(LĐ online) - Ngày 10/5/2017, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia...
* 10 năm hoàn thành khoảng 84% việc phân giới, cắm mốc
(LĐ online) - Ngày 10/5/2017, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia. Đồng chí Phạm Văn Linh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và đại diện các Ban Tuyên giáo cùng các sở, ban, ngành, tổ chức liên quan thuộc 5 tỉnh có biên giới với Campuchia (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước) và ba tỉnh bên cạnh là Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương... Hội nghị đã nghe các báo cáo viên trình bày các chuyên đề: Tình hình đàm phán giải quyết biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; Thuận lợi, khó khăn và phương hướng phát triển thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia trong thời gian tới; Thuận lợi, khó khăn và một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia…
Theo Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ ngoại giao: Trong tiến trình lịch sử của hai dân tộc, đường biên giới giữa Việt Nam – Campuchia đã hình thành từ lâu. Hiện nay, hai quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.137km, di qua 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), tiếp giáp 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svayrieng, Preyveng, Kandal, Takeo và Kampot). Đường biên giới giữa hai nước hiện nay được đàm phán ký kết trên cơ sở kế thừa đường biên giới do thực dân Pháp để lại, được thực hiện khá đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản đến trước năm 1954. Sau khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia được thành lập, ngày 18/2/1979, hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia” (Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác 1979), tại Điều 4 quy định: “Hai bên cam kết sẽ giải quyết bằng thương lượng hòa bình tất cả những bất đồng có thể nảy sinh trong quan hệ hai nước. Hai bên sẽ đàm phán để ký một hiệp định hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước trên cơ sở đường biên giới hiện tại; quyết tâm xây dựng đường biên giới này thành biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước”.
Từ năm 1982, Lãnh đạo cấp cao hai bên đã có những cuộc tiếp xúc tích cực nhằm tìm ra những giải pháp công bằng, cùng có lợi trong vấn đề biên giới lãnh thổ; tăng cường trao đổi song phương để thống nhất các nguyên tắc làm cơ sở cho việc xây dựng Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia như quy định tại Điều 4 Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác 1979. Đồng thời, trao đổi về việc ký kết một Hiệp định về quy chế quản lý biên giới nhằm duy trì sự ổn định ở vùng biên giới trong khi hai bên tiến hành đàm phán về hoạch định và phân giới, cắm mốc biên giới.
Thực hiện công tác phân giới, cắm mốc biên giới theo các Hiệp ước hoạch định năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005, từ năm 2006 đến tháng 4/2017, qua 10 năm nỗ lực, hai bên đã đạt một số kết quả khả quan trong việc phân giới, cắm mốc. Hai quốc gia đã tổ chức 5 cuộc họp Ủy ban liên hợp (UBLH), 32 cuộc họp cấp Chủ tịch UBLH, 8 cuộc họp Tiểu ban Kỹ thuật, 26 cuộc họp cấp Chuyên gia kỹ thuật, 15 cuộc họp của Tổ Nội nghiệp rà soát chuyển vẽ và hơn 45 cuộc khảo sát làm việc của Nhóm công tác đặc biệt. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 27/9/2006, hai bên đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành cột mốc đại số 171 tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Bà Vẹt với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước. Đây là cột mốc đầu tiên được xây dựng trong tiến trình phân giới, cắm mốc biên giới theo quy định của Hiệp ước hoạch định năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Kế hoạch tổng thể phân giới, cắm mốc. Tiếp theo đó, công tác phân giới, cắm mốc được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước.
Tính đến tháng 4/2017, hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc trên thực địa. Cụ thể: Xây dựng 314/371 cột mốc chính (đạt 84,6%), phân giới được khoảng 929/1.137 km đường biên giới (đạt khoảng 81,7%), quy thuộc được 111 cồn bãi trên sông suối biên giới (trong đó quy thuộc Việt Nam 43 cồn bãi, quy thuộc Campuchia 68 cồn bãi), hoàn thành việc hoán đổi các diện tích quản lý vượt quá sang nhau theo “Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia” (MOU) và áp dụng mô hình MOU tại 6 cặp tỉnh (Tây Ninh – Tboung Khmum, Svayrieng; Đồng Tháp – Preyveng; An Giang – Takeo và Kiên Giang – Takeo, Kampot). Hiện hai bên vẫn còn tồn đọng 6 khu vực chưa hoàn thành việc hoán đổi đất theo mô hình MOU tại các cặp tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk – Rattanakiri, Mondulkiri và Long An – Svayrieng. Tuy nhiên, đến nay hai bên mới thống nhất được Biên bản mô tả hướng đi của đường biên giới cho 253/929km đường biên đã phân giới tại thực địa và giải quyết một số vấn đề khác có liên quan (quy thuộc cồn bãi trên sông suối biên giới, lập hồ sơ mốc giới, hoán đổi đất ở một số khu vực cần hoán đổi…). Ngoài ra, hai bên thống nhất bổ sung 1.530 cột mốc phụ, 210 cọc dấu trên thực địa để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới. Theo thỏa thuận, Việt Nam xây dựng 730/1.530 mốc phụ và 98/210 cọc dấu có số hiệu chẵn, Campuchia xây dựng 800/1.530 mốc phụ và 118/210 cọc dấu có số hiệu lẻ. Đến nay, hai bên đã xác định vị trí trên thực địa được 907/1.530 cột mốc phụ (đạt 60%) và 38/210 cọc dấu (đạt khoảng 18%), xây dựng được 214 cột mốc phụ và 13 cọc dấu. Trong đó Việt Nam xây dựng được 183 cột mốc phụ, 11 cọc dấu và phía Campuchia đã xây dựng được 31 mốc phụ, 2 cọc dấu. Trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đã có các tỉnh Kon Tum, Bình Phước và Đồng Tháp hoàn thành việc xây dựng các cột mốc chính và phân giới trên thực địa.
Tính đến hết năm 2016, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia có 49 cặp cửa khẩu, bao gồm 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 28 cặp cửa khẩu phụ. Ngoài ra, còn có 16 lối mở biên giới phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện giao thông vận tải qua biện giới hai nước.
Hiện nay, hai nước đang tiếp tục giải quyết 7 đoạn biên giới tồn đọng chưa phân giới, cắm mốc. Cụ thể là: Các đoạn biên giới từ mốc số 30-40, 56-60, 138-146, 241-245, 247-253, 295-302 và cụm cồn thượng lưu 26 trên sông Sê San thuộc địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Tây Ninh, An Giang và Kiên Giang; ngoài ra còn cồn Nhỏ trên sông Hậu (Bassac), chưa tiến hành đo thủy văn xác định trung tuyến dòng chính tàu thuyền đi lại, từ đó quy thuộc cồn này. Tiếp tục trao đổi giải quyết 6 khu vực chưa hoàn thành hoán đổi theo mô hình MOU thuộc địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Long An. Xây dựng 55 cột mốc chính (tại 7 đoạn biên giới tồn đọng chưa phân giới, cắm mốc và 6 khu vực chưa hoàn thành hoán đổi theo MOU); toàn bộ cột mốc phụ và cọc dấu bổ sung để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa. Hoàn thành hồ sơ phân giới, cắm mốc (gồm Hồ sơ mốc quốc giới, hồ sơ phân giới, Bảng quy thuộc cồn bãi và các văn bản pháp lý liên quan khác). Hoàn chỉnh việc thành lập Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Campuchia; ký kết “Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia” và “Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia”.
Nguyễn Thanh