Trong khối tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có khá nhiều tư liệu liên quan đến Ðà Lạt - Lâm Ðồng xưa. Bên cạnh tài liệu tiếng Pháp thuộc phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, chúng tôi cũng xin được cung cấp thêm một số thông tin quan trọng về tỉnh hạt Lâm Viên xưa được ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn.
Trong khối tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có khá nhiều tư liệu liên quan đến Ðà Lạt - Lâm Ðồng xưa. Bên cạnh tài liệu tiếng Pháp thuộc phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, chúng tôi cũng xin được cung cấp thêm một số thông tin quan trọng về tỉnh hạt Lâm Viên xưa được ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn. Qua đó, giúp các nhà nghiên cứu cùng độc giả hiểu thêm về thời kỳ mà địa bàn được gọi tên là tỉnh Lâm Viên.
Đại Nam thực lục là bộ sử lớn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, gồm hai phần tiền biên và chính biên, ghi chép các sự kiện xảy ra dưới triều Nguyễn qua 9 đời chúa và 13 đời vua Nguyễn. Từ bộ Đại Nam thực lục tiền biên đến bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ hiện vẫn còn ván khắc và đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Tuy nhiên, bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ tục biên vì chiến tranh xảy ra nên chưa kịp khắc in, chỉ còn bản chép tay được tìm thấy ở bên Pháp và được Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. Trong bộ sử này có rất nhiều chi tiết ghi chép về tỉnh Lâm Viên xưa.
Tỉnh Lâm Viên hay còn gọi là tỉnh Langbiang, được thành lập vào ngày 6/1/1916 bao gồm Đà Lạt mới lập lại và Di Linh tách ra từ tỉnh Bình Thuận, tỉnh lỵ được đặt tại Đà Lạt. Trước khi chưa đặt tỉnh, tỉnh lâm Viên có tên gọi là sở Lâm Viên, lệ thuộc vào vùng đất Ninh Thuận. Trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ tục biên, quyển 13, điều 1084 có ghi chép rằng: “Tháng 12 năm Tân Sửu (1901), bắt đầu đặt huyện Tân Quan đạo Ninh Thuận (sở Lâm Viên đạo ấy có nhiều Man đinh, địa thế dài rộng), Quản đạo Nguyễn Văn Thụy xin đặt riêng làm một huyện để tiện quản trị, vua cho như lời xin. Lại lấy Man trưởng thứ nhất tên Nhú làm Tri huyện, Man trưởng thứ hai tên Ỷ làm Bang biện, chế cấp kiềm ký để làm việc”.
Sau một tháng thành lập tỉnh, tức là vào tháng 2 năm Bính Thìn, niên hiệu Duy Tân thứ 10 (1916), bắt đầu cho đặt chức Tri huyện người Việt ở tỉnh Lâm Viên. Lúc đầu, Khâm sứ đại thần Charles có bàn rằng: “Lâm Viên trước đây lệ vào tỉnh Bình Thuận, án kiện do tỉnh ấy xử đoán. Nay Lâm Viên đã đặt riêng thành một tỉnh, việc tù tụng, hình chính ắt phải định rõ thể lệ ngõ hầu tiện tuân theo. Bèn bàn nghĩ đặt một Tri huyện người Việt ở tỉnh mới Lâm Viên phối hợp với Tri huyện người Man đã đặt để giúp đỡ Trú sứ tỉnh ấy. Phủ Phụ chính tâu lên, vua chuẩn cho thi hành”. Ngoài ra, để thuận tiện cho công việc, vua còn chuẩn bàn cấp cho Tri huyện người Việt ở tỉnh Lâm Viên một quả ấn, kiềm. Quả ấn khắc các chữ “Lâm Viên Nam Tri huyện” và kiềm khắc hai chữ “Lâm Viên”.
Đến tháng 3, thị xã Lâm Viên được thiết lập. Ban đầu, Hội đồng nhiếp chính vua Duy Tân cho rằng địa thế Lâm Viên rộng rãi, khí hậu mát mẻ, tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc, đã đặt riêng làm một tỉnh. Lúc ấy nghĩ đặt thêm ở xứ Đà Lạt một thị xã và dinh thự nhà cửa, cùng công sảnh biện sự Đông Dương đều lần lượt xây dựng, còn nhân dân như có ai muốn tới ở đất quan phòng quanh thành, xây dựng nhà cửa làm ăn sinh sống cũng cho, vua chiểu theo lời nghị mới tuân hành”. Trước đó, vào năm Nhâm Tý (1912), vua Duy Tân có cử Phụ chính đại thần là Trương Như Cương, Cao Xuân Dục cùng Khâm sứ đại thần Mahé tới Lâm Viên khảo sát. Lúc trở về, Khâm sứ đại thần Mahé mang theo một quyển sách nói về việc trồng trọt do sĩ nhân người Pháp Coquerel ở Sài Gòn trước tác dâng lên vua ngự lãm.
Ngày 31 tháng 10 năm 1920, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Tháng 8 năm 1922, khi Quyền Toàn quyền đề nghị đặt lại Phan Rang thành cấp tỉnh, viện Cơ Mật tâu trình lên, vua Khải Định có phê chuẩn, trong đó có chi tiết nhắc đến tỉnh Lâm Viên, Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 9, mặt khắc 35, 36 có chép như sau: “Các hạt địa phương gần đây đều do các quý Toàn quyền quyết định đặt, khi thì đặt làm đạo, làm tỉnh, khi thì đặt trở lại thành tỉnh, vừa rối rắm phiền phức mà chẳng thấy ích lợi gì cả. Dụ chỉ của triều đình xưa nay là cái có quan hệ lớn đến chính sự quốc gia, cứ sớm ban hành tối lại sửa đổi, vừa không hợp thể thống mà những đề nghị của quý toàn quyền còn vượt quá ra ngoài phạm vi của chính sách bảo hộ. Những điều khoản đề nghị của quý Toàn quyền đề xuất, nếu là việc quan trọng có can hệ tới chính sách thuộc địa thì cũng còn phải nhận được chỉ dụ cho phép của Quý Giám quốc điện hạ rồi mới được thi hành, huống hồ lại tự ý làm những việc thuộc đất bảo hộ. Những việc họ tự ý làm, như chuyện đặt lại Phan Rang làm tỉnh mà bảo là đã ghi vào nghị định thì thiết tưởng cũng tựa như là cưỡng ép, xem ra cũng giống như việc tỉnh Lâm Viên vậy...”.
Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, ngày 8 tháng 1 năm 1941, tỉnh Lâm Viên được lập lại và tỉnh lỵ được đặt tại Đà Lạt.
Có thể nói, việc triều Nguyễn cho biên soạn, khắc in về tỉnh hạt Lâm Viên trong các bộ chính sử lớn cho thấy vị trí trọng yếu của vùng đất này khi xưa.
THƠM QUANG