Hồn thiêng đất võ

08:09, 14/09/2017

Một sớm giữa đông, lão võ sư Ðinh Tuấn đã ngoại thất tuần, dắt đám môn sinh chúng tôi lội dọc mép sóng Kôn giang đầy ắp phù sa, hành hương về đất võ Bình Ðịnh Tây Sơn hạ, quê hương của ba vị anh hùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ …

Một sớm giữa đông, lão võ sư Ðinh Tuấn đã ngoại thất tuần, dắt đám môn sinh chúng tôi lội dọc mép sóng Kôn giang đầy ắp phù sa, hành hương về đất võ Bình Ðịnh Tây Sơn hạ, quê hương của ba vị anh hùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ …
 
Nhà thờ vua Quang Trung trên đất võ Tây Sơn. Ảnh: P.L
Nhà thờ vua Quang Trung trên đất võ Tây Sơn. Ảnh: P.L

Như để cho tâm lọc bớt bụi trần, hồn lùi về quá vãng, lão võ sư cùng chúng tôi thong thả khỏa chân bên bến Trường Trầu man mác gió, nơi các thủ lĩnh nông dân xưa từng ngược đò lên miền Tây Sơn thượng nhóm binh trong buổi đầu khởi nghĩa; rồi ướm bước theo đường tre xào xạc, băng qua xóm Rèn vẫn nhặt khoan tiếng búa như thời chiến trận luyện mài binh khí; lướt ngang xóm Đậu còn ấm nồng khói bếp thủa chế biến quân lương… trước khi cúi đầu bước qua cổng Tây Sơn Điện. 
 
Huyền thoại miền đất võ
 
Vẳng trong không gian linh thiêng tĩnh mặc là khúc khởi đầu rộn rã của bài nhạc lễ “Đả thập nhị cổ”. Hôm nay là ngày hiệp kỵ Tây Sơn Tam Kiệt - ngày tưởng nhớ những anh linh lẫm liệt của miền đất võ. Chắp tay bái vọng tiền nhân, trong khói hương thành kính, tiếng trống trận rền vang như vọng về từ cơn binh lửa hơn hai trăm năm trước…
 
Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt ngày nay chính là khu gia trang của gia đình ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - những người anh hùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn xưa, những trang anh kiệt đã cùng dân tộc viết nên trang sử oanh liệt, chói ngời, đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, đem lại độc tự do cho Đại Việt vào cuối thế kỷ XVIII. 
 
Vẫn còn đây dấu vườn xưa, với giếng nước đá ong và cây me cổ thụ 300 năm tuổi. Suốt hơn 1 thế kỷ, từ sau khi nhà Tây Sơn mất, nhà Nguyễn lên ngôi, nơi này bị tàn phá, những người có liên quan đến triều Tây Sơn đều bị nhà Nguyễn truy sát, trả thù tàn khốc. Phái võ Tây Sơn lừng danh cũng phải dấu thân ẩn tích. Võ sư Đinh Tuấn kể: Sư tổ ông là Đinh Văn Nhưng, thầy dạy võ của ba anh em Tây Sơn, người ở đất Bằng Châu, nổi tiếng khắp vùng với tục danh “ông Chảng”. Chuyện rằng: ông Chảng là sư tổ của phái võ vườn, tức là môn tự vệ của những người nông dân quanh năm lấm lem cùng cuốc cày ruộng rẫy. Ngày Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế có mời thầy vào triều để phong tước, ông chỉ lắc đầu cười: “bùng binh chi tướng, uýnh cướng chi quan, bộn bàng chi chức, Chảng Chảng ngang thiên”, rồi về. Từ đó, Tây Sơn có câu: Ngang như ông Chảng! Và cũng từ đó, võ Tây Sơn còn được gọi là võ vườn. Ngày Tây Sơn thất thế, ông cùng môn phái, dòng họ ẩn danh, đổi sang họ Đào, mật ước khi chết sẽ trở lại họ Đinh. Ngày nay, oán thù đã cởi, hậu duệ của ông Chảng là võ sư Đinh Tuấn đã tìm về được với họ gốc từ thủa sinh thời. Nhưng có một bảo vật môn phái cũng quan trọng không kém phần gốc gác họ Đinh, đã thất biến lúc loạn ly, giờ võ sư Đinh Tuấn vẫn đang lãnh sứ mệnh kiếm tìm. Võ Tây Sơn có bốn môn cơ bản: côn, quyền, kiếm, cổ. Ba môn côn, quyền, kiếm vẫn đang lưu dụng, còn cổ là môn luyện võ bằng trống, còn gọi là môn võ nhạc, nay đã mờ dấu vết, không biết còn có ai tường.
 
Tấu khúc của niềm tưởng vọng 
 
Hai thập kỷ sau khúc quanh bi tráng của nhà Tây Sơn, những người dân đất võ chưa bao giờ dứt lòng ngưỡng vọng về triều vua cũ, đã dựng lên một ngôi đình lớn ngay trên nền nhà xưa Tam Kiệt. Tiếng là để thờ thành hoàng làng, nhưng thực chất, chính là nơi hương khói cho vương triều đã khuất. Trăm năm sau, những bà mẹ đất này vẫn ru con bằng câu ca bùi ngùi khắc khoải:
 
Cây me cũ, bến trầu xưa
Dẫu không nên tình nghĩa, cũng đón đưa cho trọn niềm…
 
Trong các kỳ cúng tế nhà Tây Sơn ở đình Kiên Mỹ thời ẩn tích, phần khấn cáo bao giờ cũng chỉ là mật niệm, bởi để lộ việc nhắc đến vương triều cũ là mang trọng tội. Cứ mỗi dịp húy kỵ, dân làng Kiên Mỹ lại mượn bản nhạc lễ cổ truyền “Tam luân cửu chuyển” để tưởng vọng triều vua cũ. Đó là cách thức để hậu nhân vừa có thể bày tỏ chính kiến, lại vừa che giấu được thân phận một cách an toàn trong buổi loạn ly. Trải qua bao thế hệ nhạc công, vẫn những nhạc cụ ngũ cung truyền thống gồm: trống, kèn, chiêng, nhị, mõ, bạt..., nhưng ở mỗi thời kỳ, người chơi nhạc lễ lại thêm thắt, biến thể các khúc thức, tiết tấu, làm cho bản nhạc thêm dày dặn, sống động.
 
Hơn một thế kỷ sau, khi ông vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị, thì đình làng Kiên Mỹ mới được công khai thờ cúng ba vị anh hùng và đổi tên thành Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Từ đây, bài nhạc lễ trang nghiêm nơi đền, miếu dần được biến chuyển sang hình thức diễn tấu mới rộn ràng, khai mở. Số nhạc cụ trống trong dàn nhạc cũng được bổ sung từ 1 chiếc lên 3 chiếc, 6 chiếc, 9 chiếc và 12 chiếc. Bài nhạc lễ “Tam luân cửu chuyển” đã vượt khỏi không gian mật niệm hồi nhớ, để đến với công chúng trong các dịp hội hè, lễ tết. Khi bước ra sân khấu từ nơi thờ tự, nó trở thành bài diễn tấu mang tên “Đả thập nhị cổ”. 
 
Võ công đặc dị từ vành tre nơi góc vườn bí mật
 
Võ sư Đinh Tuấn còn nhớ: ở xứ võ Tây Sơn, khi thời kỳ che giấu thân phận đã qua, người dân luôn náo nức mỗi khi xem biểu diễn bài 12 trống, bởi một lý do rất đặc biệt: bản nhạc mà người nghệ sỹ biểu diễn tung hoành bên dàn trống, vận dụng cả tứ pháp và thế, bộ của võ thuật rất uyển chuyển, liên hoàn ấy không chỉ gợi lại hào khí một thời mà như còn vương vất hình hài của một môn võ đã thất truyền ngay trên quê hương của nó: môn võ trống. Vị võ sư già vẫn không quên lúc thiếu thời, khi còn thọ giáo ba vị võ sư nổi danh làng võ là Đinh Hề, Hồ Ngạnh và Ấm Hổ, ông đã từng được các thầy chỉ dạy cho chiêu luyện tứ pháp bằng mấy chục cái…mô hình trống uốn bằng vành tre treo nơi góc vườn. Thầy dạy: môn luyện võ bằng trống ngày xưa coi những chiếc trống xung quanh mình là đối thủ, khi xoay trở, thủ, công là phải vận dụng linh hoạt tứ pháp gồm: thân pháp, thủ pháp, bộ pháp và nhãn pháp, cùng phương châm: túc bất ly địa, thủ bất ly thân. Khi trò luyện võ, người thầy chỉ cần lắng nghe tiếng trống là lượng được võ công của người học. Cách luyện võ này được coi là đặc dị, nhưng không kém phần vi diệu bởi công năng tuyệt vời của nó. Khi nhà Tây Sơn cùng môn phái võ vườn lui vào bóng tối, việc luyện võ bằng trống cũng phải rút bước âm thầm để bảo toàn cho môn phái, bằng cách sử dụng những vành tre không phát ra tiếng động. Võ sư Đinh Tuấn đã có lúc luyện võ với 45 cái vành tre như thế, tuy hạn chế nhiều mặt, nhưng cũng vẫn vô cùng hiệu quả. 
 
Bản hùng ca mang hồn chiến trận
 
Lớp tiền bối cũng có vài người từng gắn mình với dàn nhạc trống. Ông Tám Nga và con trai là NSƯT Văn Bá Anh ở Đoàn tuồng Liên khu 5, lúc sinh thời đều là những người từng biểu diễn rất thành công bài nhạc 12 trống vào thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám. Sau năm 1954, khi tập kết ra miền bắc, NSƯT Văn Bá Anh đã từng đem 12 trống đi biểu diễn ở các nước Đông Âu. Ông đã ký âm lại bản nhạc dành cho 12 trống và từng hướng dẫn cho một số nhạc công biểu diễn. Sau năm 1975, nhạc sỹ Đào Duy Kiền ở Nhà hát tuồng Đào Tấn là người tiếp tục ký âm, phát triển thêm một lần nữa bài nhạc trống đặc biệt này.
 
Khi được nhiều thế hệ nghệ nhân tham gia biểu diễn và bồi đắp, sáng tạo thêm, khúc nhạc lễ cổ truyền đã phát triển lên một tầm cao mới. Bài nhạc lễ ba hồi chín đoạn xưa, chỉ có 1 trống cùng dàn khí nhạc, nay được phối âm cho 12 trống và chia thành 5 khúc thức, đặt tên theo nội dung tiết tấu từng phần gồm: tập binh, hành quân, xung trận, phá thành và khải hoàn. Bản nhạc mang kết cấu như một vở nhạc kịch, mô tả không khí chiến trận với sự kết hợp khéo léo giữa bộ hơi và bộ gõ, tạo nên sự đa tầng, đa dạng trong phối âm, đưa nội dung thể hiện ngày càng đến gần với sự hoàn mỹ. Từ một bản nhạc tế chỉ tấu lên mỗi dịp vọng linh xưa, ngày nay bài “Đả thập nhị cổ” đã được nhiều thế hệ tham gia sáng tạo, biến thể thành một tác phẩm mang dáng dấp sử thi, như một bản anh hùng ca, với cách thức biểu diễn hòa quyện giữa chất võ và chất hội, đem đến cho người xem những cảm thức đặc biệt và mới lạ. Hiện nay bài nhạc mang nhiều tên gọi: “Trống trận Quang Trung”, “Bài 12 trống”, hay đơn giản chỉ gọi là bài “Nhạc võ”. Không rõ từ đâu các hướng dẫn viên du lịch khi giới thiệu với khách tham quan màn diễn tấu tại Bảo tàng Quang Trung đều đưa ra những thông tin võ đoán và sai lệch về nguồn gốc của bài nhạc võ. Hầu hết đều cho rằng dàn diễn tấu gồm cả trống, kèn, chiêng, mõ, chập chõa… này, xưa kia đã theo Quang Trung ra trận, để khích lệ tinh thần binh sỹ. Và dàn nhạc ngũ cung cùng trống này có nguồn gốc từ môn… võ trống. Trong mắt những khán giả mới đến đất võ lần đầu, nhạc võ, võ nhạc cứ đan xen, lẫn lộn với nhau là vậy.
 
Gia tài ký ức
 
Ở Bảo tàng Quang Trung, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận là người biểu diễn thành công nhất bản nhạc trống mang hồn chiến trận. Chị không phải là võ sư, cũng không phải là cháu chín đời của người đánh trống trận Quang Trung xưa như người ta đồn thổi. Chị chỉ là một nông dân làng Kiên Mỹ, con gái của người chơi nhạc lễ ở Đền Tây Sơn Tam Kiệt xưa. Năm mươi năm trước, khi không gian tế lễ còn là chốn cấm kỵ với đàn bà con gái, cha chị vì không có con trai nối dõi nên đã cùng người bạn trong ban nhạc lễ truyền nghề cho đứa con gái út mới lên 6 tuổi. Có thể lúc đó, ông đã hồi nhớ về lịch sử oanh liệt của đất Tây Sơn, vì ngưỡng mộ năm vị nữ tướng được mệnh danh Ngũ Phụng Thư, từng oai phong lẫm liệt chỉ huy mấy ngàn nữ binh chiến đấu dưới ngọn cờ đào của Tây Sơn Tam Kiệt, nên ông đã không ngại ngần khi đặt vào tay cô con gái bé nhỏ đôi dùi, với sứ mệnh làm người lưu giữ ký ức hào hùng của quê hương qua tiếng trống. Bây giờ, dường như chị đã đi gần hết cuộc đời cùng sứ mệnh được trao truyền ấy. Chị đang gắng truyền nghề cho hai nữ võ sinh trẻ trong Đội diễn võ Bảo tàng Quang Trung. Một trong hai thiếu nữ ấy là con gái chị. Cũng thật hay, cái nghề này thời trước chỉ chuyên dành cho nam giới, nay lại vượng theo cách mẹ truyền con nối. Âu cũng là chuyện bình thường ở đất võ, nơi gái cũng như trai thông thạo từng ngọn roi, nét thảo.
 
Lão võ sư Đinh Tuấn suốt một đời dâng mình cho nghiệp võ. Ông đã từng làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, từng nhiều lần ra nước ngoài phổ biến võ Việt cho hàng ngàn môn sinh trên khắp thế giới. Ông cũng là tác giả của nhiều đầu sách viết về y võ và thuật võ Tây Sơn. Những năm cuối đời ông dành nhiều tâm huyết cho việc khôi phục bài luyện võ với 45 trống mà ông từng được sư phụ chỉ dạy với những vành tre trong góc vườn bí mật. Mong muốn của ông thật đơn giản: lưu lại bài võ cổ cho quê hương trước khi ông nhắm mắt. Ông đã gõ cửa nhiều nơi, và đợi cũng nhiều năm nhưng chưa tìm ra người giúp mua bộ trống. Ông ước: khi có trống sẽ gọi đám môn sinh quây quần để trao hết những ngón nghề của môn võ trống. Ký ức của ông về võ trống như một thứ di sản quý báu mà bao năm ông đã giữ gìn, nhưng ông không muốn mang theo nó trong hành trình xa xăm về với đất. 
 
PHƯƠNG LAN