế quản lý văn hóa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh trước đây có nỗ lực thực hiện một tủ sách tư liệu lịch sử về Đà Lạt nhưng đó là một hành trình quá đỗi đơn độc của một tình yêu thầm lặng. Sự thúc đẩy một kho tri thức về đô thị, từng cá nhân thôi chưa đủ, mà cần đến những nỗ lực tự nhấc mình lên trong của chính sách phát triển văn hóa, khuyến khích tiếng nói chuyên gia. Văn hóa Đà Lạt cần một cộng đồng nghiên cứu ở nhiều mảng di sản, không chỉ dừng lại ở một ông Nguyễn Hữu Tranh hay ông Lê Phỉ. Cần sự mở lòng tiếp nhận, xử lý tốt nguồn tài nguyên trong giới nghiên cứu và người dân.
Sự “mất kết nối” với di sản quá khứ, đứt gãy trong ý hướng phát triển vài chục năm qua cùng quá trình mai một của ký ức cộng đồng diễn ra hàng ngày, đang làm bạc màu tâm hồn của Đà Lạt ở thì hiện tại.
Vĩ thanh
Nhưng người viết vẫn muốn khép lại loạt bài với một câu chuyện lạc quan; như một tín hiệu mở ra giai đoạn Đà Lạt tự vấn và nhận thức lại giá trị của mình: sự xuất hiện của Phòng trưng bày kỷ vật Đà Lạt tại Dinh tỉnh trưởng cũ nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng từ 2015. Được biết, khi có chủ trương kêu gọi mở nhà trưng bày, nhiều người dân, học giả, nhà sưu tập, hiệu buôn trong thành phố đã mang đến hiến tặng trên 1.000 kỷ vật gia đình, hình ảnh, công cụ sản xuất, kinh doanh…
Điều đó cho thấy, đã đến khi chính người Đà Lạt mở lòng muốn được kể/nghe kể câu chuyện về thành phố của mình, để những giá trị căn tính Đà Lạt được truyền trao, giữ gìn trước những cuộc đổi thay lớn mà thành phố đang, sẽ đối diện.
(1) Phạm Văn Lưu, Khái lược về sinh hoạt nhân văn và kinh tế của Đà Lạt, Tập san Sử Địa, Chuyên đề Đà Lạt, số 23+24, năm 1971.
(2) Hoàng Trọng Phu (1872-1946), Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Bản xứ Bắc kỳ trong thời Pháp thuộc.
Nguyễn Vĩnh Nguyên