Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đại diện cho BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1951-1954 và 1961-1975 (từ 1964 thuộc địa bàn B2). Năm 1973, căn cứ Trung ương Cục miền Nam được chuyển về tại Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh
Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đại diện cho BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1951-1954 và 1961-1975 (từ 1964 thuộc địa bàn B2). Năm 1973, căn cứ Trung ương Cục miền Nam được chuyển về tại Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Tại Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã từng giữ cương vị Bí thư, sau 1975 giữ những cương vị trọng trách của Đảng, của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…
|
Tham quan phòng trưng bày hình ảnh hoạt động của Khu di tích. Ảnh: Đ.Thanh |
Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành “thủ đô” của cách mạng miền Nam, là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên chiến trường Nam Bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một người chiến sĩ cách mạng suốt đời cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, của dân, là người học trò rất xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915 tại tỉnh Hưng Yên, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, từng bị địch bắt đầy ra Côn Đảo hai lần. Đồng chí Nguyễn Văn Linh với vai trò là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã gắn bó máu thịt với chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (mật danh R) đã lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày toàn thắng. Tháng 12/1986, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ở cương vị này, đồng chí cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nêu cao quyết tâm đổi mới toàn diện cả về kinh tế, tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.
Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam hiện được quy hoạch trên diện tích 1.644 ha giáp rừng lịch sử văn hóa Chàng Riệc, cách TP Tây Ninh 60 km, cách cửa khẩu Xa Mát 16 km. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di sản quốc gia đặc biệt. Di tích được phục hồi, tôn tạo từ 12/1992 và đến 1/2005 chính thức khánh thành. Công trình có ba khu chức năng: Khu di tích phục hồi nhà ở và làm việc của các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục, hội trường, hệ thống trên 1.250 m giao thông hào, hầm chữ A, đường nội bộ; Khu tôn tạo gồm nhà đón tiếp, trưng bày, tưởng niệm, bãi đậu xe, hoa kiểng…; Phần diện tích còn lại là khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên… Các công trình hiện có phần nào thể hiện được cuộc sống gian khổ nhưng rất vinh quang của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trung ương Cục trong kháng chiến chống Mỹ. Đến thăm nơi đây, chiêm ngưỡng những căn nhà làm việc được lợp bằng lá “Trung quân” bền bỉ theo tháng năm hay ngắm những chùm lá Trung quân xanh tươi vươn lên đón ánh nắng rọi xuống qua lớp lớp tán rừng, du khách bồi hồi thấm hơn câu thơ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Lá “Trung quân” ở rừng Đông Nam Bộ là loại lá đốt khó cháy và ít bắt lửa nên được dùng để lợp nhà ở căn cứ nhằm hạn chế bị bom đạn của kẻ thù đốt phá. Lợp nhà bằng lá “Trung quân” rất kỳ công, nhưng mái lợp đều đặn trông rất đẹp... Chưa hết, hậu sinh còn được giới thiệu về một trong hàng ngàn sự sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của cán bộ, chiến sĩ ta qua chứng tích bếp Hoàng Cầm. Bếp Hoàng Cầm được đào sâu xuống đất và có ống dẫn khói vào một hầm. Bên trên hầm rải lá khô. Nếu khói đầy hầm và tỏa lên thì bị lá khô chặn lại cho khói bay là đà dưới đất, không bay cao. Vì vậy, địch không tài nào phát hiện ra bộ đội đang trú ẩn trong khu rừng già này.
Thực tiễn sinh động của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chứng minh quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Trung ương Cục đã để lại bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa. Đặc biệt là bài học xây dựng Đảng chặt chẽ về tổ chức, vững vàng về chính trị, giỏi về công tác quần chúng là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta trước kia cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay. Ngày 29/1/2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm và ghi cảm tưởng: “Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược là một di sản của đất nước, một chứng tích hùng hồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy đến đỉnh cao trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc; một nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
ÐAN THANH