Ở nước ta, ngày 8/3 là ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam, là dịp để khắp nơi trong cả nước tôn vinh những chị em phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, và cũng chính ngày này là ngày ôn lại truyền thống lịch sử của Hai Bà Trưng, hai vị tướng nữ tài ba - anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt, công đức ấy phàm là dân Việt đều có bổn phận ghi nhớ...
Ở nước ta, ngày 8/3 là ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam, là dịp để khắp nơi trong cả nước tôn vinh những chị em phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, và cũng chính ngày này là ngày ôn lại truyền thống lịch sử của Hai Bà Trưng, hai vị tướng nữ tài ba - anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt, công đức ấy phàm là dân Việt đều có bổn phận ghi nhớ. Trong quá trình tra tìm tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, chúng tôi đã tìm thấy tài liệu viết về Hai Bà Trưng trong tập hồ sơ 2350 “Hồ sơ về việc tổ chức ngày lễ tưởng niệm các anh hùng dân tộc năm 1952”, Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, số 2 Yết Kiêu, phường 5, Đà Lạt. Đây là tài liệu gốc rất có giá trị về mặt lịch sử. Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc một phần nội dung văn bản này.
|
Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận (tranh dân gian Đông Hồ) |
“Mồng 6 tháng 2, húy nhật Hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị.(1)
Cùng ngày này, mỗi năm, trải qua 19 thế kỷ này, ở khắp nơi quốc dân Việt Nam làm lễ kỷ niệm Hai Bà.
Hôm nay ở đây, Chính phủ tổ chức một lễ lớn để kỷ niệm một cách long trọng hai vị cứu quốc đã phất cở khởi nghĩa giải phóng dân tộc và xây dựng nền độc lập cho giang sơn. Một cuộc hội hè thường năm nay đã trở thành một quốc lễ.
… Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, con gái một vị Lạc tướng, người làng Mê Linh, thuộc Phong Châu tức là làng Hà Lôi, phủ Yên Lang, tỉnh Phúc Yên bây giờ. Bà Trưng Trắc năm 19 tuổi, kết hôn cùng viên huyện lệnh Châu Diên tức phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Yên ngày nay) tên là Thi Sách.
Nước ta bấy giờ thuộc nhà Đông Hán đô hộ.
Năm Giáp Ngọ tức là năm 34 đầu kỷ nguyên Tây lịch, Vua Quang Vũ nhà Hán sai Tô Định sang làm Thái Thú quân Giao Chỉ tức là nước Việt Nam ta. Cũng như phần nhiều các viên Thái Thú trước, Tô Định là một kẻ tàn bạo, chỉ hà hiếp nhân dân để vơ vét cho đầy túi tham. Cái chính sách hà khắc của Tô Định làm cho mọi người oán hận và căm thù. Thi Sách thương dân khổ sở bèn cùng nhạc mẫu là bà Trần Thị Doan chiêu mộ một đạo quân để khởi nghĩa vào đầu năm Canh Tý, tức là năm thứ 40 đầu kỷ nguyên Tây lịch. Nhưng tiếc thay quân đội của ông không được tinh nhuệ nên mới ra chiến trường đã bị bại trận và Thi Sách bị giết. Vì thù nước và hận nhà, bà Trưng Trắc căm hờn Tô Định và cùng em là Trưng Nhị, chiêu tập binh mã, quyết ra tay rửa nhục cho nước và chồng. Tháng hai mùa xuân năm ấy, bà Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa. Lúc khơi thủy, lựa trong 5 họ ở làng ấp được 27 người nữ dũng. Sau thanh thế lan to, bà Trưng tuyển thêm những tay thiện xạ trong vùng sơn lâm được 8 vạn binh. Hai Bà đóng đồn ở Châu Diên truyền hịch đi mọi nơi dễ chiêu dụ anh hùng chiến sĩ. Theo bản “Nhi Trưng thần trích” ở Lâu Thượng, huyện Bạch Hạc, bà Trưng Trắc tuyên thệ ba điều sau này:
- Thề khôi phục nghiệp lớn của Tiền thân,
- Thề trả thù cho Thi Sách,
- Thề giết được Tô Định.
Thời bấy giờ trong đồi cây nội cỏ người ta thường nghe thấy trẻ mục đồng hát những câu ca chứa chan tinh thần yêu nước như là:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hay là
“Làm trai, cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”.
Cả một nước hăm hở trừ quân giặc, nên thanh thế Hai Bà Trưng mỗi ngày thêm lừng lẫy. Ngày mồng 3 tháng 2 Bà Trưng Trắc thao diễn quân sĩ ở bãi Trương Sa, nay là Bạch Hạc (Vĩnh Yên) rồi tiến quân đánh Tô Định. Bị đánh bất thần, Tô Định bỏ thành chạy sang Hải Nam; rồi trốn về lục địa Trung Hoa.
Quân Bà Trưng đi đến đâu quân địch tan vỡ đến đấy. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cũng nổi lên hưởng ứng và trong một thời gian rất ngắn Bà hạ được tất cả 65 thành, rồi xưng vương, đóng đô ở Mê Linh, và từ đó nước ta thoát ách đô hộ nhà Hán, năm ấy là năm Canh Tý tức là năm 40 Tây lịch.
Năm sau niên hiệu Hán Kiến Võ thứ 17 tức năm 41 Tây lịch, vua Quang Vũ nhà Hán sai Phục Ba tướng quân là Mã Viện và Phù Lạc Hậu là Lưu Phong mang đại đội binh mã, sử chép là 20.000 quân sang đánh nước ta... Mùa Xuân năm Nhâm Dần niên hiệu Hán Kiến Võ thứ 18 tức là năm 42 Tây lịch, Hai Bà rút quân về giữ thành Mê Linh. Năm Quý Mão, niên hiệu Hán Kiến Võ thứ 19 tức là năm 43 Tây lịch. Vua Quang Vũ gửi thêm cho Mã Viện 5 vạn binh. Mùa thu năm ấy Mã Viện đem đại đội đến hãm thành Mê Linh.
Vì địa thế hiểm trở và vì quân sĩ liều chết giữ thành, Hai Bà cố thủ được mấy tháng. Quân địch vất vả và thiệt hại nặng nề, mà vẫn không hạ được thành. Về sau quân Hán phải lập mưu dụ quân Nam đến Cẩm Khê gần sông Đáy. Ít lâu quân Mã Viện hết sức đông đúc kéo đến đánh Cẩm Khê, quân ta tuy vẫn giữ được một tinh thần ái quốc mãnh liệt nhưng đã quá nhọc nhằn từ lâu không địch nổi phải tan rã. Không thể cứu vãn lại được tình thế, theo tục truyền, Hai Bà thể cùng lực tận đành phải gieo mình xuống sông Hát Giang, chỗ địa phận làng Hát Giang, huyện Phúc Thọ (Sơn Tây) mà tuẫn tiết không chịu cái nhục sa vào tay quân địch. Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng 2 năm Quý Mão niên hiệu Hán Kiến Võ thứ 19 tức là năm 43 Tây lịch.
Trải gần hơn 2000 năm cái gương cần quốc anh hùng họ Trưng, vẫn còn chói lọi trong sử xanh? Ấy là biểu dương cái văn đẹp đẽ nhất cho Nữ lưu nước Việt. Ấy là bằng chứng của chí quật cường của toàn thể dân chúng nước Việt. Dưới ngọn cờ vàng và chỉ trong khoảnh khắc hạ được 65 thành trì, dựng nước xưng vương, hùng tâm tráng khí của Hai Bà chấn động cả một góc trời. Thế mới biết dân tộc ta sẵn tinh thần ái quốc. Một khi vì mối thù nước hận nhà cùng nhau đoàn kết trỗi dậy thì không còn có sức nào chống nổi.
… Nghiêng mình hành lễ trước bàn thờ hương trầm nghi ngút, chúng ta vô cùng cảm kích nghĩa đến giang sơn Tổ quốc trong 2 nghìn năm lịch sử vẫn chứa chan khí tiết anh linh của hai vị Nữ anh hùng và của tất cả các vị cứu quốc của nước Việt Nam anh dũng ngày xưa và ngày nay.
22/3/1950”(2)
Viết về khởi nghĩa Hai Bà Trưng có nhiều nguồn sử liệu, từ các sử liệu chính thống của Trung Quốc và Việt Nam đến các thần tích, giai thoại dân gian. Ở đây chúng tôi cung cấp thêm cho quý bạn đọc nguồn tài liệu gốc để thấy rằng câu thành ngữ: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, là câu nói thể hiện truyền thống yêu nước của phụ nữ Việt Nam đã được kiểm chứng qua lịch sử chống giặc ngoại xâm. Mở đầu truyền thống là hai vị anh hùng dân tộc: Bà Trưng Trắc và em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước.
Tài liệu tham khảo:
(1): Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy phụ nữ Việt Nam anh dũng, kiên cường không thua kém giới đàn ông.
(2): Hồ sơ 2350 “Hồ sơ về việc tổ chức ngày lễ tưởng niệm các anh hùng dân tộc năm 1952”, Phông Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Trung Nguyên Trung Phần, nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
NGUYỄN THỊ HỒNG LOAN