Tây Nguyên xưa là vùng đất chứa đựng biết bao điều huyền bí. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về Tây Nguyên một cách tường tận. Lần giở những trang sử cũ, những ghi chép của cha ông để lại, đặc biệt là tư liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, độc giả sẽ hiểu hơn về vùng đất này.
Tây Nguyên xưa là vùng đất chứa đựng biết bao điều huyền bí. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về Tây Nguyên một cách tường tận. Lần giở những trang sử cũ, những ghi chép của cha ông để lại, đặc biệt là tư liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, độc giả sẽ hiểu hơn về vùng đất này.
|
Vị trí địa lý của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn |
Từ thế kỷ XV, Tây Nguyên vốn là vùng đất gắn với tên gọi hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá. Vào năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông hạ được thành Đồ Bàn, chia đất còn lại của Chiêm Thành làm 3 nước là nước của Bồ Trí Trì, Hoa Anh và Nam Bàn. Trong đó, Nam Bàn được coi là lãnh thổ thuộc phạm vi ảnh hưởng của Pơtao Pui (vua Lửa) và Pơtao Ia (vua Nước). Sau đó, người Việt đã Hán Việt hóa các chức danh này thành Hỏa Xá và Thủy Xá. Theo Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 5, mặt khắc 11 thì vị trí địa lý của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá được chép lại như sau: “Nước Thủy Xá, phía tây giáp nước Hỏa Xá. Phía đông giáp đồn Phúc Sơn thuộc tỉnh hạt Phú Yên và giáp thuế man ở Thạch Thành. Phía Bắc giáp hoang man ở Bình Định”. Còn đất Hỏa Xá: “Phía nam và phía Bắc đều giáp Lạc man. Giao giới của Thủy Xá và Hỏa Xá là hai quả núi đứng cao, địa thế như nóc nhà”.
Về đời sống văn hóa hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá có rất nhiều điểm giống nhau. Người đứng đầu nhà nước được gọi là Quốc trưởng. Quốc trưởng nước Hỏa Xá có đời sống tương đối đơn giản, Mộc bản triều Nguyễn miêu tả lại: “Chỗ ở không có thành quách, voi ngựa cũng ít, ở giữa có một cái nhà sàn, Quốc trưởng ngồi giường bằng tre, mặc áo màu vàng thêu đầy hoa, đội khăn nhiễu màu xanh, mặc quần vải trắng. Bên tả hai cái nhà sàn thờ cúng thần kỳ. Khi Quốc trưởng ở thường, sai khiến làm việc, chỉ dùng người thân, không có binh giáp; khi nước có việc thì họp dân làm binh, mang dao, vác nỏ, không việc thì giải tán về ruộng làng. Trị nước không có pháp luật hình phạt. Phàm thuộc man trái lệnh thì Quốc trưởng trù ếm cho dịch lệ và hỏa tai rất ứng nghiệm, cho nên dân man sợ như thần, dân có thịt rượu dâng Quốc trưởng thì đánh chiêng đánh trống, tay múa, chân nhảy làm lễ thờ vua”.
Còn Quốc trưởng nước Thủy Xá thì: “Ở trong một cái nhà lá bảy gian, ở bên Đông chỗ dân ở, không xây thành quách, trong nhà buộc cái giá để thờ thần ma, họ hàng tôi tớ độ 15 người mà thôi”.
Người dân hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá thì tự gieo hạt mà ăn, tự dệt lấy mà mặc. Rượu đổ lẫn vào nước lã cho vào cái chum, lấy ống trúc hút vào uống. Bữa ăn thường đạm bạc và không cầu kì, chỉ có cơm với muối ớt và canh rau rừng hoặc rau sắn. Nếu là bữa cơm thịnh soạn đãi khách hay ăn tươi để cải thiện thì có thêm thịt cá được bày xung quanh những ché rượu cần, tất cả mọi người trong gia đình từ già, trẻ, gái, trai đều cùng uống rượu cần và hút thuốc lá. Gạo tẻ là lương thực chính, lương thực phụ là ngô. Bữa cơm hàng ngày có thể cả gia đình ngồi quanh nồi cơm, bát ớt... hoặc chia thành từng phần cho mỗi người. Bữa tiệc, lấy ché rượu cần làm trung tâm, quanh đó có các món ăn đựng trên bát, đĩa hoặc lá chuối để vừa ăn, vừa uống. Khi rượu ngà say có hát, nhảy múa, đánh chiêng.
Đàn ông thường đóng khố bằng vải trắng kẻ sọc nhiều màu, nếu là ngày tết sẽ đóng khố vải màu chàm có đường viền hoa văn và buông tua chỉ nhiều màu ở hai đầu. Áo màu đen cộc tay, hở nách, đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai sườn mang đậm dấu vết kiểu pông-sô. Ðàn bà mặc váy chàm, có đường viền hoa văn chạy quanh gấu. Phần cạp có tua chỉ trắng hoặc màu. Váy không khâu liền thành ống nên khi mặc chỉ cuốn vào thân để chỗ giáp hai đầu về phía trước. Họ mặc áo cánh ngắn bó sát thân, dài tay. Trên cánh tay áo có chiếc được thêu bằng những đường vòng hoa văn chỉ màu.
Ngoài ra, nhiều phong tục, tập quán khác của hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá cũng được Mộc bản triều Nguyễn ghi lại: “Nước này (chỉ nước Hỏa Xá) ở nơi xa xôi, hẻo lánh, chính sự còn như thời thượng cổ, buộc dây làm nút để đánh dấu... Phong tục tin ma quỷ, đau ốm thì chỉ biết cầu đảo mà thôi. Tính quen nắng, giỏi bắn cung, dân cư nhiều mà gạo ít, khai khẩn núi rừng, chỉ trồng khoai, ngô, bông sợi, dưa bí để đổi chác cho người buôn”.
Chính sứ thần triều Nguyễn khi tới vùng đất Thủy Xá, Hỏa Xá để tìm hiểu phong tục tập quán của họ, lúc về báo cáo lại với triều đình: Nước họ không đặt quan chức, cũng không bắt lính, không có hình luật, dân không biết văn tự, có vay mượn nhau thì lấy dây buộc nút để nhớ… Hằng năm không lấy thuế má gì cả, quốc trưởng cũng không đòi hỏi. Quốc trưởng có đi đâu, gần thì độ 3, 4 người đi theo, xa cũng không quá 10 người, cưỡi độ 3 con voi, đều đội nón lá, không có tàn lọng. Lại cũng nghe nói hai Quốc trưởng nước Thủy Xá, Hỏa Xá không bao giờ gặp nhau, bởi hễ trông thấy nhau là sẽ có một người chết. Quốc trưởng tuổi già thì truyền cho cháu gọi bằng chú bác, chứ không truyền cho con.
Đặc biệt, dân hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá có chỗ thú vị khác với các nơi đó là họ nói đêm là thứ mấy, chứ không nói ngày, cứ thóc chín là một năm mà không nói là năm.
Dưới triều Nguyễn, nước Thủy Xá và Hỏa Xá là phiên thuộc của triều đình. Cống vật Thủy Xá và Hỏa Xá nộp cho các vua triều Nguyễn thường là sản vật quý hiếm của núi rừng như kỳ nam, nhung hươu, ngà voi và sừng tê. Ngược lại, phía triều đình Huế luôn có sự quan tâm đặc biệt đến đời sống các dân tộc miền núi cùng với những khoản đãi, ban tặng phẩm vật có giá trị cho các phiên vương. Những lần cống nạp này được Mộc bản triều Nguyễn khắc lại rất chi tiết, cụ thể: “Tân Mão năm thứ 13 (1751) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, mùa đông, tháng 10, Vua Nước (Thủy Xá) và Vua Lửa (Hỏa Xá) vào cống...”.
“Giáp Dần, năm thứ 15, ban phẩm vật cho vua nước Thủy Xá. Sai man thuộc đến thông hiếu ở thượng đạo Phú Yên, xin làm phiên thuộc và xin ban ơn cho. Bọn Nguyễn Long và Võ Văn Lượng đem việc tâu lên. Vua nói rằng: “Họ đã theo về thì triều đình đâu có tiếc gì”. Sai ban cho hai chiếc áo gấm và những vật theo như lời xin”...
Có thể nói, việc tìm hiểu về đất nước “Thủy Xá” và “Hỏa Xá” chính là tìm hiểu về một sự khởi nguồn cho những nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc miền núi Tây Nguyên và là để tôn vinh tính độc đáo, tính khác biệt và đa dạng của một nền văn hóa.
THƠM QUANG