Trong hôn nhân người Cơho Chil, Lạch thể hiện rất rõ nét văn hóa của chế độ mẫu hệ. Trai gái được tự do tìm hiểu nhau. Sau hôn lễ người con trai thường phải về nhà vợ nhưng nếu nhà trai hiếm muộn thì cô dâu vẫn có thể cư trú bên nhà chồng.
Trong hôn nhân người Cơho Chil, Lạch thể hiện rất rõ nét văn hóa của chế độ mẫu hệ. Trai gái được tự do tìm hiểu nhau. Sau hôn lễ người con trai thường phải về nhà vợ nhưng nếu nhà trai hiếm muộn thì cô dâu vẫn có thể cư trú bên nhà chồng.
|
Thiếu nữ Cơho dệt vải bên nhà sàn. Ảnh: B.Ngọ |
Trong đám cưới nhà trai có quyền thách cưới và nhà gái phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà trai. Thông thường các lễ vật là trâu, bò, heo, gà, chóe, chuỗi cườm, vòng chân, vòng tay… tất cả số lễ vật này đôi khi cũng được quy ra số lượng trâu hay bò. Nếu nhà gái không có đủ thì có thể xin khất nợ trả sau khi cưới.
Hôn lễ được tiến hành qua hai giai đoạn là lễ hỏi và lễ cưới. Lễ hỏi được diễn ra ở nhà trai và thường tổ chức vào ban đêm. Bởi nhà gái giữ ý để khỏi bị điều tiếng với bên ngoài nếu đi hỏi (bắt chồng) không thành. Nghi lễ này thường do ông cậu của nhà gái chủ trì. Lễ vật trong đám hỏi của người Chil gồm gạo nếp (đồ thành xôi đựng trong trái bầu), 10 sợi cườm, 10 vòng đồng… Tại đây đã diễn ra cuộc trò chuyện trao đổi và hát đối đáp rất tế nhị giữa hai họ nhằm để nhà trai đồng ý cho nhà gái “bắt chồng”.
Đối với người Cơho Lạch, Chil, trong đám hỏi vai trò của người mai mối rất quan trọng và quyết định sự thành bại của hôn nhân. Người mai mối phải là người có uy tín giỏi ăn nói trong dòng tộc nhà gái. Đám hỏi thường tổ chức vào ban đêm, đi hỏi cưới phải đi từ hai đến ba lần mới được nhà trai đồng ý. Lễ vật để đi hỏi nhà trai của người Lạch cũng rất đơn giản, người làm mối chỉ cần đem theo sợi cườm và vòng đồng đeo tay. Nhưng quan trọng là người làm mối phải trổ tài ăn nói, hát những bài hát đối đáp để thuyết phục nhà trai cho con về làm rể gia đình nhà gái. Từng bước một người mối phải dùng những câu ví von, lời hát đối đáp với nội dung: Đầu tiên là thăm viếng nhà trai và ngỏ lời muốn kết nối tình cảm giữa hai bên và cuối cùng là việc tìm một chàng rể về để lo việc cho gia đình nhà gái.
Khi đến nhà trai, đầu tiên người mối thường hát những câu có nội dung tạm dịch như sau:
“Tôi đi ngắm ngọn Lang Bian be bé
Tôi đi ngắm ngọn Lang Bian nho nhỏ
Tôi đi ngắm ngọn Lang Bian trai tơ”
Và tiếp theo là:
“Nước tràn trề tôi muốn rủ nhau đi bắt cá tôm
Nước đầy vơi tôi muốn rủ nhau đi đơm bắt cua
Nước vừa tầm tôi muốn rủ nhau đi đơm bắt ốc”
“Tôi đi tìm cây để chà cái lưng
Tôi tìm lõi cây để chà cái ngà
Tôi tìm tre nứa để đan cái niêu, cái đơm cá”
Vừa hát người mối vừa làm thủ tục lấy dây cườm choàng vào cổ và đeo vòng tay cho chàng trai.
Gia đình nhà trai bước đầu cũng từ chối khéo để giữ giá cho con trai mình với những lời ví von cho rằng con mình còn non dại chưa đủ sức gánh vác, chăm lo cuộc sống gia đình, con cái, chưa thể làm rể được:
“Tuy tay dài mà không giỏi bắt cá
Tuy già đầu mà chẳng biết câu ca cổ
Có vợ chăng chắc chẳng biết nuôi con”
Người mai mối nhà gái lại phải tiếp tục kiên nhẫn thuyết phục, lấy lòng nhà trai và xin nhà trai đừng gây cản trở như:
“Đừng chia lìa nồi đất với cơm niêu
Đừng chia lìa nồi đun với cháo”
Hoặc đừng né tránh nhau:
“Đừng xa lánh như gà bới trấu
Đừng xa lánh như gà dẫn con trốn
Đừng xa lánh như gà ấp dấu trứng”
Khi người mối đã thuyết phục được nhà trai ưng thuận cho con về làm rể nhà gái thì đại diện nhà trai có thể là người cậu hoặc chú sẽ dặn dò nhắc nhở chàng trai:
“Mẹ bồng bế thì mới tồn tại
Cha nuôi nấng mới thành người
Bầu có trồng thì mới ra trái
Ăn chuối nhớ gốc, ăn trâu nhớ cây nêu
Trả nợ nhớ làng buôn
Được anh được em, được lòng cả cha con”
Sau đó đại diện nhà gái mới hỏi nhà trai có yêu cầu gì về đồ cưới, lúc này nhà trai sẽ thách cưới bằng một số lễ vật. Tùy vào hoàn cảnh và mối quan hệ giữa hai bên mà nhà trai đề nghị xin một con trâu vì công sinh thành cùng với hai đến ba bộ khăn (ùi) cho mẹ đẻ và chị em gái chàng rể cùng một bộ quần áo cho đàn ông (cho bố đẻ). Đây là những lễ vật thông thường nếu người Lạch lấy người Lạch với nhau.
Lễ cưới được định ngày và diễn ra sau đó. Lúc này, nhà gái phải mang của hồi môn tới nhà trai và đón rể. Thông thường thì nhà trai cũng cho lại đôi vợ chồng trẻ một số đồ vật có giá trị. Nhưng điều này không bắt buộc mà phụ thuộc vào điều kiện của nhà trai. Lễ cưới thường kéo dài trong 1 ngày 1 đêm tại nhà gái, do ông cậu lớn nhất trong gia đình nhà gái hoặc già làng đứng ra tổ chức. Khách mời là những người bà con dòng họ hai bên, bạn bè gần xa, tùy điều kiện kinh tế và mối quan hệ của gia đình với bên ngoài có thể mời dự tiệc nhiều hay ít khách. Thường đám cưới phải làm từ một đến hai con heo 60-70 kg và gà vịt cùng vài ba chục chóe rượu cần để đãi khách. Mọi người vừa ăn uống vừa hát đối đáp và nhảy múa với nhau. Những lời hát đối đáp lúc này chủ yếu xoay quanh chủ đề đố về các con vật, đồ vật và sự vật, vũ trụ.
Ngày nay, người Cơho vẫn giữ tục “Bắt chồng” cho con gái nhưng các thủ tục trong cưới hỏi đã giản lược đi nhiều, không còn quá khó khăn và rườm rà như xưa. Những lời hát đối đáp ý nhị trước đây cũng gần như đã vắng bóng cùng với sự ra đi của thế hệ người già, thay vào đó là những bài hát, bản nhạc mới phù hợp với sở thích của giới trẻ. Thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục sưu tầm để bảo tồn và khai thác những giá trị văn hóa này trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Bởi đây cũng là một trong những tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa của tỉnh nhà.
ÐOÀN BÍCH NGỌ