Lễ tang Bác ở trong tù

09:09, 01/09/2016

Cách đây gần 50 năm, vào những ngày tháng Chín lịch sử, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Trong toàn dân cùng để tang Bác, có những cô gái chàng trai trẻ tuổi sống trong cảnh tù đày được ví với "địa ngục trần gian" cũng để tang Người. Họ để tang Bác và nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Cách đây gần 50 năm, vào những ngày tháng Chín lịch sử, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Trong toàn dân cùng để tang Bác, có những cô gái chàng trai trẻ tuổi sống trong cảnh tù đày được ví với “địa ngục trần gian” cũng để tang Người. Họ để tang Bác và nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
 
Chị Thiều Thị Tân (bên phải) và chị Thiều Thị Tạo
Chị Thiều Thị Tân (bên phải) và chị Thiều Thị Tạo

Tù nhân để tang, cai ngục thương Bác
 
Những ngày cả nước để tang Bác vẫn ghi nhớ sâu sắc trong tâm trí AHLLVT Lê Thị Thu Nguyệt. Cô Nguyệt kể, trước ngày Bác mất, trong nhà tù Thủ Đức, các tù binh chính trị vừa cướp chính quyền trong nhà tù được 3 tháng thì bọn cai ngục, trật tự dùng lựu đạn cay, vôi bột uy hiếp lại. Giành lại được quyền làm chủ trong nhà tù nhưng chúng không dám thể hiện thái độ căng thẳng quá vì ngại sự phản kháng của tù nhân. Được vài ngày sau, vào sáng 5/9, khi chị em đang ngồi tập hát thì thấy trưởng khu Đỗ Mạnh Trí đến bên ngoài song sắt. Gã nhìn khắp một lượt, thở dài bắt chuyện: “Nè, mấy chị ơi, Cụ Hồ chết rồi”. 
 
Gã nói xong, lặng im đứng nhìn các chị xem phản ứng ra sao. Hàng chục ánh mắt ngơ ngác nhìn qua nhau dò hỏi. Không ánh mắt nào có câu trả lời. Hết thảy chị em dồn ánh mắt giận dữ về tên cai ngục, la ó: “Cút đi. Ông đừng nói tầm bậy”. Đỗ Mạnh Trí mở cửa phòng, đi vào rồi nói bằng vẻ mặt buồn buồn, sẻ chia thực sự: “Tôi xin thề với các chị đó là sự thật”. Tên cai ngục còn giơ tay lên trời thề trịnh trọng.
 
“Không giấu các chị, dù tôi là người của phía quốc gia nhưng tôi cũng như các chị em, đều rất kính trọng và khâm phục Cụ Hồ. Tôi không dám nói dối điều ấy. Tôi chỉ muốn báo tin cho các chị biết” - Sau khi nói điều này, gã buông tay xuống và cúi đầu đi ra, chị em ngơ ngác nhìn nhau, tất cả đều lộ rõ nỗi lo lắng trên khuôn mặt nhưng không biết làm cách nào để xác nhận tin Bác mất là có thật hay không.
 
Các chị lớn tuổi ra sát chấn song cửa dùng quạt giấy ra kí hiệu hỏi các anh tù chính trị bên phía đối diện. Cách một khoảng sân rộng, bên đó ra hiệu cũng đang bán tín bán nghi. Một chốc, để xóa bớt căng thẳng, những chị lớn tuổi cố tìm cách an ủi đám thanh niên đừng tin vào lời nói kẻ địch. Dù lòng dạ ai cũng rối bời và chỉ cầu mong đó là những lời bịa đặt.
 
Sáng hôm sau, một số người có người nhà đến thăm nuôi báo tin Bác mất. Các chị nhận được tin ấy lúc quay lại nhà giam, đi ngơ ngẩn như người mất hồn. Có chị đánh rơi cả đồ ăn thăm nuôi, khi về đến phòng trên tay chỉ còn chiếc túi rỗng. Lúc ấy, tên Trí cũng đã đến đứng bên ngoài cửa. Hắn cũng cầm theo tờ báo xác minh sự thật: “Này xem đây, tôi có nói dối các chị đâu, Cụ Hồ mất thật rồi mà”. Mắt tên cai ngục lộ vẻ buồn rầu thực sự. Bài báo có chụp rõ hình ảnh Bác Hồ nằm thiêm thiếp trong hòm kính. Bác như vừa đi ngủ thôi. Các chị em òa khóc. Ôm nhau khóc. Người này gục mặt lên vai người kia mà nức nở. Không khí trong trại trở nên náo loạn. Tên Trí không nói gì, lui ra với một thái độ kính cẩn.
 
Suốt buổi sáng mọi người chỉ ngồi khóc, đến chiều, các chị lớn tuổi họp và bàn phải tổ chức lễ truy điệu Bác đồng thời để tang trong toàn thể tù chính trị. Thời gian để tang một tuần. Các anh nam giới tổ chức để tang Bác bằng cách gắn một miếng vải đen lên ngực trái, còn chị em thì chít khăn trắng như để tang cho cha mẹ mình. Các chị phải huy động cả những cuộn băng vết thương cá nhân xin được từ các chị y tá để làm khăn tang. Một nhóm các chị lớn tuổi thành lập tổ viết điếu văn. Viết đến đâu, sau khi thống nhất nội dung, các chị phải học thuộc ngay, vì đề phòng lúc đang truy điệu bọn địch xông vào cướp lấy bản điếu văn thì lúc đó sẽ có người đọc điếu văn đã học thuộc.
 
Khó khăn nhất trong phòng giam là việc lập bàn thờ và treo cờ. Sau khi bàn bạc, các chị quyết định, nếu địch xông vào thì phải liều chết giữ cho được khăn tang trên đầu và bàn thờ Bác trong phòng. Lễ truy điệu Bác sẽ diễn ra trong vòng một tuần, nghĩa là sáng nào cũng có chào cờ, hát Quốc ca, hát bài Hồn tử sĩ, đọc điếu văn và sau đó kể các câu chuyện mà mọi người biết được về Bác Hồ.
 
Đêm 6/9, cả nhà giam không ai ngủ được. Đám thanh niên trẻ, người thì lo cắt chữ, người thì lo viết điếu văn, người lo bố trí bày biện bàn thờ. Những hộp cạc-tông thường đựng đồ cá nhân được đưa ra dựng ngược lại, phủ mền lên làm bàn thờ Bác. Trên bàn thờ có một bình hương, một bình hoa làm bằng giấy màu, hai bên có treo khẩu hiệu. Lá cờ Tổ quốc cũng được làm bằng giấy và nền quét phẩm đỏ, ngôi sao cũng được cắt bằng giấy vàng. 
 
Sáng hôm sau, khi trời mờ sáng, tiếng gà gáy sáng còn thưa thớt, chị em đã thức dậy bắt đầu chuẩn bị làm lễ truy điệu. Hơn 6 giờ sáng việc chuẩn bị đã xong, mọi người chỉnh tề với áo quần bà ba đen. Cai tù sửng sốt khi thấy trong tất cả các biệt giam nóng bức đến nỗi người tù lẽ ra chỉ mặc quần cộc, áo cánh, nhưng hôm ấy đều mặc quần áo chỉnh tề. Trên ngực người nào cũng gắn một mảnh tang trắng. Lập tức, nhà tù huy động lực lượng xông vào hoạnh họe: “Các bà để tang ai?”. Thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi để tang Bác Hồ!”. Và dù đàn áp bất cứ hình thức nào, đám cai tù vẫn không thể ngăn chặn được những tù nhân dũng cảm để tang người cha già kính yêu suốt một tuần lễ trong nhà tù.
 
Cắt mạch máu để tang Bác
 
Câu chuyện để tang Bác của cô Thiều Thị Tạo được nhiều người nhắc tới. Hiện nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh phía Nam, tấm áo của cô Thiều Thị Tạo mặc để tang Bác ngày nào vẫn được gìn giữ, giới thiệu cho nhiều lượt khách tham quan. Đằng sau chiếc áo ấy là câu chuyện cảm động.
 
Thiều Thị Tạo và em gái Thiều thị Tân bị bắt khi còn là những cô học sinh tuổi 15, 18 còn ngồi trên ghế nhà trường. Tân và Tạo là hai cô học sinh ưu tú trường Marie Cuirie, gia đình nổi tiếng giàu có ở khu chợ An Đông nhưng sớm giác ngộ hoạt động cách mạng. Năm 1968, Tạo mới 18 tuổi, còn Tân mới 15 tuổi đã là đội trưởng và đội phó Đội vũ trang tuyên truyền F100 - Ban binh vận Sài Gòn - Gia Định. Cả hai bị bắt do chính quyền Sài Gòn “treo giải” sẽ thưởng chính căn nhà của cộng sản cho người tố cáo được cộng sản. Một người quen của gia đình Tân - Tạo làm việc trong Nha Cảnh sát tham lam tố cáo.
 
Cô Tạo và cô Tân tham gia cùng các chị em trong nhà tù để tang Bác. Đây cũng là dịp để các tù nhân thể hiện tinh thần phản kháng, chiến đấu của mình trong chế độ nhà tù khắc nghiệt. Đáp lại, những tay lính tìm cách trả đũa bằng cách vừa đổ vôi bột từ trên nóc buồng giam xuống, vừa kéo người vừa đánh đập, khiến cho máu tràn ra từ cổ tay nữ tù nhân và thấm vào vôi đặc quánh. 
 
Lúc phía địch giằng co lột tang Bác trên người những nữ tù nhân, Tạo nhìn thẳng mặt tên trưởng nhà tù Thủ Đức hét lớn: “Dương Ngọc Minh! Mày chỉ có thể đụng đến tang Bác trên xác chết của tụi tao thôi!...”. “Trời ơi! Con Tạo, con Tân nó cắt tay tự sát!” - Một trật tự viên hoảng hốt khi nhìn dòng máu tứa ra cổ tay Tân, Tạo. Dương Ngọc Minh nhanh chóng sai lính tìm, tước hết đồ bén nhọn trong người những nữ tù vì sợ họ có thể theo gương hai cô gái trẻ thì sẽ rất nguy cho chỗ ngồi của hắn. 
 
Tưởng không vượt qua được, Tạo dùng tay thấm máu viết lên tường nhà: “Tân, Tạo hy sinh… để tang Bác”. Vết thương của Tân nhẹ hơn nên không bị mất máu nhiều. Tạo bị kiệt sức, suy nhược cơ thể, nên được đưa về Bệnh viện Chợ Quán chữa trị. Nhằm lúc địch nhốn nháo vận chuyển chị mình đi nhà thương, Tân giấu chiếc còng tay và chiếc áo thẫm máu của Tạo gửi cho mẹ đưa ra ngoài, để làm bằng chứng đấu tranh đòi thả tự do cho hai con.
 
Má Chín Bình, mẹ của Tân, Tạo lúc này đang là thành viên tham gia đoàn phụ nữ yêu hòa bình ở Sài Gòn, liền đưa chính chiếc còng tay và tấm áo thấm máu của con gái mình làm minh chứng hùng hồn cho những bất công, tàn nhẫn diễn ra trong nhà tù chính quyền Sài Gòn. Minh chứng ấy cùng với câu chuyện dũng cảm, sống động về những người trẻ tuổi dám dùng cả tính mạng của mình để chiến đấu và thể hiện lòng yêu kính lãnh tụ đã góp thêm sức mạnh cho làn sóng đấu tranh vì hòa bình cả trong và ngoài bức tường nhà tù.
 
VÕ THU HƯƠNG (Ghi theo lời kể của AHLLVT Lê Thị Thu Nguyệt và cô Thiều Thị Tân - Thiều Thị Tạo)