Theo tư liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (US National Security Agency), đường mòn Hồ Chí Minh được xem là một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20.
Theo tư liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (US National Security Agency), đường mòn Hồ Chí Minh được xem là một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20.
|
Đài tưởng niệm đường 559 tại Bsar Đaryale. Ảnh: T.Đại |
Đường 559, hay đường Trường Sơn, ngoài ra người Mỹ còn thêm tên mới là đường mòn Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Trail). Đó là con đường chuyển quân, đường ống dẫn dầu, vận chuyển khí tài từ Bắc vào Nam. Đường 559 xuất phát từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kéo dài đến Nam Tây Nguyên rồi nối tiếp chiến khu Đ, Bù Gia Mập đến điểm cuối cùng là Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước hiện nay.
Mười sáu năm kể từ ngày thành lập (19/5/1959 đến 30/4/1975), con đường đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm với 120 ngàn công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm việc ngày đêm trên tổng chiều dài 2.959 km theo đường ô tô và 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu...
Cây Kơ Nia ở Nam Tây Nguyên
Mấy tháng trước vào buôn Bru thuộc huyện Bảo Lâm, giáp ranh với Đắk Nông để gặp Thượng tá Ba Đen người Châu Ro, một trong những người đầu tiên mở đường 559 ở Nam Tây Nguyên. Bây giờ ông Ba đã 90, đi đứng khập khiễng, lúc nhớ lúc quên, âm sắc mờ đục đến nỗi con trai của ông là y sĩ cùng ngồi với chúng tôi để giải thích kiêm phiên dịch lời ông nói.
Già làng Ba Đen là nhân chứng sống về con đường 559 đoạn từ Buôn B’Sar Đạ Ryal đến chiến khu Đ qua Bù Gia Mập, Lộc Ninh.
Ông Ba tên thật là Hoàng Minh Đỏ, sinh năm 1926, người dân tộc Châu Ro, nhưng bà con ở buôn Bru đã từ lâu xem ông là người Mạ. Sau Cách mạng tháng 8, ông tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong rồi trở thành chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 320 Đông Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1959 ông trở về Nam mở rộng đường giao liên 559.
Người con trai ông kể “Sau khi vượt sông Đạ Đờng, vào vùng người Mạ, ông được phân công ở lại xây dựng địa bàn, làm điểm nối hành lang từ Đắk Lắk sang Lâm Đồng. Tại đây ông tổ chức được trạm giao liên đầu mối. Sau đó, dùng địa bàn buôn B’sar Niar làm bàn đạp. Đến giữa năm 1961, đội công tác của cha tôi đã vận động được hơn 30 buôn đồng bào Mạ tham gia kháng chiến, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn phía tây Lâm Đồng...”.
Khi tiễn chúng tôi ra khỏi hàng bông giấy, ông Ba thều thào “Tại buôn B’Sar Đạ R’Yal, nay thuộc thôn 3, xã Lộc Bảo là cứ điểm dừng chân của đường 559 nối tiếp đến chiến khu Đ qua Bù Gia Mập, Lộc Ninh. Nơi ấy có đài tưởng niệm do ngành bưu điện xây dựng”. Ông còn căn dặn: “Con đường mòn từ thôn 3 Lộc Bảo vào buôn dài 2 km. Nơi có cây Kơ Nia gẫy ngọn, xung quanh là tre. Vào đấy, phải thắp nhang khấn vái các anh linh, vì đã có biết bao các anh chị em giao liên Kinh, Thượng hy sinh để nối thông hành lang này”.
Trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà mang kiến trúc miếu thờ, cạnh 5x5 cao 4 m, không vách, lợp tôn giả ngói. Ở trung tâm đền là tấm bia bằng đá hoa cương, mặt trước là hình hai bàn tay bắt chặt nhau, với hàng chữ chìm “16 giờ ngày 30/10/1960. Tại đây giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc - Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Mặt sau là núi rừng trùng điệp, với những con đường mòn uốn khúc dưới tán rừng.
Đốt bó nhang đặt vài bịch bánh trên bàn đá, chúng tôi cúi đầu khấn vái theo lời dặn của ông Ba Đen. Trước bàn thờ hương khói tỏa lên, chúng tôi mơ hồ nhìn thấy bóng dáng các cán bộ, chiến sĩ giao liên cả Kinh lẫn Thượng. Những con người với gương mặt xanh xao, đội nón tai bèo, mặc quần áo đen, chân đi dép lốp, choàng vải dù cùng với khẩu AK47 hoặc colt 12 ly đang ôm nhau cười nói kể lể khi đi qua các địa phận.
Ông già Củ Chụp
Trên đường đi tìm những cụ “Kơ Nia” giao liên, đoạn từ đầu nguồn sông Đạ Đờng sang chiến khu Đ, nhiều người giới thiệu ông già Châu Ro tên là Tơ Tơ, hay ông Củ Chụp hiện còn sống ở buôn Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai thuộc chiến khu Đ cũ. Một già làng Stiêng ở chiến khu Đ kể rằng tên ông già mang tên Củ Chụp là do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt, lúc ông Sáu Dân về thăm đồng bào ở chiến khu Đ.
Ông Năm Nỗi, tên thật là Nguyễn Văn Nỗi, tiếng Châu Ro là Tơ Tơ. Ông sinh năm 1929 tại chiến khu Đ, cha ông là dân mộ cao su người Ninh Bình, mẹ ông là Châu Ro gốc, ông được sinh ra lớn lên giữa rừng núi đại ngàn. Năm 1946, khi chiến khu Đ thành lập, ông tham gia cách mạng rồi trở thành giao liên chiến khu dưới thời tư lệnh Nguyễn Bình và Phó tư lệnh khu bộ khu 7 Huỳnh Văn Nghệ. Ông cho biết: Là giao liên dân gốc ở khu Đ, ông thuộc các đường rừng như lòng bàn tay của mình. Trên các nẻo đường của rừng hoang, ông thường mang theo một chiếc roi chiến đấu với thú dữ và một chà gạt phát đường mà khúc ruột của cán dùng để chứa tài liệu mật. Ông trở nên nổi tiếng ở chiến khu về dùng đá và bùi nhùi làm ra lửa, ông đã phát hiện rừng củ chụp nuôi sống cán bộ. Chuyện kể rằng: Năm 1959, chiến khu Đ bị 2.000 quân địch bao vây dài ngày, mọi ngả đường vào chiến khu đều bị chặn, khiến bộ đội có nguy cơ chết đói. Lúc này, ông Năm mới sực nhớ một quả đồi có rất nhiều củ chụp, có thể thay thế cơm. Ông Năm vùng dậy, thông báo cho bà con đi đào củ cho bộ đội. Nhờ củ chụp của ông và bà con mà bộ đội ta đã giải quyết được vấn đề lương thực, đánh bại trận càn của địch. Cũng từ đó, quả đồi này được đặt tên là đồi Củ Chụp hay đồi ông Năm.
Người có tuổi sống bằng quá khứ, ông thường kể thời gian khổ của buôn làng mình, giải thích luật tục, truyền thuyết người Châu Ro và kêu gọi hai anh em Kinh, Thượng đoàn kết thương yêu nhau. Ông thường căn dặn lớp trẻ “Người Châu Ro của mình có cơm ăn, áo mặc, đời sống văn minh như bây giờ là nhờ Bác Hồ và Chính phủ vẽ đường chỉ lối mới có hôm nay”.
Người con ở miền biên viễn
Ông Lâm Hồng Bun sinh năm 1945, dân tộc Khơ Mer, là một trong những người làm giao liên cuối chặng đường 559 ở biên giới Tây Nam vào thập niên 60, vì con đường này đến Lộc Ninh là kết thúc.
Ông Bun sinh ra tại sóc Tà Thiết, bây giờ thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Khác với hai cây Kơ Nia ở Nam Tây Nguyên và chiến khu Đ, ông Bun là đại gia huyện lẻ về cây công nghiệp cao su và điều.
Tôi may mắn được gặp ông trong chuyến đi biên giới để tìm chứng tích đoạn cuối con đường Trường Sơn. Gặp tôi, ông vỗ vai rật rật bảo lên xe chạy vào khu di tích Bộ tư lệnh miền rồi ra tận thị trấn Lộc Ninh xem nhà của Ban Liên hợp quân sự Bốn bên. Dọc đường ông vừa lái xe, vừa kể “Ông phải đi, phải thấy, phải nghe mới tin được cái nghề giao liên nhịn đói lủi rừng như con khỉ con dơi. Tui tham gia cách mạng năm 1965, làm giao liên vùng biên. Sau đó, chuyển về Trung ương Cục ở Sóc Con Trăng rồi qua Bộ tư lệnh miền cũng làm nghề này. Tui được ở chung với tướng Trà, mà hồi xưa đâu có biết ổng làm tướng đâu, chỉ gọi ông Tư Chi, ổng hiền lành ở chung với 10 hộ Khơ Mer mà. Ngày đó làm giao liên khổ mà vui lắm. Không hiểu vì sao thời chiến tranh mình khỏe lắm à nha! Chứ không phải như bây giờ. Ngày đó, đi đêm đi ngày cả tuần vẫn tỉnh bơ. Ông thử tưởng tượng từ Bù Gia Mập qua Kratie, Tbong Khmum, Nunđan Kiri về Lộc Ninh gần 300 cây số mà vẫn bình thường. Bây giờ đi chắc chết quá.
Hồi đó làm giao liên ra vào căn cứ Tà Thiết như cơm bữa nhưng không biết đó là Bộ tư lệnh quân giải phóng ông ơi! Mãi sau hòa bình mới biết đây là khu căn cứ cuối cùng của chiến trường B2 đa số là mấy ông làm to. Nơi đây có đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam, có kho quân trang, quân dụng… Chiến khu Tà Thiết ở sát nách Sân bay Lộc Ninh hồi xưa mà yên bình mới hay chớ!”
Ông Bun dẫn tôi vào ngôi nhà của cố Thượng tướng Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh nữ tướng Nguyễn Thị Định… rồi hai anh em vô phòng các tướng lãnh ngồi họp, nhìn mái nhà lợp lá Trung quân xếp vào nhau một cách điệu nghệ bởi bàn tay con người. Trong căn cứ rừng Tà Thiết bây giờ rất nhiều chim và sóc rừng, khi đến nơi làm việc của tướng Định, rất nhiều tiếng sóc kêu vang cả góc rừng. Thỉnh thoảng có tiếng tu hú từ xa nghe buồn buồn tưởng chừng như tiếng các cô, các chú giao liên gọi nhau giữa rừng núi đại ngàn thời ấy.
* * *
Đường 559 hiện nay là đường quốc phòng rộng đẹp ở miền tây Tổ quốc. Trong đó có công những người giao liên bản địa, họ thuộc rừng như lòng bàn tay. Từ ông Ba Đen, ông già Củ Chụp đến ông Tư Bun… đã gắn bó con đường Trường Sơn cả một tuổi xuân. Thế hệ trẻ hiện nay đi xe phân khối lớn hay những người giàu có đi xe du lịch bóng loáng chạy lướt trên con đường nhựa, không biết trong họ, có ai còn nhớ một thời đường 559!
TRẦN ÐẠI