Hình ảnh tráng sĩ mài gươm gợi nhớ vị anh hùng Đặng Dung

09:05, 25/05/2017

Tại phòng khách Dinh II Đà Lạt treo bức ảnh sơn dầu khổ cực lớn với hình ảnh tráng sĩ cầm thanh gươm mài bên bờ suối, dưới ánh trăng thanh trong đêm vắng, một con chiến mã đang hí và cảnh núi rừng làm người tham quan gợi nhớ đến một nhân vật anh hùng thời nhà Trần với bài thơ nổi tiếng "Cảm hoài", đó là danh tướng Đặng Dung con trai Đặng Tất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Tại phòng khách Dinh II Đà Lạt treo bức ảnh sơn dầu khổ cực lớn với hình ảnh tráng sĩ cầm thanh gươm mài bên bờ suối, dưới ánh trăng thanh trong đêm vắng, một con chiến mã đang hí và cảnh núi rừng làm người tham quan gợi nhớ đến một nhân vật anh hùng thời nhà Trần với bài thơ nổi tiếng “Cảm hoài”, đó là danh tướng Đặng Dung con trai Đặng Tất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
 
Bức ảnh sơn dầu với hình ảnh tráng sĩ cầm thanh gươm mài bên bờ suối. Ảnh chụp lại: N.H.K
Bức ảnh sơn dầu với hình ảnh tráng sĩ cầm thanh gươm mài bên bờ suối. Ảnh chụp lại: N.H.K
Bài thơ thất ngôn bát cú “Cảm hoài” được kết với câu thơ: “Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma” có nghĩa là “Bao phen mang gươm báu mài dưới ánh trăng”. Câu thơ này chính là đề tài mà tác giả bức tranh muốn nói đến. 
 
Đặng Dung quê ở Châu Hóa (Bình Trị Thiên), dưới triều Hồ ông đã giúp cha là Đặng Tất quản lĩnh Châu Hóa. Khi giặc Minh xâm lược, ông cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi. Sau vì Trần Ngỗi nghe lời gièm pha giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, ông đã cùng Nguyễn Cảnh Dị bỏ Trần Ngỗi, tôn Trần Quý Khoáng làm minh chủ và trở thành một tướng tài, đánh thắng nhiều trận. Cuối cùng, Đặng Dung bị giặc bắt, trên đường bị giải về Trung Quốc ông đã nhảy xuống sông tự vẫn. Bài thơ “Cảm hoài” là bài thơ rất nổi tiếng mà ông đã để lại. Nguyên văn bài thơ như sau: “ Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca/ Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa/ Trí chúa hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà/ Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma”. Bài thơ có rất nhiều người dịch rất hay, như Phan Kế Bính, Tản Đà, Vũ Hải Tiêu… Để tiện cho việc theo dõi chúng tôi xin chọn bản dịch thơ của Phan Kế Bính: Việc đời bối rối tuổi già vay. Trời đất vô cùng một cuộc say/ Bần tiện gặp thời lên cũng dễ/ Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay/ Vai khiêng trái đất mong phò chúa/ Giáp gột sông trời khó vạch mây/ Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
 
Như vậy, qua bài thơ này hình ảnh tráng sĩ mài gươm trong bức tranh ở Dinh II Đà Lạt đang nhắc đến Đặng Dung, mà cụ thể là trong câu thơ cuối. Lý giải vì sao lại có hiện tượng này, dẫn đến hình ảnh của bức tranh ra đời. Trong bài thơ chúng ta thấy có 8 câu, chia làm 4 phần, đề, thực, luận, kết theo đúng mô típ thơ Đường luật. Hai câu đầu là câu đề với: “Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” (Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi biết làm thế nào/ Trời đất thu vào một cuộc rượu hát nghêu ngao). Đọc hai câu thơ trên, người đọc cảm thấy đây là một cuồng sĩ ẩn danh hay một lãng tử ngao du thiên hạ. Song thật ra đây lại là sự bất lực của con người có chí khí, nhưng sự nghiệp chưa thành, song tuổi thì đã già rồi, không thể đảm đương nổi nữa.
 
Thế rồi ông đổ lỗi cho thời vận, việc được thua, lực bất tòng tâm thường xuyên xảy ra. Nhưng việc âu thời mẫn thế, thời cơ đến và đi chỉ trong giây lát. Nếu ai biết nắm bắt thời thế thì sẽ dễ thành công. Còn ngược lại, dù có tài năng đến mấy mà không có thời cơ thì thời vận qua đi cũng sẽ ôm hận nhiều mà thôi. Hai câu thực sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó: “Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (Khi gặp thời, người hàng thịt, kẻ câu cá dễ dàng làm nên sự nghiệp/ Lúc vận qua đi những bậc anh hùng cũng nuốt hận nhiều). Câu thơ này tác giả Đặng Dung đã dẫn điển tích của Trung Quốc để làm ví dụ minh họa, từ “đồ điếu” chỉ người bán thịt và câu cá. Song hai từ này lại chỉ người có địa vị thấp trong xã hội. Đó là nhân vật Phàn Khoái khi bán thịt chó ở chợ và Hàn Tín lúc cơ hàn câu cá ở bờ sông. Sau này hai người theo giúp Hán Cao Tổ lập nên sự nghiệp lớn. Trong lịch sử dân tộc ta thời Trần - Hồ, khi cha con Đặng Tất, Đặng Dung lúc vận nhà Trần sắp hết mà cả hai cha con đều tận tâm, tận lực đánh giặc cứu nước, nâng đỡ vận nước khi sắp hết, chống nhà lớn lúc đã xiêu theo như lời nhận xét của Dương Văn An. Hai cha con đã làm một việc như người anh hùng phải làm, nhưng cuối cùng thời vận nhà Trần đã hết, thời vận lại trôi qua.
 
Trong hai câu luận: “Trí chủ hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà” (Giúp chúa những mong xoay trục trái đất lại/ Rửa giáp binh, không có đường kéo dòng Ngân hà xuống). Cái chí khí mạnh mẽ của người anh hùng được thể hiện qua hai câu thơ này. Người anh hùng có lòng giúp chúa thay đổi tình thế, thời cuộc, như việc xoay cả trục đất lại. Để mong đất nước thanh bình không phải dùng đến giáp binh nữa. Song cuối cùng cũng bất lực khi không có đường để kéo nước dòng Ngân xuống. Từ vị trí này, người đọc có thể thấy Đặng Dung hiện lên thật lớn lao giống như Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu trong các tác phẩm của mình. 
 
Hai câu kết của bài thơ chính là tâm điểm của bức tranh: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma”(Thù nước chưa trả mà mái tóc đã sớm bạc/ Bao phen mang gươm báu mài dưới ánh trăng). Nếu như chuyện già cả được cho là nguyên nhân của nỗi lòng, thì thời vận là nguyên nhân khách quan dẫn đến thất bại. Nhưng cái già và thời cuộc đã tạo nên một sự day dứt trong lòng tráng sĩ. Đó là thù nước chưa đáp đền mà tóc đã bạc rồi. Tiếng thở dài như báo hiệu cho một sự thất bại đương nhiên. Song cái kết của bài thơ, cũng là cái kết của tráng sĩ chính là hình ảnh mài gươm. Đây là hình ảnh sáng nhất của bài thơ cũng như của bức tranh. Trong đêm vắng bên dòng suối, dưới ánh trăng tráng sĩ mài gươm. Có nhiều người thắc mắc rằng, thời vận như vậy mài gươm để mà làm gì, song qua hình ảnh này người đọc sẽ thấy một tráng sĩ kiên cường, hi vọng một lúc nào đó thanh gươm sẽ lại có ích. Sẽ có lúc lại được thong dong trên yên ngựa báo đáp quốc ân.
 
Đọc lại toàn bộ bài thơ ứng với bức tranh trên Dinh II Đà Lạt, đúng như nhận xét của Lý Tử Tấn: “Phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (Nếu kẻ sĩ không phải là bậc hào kiệt thì không thể làm nổi). Đó cũng là cái kết cục của người anh hùng sa cơ lỡ vận. Cuối cùng người anh hùng lấy cái chết để đền ơn nước, cũng là để bày tỏ cái khí tiết của mình không chịu khuất phục quân thù. Hình ảnh ấy sẽ còn được ghi dấu mãi mãi trong chính sử nước nhà.
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN