Chu Văn An - người thầy giáo đặc biệt

09:11, 10/11/2016

Từ buổi bình minh của nền giáo dục phong kiến Việt Nam, Chu Văn An nổi danh là người thầy mẫu mực, đức độ, tâm huyết với nghề dạy học và được các vua triều Trần trọng dụng. Tên tuổi của thầy Chu Văn An đã đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như một bậc danh sư.

Tranh vẽ Chu Văn An trong Văn Miếu Quốc Tử Giám
Tranh vẽ Chu Văn An trong Văn Miếu Quốc Tử Giám
Từ buổi bình minh của nền giáo dục phong kiến Việt Nam, Chu Văn An nổi danh là người thầy mẫu mực, đức độ, tâm huyết với nghề dạy học và được các vua triều Trần trọng dụng. Tên tuổi của thầy Chu Văn An đã đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như một bậc danh sư. Hậu thế luôn nhắc đến ông bằng niềm tôn kính đặc biệt và sự trìu mến thân thuộc qua tên trường, tên phố phường và tên địa danh lịch sử.
 
Từ vị quan liêm chính
 
Chu Văn An (1292 - 1370) hiệu là Tiều Ẩn, tên thật là Chu An, tên chữ là Linh Triệt, quê ở làng Quang, thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội). Ngay từ nhỏ, tuy xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng Chu Văn An đã được mẹ là bà Lê Chiêm lo cho ăn học chu đáo. Vốn có lòng hiếu học, coi việc học làm đầu nhưng ông không cầu danh lợi, thú vui lớn nhất của Chu Văn An ngay từ nhỏ là ở nhà đọc sách. Trong Mộc bản sách Ngự chế việt sử tổng vịnh tập, quyển 4, mặt khắc 3 có ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của ông: “Chu An tính cương trực, thanh cảnh, giữ tiết khắc khổ thanh tu, không cầu danh lợi hiển đạt. Ở nhà đọc sách, học nghiệp tinh thâm, thuần túy…”. 
 
Dưới triều Trần Dụ Tông, vì vua ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu Văn An can nhưng vua không nghe. Ông bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, tất cả đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều; bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu Văn An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên. Yêu phong cảnh núi Chí Linh, ông đến ở ẩn tại đó. Những ngày đại triều hội thì vào kinh triều cận. Trần Dụ Tông muốn ủy thác công việc chính trị cho Chu Văn An, nhưng ông kiên quyết từ chối. Vua tỏ ý giận dữ, bà Huệ Từ thái hậu nói rằng: “Ðối với kẻ sĩ thanh tú, thiên tử còn không bắt làm bầy tôi được, nữa là chực đem chính sự ép người ta làm?”. Mỗi khi vua có ban thưởng gì, ông đều lạy tạ, xong rồi lại đưa cho người khác. Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao. 
 
Ðến người thầy giáo mẫu mực
 
Nổi tiếng là vị quan thanh liêm, Chu Văn An còn nổi danh là người thầy giáo mẫu mực, yêu thương học trò. Về phương pháp dạy học, Chu Văn An có một phong cách đặc biệt hấp dẫn, khiến cho học trò phải kính nể, tôn phục. Ngoài việc giảng dạy kiến thức, thầy Chu còn chú trọng rèn luyện cho học trò về đạo lý sống và nhân cách làm người. Một trong những nguyên tắc cốt yếu để cảm hóa học trò của thầy Chu Văn An chính là: muốn dạy bảo trò tốt thì thầy phải nghiêm, phải luôn là tấm gương đạo đức cho học trò. Những môn sinh do thầy đào tạo, dù làm quan to hay vinh hiển đến mức độ nào cũng luôn dành cho thầy sự tôn kính và lễ độ. Trong số môn đệ của thầy có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm thầy vẫn khép nép giữ gìn. Họ cứ thụp lạy ở bên giường, hễ được thầy nói chuyện một chút thì vui mừng lắm. Người nào làm gì lầm lỗi trái ý thì thầy quở trách, có khi quát mắng đuổi ra. Chính sự nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng đã làm cho tiếng tăm của thầy Chu ngày càng lan xa, học trò đến theo học càng nhiều và có đủ các loại.
 
Nhận thấy tài năng và đức độ của Chu Văn An, vua Trần Minh Tông đã mời ông ra giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán có làm bài thơ mừng ông rằng:
 
Phiên âm: 
 
Học hải hồi lan tục tái thuần,
Thượng tướng sơn đẩu đắc tư nhân.
Cùng kinh bác sử công phu đại,
Kính lão dùng Nho chính hóa tân.
Bố miệt mang hài quy Hán thất,
Thương nhan bạch phát dục Nghi xuân.
Hoa huân chỉ hữu thùy y trị.
Tranh sắc Sào Do tác nội thần.
 
Tạm dịch:
 
Bể học xoay chiều tục đổi thay,
Thượng tướng Sơn Đẩu xứng ngôi thầy.
Công phu nấu Sử sôi Kinh lớn,
Chính hóa tôn Nho kính lão hay
Sân Hán ngày về giầy cỏ nhẹ,
Sông Nghi xuân tắm tóc hoa bay.
Thùy thường chỉ thấy khen Nghiêu Thuấn,
Đâu có Sào Do đứng chắp tay
 
Chu Văn An đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh và Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi dần vào con đường khủng hoảng, suy thoái. Ông mất vào năm 1370, suốt cuộc đời Chu Văn An luôn là người thầy lỗi lạc, xứng đáng là ngôi sao Bắc đẩu trên bầu trời Việt, là bậc “Vạn thế sư biểu” như cách gọi của các sử gia Việt Nam. Sau khi mất, vua Trần Nghệ Tông truy tặng cho Chu Văn An tước hiệu Văn Trinh và đặt thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
 
Cảm kích trước người thầy đặc biệt của nền giáo dục Việt Nam, vua Tự Đức đã làm bài thơ ca ngợi ông:
 
Chữ Hán: 
 
上相山斗世間師
心與人乖一去遲
七斬疏成天地鑒
直聲不共有陳哀
 
Phiên âm:
 
Thượng tướng Sơn Đẩu thế gian sư,
Tâm dữ nhân quai nhất thế trì.
Thất trãm sớ thành thiên địa giám,
Trực thanh bất cộng hữu Trần suy.
 
Dịch nghĩa:
 
Sơn Đẩu ngôi cao một vị thầy,
Khác người thiên hạ tấm lòng ngay.
Sớ dâng “thất trảm” trời đất chứng,
Ngay tiết, Trần suy, tiết chẳng thay.
 
Có thể nói, trong lịch sử giáo dục nước nhà, thầy Chu đã giành được địa vị cao quý bậc nhất, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Nhà giáo Chu Văn An quả thật là tấm gương hết sức tiêu biểu và toàn diện để cho các thế hệ nhà giáo muôn đời sau noi theo. Đúng như nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú đã từng ngợi ca sự nghiệp có ý nghĩa “vượt thời đại” của thầy Chu là “làm thầy giáo giỏi của một đời, để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời”.
 
THƠM QUANG