Kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước
[links(right)]
PHẦN III: Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào nhưng vẫn chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình
Kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước
Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường; cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. CNXH vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách gay gắt, quyết liệt. Song, học thuyết Mác - Lê-nin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn còn tiếp tục tỏa sáng soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên xây dựng CNXH, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định.
Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Trước thử thách nghiệt ngã của thời cuộc, Việt Nam đã không dao động, bi quan, đổi hướng, mà vẫn kiên trì mục tiêu, lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; tích cực tìm tòi, khám phá hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga - con đường độc lập dân tộc và CNXH. Mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng được sáng tỏ hơn. Ðất nước giữ vững ổn định chính trị - xã hội; dân chủ được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với 178 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và các tổ chức quốc tế hàng đầu; đồng thời phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các đối tác nước ngoài theo tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế...
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Nhân dân ta kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, tiếp tục con đường đi lên CNXH với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Trước mắt cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; không ngừng học tập, nâng cao nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Thứ hai, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả ba nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ tư, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Thứ năm, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ sáu, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Đúng một thế kỷ đi qua kể từ khi cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thắng lợi (7-11-1917), nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp. Nhưng một sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là Cách mạng Tháng Mười vẫn là một trong những sự kiện bước ngoặt trọng đại nhất của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ. Cách mạng Tháng Mười đã chứng tỏ rằng, bất cứ một chế độ nào đi ngược lại lợi ích chân chính của nhân dân, của dân tộc, cản trở sự tiến bộ xã hội thì tất yếu sẽ bị đào thải, bị thay thế bởi một chế độ xã hội khác tốt đẹp hơn. Tiếp tục cuộc đấu tranh xóa bỏ mọi sự lạc hậu, lỗi thời, áp bức bất công cũng chính là sự tiếp tục sự nghiệp cao cả của Cách mạng Tháng Mười.
VĂN NHÂN