Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 - Đòn giáng quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ

08:01, 18/01/2018

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là một mốc son tiêu biểu, một bước ngoặt quyết định - đòn tấn công chiến lược, bất ngờ với quy mô lớn vào sào huyệt của đối phương ở các thành phố, thị xã lớn trên toàn miền Nam, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 là một mốc son tiêu biểu, một bước ngoặt quyết định - đòn tấn công chiến lược, bất ngờ với quy mô lớn vào sào huyệt của đối phương ở các thành phố, thị xã lớn trên toàn miền Nam, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.
 
Bối cảnh tình hình 
 
Thực hiện ý đồ chiến lược hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở miền Nam, phá hoại và xâm lấn miền Bắc, đẩy lùi CNXH ở khu vực Đông Nam Á, năm 1965, đế quốc Mỹ đã đưa quân viễn chinh cùng quân các nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam, đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có. Chúng đã huy động bộ máy chiến tranh khổng lồ với các lực lượng hải, lục, không quân được trang bị tối tân nhất để chống lại nhân dân ta. Tính đến đầu năm 1968, quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 tên và 68.800 quân của các nước đồng minh. Nếu tính các lực lượng liên quan khác thì đã có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, cùng một lực lượng hùng hậu quân đội Việt Nam Cộng hòa. 
 
Với bộ máy chiến tranh khổng lồ, chúng liên tục tổ chức các cuộc hành quân “tìm diệt” trên khắp chiến trường miền Nam, đỉnh điểm là hai mùa khô 1965-1966 và 1966- 1967. Chỉ trong vòng 2 năm (1965 - 1967), quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 290.000 tên, trong đó có 128.000 quân Mỹ và chư hầu, làm thất bại một bước quan trọng cuộc “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, tinh thần quân địch sút kém, nội bộ mâu thuẫn hơn bao giờ hết, Mỹ từ thế chiến lược phản công và tiến công, buộc phải lùi dần vào thế phòng ngự bị động.
 
Cuối năm 1967, BCH Trung ương Đảng đánh giá thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc trong hai năm 1966 - 1967 là to lớn, toàn diện, làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch; cho phép ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến bước ngoặt quan trọng theo phương hướng đánh lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng. 
 
Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua kế hoạch năm 1968, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới; động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền nỗ lực lớn nhất để đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 14 (1/1968) thông qua Nghị quyết về mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ. 
 
Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 
 
Trước Tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh, buộc địch phải điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn kỵ binh bay, Sư đoàn 101 không vận, Sư đoàn thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa ra khu vực Đường 9 để đối phó. Đúng lúc chúng đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh, thì đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân 1968, quân ta đồng loạt tiến công ở 4/6 thành phố lớn, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định và Huế; 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ... ở miền Nam; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của địch, bao gồm cả 4 bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu ngụy, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần, làm cho Mỹ - Ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó. Trong đó, có những trận gây chấn động lớn như trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập Ngụy, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy ở Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế... 
 
Trong lúc địch còn bất ngờ, choáng váng, dồn về mặt trận đô thị, nhân dân ở hầu khắp các vùng nông thôn được sự giúp sức của các lực lượng vũ trang đã nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn xã, giành thắng lợi oanh liệt, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng, mở rộng và củng cố vùng giải phóng. Sau gần 2 tháng tiến công và nổi dậy, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 15 vạn tên địch (có hàng nghìn lính Mỹ) phá hủy 1/3 vật tư chiến tranh của Mỹ-Ngụy; phá 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã mới với hơn một triệu dân… 
 
Ý nghĩa lịch sử to lớn
 
Thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”; làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam và chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” thời Kennơđi - Giônxơn, buộc chúng phải hạn chế và tiến đến chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (11/1968), tham gia đàm phán hòa bình với ta tại Hội nghị Pa-ri (5/1968). 
 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới; tác động toàn diện, mạnh mẽ đến chính giới Mỹ, làm cho nước Mỹ phân hóa hơn bao giờ hết, làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam dâng cao trong lòng nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang chiến tranh; mặt trận quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta mở rộng và dâng cao mạnh mẽ. 
 
Thắng lợi cũng như những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó, giúp Đảng ta nhận thức sáng suốt hơn về thực tế chiến trường và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến ở giai đoạn sau Mậu Thân, nhất là từ giữa năm 1970 trở đi. Rõ ràng, nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris (1/1973) và tiến tới kết thúc chiến tranh (4/1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
 
Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội mới cũng như khó khăn, thách thức; nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn đang đặt ra; do đó việc kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 càng có ý nghĩa quan trọng. 
 
Trước hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng; tinh thần quyết chiến, quyết thắng và đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh to lớn của dân tộc ta không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà cả trong hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Thứ hai, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước toàn diện, đồng bộ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại với quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. 
 
Thứ ba, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhắc nhở chúng ta phải chú trọng xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự từ trong thời bình; kết hợp xây dựng quốc phòng - quân sự với xây dựng kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ; xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là thế trận lòng dân; nghiên cứu vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong chiến tranh giải phóng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 
Thứ tư, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác tình hình, kịp thời đề ra chủ trương, chính sách sát đúng; xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh, giải quyết tốt các mối quan hệ trong quá trình đổi mới và phát triển ở nước ta. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và dân chủ XHCN. 
 
Thứ năm, chúng ta cần nhận thức và khẳng định rằng, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công - nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thành công là to lớn và chủ yếu. Tuy nhiên, cũng còn một số sai lầm, khuyết điểm, nhưng nhờ đó mà Đảng ta đã rút ra bài học xương máu, từng bước khắc phục trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở giai đoạn cuối. Kiên quyết đấu tranh, phản bác lại những quan điểm thiếu cơ sở khoa học, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử, làm giảm ý nghĩa to lớn của chiến thắng này. 
 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, tranh thủ vận hội mới, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH”.
 
VĂN NHÂN