Người 35 năm chụp hình Đại tướng

08:05, 11/05/2017

63 năm trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu và hình ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn như bản hùng ca vang mãi. Sự kiện ấy, con người ấy vẫn luôn là điểm tựa niềm tin để đất nước ta, dân tộc ta tiếp tục kiến tạo những mốc son chói lọi.

63 năm trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu và hình ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn như bản hùng ca vang mãi. Sự kiện ấy, con người ấy vẫn luôn là điểm tựa niềm tin để đất nước ta, dân tộc ta tiếp tục kiến tạo những mốc son chói lọi.
 
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, tôi may mắn gặp được nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Trấn Tuấn - người vinh dự có 35 năm chụp hình Đại tướng ở thành phố hoa Đà Lạt và được nghe về cái “duyên hạnh ngộ” chẳng mấy ai có được của người NSNA ấy với người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - vị tướng của lòng dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Bức ảnh Đại tướng ký tặng nhà báo Trần Tuấn sau đợt mổ ruột thừa năm 1966. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bức ảnh Đại tướng ký tặng nhà báo Trần Tuấn sau đợt mổ ruột thừa năm 1966.
(Ảnh nhân vật cung cấp)
“Cơ duyên” chẳng mấy ai có được
 
Với một người từng là nhà báo, từng là phóng viên ảnh của TTXVN như NSNA Trần Tuấn có lẽ chưa bao giờ ông cho phép đôi chân mình được ngơi nghỉ. “Tháng nào tôi và bạn bè cũng đi một vài chuyến ở các tỉnh để ghi lại những hình ảnh đẹp của đất nước”, NSNA Trần Tuấn đã nói với tôi như thế khi đoàn của ông đi tham quan, sáng tác tại Đà Lạt dịp này. Lần quay trở lại này của ông đúng vào những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang nhớ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Đại tướng TổngTư lệnh Võ Nguyên Giáp, có lẽ đó là lý do cho cảm xúc của người nghệ sỹ ấy thêm dâng trào để ông chia sẻ với những người bạn ở xứ lạnh về “cơ duyên” chẳng mấy ai có được là làm người chụp hình cho Đại tướng.
 
Hơn 40 năm làm báo ở TTXVN, thì có tới 35 năm (1976 - 2011) NSNA Trần Tuấn được chụp hình cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đốt điếu thuốc lá trong cái lạnh của phố núi, người đàn ông ấy trầm ngâm, bồi hồi nhớ. Năm 1975, Trần Tuấn được cử ra xây dựng lại phân xã Thừa Thiên Huế sau giải phóng. Lúc đó ông được phân công đi theo chụp ảnh, đưa tin về chuyến thăm lại chiến trường miền Nam của Đại tướng. Đó cũng là thời khắc đánh dấu cho việc những bức ảnh chân thực, bình dị về vị tướng vĩ đại của dân tộc xuất hiện trong cuộc đời làm báo của Trần Tuấn. Sau đó năm 1976, sau khi có quyết định trở ra Bắc làm việc, ông vinh dự một lần nữa được nhận nhiệm vụ đi theo Đại tướng trong chuyến thăm khu kinh tế Quảng Ninh. Cái duyên đó chẳng mấy ai có được của nhà báo Trần Tuấn cũng bắt đầu từ đó. 
 
Nhà báo Trần Tuấn lúc đó là người duy nhất được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đích thân gọi điện sang TTXVN yêu cầu đi chụp về mình. “Cứ mỗi khi đi đâu công tác, Đại tướng lại yêu cầu văn phòng báo “anh Tuấn” cùng đi và nhất nhất yêu cầu tôi phải gọi Người bằng cái tên thân mật “anh Văn”” - NSNA Trần Tuấn kể. Luôn ý thức được trọng trách và vinh dự lớn lao của mình khi được chụp hình cho Đại tướng, bởi vậy, bất cứ khi nào Đại tướng yêu cầu nhà báo Trần Tuấn đều có mặt với sẵn sàng túi máy trên vai. 
 
Suốt chặng đường dài 35 năm bền bỉ theo chân Đại tướng, NSNA Trần Tuấn đã có một “kho” những bức ảnh quý hiếm về con người vĩ đại ấy. “Đó là tài sản vô giá của cuộc đời tôi”, NSNA Trần Tuấn xúc động nói. 
 
Đại tướng và nhà báo Trần Tuấn ngắm hoa bạch trà trong sân ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Ảnh nhân vật cung cấp
Đại tướng và nhà báo Trần Tuấn ngắm hoa bạch trà trong sân ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.
(Ảnh nhân vật cung cấp)
Bức ảnh thứ 150 và những câu chuyện năm 1996
 
35 năm ấy với NSNA Trần Tuấn là cả một trời kỷ niệm với Đại tướng. Và ông đã chọn năm 1996 - một năm với nhiều kỷ niệm đáng nhớ giữa ông và Đại tướng để kể cho chúng tôi, hay nói đúng hơn NSNA Trần Tuấn đang sống lại trong chính ký ức của mình hơn 20 năm về trước.
 
Bằng chất giọng trầm trầm đặc trưng, Trần Tuấn bồi hồi nhớ lại: Từ năm 60 tuổi đến 80 tuổi Đại tướng không chụp chân dung. Năm 1996, nhân sắp sửa có chuyến đi thăm và làm việc của Đại tướng tại Thụy Sỹ, tôi mời Người đến phòng chụp của TTXVN để chụp ảnh hộ chiếu. Nhân dịp này tôi đề xuất với Đại tướng “Tôi sẽ chụp anh với ba màu áo: bộ lễ phục trắng, bộ màu xanh của các tướng lĩnh quân đội và bộ com lê màu ghi”. Đó là ba màu áo đặc trưng nhất của Đại tướng khi xuất hiện trước công chúng. Đại tướng mặc lễ phục trắng nhưng lại đội mũ màu xanh. Tôi đề nghị đổi lại mũ màu trắng thì Đại tướng nói: Quân đội ta từ nhân dân mà ra và phục vụ nhân dân. Vì đất nước ta còn nghèo nên trang bị chưa được đồng bộ, nên trang bị đến đâu quân đội ta thực hiện đến đấy. Để đảm bảo tính kỷ luật của quân đội ta cứ đội mũ xanh như đã được trang bị. (Đến giữa năm 1997 quân đội ta mới được trang bị quân phục còn mũ và dày thì chưa có). Bức ảnh chân dung ấy của Đại tướng hiện nay rất phổ biến. Trong phòng chụp hôm đó chỉ có Đại tướng, tôi và hai bóng đèn 500W. Hôm đó, tôi chụp tất cả 150 kiểu ảnh. Người tôi ướt sũng vì nóng. Đến kiểu thứ 150 anh Văn cương quyết: “Chụp anh với tôi”. Tôi xin phép không chụp vì người đã ướt sũng nhưng Đại tướng nói: “Ướt càng quý, anh cứ chụp”. Từ bấy đến nay, bức ảnh thứ 150 ấy được NSNA Trần Tuấn nâng niu như báu vật.
 
Cũng trong năm 1966, trong chuyến đi công tác dài ngày ở miền Nam, khi đang ở Vũng Tàu, Trần Tuấn bị đau ruột thừa cấp, Đại tướng gọi bác sĩ riêng của ông tới khám, sau đó phải vào viện mổ và mất một tuần hồi phục. Chuyến công tác đó Đại tướng đợi Trần Tuấn bình phục mới tiếp tục. Quà chúc mừng bình phục của Đại tướng cho nhà báo Trần Tuấn là tấm hình chụp chung của hai người. Đó là vào ngày 6/5 “Đại tướng nói: Tôi ký cho anh Tuấn chữ ký ngày tôi còn làm Tổng Tư lệnh Điện Biên Phủ vì ngày mai là kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ”, NSNA Trần Tuấn nhớ lại.
 
Năm 1966, khi Đại tướng về thăm lại các tỉnh phía Nam, người ghé thăm Củ Chi. Điều kiện kinh tế khó khăn Củ Chi chưa xây dựng được nhà khách. NSNA Trần Tuấn đã mắc cái võng giữa một cây cột chắc và khóm tre xanh. Sau khi kiểm tra kỹ, ông mời Đại tướng ghé nghỉ trưa. Với NSNA Trần Tuấn lúc đó: “Khoảnh khắc ấy trong tôi gợi lên thật nhiều suy nghĩ, liên tưởng. Tôi cứ nghĩ rằng, Đại tướng nằm trên chiếc võng được mắc một đầu vào cây cột chắc như tư tưởng Hồ Chí Minh, khóm tre sau lưng tượng trưng cho cả dân tộc. Và Đại tướng nằm nghỉ trưa trên chiếc võng nhưng khuôn mặt Người vẫn chất chứa nhiều trăn trở, nghĩ suy”. Và bức ảnh Đại tướng nghỉ trưa ở Củ Chi năm 1966 cũng là một trong những bức ảnh tâm đắc của ông.
 
Trong chiếc máy điện thoại người nghệ sỹ này luôn có một file riêng ông dành để lưu giữ những hình ảnh kỷ niệm của ông với Đại tướng. Đó là vật bất ly thân của ông. Và mỗi bức ảnh được mở ra là bao kỷ niệm lại ùa về: đó là bức ảnh Đại tướng và nhà báo Trần Tuấn ngắm hoa Bạch Trà (loài hoa mà Đại tướng yêu thích) ở sân ngôi nhà 30 Hoàng Diệu sau khi Người nhắn “anh Tuấn à hoa trà đã nở”. Là bức ảnh chụp năm 1978 khi nhà báo Trần Tuấn được vinh dự tháp tùng Đại tướng đi kiểm tra lực lượng hải quân bảo vệ vùng biển phía Bắc của tổ quốc. Đại tướng rất quan tâm đến vấn đề biên giới trên biển. Có lẽ hiểu được điều đó mà đã hai lần NSNA Trần Tuấn gửi hàng chục tập sách ảnh gồm: “101 khoảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và “Tướng Giáp trong lòng dân” ra tặng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ trên các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. 
 
Những năm qua NSNA Trần Tuấn đã tự mình mở nhiều cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình và Điện Biên. Đặc biệt, sau triển lãm tại Điện Biên năm 2012, ông đã tặng hàng trăm bức ảnh màu cỡ lớn (60x90 cm và khung kính), hàng chục bức ảnh pano từ 4 m2 - 20 m2 cho Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
 
“Đại tướng giản dị, gần gũi, quan tâm tới anh em từ những điều nhỏ nhất. Đại tướng thường hỏi về kết quả học tập của con tôi nên cứ mỗi năm 2 lần tôi đều đưa con gái tới báo cáo tình hình học tập với Đại tướng. Con gái tôi bây giờ đã trưởng thành nhưng Đại tướng cũng đã về với vĩnh hằng”, NSNA Trần Tuấn trầm ngâm, mắt ông nhòa đi sau làn khói thuốc trắng mờ nơi xứ lạnh.
 
NGỌC NGÀ