Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) là một người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín lớn của Ðảng và Nhà nước ta; nhà văn hóa và nhà báo lớn; nhà thơ đầy tâm huyết, với bút danh Sóng Hồng.
Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) là một người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín lớn của Ðảng và Nhà nước ta; nhà văn hóa và nhà báo lớn; nhà thơ đầy tâm huyết, với bút danh Sóng Hồng. Trong lời “Cùng bạn đọc” nhà thơ Sóng Hồng tự nhận xét “Những bài thơ tôi làm cốt để phục vụ tuyên truyền cách mạng hoặc để ghi lại một số tình cảm sâu sắc của đời mình”.
|
Những chuyến thực tế xoay chuyển vận nước của Tổng Bí thư Trường Chinh. Ảnh: Tư liệu |
Tâm hồn nhà thơ Sóng Hồng luôn lộng gió dân tộc và thời đại. Từ tình cảm ban đầu của một thanh niên yêu nước giàu lý tưởng và hoài bão đã đến với thơ. Trong bài thơ đầu tiên “Nhớ bạn”, được làm lúc mới 12 tuổi, cùng với trăng, hoa, chim, tác giả viết:
“Trăng kia ơi,/xuống đây chơi…”. “Hoa kia ơi,/ Lại đây chơi…” với chất trữ tình man mác. Với trăng:
“Lơ lửng làm chi ở giữa trời?”. Với hoa:
“Lẻ loi vườn rộng biết cùng ai?”. Với chim:
“Đêm khuya xao xác bay xa vời”.
Chỉ mấy năm sau, những thử thách đầu tiên đã đến với nhà thơ. Hỏa lò Hà Nội, rồi nhà tù Sơn La. Cảnh tù đày gian khổ không làm cho người chiến sĩ cách mạng nản lòng. Bốn bức tường chật hẹp không ngăn cản được ý chí cách mạng phát triển. Ngoài kia là cuộc đời rộng lớn đang chờ đợi. Người chiến sĩ cách mạng trong tù vẫn nung nấu và rèn luyện ý chí để chờ những cơ hội lớn:
“Quản chi nếm mật với nằm gai/ Trời biển mênh mông vẫn đợi người/ Chí lớn nấu nung trong ngục tối/ Sẽ đem thi thố một ngày mai” (Tin tưởng - 1931).
Đi giữa nhận thức lý trí và tình cảm, tấm lòng sâu nặng với quê hương đất nước như một sợi chỉ hồng xuyên suốt thơ Sóng Hồng. Tới ngục Sơn La lần này, Đặng Xuân Khu và các tù chính trị khác bị bọn cai ngục quản thúc rất chặt chẽ và bắt lao dịch nặng nhọc. Phải lao động khổ sai, ăn uống cực khổ, song không vì thế mà những người cộng sản giảm sút tinh thần tranh đấu. Đặng Xuân Khu đã viết bài thơ “Lấy củi”:
“Rủ nhau lấy củi sườn non/ Chim kêu vượn hót bồn chồn ruột gan/ Đồng bào đau xót lầm than/ Mà ai nắng xế xương tan qua ngày!/ Đốt cho tiêu kiếp tù đày/ Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng./Có về không, có về không?/Bước mau, mau bước non sông đợi chờ”.
Đối với người chiến sĩ cộng sản, mặc dù phải nằm gai nếm mật, sống trong tù đày, mỗi lần xuân về Tết đến lại vững thêm niềm tin và hy vọng vào tương lai của dân tộc. Nhà thơ Sóng Hồng trong bài “Đan áo” viết ở Phúc Yên năm 1942, với những câu thơ đầy cảm xúc:
“Bầu nhiệt huyết nổi sôi trào nhựa mạnh/ Muốn chan ra tưới ấm khắp nhân quần/ Để rồi mai căng nở những mầm xuân/ Vườn nhân loại hoa cười trong nắng mới”.
Trường Chinh làm thơ và lý luận về thơ. Lý luận về thơ của đồng chí Trường Chinh nằm trong hệ thống lý luận văn nghệ của Đảng mà đồng chí là một trong những người đặt nền móng. Đồng chí Trường Chinh viết: “Thơ và cách mạng không thể tách rời”. “Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ, mà nhiều khi thông qua tình cảm riêng đó nói lên niềm hy vọng của cả một dân tộc, những mơ ước của nhân dân, vẽ nên những nhịp đập của trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người”. “Thơ cũng như nhạc có thể trở thành một sức mạnh phi thường khi nó chinh phục được trái tim của quần chúng nhân dân”. “Thơ của một người hoặc của một dân tộc cũng ví như một vườn hoa có nhiều màu sắc và hương thơm. Có trữ tình, cũng có thơ châm biếm. Có anh hùng ca mà cũng có tính hùng ca. Điều cốt yếu là trữ tình chứ không bi lụy và hùng tráng mà không lên gân”. “Thơ chính trị là thơ trăm phần trăm như các thơ khác. Đó chính là loại thơ “có thép” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chứ không phải là những bài xã luận bất thành văn”. Thơ là một viên ngọc long lanh dưới ánh sáng mặt trời. Thơ là thơ, đồng thời cũng là vẽ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng…”, “thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất là trí tưởng tượng”.
Điều thú vị ở Trường Chinh khi bàn về thơ là đồng chí đã có những “Tuyên ngôn về thơ bằng thơ”, như trong bài “Là thi sĩ” (tặng các nhà thơ Việt Nam):
“Là thi sĩ phải là hồn cao khiết/ Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;/ Ca tự do, tiến bộ với tình yêu/ Yêu nhân loại, hòa bình và công lý./ Cao giọng hát những bài ca chính khí/ Của anh hùng vì nước đã quên mình…”. Điều đặc biệt bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng là cột mốc khẳng định vững chắc quan điểm nghệ thuật và thơ ca cách mạng trong hoàn cảnh xã hội mà các khuynh hướng nghệ thuật về thơ ca công khai phát triển xô bồ và phức tạp.
Thơ Sóng Hồng biểu hiện một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Đêm chưa qua, ngày mới chưa đến nhưng trong thơ Trường Chinh đã biểu hiện một “bầu trời tạnh ráo” không còn tuyết sương, với ngọn gió tương lai rời rợi và vườn nhân loại căng nở những mầm xuân:
“Sáng nay xuân đã về/ Gieo mầm non hoa thắm khắp sơn khê/ Và gió thổi ấm vào tâm hồn chiến sĩ.../ Hỡi chiến sĩ/ Hãy tạm ngừng gót giang hồ/ Cho nàng xuân phủi tuyết sương trên áo/ Và dâng cả bầu trời xuân tạnh ráo/ Ngát mùi hương và tràn ngập ý thơ“ (Xuân đã về, ngoại thành Hà Nội tháng 2/1943).
Và thời khắc gây ấn tượng hơn cả của người dân Thủ đô chính là giao thừa mùa Xuân năm Quý Sửu 1973. Hà Nội vừa trải qua 18 ngày đêm ngút trời khói lửa của trận tập kích bằng không quân của Mỹ sử dụng nhiều pháo đài bay B52. Người dân Hà Nội cũng vừa được chứng kiến trận chiến chống trả quyết liệt của quân và dân Thủ đô trên bầu trời quê hương mình. Và chính trận thắng Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris chấm dứt sự can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cuộc đình chiến được thực hiện. Thơ Sóng Hồng lúc này dâng cả niềm tin vô cùng tươi đẹp:
“Xóa sạch bất công, tan niềm cay đắng/ cho ngày mai rực ánh xuân hồng./ Đêm giao thừa/ quanh Hồ Gươm nườm nượp người xuôi ngược/ quần áo chen nhau thắm sắc màu” (Xuân đại thắng, Hà Nội tháng 2/1973).
Một trong những bài thơ viết về ngày toàn thắng 30/4 xuất hiện sớm nhất là tác phẩm “Sài Gòn giải phóng” của nhà thơ Sóng Hồng, được viết vào ngày 1/5/1975. Tác giả ca ngợi sức mạnh của quân ta qua các trận đánh thần tốc, các mũi giáp công phối hợp thần kỳ. Và vẫn theo mạch cảm hứng trữ tình - chính trị, tác giả diễn tả niềm hạnh phúc của toàn dân tộc qua hình ảnh ẩn dụ, mang tính khái quát cao:
“Quân dân ta ba mươi năm lửa máu/ Hôm nay đây, thắng lợi thật huy hoàng/ Bao xót xa, cay đắng, mất mát, đau thương/ Mùa đại thắng đã đền cho trái chín…”.
Thơ của nhà thơ Sóng Hồng là thơ ca cách mạng, tất cả vì cách mạng, thơ của một tâm hồn lớn của một nhà lãnh đạo kiệt xuất Đảng ta, của dân tộc ta.
Tài liệu tham khảo:
- Thơ Sóng Hồng (tập I) (1966) - Thơ Sóng Hồng (tập II) (1974), NXB Giáo dục - 2005
- Trường Chinh; Về văn hóa và nghệ thuật tập 1 và tập 2.
- Trường Chinh - Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, NXB, CTQG, HN - 2002.
- Trường Chinh - Tiểu sử, NXB, CTQG, HN, 2007.
NGUYỄN VĂN THANH (Tổng hợp)