Hai thứ đặc biệt trên Tàu Không số

09:10, 20/10/2016

Cách đây không lâu, chúng tôi tìm gặp được cựu thủy thủ phụ trách hỏa lực Tàu Không số (TKS) - Đại úy Trần Hậu Vệ (người đã trực tiếp tham dự 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam trong những năm từ 1964 đến 1971) khi ông đang điều dưỡng sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). 

Cách đây không lâu, chúng tôi tìm gặp được cựu thủy thủ phụ trách hỏa lực Tàu Không số (TKS) - Đại úy Trần Hậu Vệ (người đã trực tiếp tham dự 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam trong những năm từ 1964 đến 1971) khi ông đang điều dưỡng sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Biết chúng tôi muốn nghe về TKS, ông hào hứng hẳn lên: “Đoàn TKS - Lữ đoàn Hải quân Việt Nam 125 đã ký thác vào lịch sử dân tộc ta và lịch sử quân sự thế giới một hiện tượng kỳ lạ, một biểu tượng đặc sắc, huyền thoại như cổ tích: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong vô vàn kí ức về Đơn vị anh hùng ấy, có nhiều chi tiết mà không phải ai cũng đã nghe, đã biết. Thí dụ, chuyện sử dụng “quan tài” và tiền mặt trên TKS (ở đây là tiền để cán bộ, thủy thủ tàu chi tiêu sinh hoạt khi cần thiết, không đề cập tới tiền “Hàng đặc biệt” được đưa vào Nam cho Quân giải phóng)”. Sợ ông mệt, lại vì bác sĩ không cho ông nói chuyện lâu, nên chúng tôi “tóm” luôn cái thí dụ mà ông vừa nêu. Một số bệnh nhân thấy vậy cũng chăm chú nghe ông kể…
 
Thủy thủ Tàu Không số chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, dũng cảm, táo bạo vượt qua sóng gió, vượt qua sự phong tỏa ác liệt, gắt gao của kẻ thù. Họ nắm vững và thành thạo mọi việc trên tàu để làm tròn nhiệm vụ, kể cả giành nhau ở lại cùng con tàu chịu sự công phá của thuốc nổ để nát vụn, giữ bí mật tuyệt đối con đường vận chuyển chiến lược ấy, góp phần bảo vệ sinh mạng của Tổ quốc và nhân dân. Song, có hai thứ mà các thủy thủ không được nhìn thấy, thậm chí không bao giờ biết đến sự tồn tại của nó trong hành trình, nếu như chuyến đi nào cũng trót lọt, “thuận buồm xuôi gió”. Đó là “quan tài” và tiền mặt. 
 
“Quan tài” là những túi nilon. Trong trường hợp sự cố xảy ra trên biển, có người hi sinh, thi hài được đưa vào túi đó rồi thả xuống nơi gần bờ nhất, đồng thời chỉ huy tàu liên lạc với cơ sở cách mạng của ta ở vùng đó để tìm đón. 
 
Tiền mặt (chủ yếu là tiền do Ngụy quyền Sài Gòn phát hành) được sử dụng theo một kế hoạch chặt chẽ nhằm tính kế lâu dài. Trên TKS không có tiêu tiền. Đồ ăn, thức mặc và các thứ thuộc nhu yếu phẩm đều được bộ phận hậu cần bảo đảm chu đáo đúng quy định, theo chỉ lệnh của chỉ huy đoàn. Tiền chỉ được sử dụng trong trường hợp cán bộ, thủy thủ rời tàu, bước vào cuộc sống trên đất liền. 
 
Khi tàu cập bến, do phải giữ bí mật nên cán bộ, thủy thủ TKS mặc dù ở ngay quê hương mình mà vẫn phải giấu mặt, không được trực tiếp giao dịch với xung quanh. Có đồng chí ra Bắc tập kết, xa quê hương, xa nhà đã gần chục năm, nay về lại mảnh đất chôn rau cắt rốn mà không được lên bờ. Có đồng chí bất ngờ nhìn thấy vợ trong đoàn dân công ra nhận vũ khí, đã lánh mặt, giống như trường hợp thủy thủ Tống Thành Lập 20 tuổi, trên Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí cập bến Lộc An (Sông Ray) thuộc tỉnh Bà Rịa đêm 22/12/1964, nhìn thấy người yêu mình ra bốc vũ khí mà phải lẳng lặng xuống khoang tàu, ngậm ngùi nhìn qua cửa sổ... Trong điều kiện như thế, tiền được chuyển tới cơ sở quân giải phóng ở bến, nhờ mua giúp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh…, chờ bốc dỡ vũ khí xong thì nhổ neo, ra Bắc. 
 
Nếu tàu bị quân địch bao vây, cán bộ và thủy thủ ta kiên trì đến cùng. Bất khả kháng thì Cấp ủy quyết định cho thủy thủ rời tàu; một đồng chí chỉ huy và máy trưởng ở lại để chiến đấu với địch cho đến lúc buộc phải hủy tàu, kiên quyết không để địch bắt sống tàu. Những người còn sống lên bờ, lẩn vào rừng tìm cách liên lạc, rồi nhập vào quân giải phóng. Nếu vì một lý do nào đó, không tìm được quân giải phóng, phải lưu lạc hàng tháng trời, thậm chí tới hơn nửa năm… thì ngoài việc mua đồ ăn, còn phải mua quần áo, giày dép cho phù hợp với thương gia, hoặc tiều phu, đi nương, làm rẫy… 
 
“Quan tài” và tiền được cất ở đâu trên Tàu Không số? Bình thường không ai biết. Ấy là do cấp trên giao đồng chí Chính trị viên - Bí thư chi bộ tàu trực tiếp nhận và bảo quản, chính trị viên hi sinh thì cấp ủy chi bộ tàu lại giao cho một chi ủy viên khác. Nếu chi ủy viên và cán bộ tàu hi sinh hết thì một thủy thủ giữ. Quá trình chuyển giao được xét theo thứ tự ưu tiên về chức vụ, uy tín, bản lĩnh… của anh em trong tàu.
 
Nhờ sự quản lý và tổ chức chi tiêu chặt chẽ mà tàu 69 cập bến Cái Bầu (Cà Mau) đêm 23 rạng 24/4/1966 gặp địch giăng đầy tàu chiến ở các cửa, phải chờ gần 9 tháng sau mới nhổ neo… vẫn bảo đảm mọi sinh hoạt bình thường; 13 thủy thủ tàu 41 còn sống sau khi hủy tàu ở bến Đức Phổ (Quảng Ngãi) rạng ngày 27/11/1966 dìu nhau đi về hướng Tây, vẫn duy trì cuộc sống và bốn tháng sau đã vượt hết dãy Trường Sơn để trở lại miền Bắc; 5 thủy thủ còn sống (15 người đã hi sinh, trong đó có thuyền trưởng Phan Vinh) thuộc tàu 235 (hủy đêm 1/3/1968 tại biển Nha Trang) đã vượt núi băng qua đại ngàn Trường Sơn, 6 tháng sau trở lại được miền Bắc… Và nhiều trường hợp khác nữa, cán bộ, thủy thủ đã qua được biết bao gian nan vất vả để trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ, tô thêm trang sử vàng truyền thống của Đoàn Tàu Không số anh hùng.
 
Tạm biệt ông Vệ, chúng tôi mang theo trong mình cảm xúc đặc biệt về những điều ông vừa kể và cả sự nhiệt huyết của ông. Bất giác tôi thấy văng vẳng bên lòng câu hát “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình /Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá / Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước / Tôi lắng nghe! Tôi lắng nghe… Tổ quốc gọi tên mình”!
 
PHẠM XƯỞNG