Suốt hai thế kỷ XVII, XVIII tuy đã nhiều lần thám sát và điều tra nghiên cứu tình hình, nhưng như ở phần trước đã trình bày, đến cuối thế kỷ XVIII, Pháp vẫn chưa thực hiện được ý đồ chiếm Côn Đảo. Giữa lúc ấy, Nguyễn Ánh giao ấn tín và con trai là hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đưa sang Pháp nhờ giúp đỡ đánh Tây Sơn (12/1784)...
Nhà tù Côn Đảo - công cụ giam cầm, đàn áp
và khủng bố của thực dân Pháp
[links()]
Suốt hai thế kỷ XVII, XVIII tuy đã nhiều lần thám sát và điều tra nghiên cứu tình hình, nhưng như ở phần trước đã trình bày, đến cuối thế kỷ XVIII, Pháp vẫn chưa thực hiện được ý đồ chiếm Côn Đảo. Giữa lúc ấy, Nguyễn Ánh giao ấn tín và con trai là hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đưa sang Pháp nhờ giúp đỡ đánh Tây Sơn (12/1784). Không bỏ qua cơ hội thuận lợi, Chính phủ Pháp lập tức cho thiết lập một hiệp ước để ràng buộc đôi bên, trên cơ sở đó từng bước áp đặt chủ quyền của Pháp ở Việt Nam.
|
Toàn cảnh khu chuồng cọp Pháp (khu tắm nắng). Ảnh: Tư liệu |
Ngày 28/11/1787 hiệp ước Versailles được ký kết giữa De Montmorin - đại diện Chính phủ Pháp và Bá Đa Lộc - người thay mặt Nguyễn Ánh. Theo đó, Nguyễn Ánh đồng ý nhượng cho Pháp chủ quyền ở Cửa Hàn (Đà Nằng), quần đảo Côn Lôn và độc quyền thương mại ở Nam Kỳ để đáp lại việc Pháp hứa giúp đỡ vũ khí và lực lượng quân sự.
Ngày 10/11/1861, trong một bức thư gửi đô đốc Bonard - người vừa được cử sang thay thế Charner, Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp lại nhấn mạnh: “Có một vấn đề mà tôi hằng lưu ý Ngài, và tôi cũng bận tâm không ít, đó là vấn đề Poulo Condore. Tôi hằng lo sợ một quốc gia nào đó sẽ đến chiếm cứ hải đảo này và biến nó thành một pháo đài quan sát rất nguy hiểm cho chúng ta. Chúng ta phải ra sức chiếm cứ, lấy cớ là để lập một hải đăng...”.
Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng, ngày 28/11/1861, theo lệnh của Bonard, Thông tấn hạm Norzagaray do Trung úy hải quân Lespès Nicolas Joachim chỉ huy có mặt tại Côn Đảo. Một biên bản được lập vội, khẳng định chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Côn Lôn, nguyên văn như sau (51):
Biên bản về chủ quyền quần đảo Poulo Condore
Hôm nay, ngày 28/11/1861 vào lúc 10 giờ sáng,
Tôi, Lespès Nicolas Joachim, Trung úy hải quân, Hạm trưởng Thông tấn hạm Norzagaray, tuân hành lệnh của Chính phủ và nhân danh Hoàng đế Pháp Napoléon III, tuyên bố quyền chiếm hữu quần đảo Poulo Condore.
Biên bản ghi nhận chủ quyền này được lập với sự hiện diện của các sĩ quan thuộc thông tấn hạm Norzagaray.
Ngày 1/12/1861, tàu vận tải Nièvre đưa một số viên chức Pháp do trung úy hải quân Félix Roussell dẫn đầu ra Côn Đảo thay thế cho lực lượng của thông tấn hạm Monge, đồng thời làm nhiệm vụ khảo sát, chọn vị trí xây dựng hải đăng và chuẩn bị các mặt cần thiết để biến Côn Đảo thành nơi lưu đày các loại “tội phạm nguy hiểm”. Sau khi nắm tình hình, Félix Roussell - sau đó là quản đốc đầu tiên của nhà tù Côn Đảo - đề nghị cho lập một đại đội lính bản xứ bằng cách lưu dụng quan lại và giám ngục cũ đang có mặt trên đảo, đồng thời trước mắt cho xây dựng vài dãy nhà bằng vật liệu nhẹ (tre, nứa, tranh, lá...) tạm làm nơi giam giữ tù nhân.
Ý đồ sâu xa của Pháp khi chiếm đóng Côn Đảo không phải chỉ để biến nơi này thành ngục tù đày ải phạm nhân. Côn Đảo trong tầm nhìn chiến lược của các nhà tư bản và chính khách Pháp phải là một địa điểm giữ vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại, đồng thời góp phần kiểm soát, khống chế con đường hàng hải từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, bảo đảm độc quyền khai thác tích lũy của tư bản Pháp ở khu vực này.
Vả lại, Côn Đảo được sử dụng làm nhà ngục chính là cắt đứt mối liên hệ với đất liền, bốn bên trời biển mênh mông người tù khó có thể trốn thoát vào đất liền và dễ bề đàn áp, thậm chí có thể thủ tiêu những người tù bất khuất mà không bị công luận phản đối hay lên án.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện bộ máy cai trị tại Côn Đảo, Pháp thiết lập một ủy ban kiểm tra tình tình nhà tù Côn Đảo và đưa ra các đề xuất thay đổi cơ cấu, tổ chức nếu cần thiết, ngoài ra Pháp còn ban hành Quy chế, Quy định đặc biệt tại nhà tù Côn Đảo. Các sở như Sở Muối, Sở lưới, Hầm xay lúa, Xà lim, Chuồng cọp không mái che, nhà biệt giam,... đã thực hiện được âm mưa thâm độc của chế độ thực dân Pháp là tàn phá sức lực của người tù, đẩy người tù đến chết dần, chết mòn, đến cái chết quằn quại và đau đớn nhất.
Trong bản báo cáo của Văn phòng Kiến trúc sư thuộc Nha Công trình Dân sự Nam Kỳ ngày 17/8/1874 cho biết, một con đường dài 7 km đã được mở ở phía vụng tây nam (Bến Đầm) bằng lao động khổ sai của tù nhân, hoàn thành chỉ trong vòng 5 tháng. Các cơ sở trong phạm vi nhà tù cũng đã khá hoàn chỉnh, gồm: “khu quản đốc rộng và đẹp”, nhà kho của các trại, bệnh xá, khu sỹ quan và các cơ sở phụ. Dọc bờ biển có các công trình xây dựng đang làm việc: 1 xưởng sửa chữa tàu thuyền (Sỏ Lưới), 1 lò gạch ngói và gạch vuông, “1 cầu tàu dài 120 m, rộng 4 m được xây dựng đàng hoàng chẳng cần máy móc mà chỉ với bàn tay của tù nhân”. Tuy nhiên, một số công trình khác vẫn còn trong tình trạng “hư nát thảm hại” (nhà thờ, trại lính, nhà giam...), cần được tu bổ.
Như vậy, tính đến năm 1874, Côn Đảo đã có được các cơ sở quan trọng cần thiết làm nền tảng cho việc mở rộng hệ thống nhà tù.
Trên danh nghĩa, chế độ lao tù ở Pháp và thậm chí ở các thuộc địa những năm cuối thế kỳ XIX đầu thế kỷ XX đều được khoác chiếc áo văn minh, tiến bộ, tôn trọng quyền con người. Các sắc lệnh của Tổng thống Pháp cũng như những quy chế, nghị định của Toàn quyền Đông Dương... đều cố thể hiện tinh thần đó trên văn bản. Thế nhưng, thực tế tại nhà tù Côn Đảo đã minh chứng hùng hồn tính chất bạo tàn, khắc nghiệt của một “địa ngục trần gian” với chế độ lao tù kết hợp cả sự dã man thời trung cổ cùng những thủ đoạn tinh vi thâm độc của chủ nghĩa thực dân, thể hiện từ việc phân loại tù nhân, chế độ ăn uống, sinh hoạt cho đến chế độ lao dịch và các biện pháp đọa đày, trừng phạt...
Tù nhân phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của quản đốc và các giám thị, giữ im lặng trong phòng giam, cả trong bữa ăn và lúc làm lao dịch. Họ không được hút thuốc, ăn trầu, giữ tiền riêng và càng không có quyền ca hát, hội họp, đưa kiến nghị... Mối đe dọa thường trực đối với họ là những tên caplan (cặp rằn) sống ngay bên cạnh, sẵn sàng đánh đập, trừng phạt một cách hung bạo và tàn nhẫn đến người tù.
Công việc nặng nhọc, không khí thiếu, cái nóng hầm hập luôn thường trực, đã vậy một số tù nhân còn bị xiềng chân ngay trong khi làm việc. Buổi tối, tất cả đều bị xiềng (riêng từng người hoặc hai người làm một). Chỉ một thời gian ngắn khổ sai tại hầm xay lúa đã đủ dẫn đến bệnh lao phổi, toét mắt và làm cho người tù trở nên hung hãn, dễ dàng chém giết, thanh toán lẫn nhau. Vì vậy, có thể nói rằng tù nhân bị đưa vào hầm xay lúa là bị đẩy đến cái chết một cách quằn quại, đau đớn.
Do vậy, cũng dễ hiểu vì sao tù nhân Côn Đảo không lúc nào ngừng đấu tranh, nổi dậy, bất chấp mọi hình phạt khủng khiếp có thể giáng xuống họ bất cứ lúc nào, thậm chí kể cả hy sinh mạng sống của mình đi nữa.
Nhà tù Côn đảo luôn là chiến trường cách mạng quyết liệt với kẻ thù. Tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã lãnh đạo anh em tù chính trị và cả tù thường phạm đấu tranh kiên cường, bền bỉ suất mấy chục năm bằng nhiều hình thức chống chế độ lao tù ác nghiệt, chống sự bạo tàn của bọn chúa đảo và gác ngục, để bảo vệ đội ngũ, giữ gìn khí tiết và trau dồi bản lĩnh. Cuộc chiến đấu bất khuất đầy dũng cảm, mưu trí của các chiến sĩ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Côn Đảo nay đã trở thành mảnh đất thân thiết và thiêng liêng ẩn sâu trong trái tim của mỗi người dân đất Việt.
TRẦN THỊ MINH
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV