Từ ngàn đời nay, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam thường gắn với mùa xuân. Nhân dịp đón Xuân Ðinh Dậu 2017, cùng nhau ôn lại một số sự kiện tiêu biểu về năm Dậu trong lịch sử.
Từ ngàn đời nay, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam thường gắn với mùa xuân. Nhân dịp đón Xuân Ðinh Dậu 2017, cùng nhau ôn lại một số sự kiện tiêu biểu về năm Dậu trong lịch sử.
|
Hoa Mai anh đào hồng rực trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Q.Uyển |
Mùa Xuân Ất Dậu (1285) - Chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ hai
Hoàng đế Nhà Nguyên Hốt Tất Liệt ra lệnh xâm lăng nước Đại Việt lần thứ hai. Cuộc chiến lần này diễn ra từ cuối tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) đến cuối tháng Tư năm Ất Dậu (1285). Cũng như lần thứ nhất, trong giai đoạn đầu quân Nguyên giành thắng lợi còn quân Đại Việt liên tục bị đánh bại. Từ tháng chạp năm Giáp Thân (1284) đến tháng ba năm Ất Dậu (1285), ta bỏ kinh đô Thăng Long, bỏ các trọng trấn rút lui để bảo toàn lực lượng, đợi dịp phản công. Khi đạo quân Nguyên do Toa Ðô thống lĩnh đi đường Chiêm Thành tiến ra định đánh chiếm đất Nghệ An, nhưng được thượng tướng Trần Quang Khải chống giữ rất vững, Toa Ðô không đánh nổi, bèn bàn với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền vượt bể ra Bắc để hợp binh với Thoát Hoan. Ðược tin ấy, Trần Quang Khải cấp báo cho Trần Hưng Ðạo biết. Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn liền giao Trần Nhật Duật đem quân đón đánh Toa Ðô ở vùng Hải Dương và cho Trần Quang Khải mang một đạo quân thứ hai kéo thẳng ra Thăng Long, hợp binh cùng đạo quân Trần Nhật Duật đánh úp Thăng Long.
Tháng 4 năm Ất Dậu (1285), đội quân Trần Nhật Duật gặp đoàn chiến thuyền của Toa Ðô ở bến Hàm Tử (huyện Sông Anh, tỉnh Hưng Yên ngày nay), quân ta đánh mạnh, Toa Đô bị giết chết, Ô Mã Nhi chạy trốn thoát chết. Trần Quang Khải được tin thắng trận, liền chia quân một mặt đánh chiến thuyền của Thoát Hoan ở bến Chương Dương, mặt khác bổ vây Thăng Long và giải phóng được kinh đô. Quân Thoát Hoan bán sống bán chết chạy sang được sông Hồng và cố giữ đất kinh Bắc (Bắc Ninh).
Trần Quang Khải kéo quân vào thành mở tiệc khao quân, hứng khởi làm bài thơ: “Ðọat sáo Chương Dương độ/Cầm hồ Hàm Tử quan/Thái bình tu nỗ lực/Vạn cổ thử gian san”. Dịch là: “Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy nghìn thu”.
Mùa Xuân Ất Dậu năm 1285, dưới sự lãnh đạo của vua Trần, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh như Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão,… quân dân Đại Việt đã khiến đạo quân Nguyên - Mông phải chịu thất bại thảm hại. Chính từ những chiến công trong việc đánh đuổi quân Nguyên - Mông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng được ghi tên mình vào danh sách những tướng tài của thế giới vào thời Trung đại.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 - Quang Trung đại phá quân Thanh
Vốn có mưu đồ xâm chiếm nước ta từ lâu, đến năm 1787 lấy cớ vua Lê Chiêu Thống sang cầu viện, vua Càn Long nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân sang xâm lăng Đại Việt. Nhận được tin cấp báo, ngày 25/11/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung chỉ huy đại quân tiến ra Bắc. Trên đường đi đã dừng lại ở Nghệ An, Thanh Hóa để tuyển thêm quân. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Ninh Bình hạ trại. Vua hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết Nguyên đán trước và tuyên bố đanh thép: Ngày mùng 7 Tết sẽ đánh vào Thăng Long mở tiệc ăn Tết khai hạ.
Đêm 30 tháng chạp Mậu Thân (25/1/1789), quân Tây Sơn nhanh chóng vượt bến đò Gián Khẩu (Sông Đáy), tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu; đến đêm mồng 3 tết, bí mật vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Quân giặc bị đánh bất ngờ, hạ khí giới đầu hàng.
Sáng mồng 5 Tết, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), với hơn 3 vạn quân đóng giữ. Quân Thanh không chống nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh, nhưng cuối cùng đã cùng Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc. Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trong bộ chiến bào sạm đen khói súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào thành Thăng Long giữa tiếng reo hò của binh lính và sự hân hoan đón chào của dân chúng kinh thành. Chiến dịch lịch sử đại phá 29 vạn quân Thanh diễn ra nhanh chóng và chiến thắng oanh liệt.
Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đã từng đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược, nhưng chưa có một trận chiến oai hùng nào giành được chiến thắng vang dội trong một thời gian ngắn như thế. Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu - 1789 vì thế đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho sức sống phi thường, ý chí kiên cường trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta; đánh tan giấc mộng xâm lăng và bành trướng của những thế lực phương Bắc. Chiến thắng ấy khẳng định bản lĩnh và tư thế bất khuất của nhân dân ta; khẳng định văn hóa truyền thống, chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Những mùa xuân có Ðảng
Mùa xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc); từ đây, Đảng luôn đồng hành cùng mùa xuân đất nước. Trải qua 86 mùa Xuân, có nhiều mùa xuân in đậm dấu ấn trong lịch sử của Đảng, của dân tộc ta, trong đó có những mùa xuân năm Dậu.
|
Cây cảnh tạo dáng con gà gần khu vực vòng xoay Thủy Tạ. Ảnh: C.Thành |
Năm Ất Dậu 1945 - Ðầu năm gặp cơn ác mộng, cuối năm vỡ òa niềm vui đất nước độc lập
Trong ký ức người Việt Nam, “nạn đói năm Ất Dậu” vẫn là một cơn ác mộng khó quên. Thảm họa ấy có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp, ép người nông dân nhổ lúa trồng đay trong vụ Đông Xuân 1944 - 1945 cùng với thiên tai, mất mùa dẫn đến thảm cảnh trên.
So sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người”.
70 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối không thể nào quên; nó lại nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta về nỗi khổ nhục của người dân mất nước.
Cũng trong năm Ất Dậu này, tháng Tám 1945 cả dân tộc lại vỡ òa lên trong niềm vui đất nước độc lập. Khi thời cơ giành lại độc lập đã đến, ngày 13/8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát lệnh tổng khởi nghĩa; ngày 19/8, giành được chính quyền tại Hà Nội; ngày 30/8, vua Bảo Đại thoái vị, chế độ phong kiến Việt Nam sụp đổ. Ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Xuân Kỷ Dậu 1969
Đồng bào và chiến sĩ cả nước quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe bài thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: “Năm qua, thắng lợi vẻ vang,/Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to!/Vì độc lập, vì tự do,/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào./Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào,/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”. Thư Chúc mừng năm mới của Bác là lời động viên, cổ vũ to lớn, lời chỉ dẫn cho cách mạng Việt Nam, lời hiệu triệu nhân dân “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Nhưng không ai biết rằng đây là lần cuối cùng đồng bào cả nước được nghe thơ chúc Tết của Người; bởi đến ngày 2/9/1969, Bác đã từ biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng.
Cũng mùa xuân Kỷ Dậu 1969, tháng 4, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách đối với cách mạng miền Nam. Tại miền Nam, ngày 10/5, thành lập chính quyền cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn; ngày 23/5, các phong trào tiến bộ tổ chức hội nghị hiệp thương bàn việc triệu tập Đại hội Đại biểu quốc dân để cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Năm Ất Dậu 2005
Cả nước bước vào xuân mới với những thành tựu to lớn; những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng sau 20 năm đổi mới. Cả nước tưng bừng, phấn khởi tiến hành nhiều lễ kỷ niệm trọng đại: 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 60 năm ngày Quốc khánh, 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 105 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu…Đặc biệt, năm 2005, Đảng ta tập trung chuẩn bị Đại hội lần thứ X với nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và nhìn lại 20 năm công cuộc đổi mới đất nước.
Cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc với biết bao chiến công chói lọi giành được vào mùa xuân, trong đó có những mùa xuân năm Dậu; chúng ta hy vọng và tin tưởng năm Đinh Dậu 2017, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ lập nên những kỳ tích mới, tạo thêm một nốt son của những mùa xuân lịch sử không thể nào quên.
LINH NHÂN