Đối với những người làm báo và nhân dân Việt Nam, những gì Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ đã làm cho đất nước Việt Nam mãi mãi vẫn còn.
Đối với những người làm báo và nhân dân Việt Nam, những gì Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ đã làm cho đất nước Việt Nam mãi mãi vẫn còn.
|
Đoàn Chủ tịch Đại hội OIJ tại Amman, Jordan năm 1995. Người đầu tiên bên phải: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang |
Tháng 6/2016, Đại hội lần thứ 26 của Liên đoàn Báo chí quốc tế IFJ họp tại thành thành phố Angers, Pháp. Được sự ủy nhiệm của ông Suleiman Al-Qudah, Chủ tịch đương nhiệm và ông Manuel Tomé, Chủ tịch danh dự Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ được bầu tại Đại hội cuối cùng của OIJ họp tại Amman thủ đô nước Jordan năm 1995, Giáo sư Kaarle Nordenstreng, cựu Chủ tịch OIJ từ năm 1976 đến năm 1990, đọc thông điệp của Ban lãnh đạo OIJ gửi Đại hội IFJ. Thông điệp viết: “... Ngày nay IFJ là tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu của báo chí thế giới… Tiến triển lịch sử đã dẫn tới sự kết thúc hoạt động của OIJ. Chúng tôi hân hạnh chuyển giao cho IFJ di sản của FIJ trước Chiến tranh thế giới thứ hai và di sản của OIJ sau Chiến tranh”.
Mấy tiếng OIJ không xa lạ với người Việt Nam, đặc biệt lớp người trên 40 tuổi, ra đời trong chiến tranh và trải qua tuổi ấu thơ thời khó khăn nhất, khi Việt Nam phải đối mặt với hậu quả chiến tranh, kinh tế suy thoái và bị cô lập do cấm vận của các nước phương Tây. Nhắc đến OIJ là bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với các nhà báo tham gia tổ chức quốc tế ấy, đã trước sau một lòng ủng hộ cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân ta.
Đối với hơn 24.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay, nói đến OIJ là nói đến bản “Những nguyên tắc quốc tế về đạo đức nghề báo”, mà Việt Nam dựa vào để soạn thảo bản Quy định đạo đức của mình, sau 20 năm qua ba lần sửa đổi hiện đang được những người làm báo chí, truyền thông cả nước thực hiện. Nói đến OIJ là nghĩ đến nhu cầu “Bảo vệ sự an toàn của các nhà báo khi tác nghiệp”, mối quan tâm thường xuyên của tổ chức quốc tế ấy, mà thực tế cay nghiệt nhất là tại Việt Nam trong chiến tranh.
Nói đến OIJ là nói đến lòng kính trọng của người Việt Nam đối với nhiều nhà báo tên tuổi trên thế giới, với chính kiến và niềm tin đa dạng, đã đến hành nghề tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, những năm đầu thập niên 1980, góp phần thông tin cho nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, một số trong những nhà báo ấy đã bỏ mình trong khi đang tác nghiệp tại Việt Nam.
Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, sự có mặt của các nhà lãnh đạo OIJ như cựu Chủ tịch Jean-Maurice Hermann người Pháp, Chủ tịch Kaarle Nordenstreng người Phần Lan, Tổng Thư ký OIJ Jiri Kubka người Tiệp Khắc... tại Việt Nam những ngày chiến tranh tới hồi khốc liệt nhất hay vừa kết thúc chưa lâu, là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Đầu năm 1979, Chủ tịch OIJ Kaarle Nordenstreng đến Việt Nam chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành OIJ ngày 27 và 28/2/1979. Hội nghị ra “Tuyên bố từ thành phố Hồ Chí Minh”, trong đó ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam. Một tuần sau, ngày 6 và 8/3/1979, tại Helsinki thủ đô Phần Lan, Chủ tịch Kaarle Nordenstreng lại tổ chức và chủ trì “Hội nghị quốc tế Đoàn kết với Việt Nam”.
Báo chí giúp người dân các nước thay đổi cách nhìn
Hội Nhà báo Việt Nam (VAJ) ra đời ngày 21/4/1950 tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Đại hội bầu nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu quốc xuất bản hằng ngày, làm Chủ tịch Hội. Hội cử đoàn đại biểu gồm nhà báo Trần Lâm, Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và nhà báo Thép Mới, biên tập viên Tuần báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân ngày nay), sang thủ đô Helsinki, Phần Lan dự Đại hội lần thứ 3 của OIJ (15-17/9/1950).
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của OIJ từ đại hội lịch sử ấy.
Khi Trần Lâm và Thép Mới lên đường sang Helsinki, biên giới phía Bắc Việt Nam cũng như đường biển đều bị quân đội Pháp kiểm soát. Hai nhà báo phải bí mật xuyên rừng vượt suối, tránh các trạm kiểm soát dày đặc của địch để ra nước ngoài. Mấy tháng sau, khi hai ông trở về, với chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đánh tan hai binh đoàn hùng mạnh của quân đội viễn chinh Pháp tại Viễn Đông do đại tá Lepage và đại tá Charton chỉ huy, biên giới Việt Nam đã khai thông.
Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, tướng De Gaulle cất quân sang Viễn Đông với mưu đồ áp đặt trở lại nền đô hộ của Pháp lên ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp, nhiều người lúc đầu chưa hiểu thực chất cuộc xâm lược ấy, thậm chí một số nghị sĩ cánh tả Pháp còn bỏ phiếu ủng hộ việc tướng De Gaulle đưa quân trở lại Việt Nam.
Người có công đầu khởi động việc làm thay đổi dư luận Pháp về cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng những thông tin trung thực qua các phương tiện thông tin đại chúng là nhà báo Léo Figuères, chủ nhiệm báo L’Avant Garde (Tiền Phong), Paris, hội viên Nghiệp đoàn quốc gia các nhà báo Pháp (Syndicat national des Journalistes - CNJ), một tổ chức thành viên của OIJ. Ông đến Việt Nam theo lời mời của Hội Nhà báo Việt Nam.
(CÒN NỮA)
PHAN QUANG
(Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,
nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN)