Cồng chiêng vật báu, hồn thiêng của các tộc người vùng Tây Nguyên

09:03, 02/03/2017

Đối với các tộc người Tây Nguyên, cồng chiêng là biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có, là cầu nối - giao tiếp giữa con người với tổ tiên và thần linh vì vậy nó được sử dụng nhiều trong các nghi lễ và lễ hội của cộng đồng. 

Nghệ nhân người  Êđê đang chỉnh chiêng. Ảnh: B.Ngọ
Nghệ nhân người Êđê
đang chỉnh chiêng. Ảnh: B.Ngọ
Đối với các tộc người Tây Nguyên, cồng chiêng là biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có, là cầu nối - giao tiếp giữa con người với tổ tiên và thần linh vì vậy nó được sử dụng nhiều trong các nghi lễ và lễ hội của cộng đồng. Người sở hữu nhiều cồng chiêng không chỉ là người được coi là giàu có về của cải mà còn là người có uy tín và sức mạnh linh thiêng lớn hơn người khác bởi có thần chiêng làm bạn… Chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.
 
Vì vậy những tù trưởng, mơ tao giàu mạnh xuất hiện trong các trường ca, sử thi Tây Nguyên xưa thường là những người “đầu đội khăn kép vai mang túi da”, có “chiêng treo trĩu cả nhà dài”. 
 
Uy lực của cồng chiêng còn được thể hiện trong các dịp lễ hội cộng đồng, khi người ta vui chơi và hiến tế thần linh: “Hãy đánh những chiêng có âm thanh hay nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất, đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà, vòng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ…”.
(Sử thi Đam San)
 
Cồng chiêng đối với đồng bào Tây Nguyên là tài sản có giá trị vật chất rất lớn, nhất là những bộ chiêng từ lâu đời, chúng được tính không phải bằng tiền mà bằng voi, bằng trâu, bò. Có những bộ chiêng quý như chiêng Tha của người Brâu được chế tác bằng hợp kim khá đặc biệt nặng gần 20 kg (một bộ chỉ có 2 chiếc nhưng phải có 30 con trâu mới đổi được bộ chiêng này). Chiêng Kuanh của người Mơ Nông giá trị bằng 1 con voi; chiêng Dlăng Dăng trị giá bằng 2 đến 3 con voi; chiêng mẹ Kuanh, chiêng Kớt N’rat đổi tới 6 con trâu. Chiêng của người Giẻ Triêng loại có tỉ lệ đồng đen nhiều có giá trị từ 35 đến 40 con trâu hoặc bò. Bộ chiêng A ráp (23 chiếc) phải đổi tới 30 con trâu.
 
Trong luật tục của các tộc người Tây Nguyên, khi có người vi phạm quy định nào đó, trường hợp vi phạm nặng thì sẽ bị xử phạt bằng cồng chiêng. Người Tây Nguyên đánh giá sự giàu nghèo thông qua số lượng cồng chiêng mà người chủ nhân đó đang sở hữu.
 
Các tộc người Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng làm nhạc cụ nhưng bản thân họ không tự mình đúc được cồng chiêng mà phải mua của các dân tộc ở các nước láng giềng như: Lào, Campuchia nhưng chủ yếu vẫn là của người Việt ở vùng duyên hải miền Trung. Chiêng sau khi mua về đều phải trải qua một quá trình chỉnh âm lại cho phù hợp theo hàng âm của tộc người. Đây là một công việc đòi hỏi sự khéo léo kỳ công, tỉ mỉ và óc sáng tạo chỉ có các nghệ nhân của tộc người đảm nhiệm. Người chỉnh chiêng thường là những nghệ nhân rất điêu luyện, khéo léo, phải thông hiểu thang âm của từng vùng, từng dân tộc, đặc biệt là có đôi tai thính để có thể thẩm âm một cách chính xác nhất. Chiêng khi đã chỉnh được âm thanh theo ý muốn người ta tổ chức một lễ thức hiến sinh mời thần chiêng về “trú ngụ” trong chiêng và từ đó “chiêng mới thật sự là của cải vật chất và tinh thần của con người”. Người Tây Nguyên quan niệm rằng, chiêng càng lâu đời bao nhiêu thì sức mạnh của vị thần càng lớn bấy nhiêu. 
 
Đối với họ, cồng chiêng là cầu nối - giao tiếp giữa con người với tổ tiên và thần linh, vì vậy nó được sử dụng nhiều trong các nghi lễ và lễ hội. Thường mỗi tộc người Tây Nguyên đều có một biên chế dàn chiêng riêng, bản nhạc riêng tùy theo tính chất đặc trưng của từng nghi lễ mà có những dàn chiêng, bài chiêng phù hợp. Dàn chiêng và bài chiêng dùng trong nghi thức cúng thần khác với dàn chiêng dùng trong nghi thức cầu mùa, cầu sức khỏe. Bộ chiêng và bài chiêng dùng trong lễ cưới, lễ kết bạn, mừng chiến thắng cũng được biên chế riêng và không được sử dụng trong lễ thức tang ma.
 
Cách tấu chiêng của người Tây Nguyên cũng khá đặc biệt: cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay, có bộ tộc còn dùng kỹ thuật chặn chiêng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng. Mỗi bài chiêng đều có nhiều bè, trong đó mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, bài chiêng có bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người đánh. Các nghệ nhân cồng chiêng ghi nhớ rất rõ các tiết tấu trong đầu và đặc biệt là họ biết kết hợp với nhau hết sức hài hòa. Cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng để làm thành âm điệu thức là điều rất đặc biệt. “Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội”(1).
 
Cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là tài sản vô giá cả về văn hóa lẫn âm nhạc. Là di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và nhân loại. Nó không chỉ có “ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là tiếng nói của con người, thần linh theo quan niệm “vạn vật hữu linh”(2). Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 25/11/2005.
 
(1), (2) theo “Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”- Viện VH-TT - Nhà Xuất bản Thế giới - Hà Nội 2006.
 
ÐOÀN BÍCH NGỌ