OIJ chấm dứt hoạt động, sự nghiệp OIJ trường tồn (tiếp theo và hết)

09:06, 22/06/2017

Được sự chấp thuận và giúp đỡ của Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ họp Đoàn Chủ tịch OIJ mở rộng tại Hà Nội năm 1996, cũng là năm kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thành lập Tổ chức quốc tế này của giới báo chí hơn 100 nước, với ý thức đây là cơ hội cuối cùng để người Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với OIJ và các đồng nghiệp báo chí thế giới đã trong hơn nửa thế kỷ qua đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam vào những ngày khó khăn nhất.

Kỳ họp của Ban Chấp hành OIJ tại Hà Nội - Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn
 
[links()]Được sự chấp thuận và giúp đỡ của Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ họp Đoàn Chủ tịch OIJ mở rộng tại Hà Nội năm 1996, cũng là năm kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thành lập Tổ chức quốc tế này của giới báo chí hơn 100 nước, với ý thức đây là cơ hội cuối cùng để người Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với OIJ và các đồng nghiệp báo chí thế giới đã trong hơn nửa thế kỷ qua đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam vào những ngày khó khăn nhất.
 
Đoàn lãnh đạo OIJ làm việc tại Bắc Kinh năm 1997. Từ trái: Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah, Chủ tịch Hội Nhà báo toàn Trung Quốc Triệu Hoa Trạch, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang, Ủy viên Ban Thư ký, Thủ quỹ OIJ Alexander Angelov.
Đoàn lãnh đạo OIJ làm việc tại Bắc Kinh năm 1997. Từ trái: Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah, Chủ tịch Hội Nhà báo toàn Trung Quốc Triệu Hoa Trạch, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang, Ủy viên Ban Thư ký, Thủ quỹ OIJ Alexander Angelov.
Dự kỳ họp Ban chấp hành OIJ mở rộng có đại biểu của 25 nước, bao gồm một số nước về địa lý ở xa nước ta như Cuba, Hoa Kỳ, Mozambique, Pháp, Đức... Hội Nhà báo Việt Nam có mời Chủ tịch danh dự của Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN (CAJ), ông Bandhit Rajavatanadhanin người Thái Lan và ông Abduhah Tahir Saleh người Malaysia, Chủ tịch đương nhiệm CAJ tham dự buổi họp mở đầu.
 
Lễ khai mạc Kỳ họp cuối cùng của Ban Chấp hành OIJ (11-12/7/1996) diễn ra tại Hội trường Ba Đình, với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và nhiều vị lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Sau Lời mở đầu của Chủ tịch Suleiman Al-Qudah và Báo cáo chính của Tổng Thư ký Antonio A. Nieva, lãnh đạo Hội Nhà báo trao Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” cho ông Chủ tịch Suleiman Al-Qudah cùng các vị lãnh đạo chủ chốt của OIJ, ông Bandhit Rajavatanadhanin, Chủ tịch danh dự và ông Abduhah Tahir Saleh Chủ tịch CAJ. Ban lãnh đạo OIJ cũng mang theo từ Praha tới Hà Nội 20 bằng danh dự “Scroll of Honor”, ủy thác Hội Nhà báo Việt Nam lựa chọn và trao tặng những nhà báo Việt Nam có nhiều đóng góp cho các hoạt động của OIJ trong 50 năm qua.
 
Tại buổi kết thúc Hội nghị Ban chấp hành OIJ, thay mặt giới báo chí Việt Nam, chúng tôi nói lời cảm ơn và giã biệt, chúc các vị khách nước ngoài thượng lộ bình an nhưng không nói mấy từ quen thuộc theo thông lệ: “Hẹn gặp lại nhau tại kỳ họp sau của Ban Chấp hành OIJ!”. Chúng tôi ý thức rõ, đây là Kỳ họp cuối cùng của Ban lãnh đạo OIJ, và trên thực tế từ sau tháng 10 năm 1997, với sự qua đời của Tổng Thư ký A. Nieva, trong hoàn cảnh ông Chủ tịch OIJ Suleiman Al Qudah cũng như ông Tổng Thủ quỹ Alexander Angelov đều không thể rời công việc tại nước mình sang Praha làm chuyên trách, OIJ chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
 
Tổng Thư ký của OIJ, nhà báo người Philippines Antonio N. Nieva là người có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì sự tồn vong của OIJ. Ông từ bỏ công việc đang làm trong nước, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ tại Manila, một mình sang sống và làm việc tại Praha, gần như cô đơn trong điều kiện vật chất khó khăn và môi trường chính trị không thân thiện lắm. Căn bệnh ung thư trong người ông đột phát. Ông về nước và qua đời tại Manilla ít lâu sau.
 
Ông Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah đã cố gắng hết mình phục hồi vô vọng một phần hoạt động của tổ chức ấy. Sau Kỳ họp Ban Chấp hành OIJ tại Hà Nội, Chủ tịch OIJ hy vọng chuyển trọng tâm hoạt động của tổ chức quốc tế này sang châu Á, nơi có nhiều nước đang trên đà phát triển, bao gồm những nước đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Tôi được ông Suleiman đề nghị cùng ông thành lập một đoàn lãnh đạo cao cấp của OIJ đến Bắc Kinh làm việc, thuyết phục Hội Nhà báo toàn Trung Hoa (ACAJ) trở lại tham gia OIJ.
 
Thông qua Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, chúng tôi nhận được thư chính thức của Hội Nhà báo toàn Trung Hoa mời Lãnh đạo OIJ sang thăm Trung Quốc. Mùa hè năm 1998, Ông Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah từ Amman, ông Tổng thủ quỹ Alexander Angelov từ Sofia bay sang Hà Nội, từ đây cùng Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hình thành đoàn đại biểu ba người tới Bắc Kinh. Chuyến thăm kéo dài trong mười ngày. Chủ tịch ACAJ Triệu Hoa Trạch cùng Ban thư ký ACAJ đón tiếp trọng thị và làm việc với đoàn đại biểu OIJ. Đoàn OIJ cũng có tiếp xúc một số cơ quan, tổ chức khác tại Bắc Kinh, sau đó bạn mời thăm một số địa phương. Đến đâu và tiếp xúc với ai, chúng tôi đều được nghe câu trả lời giống y như lời ông Triệu Hoa Trạch tại cuộc hội đàm: “Chúng tôi hoan nghênh các bạn đến thăm Trung Quốc. Chúng tôi coi trọng ý kiến đề xuất của các bạn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời các bạn sau”. Cá nhân tôi hiểu đó là một cách Trung Quốc khước từ, tương tự như từ năm 1965 trở đi, Hội Nhà báo toàn Trung Quốc thôi không tham gia bất cứ hoạt động của OIJ nữa dù chưa bao giờ tuyên bố chính thức ACAJ rời khỏi OIJ.
 
Một thời gian sau chuyến thăm Bắc Kinh, nhân có việc đến thủ đô Amman, tôi tìm gặp ông Suleiman Al-Qudah. Ông cho biết, sau khi Tổng Thư ký Antonio N. Nieva qua đời, ông đã cử luật sư người Tiệp vốn là cố vấn của Tổng Thư ký OIJ tên là Josef Komarek tạm điều hành công việc của Ban Thư ký OIJ tại Praha với danh nghĩa Phó Tổng Thư ký OIJ. Tuy nhiên, ở Hà Nội chúng tôi không hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ Praha về hoạt động của OIJ.
 
Chính vì vậy, chúng tôi nhất trí với Thông điệp của OIJ gửi Đại hội Liên đoàn báo chí quốc tế IFJ họp tại thành phố Angers, Pháp tháng 6 năm 2016, nhấn mạnh: IFJ ngày nay nên tự coi mình vừa là người kế nhiệm FIJ trước Chiến tranh vừa là người kế nhiệm OIJ sau Chiến tranh. (...) Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ hân hạnh chuyển giao cho IFJ di sản của FIJ trước Chiến tranh thế giới thứ hai và di sản của OIJ sau Chiến tranh”.
 
Đối với những người làm báo và nhân dân Việt Nam, Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ chính thức chấm dứt tồn tại của mình, tuy nhiên những gì OIJ đã làm cho đất nước Việt Nam mãi mãi vẫn còn.
 
Tổ chức quốc tế đầu tiên của các nhà báo chuyên nghiệp hình thành từ cuối thế kỷ 19. Dù vậy phải chờ đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Thế giới ILO và Liên đoàn các Quốc gia, tiền thân của Liên Hợp Quốc ngày nay, Liên đoàn quốc tế các nhà báo Fédération Internationale des Journalistes gọi tắt FIJ mới chính thức ra đời năm 1926, trụ sở đặt tại Paris, thủ đô nước Pháp.
 
Năm 1941, nước Pháp bị quân đội Đức chiếm đóng, FIJ dời Hội sở sang London, rồi chấm dứt hoạt động ít lâu sau. Chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945 kết thúc, Tổ chức quốc tế các nhà báo (International Organization of Journalists IOJ - ta quen gọi tắt theo tiếng Pháp là OIJ) thành lập tháng 6 năm 1946 tại Copenhagen thủ đô Đan Mạch, lúc đầu có 21 nước tham gia, bao gồm các nước châu Âu, Liên Xô, châu Mỹ, châu Úc, và lớn mạnh nhanh, có thời lên đến hơn 130 nước thuộc năm châu lục, tập hợp 300.000 người làm báo thuộc đủ mọi loại hình.
 
Tuy nhiên, thời hoàng kim ngắn ngủi. Do tác động của Chiến tranh Lạnh, OIJ bị phân liệt. Năm 1952, các tổ chức báo chí ở Tây Âu và Hoa Kỳ tách khỏi OIJ, thành lập tổ chức riêng của mình, đặt tên theo tiếng Anh là International Federation of Journalists, gọi tắt IFJ, trụ sở đặt tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Trong khi phần lớn còn lại vẫn giữ tên IOJ (tức OIJ) và chuyển trụ sở về Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Mấy năm sau, hai tổ chức quốc tế OIJ và IFJ có nhiều cố gắng hợp tác trong một số hoạt động liên quốc gia, đặc biệt dưới sự bảo trợ của UNESCO cùng nhau xây dựng bản Quy ước “Những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề báo”, dùng làm khung cho các tổ chức và cơ quan báo chí các nước trên thế giới dựa vào mà xây dựng Bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình cũ ở Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào suy thoái, đặc biệt sau sự kiện gọi là “sự sụp đổ của bức tường Berlin” tháng 11 năm 1989, OIJ lâm vào khó khăn, chủ yếu do bất đồng về quan điểm chính trị tại một số quốc gia và thiếu kinh phí hoạt động.
 
PHAN QUANG
(Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,
nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN)