Chuyện các vua triều Nguyễn làm lịch tết

09:02, 12/02/2018

Từ xưa đến nay, đối với mỗi người dân Việt, lịch treo tường đã trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu được mỗi khi tết đến, xuân về. Các vua triều Nguyễn khi xưa cũng rất coi trọng đến việc làm lịch tết. Qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, độc giả sẽ hiểu hơn quá trình làm lịch của người xưa.

Từ xưa đến nay, đối với mỗi người dân Việt, lịch treo tường đã trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu được mỗi khi tết đến, xuân về. Các vua triều Nguyễn khi xưa cũng rất coi trọng đến việc làm lịch tết. Qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, độc giả sẽ hiểu hơn quá trình làm lịch của người xưa.
 
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 259, mặt khắc 18 có ghi cụ thể về quy định làm bìa lịch hiệp kỷ
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 259, mặt khắc 18 có ghi cụ thể về quy định làm bìa lịch hiệp kỷ
Dưới triều Nguyễn, cơ quan được giao nhiệm vụ làm lịch tết là Khâm Thiên Giám. Đứng đầu Khâm Thiên Giám là 1 vị Giám chính, 2 Giám phó, 4 ngũ quan và 2 Linh Đài lang. Ngoài ra, còn có 20 vị nhập lưu thư lại khác giúp việc. Trong quá trình làm lịch, Khâm Thiên Giám phải có trách nhiệm: “Phải tính toán cho biết độ sai của từng năm, tính cho đều để khí tiết vừa đúng. Làm thông lịch để biết thì giờ làm ăn, coi dáng mây để xem tượng trời, tính ngày giờ để chọn ngày tốt, giữ đồng hồ để báo canh năm”.
 
Để chuẩn bị cho cuốn lịch tết ra đời, ngay từ đầu tháng 5 âm lịch, các vị hoàng đế triều Nguyễn đã hạ lệnh cho Khâm Thiên Giám phải hoàn thành được bản thảo lịch. Đây là công việc khó khăn và mất nhiều thời gian. Để có được bản thảo lịch tết, Khâm Thiên Giám đã dựa trên những khí cụ vua ban, được nhập mua từ các nước phương Tây hay Trung Quốc như chuông định giờ, thước đồng, cây đo bóng mặt trời, đồng hồ cát, phong vũ biểu, kính thiên lý hay bản đồ thiên văn... Ngoài ra, Khâm Thiên Giám còn tiến hành khảo cứu, quan sát và tính toán thời gian mọc, lặn, sự di chuyển của mặt trời, mặt trăng để phân chia thời gian theo ngày, tháng, năm, rồi chia thành giờ, phút, giây cho được chính xác. Về phép tính lịch, mỗi người trong Khâm Thiên Giám được giao nhiệm vụ tính một phần, tính xong đem hoán đổi rồi lấy kết quả đối chiếu với nhau, nếu sai thì phải tính lại. Quá trình làm việc rất nghiêm túc và hết sức tinh vi. Sau khi hoàn tất bản thảo và mẫu lịch tết, Khâm Thiên Giám đem trình lên vua xét duyệt. Nếu vua đồng ý, đến tháng 10 âm sẽ tiến hành đóng ấn “hoàng đế chi bảo” ở ngoài bìa. Tuy nhiên, có nhiều lúc, mẫu lịch chưa được vua ưng ý thì phải làm lại. Thí dụ như vào năm 1860, khi Khâm Thiên Giám dâng mẫu lịch cung tiến vào cung Gia Thọ, vua Tự Đức đã phê rằng: “Còn nhỏ hẹp. Khoảng cách và chữ viết nên để to thêm 5, 6 lần nữa”. Hay như năm 1861, khi Nguyễn Túc dâng bản ngự lịch chuyển truyền, vua Tự Đức lại sắc: “Từ sau, hàng năm chép lịch này thì chỗ trên hoành cách nếu gặp các ngày giỗ, hưởng, tế thì đều phải bỏ cái dấu khuyên đi…”.
 
Một tờ lịch ngày xưa
Một tờ lịch ngày xưa
Dưới thời chúa Nguyễn, lịch tết được gọi là lịch vạn toàn. Đến năm Nhâm Thân (1812), vua Gia Long cho đổi làm lịch Hiệp kỷ. Trong lịch Hiệp kỷ lại có “Ngự lịch” là loại lịch chỉ làm duy nhất 1 cuốn để dâng lên vua; “Quan lịch” dùng cho các quan và “Dân lịch” là lịch ban phát xuống các làng xã. Ngoài ra còn có “Long phụng lịch” là lịch đặc biệt, chỉ để thờ tại các miếu trong đại nội như Thái Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu, Triệu Miếu và các lăng tẩm nhà vua.
 
Về bản thảo của lịch thì tất cả đều giống nhau. Tuy nhiên, tùy từng loại lịch mà cách thể hiện và trang trí cũng khác nhau. Nếu như “Ngự lịch” được thể hiện một cách chi tiết, cụ thể từng ngày trong 12 tháng, ngày nào nên làm việc gì, kiêng việc gì, đều được viết tóm tắt các khoản cụ thể. Còn dân lịch thì làm sơ sài hơn. Ví dụ như những ngày cấm hát xướng, yến lạc, mặc các sắc đỏ, tía thì thêm một khuyên mực to ở trên đầu dòng, những ngày nên cấm xử việc hình, sát sinh thì khuyên mực đen nhỏ làm dấu.
 
Về hình thức của cuốn ngự lịch, tờ bìa được trang trí rất cầu kỳ, đẹp mắt. Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng ban Sắc: “Hằng năm làm hiệp kỷ ngự lĩnh, bìa liền cả mặt trước mặt sau 1 bức, theo thước công bằng gỗ rộng 9 tấc 2 phân, cao 7 tấc 7 phân, dùng lụa Tàu, 8 tờ sắc vàng đều thêu hoa rồng mây; Duy mặt trước dùng 1 miếng lụa Tàu, 8 tờ sắc hoa đào dài 1 tấc, rộng 5 phân, thêu hai chữ ngự lịch”. Còn các tờ trong của cuốn lịch được đóng theo dạng sách cổ.
 
Giấy dùng để in lịch, theo Mộc bản triều Nguyễn thì lịch rồng phượng dâng lên miếu điện, cung Gia Thọ, cho đến lịch ban cho các quan trong ngoài, văn từ Tứ phẩm, võ từ Tam phẩm trở lên đều dùng giấy nguyên giáp và giấy sơn bối; mặt lịch đều được đóng ấn “Hoàng đế chi bảo”. Còn các lịch khác thì đóng ấn “Khâm Thiên Giám”.
 
Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ được sách để nghiên cứu làm lịch của Khâm Thiên Giám
Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ được sách để nghiên cứu làm lịch của Khâm Thiên Giám
Ngoài ra, năm Ất Tỵ (1845), vua Thiệu Trị còn cho khắc vào lịch hiệp kỷ 24 bài vịnh khí hậu thời tiết do vua làm. Trong đó có bài nói về tiết lập xuân như sau:
 
“Đông bắc cán đẩu quay sang,
Gió hòa phơi phới muôn phương yên lành.
Đón xuân rực vẻ cờ xanh,
Nhà nông sao ứng điềm lành vui thay!”
 
Đến ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch, tại điện Thái Hòa, Hoàng cung triều Nguyễn sẽ tổ chức lễ ban sóc (tức là ban lịch năm mới), đây là nghi lễ đầu tiên đánh dấu một năm mới chuẩn bị đến. Ngày hôm đó, các quan mặc triều phục đến hành cung xếp hàng tề chỉnh. Quan Khâm Thiên Giám dõng dạc tấu rằng: “Duy có mệnh trời sáng suốt, rõ rệt, nên phải theo lối người trước, lường tính từng ngày. Sớm, tối kính cẩn, phúc nhà vua lại thành. Nay, chọn được ngày tốt, ban hành lịch năm, mong nghìn muôn tuổi, nước được bình yên”. Trăm quan làm lễ nhận lịch và tạ ơn. Sau đó, đem những quyển lịch ở thành in ra theo lệ ban cấp chia công.
 
Có thể nói, các vua triều Nguyễn khi xưa đã rất cẩn thận và coi trọng việc làm lịch hàng năm. Đó cũng là một niềm vui mà triều đình mang lại muôn dân mỗi khi tết đến, xuân về.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H26/4, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H26/10, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H26/4, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H26/10, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
 
THƠM QUANG