Vùng "đất lửa" ngày ấy, bây giờ

09:04, 06/04/2017

Nằm về hướng Đông Bắc, Phường 11 là cửa ngõ của TP Đà Lạt có vị trí chiến lược rất quan trọng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phường 11 trở thành vành đai - khu vực phòng tuyến trọng yếu của Thị ủy Đà Lạt, vùng "đất lửa" ngày ấy…

Nằm về hướng Đông Bắc, Phường 11 là cửa ngõ của TP Đà Lạt có vị trí chiến lược rất quan trọng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phường 11 trở thành vành đai - khu vực phòng tuyến trọng yếu của Thị ủy Đà Lạt, vùng “đất lửa” ngày ấy…
 
Niềm vui mùa thu hoạch. Ảnh: T.D.H
Niềm vui mùa thu hoạch. Ảnh: T.D.H
1. Lịch sử hình thành một vùng đất
 
Lịch sử Đảng bộ Đà Lạt ghi: đầu thế kỷ XX, Cao nguyên Trung Phần do Pháp kiểm soát; để khai thác thuộc địa, người Pháp thực hiện nhiều công trình như: xây dựng Nhà máy thủy điện Đankia (năm 1918); xây dựng Nhà máy nước (1920); xây Bệnh viện chữa bệnh cho phụ nữ (1922). Giao thông, người Pháp cho mở tuyến đường bộ Đà Lạt - Phan Rang (từ 1918 đến năm 1930) và mở tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm (1929 - 1932)…
 
Khi đó, Phường 11 - Đà Lạt còn là vùng rừng hoang vu, một số ít người dân tộc thiểu số bản địa sống ẩn dật. Để xây dựng đồn điền, các công trình, người Pháp đã đưa những người bị bắt phu, bắt lính từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung (Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) về làm việc cho chúng. Sau này, nhiều người tha hương cũng đến đây làm thuê, khai hoang mở đất làm vườn, cất nhà… Các ấp đầu tiên của Phường 11 dần dần hình thành. Ấp Đa Phước (còn gọi Trại Mát) là ấp hình thành sớm nhất (năm 1928). Những lão làng kể lại, ngày đó, công nhân làm đường ở đây đã làm một số chòi để nghỉ trưa; khu vực này có rất nhiều cây mát mát (chanh dây) nên người ta gọi là “Trại Mát”. Trại Mát còn có tên khác: làng Đa Phước hay ấp Đa Phước (giai đoạn 1940 - 1950). Những năm sau đó, cư dân từ nhiều vùng miền trên cả nước lần lượt tìm đến đây sinh sống góp phần hình thành thêm các ấp như: Tây Hồ (năm 1938); Tự Tạo (1950); Ấp Sào Nam (1952)…
 
Đa số cư dân về đây lập nghiệp là nhân dân các địa phương giàu truyền thống yêu nước; ngoài tích cực khai hoang mở mang đất sản xuất rau, hoa và lập làng, những gia đình này tiếp tục “gieo mầm” cách mạng trên vùng đất mới. Từ lúc chỉ có vài người, sau tăng lên vài chục rồi 700 nhân khẩu (năm 1954); và mỗi gia đình ở đây đều là cơ sở cách mạng. Nhờ đó, Phường 11 trở thành “một lõm chính trị quan trọng”, căn cứ cách mạng chắn ngang hướng Đông Bắc Sào Nam và cả Đông Bắc Đà Lạt trong những năm kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ.
 
Có vị thế chiến lược nằm trên trục Quốc lộ 11 (nay là Quốc lộ 20) nên trong kháng chiến chống Pháp, Thị ủy Đà Lạt đã chọn Phường 11 xây dựng phòng tuyến trọng yếu. Năm 1945, chính quyền cách mạng tỉnh Lâm Viên xây dựng phòng tuyến ở Phi Nôm kết hợp với phòng tuyến Trại Mát để ngăn chặn Pháp từ Đà Lạt đánh xuống nhằm bảo vệ các cơ quan đoàn thể của Ủy ban cách mạng tỉnh Lâm Viên. Phòng tuyến này được xây dựng nhiều lớp, nhiều tầng có hệ thống hầm hào, công sự để đánh giặc càn quét; Phường 11 trở thành vành đai, vùng “đất lửa” chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Đặc biệt, giai đoạn 1946 - 1954, Tây Hồ, Sào Nam, Trại Mát còn là căn cứ của Đội Vũ trang Tuyên truyền 86 (Mật khu 86) và Đội 22 của Thị ủy Đà Lạt hoạt động. Do đó, Phường 11 bị địch tăng cường khủng bố, bắt bớ, đánh phá rất ác liệt…
 
Hàng trăm hộ dân ở Phường 11 trở thành cơ sở cách mạng, tham gia binh vận, tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ hoạt động tại chỗ; đồng thời bố trí cho con em thoát ly tham gia cách mạng… Nhiều gia đình trước đây tham gia kháng chiến chống Pháp, tiếp tục tham gia đánh Mỹ như gia đình ông Lê Văn Cường (ấp Tây Hồ); gia đình ông Hoàng Huyền (ấp Sào Nam) có 7 người thân đều tham gia cách mạng, bản thân ông Huyền bị giặc bắt bỏ tù tới 18 lần trải qua 5 nhà lao của địch; hai anh em ruột Cao Ngà, Cao Thạnh (ấp Tự Tạo) tham gia cách mạng; riêng ông Cao Ngà bị giặc bắt bỏ tù đã vượt ngục và ra căn cứ tiếp tục chiến đấu; gia đình ông Nguyễn Đức Nhuận (ấp Tự Tạo) có bảy người đều tham gia cách mạng và 2 người hy sinh (liệt sĩ); gia đình bà Nguyễn Thị Dự (Ấp Sào Nam) có 6 người tham gia kháng chiến…
 
Gần 30 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và hy sinh, nhân dân Phường 11 - Đà Lạt đã đóng góp của cải, công sức, máu xương để cùng Đà Lạt, tỉnh Lâm Viên và cả nước làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Dù là một địa bàn ít dân cư lại bị tàn phá rất khốc liệt; song sự trỗi dậy của nhân dân ở một vùng vành đai, vùng “đất lửa” quá đỗi kiên cường, là phường đầu tiên của Đà Lạt nổi dậy giải phóng quê hương thành lập chính quyền cách mạng. Lịch sử Đảng bộ Phường 11 - Đà Lạt ghi lại, riêng giai đoạn 1965 - 1975, nhân dân trong Phường đã ủng hộ cho cách mạng 2.400 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men; huy động 12.000 ngày làm dân công hỏa tuyến, tiếp lương, tải đạn, chăm sóc bộ đội… Toàn phường có hơn 400 lượt người đã tham gia kháng chiến và 100 người thoát ly ra căn cứ trực tiếp chiến đấu…
 
Với những thành tích tiêu biểu đó, Phường 11 - Đà Lạt đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: 6 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phường 11 được tặng Huân chương Thành Đồng, 5 Huân chương Độc Lập; 69 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 60 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước các loại; 18 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ bị địch bắt tù đày; 46 gia đình liệt sĩ…
 
2. Vùng “đất lửa” hôm nay
 
Kiên cường, bất khuất trong kháng chiến và cần cù, sáng tạo trong lao động, xây dựng đất nước, địa phương, đó là truyền thống của nhân dân Phường 11 - Đà Lạt! Từ lúc chỉ có vài chục người bị thực dân Pháp bắt đi phu, đi lính, làm thuê cho người Pháp những năm đầu thế kỷ XX, đến nay, Phường 11 có 2.052 hộ với 8.131 nhân khẩu sinh sống tại 4 khu phố; hiện nay được tách ra 11 tổ dân phố. 
 
Toàn phường có 1.646 ha đất tự nhiên; trong đó, 600 ha đất canh tác rất thích hợp cho các loại rau, hoa, cây ăn quả, các loại cây lương thực... Nhạy bén với cách làm mới, nhân dân Phường 11 tập trung đầu tư các ngành nghề mũi nhọn; ứng dụng KHKT vào sản xuất làm giàu kinh tế gia đình. Nông dân đã chuyển 81 ha/tổng số 588,5 ha đất trồng rau truyền thống sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Atiso, các loại hoa cao cấp trong nhà kính, nhà lưới. Toàn phường có 200 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Phường có 3 Hợp tác xã (HTX), 6 Tổ hợp tác sản xuất. HTX rau Tự Phước trở thành lá cờ đầu trong hoạt động kinh doanh của nông dân Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. HTX này hoạt động khá hiệu quả và đã phát triển thành HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tự Phước.
 
Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nên đời sống kinh tế của nhân dân một phường vùng ven nâng lên rất cao. Hàng năm, số hộ khá, giàu của Phường 11 liên tục tăng: giai đoạn 1986 - 1995, có 20% số hộ có thu nhập mỗi năm từ 40 triệu đồng trở lên; năm 2005, hơn 30% số hộ có mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm; năm 2010 trên 40% số hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, Phường 11 có trên 30% hộ giàu, 69% hộ khá. Đặc biệt, có hơn 30 hộ thanh niên sản xuất giỏi thu nhập khá cao. Tiêu biểu như hộ thanh niên Võ Nam Nhi (Tổ dân phố Sào Nam) sản xuất hoa CNC thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; hộ Đinh Đức Phúc (Tổ dân phố Tây Hồ 1) sản xuất địa lan, hoa hồng môn và chăn nuôi heo… thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; hộ Nguyễn Đình Hồng (Tổ dân phố Huỳnh Tấn Phát) sản xuất hoa lyli CNC, thu nhập 500 triệu đồng/năm v.v…
 
Từ vùng vành đai, vùng “đất lửa” năm xưa bom cày đạn xới, hôm nay Phường 11 - Đà Lạt xanh tươi những nương cà phê, chè, những vườn rau, hoa tít tắp và cuộc sống no ấm tràn đầy!…
 
Bút ký: THANH DƯƠNG HỒNG