Lâm Viên hành trình nhật ký" do Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện biên soạn.
Lâm Viên hành trình nhật ký” do Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện biên soạn. Đây là tác phẩm viết về một chuyến đi lên cao nguyên Lâm Viên của ông năm 1917 sau khi tuân mệnh của vua Khải định về việc khảo sát tỉnh Lâm Viên để triều đình nắm bắt được tình hình, bởi lúc ấy, Lâm Viên là tỉnh lỵ mới được thành lập được 1 năm (năm 1916) nên vẫn còn nhiều vấn đề mà triều đình nhà Nguyễn phải quan tâm. Chuyến công cán này của Đoàn Đình Duyệt diễn ra từ ngày 10 đến 26/7 năm Đinh Tỵ 1917. Trong chuyến hành trình này, Đoàn Đình Duyệt đã ghi chép cụ thể con đường từ Phan Rang lên Đà Lạt. “Lâm Viên hành trình nhật ký” được ghi chép bằng chữ Hán và được đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1918.
|
Trang đầu và trang cuối “Lâm Viên hành trình nhật ký” bằng chữ Hán được đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1918 |
Trong “Lâm viên hành trình nhật ký” của Đoàn Đình Duyệt, con đường từ Phan Rang (Ninh Thuận) lên Đà Lạt được ông miêu tả và ghi chép rất chi tiết, qua đó để chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về con đường huyết mạch này thời bấy giờ. Ông đã chép như sau.
5 giờ 40 phút ngày 13 tháng 7 đến Cầu Bảo tức Phan Rang, thuộc phủ Ninh Thuận, lộ trình dài 47 ki-lô-mét, đi xe mất 1 giờ 47 phút. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, đến công quán dừng nghỉ. Ở đây là một bến đậu xe lớn, xe đi ba ngả: một ngả trở về hướng Bắc, đi Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa; một ngả theo hướng Nam đi về Sài Côn (Sài Gòn); còn một ngả đi về phía Tây, đến Điếm Côn (Xóm Gòn), tức là tỉnh lộ đi Lâm Viên, các khách buôn đa số đều dừng lại ở đây để chờ xe. Nhà nước hiện đang xây cất một lữ quán công cao ba tầng, lợp ngói. Người đến ăn ở có phòng riêng, trú ngụ rất yên ổn. Lại có sở làm việc của quý quan bảo hộ và nhiều nhà lầu của quý điền chủ người Pháp. Cư dân thường dùng xe thồ do một ngựa kéo để chở thuê hành khách hoặc hàng hóa đưa lên xe lửa. Loại xe ngựa này có chừng 50 chiếc. Nơi đây quả là ngã tư hội tụ, tương lai hẳn sẽ ngày càng phồn thịnh.
Sáng ngày 14, từ Cầu Bảo đi Điếm Côn. 5 giờ rưỡi lên xe, 7 giờ 15 phút đến nơi, đường dài 40 ki-lô-mét, xe lửa đi mất 1 giờ 45 phút. Đây là điểm chót của đường xe lửa. Đến đây xuống xe, rồi hoặc đi kiệu hoặc cưỡi ngựa men theo đường sống núi mà lên. Độ 3 tiếng đồng hồ thì tới Eo Gió, tiếng Tây gọi là Biên-uy (Bellevue), lộ trình dài 12 ki-lô-mét. Từ đỉnh Eo Gió cao cách đồng bằng 1.045 thước tây. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tuyệt nhiên không có dân cư. Khách buôn lên xuống tuy đông nhưng rất ít có chỗ để dừng lại nghỉ ngơi. Trong khoảng đường 12 ki-lô-mét chỉ có Trạm Côn là một trụ sở và một trụ sở của đốc công ở Đá Bàn. Chốn rừng rú u tịch, đường đá gồ ghề khó đi. Khiêng kiệu phải dùng người Thượng mới đi được. Hiện nay, Nhà nước bảo hộ đang dựa theo thế núi mở một con đường xoắn ốc, xe điện có thể chạy được, đồng thời để vận tải hàng hóa. Nhân công và kinh phí tốn không biết là bao nhiêu. Tương lai sẽ là con đường lưu thông chính, mà đoạn lớn được thi công đại quy mô là như vậy. Đến Eo Gió liền có xe điện của quý tòa Đa Lạc (Đà Lạt) xuống đón. Lên xe lúc 11 giờ trưa, đến 12 giờ 50 phút tới Đa Lạc, tức tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên, đường bộ dài 61 ki-lô-mét. Tính từ Eo Gió trở lên thì xe chạy nhanh được trên khoảng đường chừng 50 ki-lô-mét. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền trung châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách (xóm có rào) của người Thượng. Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn. Đó là đất đai ven hai bên đường, mắt có thể nhìn thấy được. Còn những nơi khác cách xa, bên sau non suối, chưa có thể khảo sát được. Từ 50 ki-lô-mét trở lên xa hơn, lại phải men theo núi mà đi. Trên dưới đồi núi chập chùng, lối đi quanh co. Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt…
Tiếc rằng, lúc đến Đa Lạc trời mưa 4 ngày liên tiếp, ngày về thì vội gấp, nên chưa được đi theo quý Khâm sứ đại thần xem tất cả các thắng cảnh. Dường như nước non tươi đẹp vẫn còn đợi chờ khách hữu tình vậy.
Qua “Lâm Viên hành trình nhật ký” cho ta thấy những điểm nhấn của con đường từ Phan Rang lên Đà Lạt vào thời điểm năm 1917. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, giao thông Đà Lạt đã có nhiều sự đổi thay nhưng con đường mà Đoàn Đình Duyệt đã ghi chép trong chuyến công cán, hành trình lên cao nguyên Lâm Viên năm 1917 hiện nay vẫn là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Đà Lạt.
LÊ KHẮC NIÊN