Chùa Linh Sơn ghi dấu sự kiện một thời đấu tranh cách mạng

10:04, 27/04/2017

Tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại 120 - đường Nguyễn Văn Trỗi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 1 km về phía Tây Bắc, chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa có lịch sử xây dựng sớm nhất của thành phố Đà Lạt. Chùa được khởi công xây dựng năm 1938 và hoàn tất năm 1940...

Tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại 120 - đường Nguyễn Văn Trỗi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 1 km về phía Tây Bắc, chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa có lịch sử xây dựng sớm nhất của thành phố Đà Lạt. Chùa được khởi công xây dựng năm 1938 và hoàn tất năm 1940. Chùa có kiến trúc theo lối truyền thống của các chùa Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, nơi Chánh điện thờ Phật có một tượng Phật Thích ca bằng đồng nặng 1250 kg được đúc năm 1952 và một Đại hồng chung nặng 700 kg đúc vào năm 1958. Chùa Linh Sơn được biết đến không chỉ là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo gắn bó lâu đời với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố Đà Lạt anh hùng.
 
Chùa Linh Sơn. Ảnh: Đ.B.N
Chùa Linh Sơn. Ảnh: Đ.B.N
Trong kháng chiến, chùa Linh Sơn là một trong những nơi chở che, nuôi giấu các chiến sỹ cách mạng hoạt động trong lòng địch tại Đà Lạt; đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1966-1975, chùa Linh Sơn là trụ sở bí mật của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, sinh viên - học sinh Đà Lạt, từng làm cho địch lao đao điêu đứng, ăn không ngon ngủ không yên trên mảnh đất mà chúng những tưởng yên bình và an toàn nhất miền Nam lúc bấy giờ. 
 
Ngược dòng lịch sử vào những năm 1960-1972, khắp các đô thị lớn ở miền Nam, nhất là các đô thị lớn như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân và học sinh-sinh viên đã diễn ra mạnh mẽ, sục sôi. Ở Đà Lạt, để phối hợp với nhân dân Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đấu tranh, tối ngày 26/3/1966, tại Gác chuông chùa, đại diện lực lượng học sinh - sinh viên và bà con tiểu thương chợ Đà Lạt đã tổ chức một cuộc họp để thành lập “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ”, bầu Ban Chấp hành và quyết định phát động đấu tranh. Từ đây “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ” đã tổ chức được nhiều hoạt động, nhiều cuộc đấu tranh gây được tiếng vang lớn như sự kiện đốt Đài Phát thanh, tổ chức những đêm không ngủ, hát cho đồng bào tôi nghe, chống bầu cử độc diễn tại khu Hòa Bình - trung tâm thị xã, buộc Thị trưởng Đà Lạt phải nhận yêu sách và nhượng bộ, nới rộng các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Đỉnh cao của phong trào là trong thời gian từ ngày 29/3 đến ngày 7/5/1966, nhân dân và học sinh, sinh viên Đà Lạt đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình, mít tinh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ rút về nước và không được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Lực lượng đã chiếm giữ Đài Phát thanh từ 30/3 đến 4/4/1966, chiếm Hợp tác xã rau làm trụ sở hoạt động,... 
 
Đặc biệt, trong phong trào đấu tranh có nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền đã tự thiêu tại sân chùa Linh Sơn vào ngày 23/6/1966 để phản đối chiến tranh. Trước khi tự thiêu chị đã để lại 6 bức thư gửi Tổng thống Mỹ Johnson, Tổng thống bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu, tướng Nguyễn Cao Kỳ; nhân dân Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nội dung các bức thư chị viết ngoài việc tố cáo tội ác của Mỹ ngụy, phản đối hành động xâm lược của đế quốc Mỹ còn kêu gọi các lực lượng đấu tranh cho hòa bình và nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Phong trào đấu tranh chính trị giai đoạn sau 1966 tiếp tục phát triển và đạt được những thành công nhất định, điển hình là cuộc đấu tranh từ ngày 29/9 đến ngày 3/10/1971 chống bầu cử độc diễn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Phong trào đã diễn ra sôi nổi, hừng hực khí thế đấu tranh với các hoạt động như: tổ chức hội thảo “học sinh, sinh viên trước hiện tình đất nước”, đốt thẻ cử tri, bích trương cổ động bầu cử, thành lập “UBND Đà Lạt - Tuyên Đức chống bầu cử bịp bợm ngày 3/10”, tổ chức đêm không ngủ, hát những bài ca đấu tranh, rải truyền đơn, treo biểu ngữ với những nội dung “Muốn ấm no lo đuổi Mỹ - Giành độc lập, đập Thiệu Hương”, “Muốn xây nền dân chủ, không đi không bầu”,..
 
Có thể nói phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, học sinh, sinh viên Đà Lạt đã cùng với các đô thị trên toàn miền Nam lúc bấy giờ đã tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
 
Bốn mươi hai năm đã đi qua, kể từ khi đất nước đã hòa bình thống nhất, Đà Lạt đã chuyển mình thay đổi với nhiều khởi sắc trong thời kỳ xây dựng và phát triển đi lên cùng cả nước, nhưng chùa Linh Sơn và những địa chỉ đỏ ghi dấu những sự kiện lịch sử nơi đây vẫn mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân thành phố Đà Lạt.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ