Cách mạng Tháng Mười Nga làm rung chuyển và đảo lộn thế giới (tiếp theo)

09:11, 09/11/2017

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu bước vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4/1989 trở đi, sự đổ vỡ diễn ra liên tiếp ở các nước Đông Âu; chỉ trong vòng 2 năm, đến tháng 9/1991, chế độ XHCN ở Liên Xô, 6 nước Đông Âu, Mông Cổ, An-ba-ni, Nam Tư đã bị sụp đổ hoàn toàn. 

PHẦN III: Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào nhưng vẫn chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình
 
[links(right)]Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu bước vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4/1989 trở đi, sự đổ vỡ diễn ra liên tiếp ở các nước Đông Âu; chỉ trong vòng 2 năm, đến tháng 9/1991, chế độ XHCN ở Liên Xô, 6 nước Đông Âu, Mông Cổ, An-ba-ni, Nam Tư đã bị sụp đổ hoàn toàn. 
 
Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, để lại những bài học sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam và thế giới.
 
Nguyên nhân khách quan: Những khiếm khuyết nảy sinh trong quá trình xây dựng CNXH hiện thực - một chế độ xã hội mới chưa từng có trong lịch sử - là điều khó tránh khỏi. Các thế lực thù địch tiến công quyết liệt nhằm xóa bỏ CNXH. 
 
Nguyên nhân chủ quan: Nguyên nhân sâu xa là từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô bắt đầu lâm vào tình trạng kinh tế - xã hội trì trệ, nhưng những khuyết tật của mô hình đó không được nhận thức đầy đủ và sửa chữa tích cực..., dẫn đến nhân dân giảm niềm tin vào Đảng Cộng sản, Nhà nước XHCN... 
 
Từ năm 1985, công cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong đường lối, chính sách, đưa cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đến bên bờ vực thẳm. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực đế quốc và phản động quốc tế tăng cường phối hợp tấn công, làm thay đổi hoàn toàn chế độ chính trị - xã hội ở Liên Xô và Đông Âu.
 
Những bài học sâu sắc: 
 
Thứ nhất, bài học lịch sử có ý nghĩa cảnh tỉnh đối với Đảng Cộng sản, những người cách mạng cũng như nhân dân lao động thế giới là phải luôn luôn phát huy vai trò nhân tố chủ quan (sự chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, lý luận, tổ chức và chỉ đạo thực tiễn) trên cơ sở nắm vững các điều kiện khách quan. 
 
Thứ hai, từ thập kỷ 70 về sau, nhất là trong cải tổ, nguyên tắc liên minh công - nông, lực lượng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga và bảo đảm cho chế độ XHCN tồn tại và phát triển ngày càng bị xa rời. Do đó, khi có sự cố chính trị xảy ra, công nhân, nông dân, quân đội thờ ơ với Đảng Cộng sản, thậm chí còn xuống đường biểu tình, tham gia binh biến lật đổ chính quyền Xô viết.
 
Thứ ba, việc giành, giữ, bảo vệ chính quyền là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, một Nhà nước hết lòng phục vụ nhân dân. Và mỗi khi không làm được điều đó thì sẽ không giữ được chính quyền.
 
Thứ tư, việc thay đổi chế độ chính trị - xã hội ở Liên Xô và Đông Âu để lại bài học lớn về công tác tư tưởng, để tự do đa nguyên một cách vô nguyên tắc, để các cơ quan báo chí, truyền thông tiến công phủ nhận thành tựu cách mạng và bôi nhọ lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý Nhà nước Xô viết; tiến công xóa bỏ nền tảng tư tưởng của chế độ là chủ nghĩa Mác-Lênin…dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm rối loạn xã hội. 
 
Thứ năm, Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô trong công cuộc cải tổ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi chủ trương “phi chính trị hóa quân đội”. Sự mất phương hướng chính trị của các lực lượng vũ trang Xô viết không chỉ góp phần quan trọng làm thay đổi chế độ chính trị - xã hội ở Liên Xô, mà còn đe dọa sự tồn vong của cả thế giới khi lực lượng này sở hữu kho vũ khí hạt nhân.
 
Thứ sáu, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã bị buông lỏng dẫn đến có nhiều nhượng bộ, thỏa hiệp vô nguyên tắc với các lực lượng chống CNXH, tạo điều kiện cho chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế câu kết với các lực lượng đối lập trong nước gây bạo loạn phản cách mạng, thực hiện thành công chiến lược “diễn biến hòa bình”.
 
Thế kỷ 21 đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển, đó là: Sự phát triển trong hòa bình và tự do; phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần; phát triển trong công bằng và dân chủ; phát triển bền vững và nhân văn; sự phát triển của mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi giai cấp, tập đoàn, mỗi quốc gia, dân tộc phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của những người khác và toàn bộ xã hội loài người. 
 
Trong lúc đó, từ cuối thế kỷ XX đến nay, các lực lượng cộng sản và dân chủ trên thế giới vẫn kiên định theo con đường và phát huy bài học sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười Nga, đã tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và cải cách chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực. Những nguyên lý và các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức đúng đắn hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của CNXH được xác định một cách chân thực hơn; xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, khách quan hơn. 
 
Đặc biệt, qua ba thập kỷ trở lại đây, CNXH lại chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển. Với Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu, liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt hơn 30 năm qua, hiện đứng thứ hai về GDP trên thế giới; với Việt Nam, sự nghiệp đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đang trở thành người bạn và đối tác tin cậy của các nước; Cu-ba kiên định và sáng tạo trong vòng tay ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu; với sự phục hồi và hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế gồm gần 80 đảng, với hơn 80 triệu đảng viên, chủ nghĩa cộng sản, CNXH vẫn là một lực lượng chính trị mà không thế lực nào có thể bỏ qua trong những tính toán chiến lược toàn cầu. 
 
Từ lý luận và niềm tin, cho đến thực tiễn sinh động của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước phát triển theo khuynh hướng XHCN đã chứng minh sức sống và tính ưu việt của chế độ XHCN.
 
(CÒN NỮA)
 
VĂN NHÂN