Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã sinh ra không biết bao nhiêu người con ưu tú cho đất nước, trong đó phụ nữ chiếm một phần đáng kể. Và khi nói đến gương anh hùng liệt nữ, đến truyền thống đấu tranh xâm lược của ngoại bang, người Việt Nam qua nhiều thời đại không quên nhắc tới Bà Triệu bên cạnh các gương liệt nữ khác như Hai Bà Trưng. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu "tượng đài" Bà Triệu qua nguồn Di sản tư liệu quý - Mộc bản triều Nguyễn.
Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã sinh ra không biết bao nhiêu người con ưu tú cho đất nước, trong đó phụ nữ chiếm một phần đáng kể. Và khi nói đến gương anh hùng liệt nữ, đến truyền thống đấu tranh xâm lược của ngoại bang, người Việt Nam qua nhiều thời đại không quên nhắc tới Bà Triệu bên cạnh các gương liệt nữ khác như Hai Bà Trưng. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu “tượng đài” Bà Triệu qua nguồn Di sản tư liệu quý - Mộc bản triều Nguyễn.
|
Hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi ra trận đánh giặc. Ảnh tư liệu |
Bà Triệu (chữ Hán: 趙婆), còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương hay Triệu Thị Trinh, sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc thôn Cẩm Trướng, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Là một người phụ nữ nhưng Triệu Thị Trinh lại mang khí phách hùng dũng của một đấng nam nhi có chí khôi phục giang sơn mãnh liệt.
Thuở nhỏ, Bà Triệu đã thể hiện là người giàu lòng yêu nước, bà hằng ngày chịu khó luyện tập võ nghệ. Khi được hỏi về chí hướng mai này, tuy còn ít tuổi, bà đã rắn rỏi thưa: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị!”. Tương truyền ở thôn Cẩm Trướng thuộc xã Định Công, có con voi trắng một ngà rất hung dữ, thỉnh thoảng lại về phá hoại mùa màng, ai ai cũng phải sợ. Để trừ mối hại cho dân, Bà Triệu đã rủ chúng bạn đi vây bắt con voi ấy. Bà lùa voi xuống vùng đầm lầy rồi dũng cảm nhảy lên đầu voi, sau đó kiên nhẫn tìm cách khuất phục. Con voi trắng một ngà khét tiếng hung dữ rốt cuộc cũng phải ngoan ngoãn vâng theo lời Bà. Bởi thế, trong dân gian còn lưu truyền bài ca:
Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Ở tuổi 19, với mong muốn “chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không muốn khom lưng làm tì thiếp cho người”, bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt tính kế, tập hợp nhân dân chống lại quân Ngô.
Trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Tùng Sơn, Phú Điền (nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc (Châu Lộc) là đoạn núi chót ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũ, dãy núi phía nam (Tam Đa) là đoạn chót của dải núi chạy dọc sông Mã. Chân phía bắc núi Châu Lộc là sông Lèn, chân phía nam núi Tam Đa là sông Âu, xưa là một dòng sông lớn. Thung lũng mở rộng cửa về phía đồng bằng ven biển và bị chặn ngang về phía tây bởi dòng sông Lèn. Từ căn cứ này, ngược sông Lèn có thể liên lạc với miền quê Bà Triệu. Là địa điểm gần biển, lại là cửa ngõ từ đồng bằng miền Bắc vào Thanh Hóa, nên đây là một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả công lẫn thủ.
Hưởng ứng lá cờ khởi nghĩa của hai anh em Bà Triệu, nhân dân ở Cửu Chân theo rất đông. Nghĩa quân ngày đêm luyện tập, mài gươm luyện võ, chờ ngày nổi dậy. Nhân dân vùng Thanh Hóa còn truyền lại bài ca dao về khí thế nô nức của nhân dân đi theo Bà Triệu:
Ru con con ngủ cho ngon
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Năm 248, nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ Cửu Chân rồi lan rộng ra cả nước. Theo Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 17, mặt khắc 67 còn ghi tả lại: “Khi ra trận bà thường mặc áo gai màu vàng, đi guốc ngà, cưỡi đầu voi để đánh nhau với địch”.
Sự oai phong lẫm liệt đó của bà đã khiến cho quân Ngô kinh hồn bạt vía phải thốt lên rằng:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà vương nan
(Múa giáo đánh hổ dễ
Đối mặt vua Bà khó)
Trước khí thế tiến công mạnh mẽ của quân ta, các thành ấp của giặc ở Cửu Chân lần lượt bị hạ. Từ Thái thú đến Huyện lệnh, Huyện trưởng, kẻ bị giết, bị bắt sống, kẻ chạy trốn trong cơn hoảng loạn. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra Giao Chỉ và vào tận Cửu Đức, Nhật Nam.
Bấy giờ, ở phương Bắc nghe tin thứ sử Giao Châu bị giết, Tôn Quyền lập tức cử Đô úy Lục Dận sang làm An Nam hiệu úy Thứ sử Giao Châu... và dẫn ngay một vạn quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Bà Triệu và anh trai đã cử tướng đem quân lên biên giới chặn giặc. Nhưng do thế giặc mạnh cùng sự mưu mô của Lục Dận, nghĩa quân đã bị đẩy lui.
Trong lúc đang tìm cách đối phó với giặc Ngô thì anh trai Triệu Quốc Đạt bị bệnh nặng qua đời. Quân lính tôn bà lên làm chỉ huy tối cao. Nén đau thương, bà quyết tâm chỉ huy nghĩa quân chiến đấu với giặc. Nghĩa quân của bà đã chiến đấu rất kiên cường, đánh địch trên 30 trận trong vòng hai tháng. Nhiều lần, nghĩa quân đã nhấn chìm giặc xuống dòng sông Mã bằng cách lăn đá và cây cối từ trên núi xuống.
Sau một thời gian cầm cự, Lục Dận vừa dùng mưu mô xảo quyệt lấy vàng bạc mua chuộc, chia rẽ đội ngũ lãnh đạo của nghĩa quân, vừa điều thêm quân lính bao vây căn cứ khiến cho cuộc khởi nghĩa ngày càng lâm vào tình thế khó. Bà Triệu cùng quân sỹ ra sức củng cố lực lượng chống quân Ngô, song cũng chỉ kéo dài được nửa năm do lực lượng non trẻ, binh ít, thế cô. Và trong một trận huyết chiến với giặc tại khu căn cứ Bồ Điền, Bà đã anh dũng ngã xuống trong sự tiếc thương, kính phục của nhân dân, đó là ngày 21 tháng 2 năm 248.
Nhớ đến công lao của bà, hoàng đế Tự Đức đã có lời phê rằng: “Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng”.
Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, quyết nối chí Hai Bà Trưng “giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” mãi mãi không phai mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
Tùng Sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.
THƠM QUANG