Lòng yêu nước Việt Nam đậm tính nhân văn (tiếp theo)

09:07, 26/07/2018

Giáo sư Paul Mus kể tiếp: Tại Tạp chí Revue Indochinoise xuất bản năm 1902, một tác giả ký bút danh Raquez có thuật lại câu chuyện sau đây qua lời của một giáo sĩ Dòng Tên đi truyền đạo tại miền Tây Nam Bộ. Lần ấy, giáo sĩ có việc cần phải vượt qua sông nước mạn Long Xuyên.

Ðất nước Nam dân Nam ở
 
Giáo sư Paul Mus kể tiếp: Tại Tạp chí Revue Indochinoise xuất bản năm 1902, một tác giả ký bút danh Raquez có thuật lại câu chuyện sau đây qua lời của một giáo sĩ Dòng Tên đi truyền đạo tại miền Tây Nam Bộ. Lần ấy, giáo sĩ có việc cần phải vượt qua sông nước mạn Long Xuyên. Khó khăn lắm ông mới tìm được chiếc thuyền do một vị hào mục bằng lòng chở giúp, và đích thân cầm lái. Vị hào mục ấy có vẻ như đang nóng lòng muốn hỏi ông giáo sĩ nước ngoài một điều gì đấy mà vẫn còn e ngại. Sau một hồi trò chuyện, anh ta bạo dạn dần lên: “Thưa Cha, con nghĩ là con có thể tin cậy ở Cha, rồi Cha sẽ không nói lại với quan Đốc sứ những điều con muốn được hỏi Cha hôm nay: Xin Cha nói thẳng cho con biết, người Pháp sẽ còn ở lại xứ này bao lâu nữa?”. Thấy giáo sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên, người kia nói tiếp: “Cha không muốn nói ra nhưng con tin chắc là Cha biết hết. Liệu sau một hay hai năm nữa, người Pháp có ra đi khỏi xứ này?”.
 
Và Paul Mus bình luận: Chúng ta cần hiểu đúng, sự “ra đi” ở đây mang ý nghĩa gì đối với những người đang nóng lòng chờ đợi. Ấy là người nước ngoài cần phải kết thúc sự thống trị áp đặt lên đất nước họ, tước đoạt mất chủ quyền của họ, loại bỏ các thiết chế quốc gia vốn được trời ban cho họ. Có như thế chúng ta mới có thể hiểu sâu thái độ cởi mở của những người dân địa phương trước khả năng hòa giải giữa hai bên đối địch, thể hiện qua một bản cáo yết được những người nổi dậy trang trọng dựng lên bên bờ sông Gò Công nhằm mục đích dành cho quân Pháp đọc (Chắc tác giả chỉ cuộc kháng chiến chống Pháp do nhà yêu nước Trương Định chỉ huy từ bản doanh “Đám lá tới trời” của ông. Sử chép: “Ngày 5/6/1862 triều đình Huế ký hòa ước với Pháp, Trương Định từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp Bonard, bất chấp chiếu bãi binh do Phan Thanh Giản truyền, mà rút quân về Gò Công tiếp tục chiến đấu. Ngày 16/12/1862, ông ra lệnh tấn công các vị trí của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Bộ... Bị cấp dưới phản bội, ông bị Pháp đánh úp bắt sống ngày 19/8/1864. Để bảo toàn khí tiết, ông rút gươm tự sát tại Ao Dơi). Trong một chuyến tuần tra dọc theo đường sông rạch các tỉnh Nam Bộ năm 1862, trung tá thủy quân Meynier nhìn thấy, đã sai lính tháo gỡ mang về trình cấp trên. Bản yết thị này sau đó được chuẩn đô đốc Réveillère dẫn toàn văn trong một bài nghiên cứu công phu của ông đăng Tạp chí Revue indochinoise năm 1902, nhan đề “Lòng yêu nước của người An Nam”. 
 
Xin tóm lược sau đây nội dung chính bản cáo yết ấy (được phỏng dịch trở lại từ bản tiếng Pháp):
 
“Tất cả những người dân của tỉnh Gò Công đều nhất trí với lời tuyên bố dưới đây.
 
Đất nước các ông ở mãi bên trời Tây, xứ sở chúng tôi nằm sát biển Đông. Các ông và chúng tôi khác biệt như con ngựa khác con trâu; tiếng nói, chữ viết, phong tục chúng ta đều khác hẳn nhau. Con người trên đời này từ thuở xa xưa được sinh ra từ nhiều nòi giống khác nhau, nhưng bất kỳ ở đâu con người cũng có chung giá trị (valeur) dù bản tính (nature) họ không giống nhau. Nếu các ông cứ một mực mang thép và lửa dội xuống đất nước này, cuộc hỗn loạn sẽ kéo dài nhưng chúng tôi nhất quyết làm đúng mệnh trời. Chính nghĩa của chúng tôi cuối cùng sẽ thắng (...). Các ông đánh chiếm các tỉnh của chúng tôi là nhằm mở rộng lãnh thổ, tăng thêm danh tiếng cho đế quốc các ông chứ gì. Vậy các ông có muốn bù lại bằng một khoản tiền bồi thường? Chúng tôi sẵn sàng trả khoản bồi thường ấy với điều kiện các ông phải rút hết quân về nơi các ông đang đồn trú. (Nếu các ông chấp thuận đề nghị trên) chúng tôi sẽ biết ơn các ông, trời đất sẽ thấu hiểu lòng các ông. Trong trường hợp ngược lại, đề nghị của chúng tôi bị các ông khước từ, chúng tôi sẽ chiến đấu nhằm tuân thủ mệnh trời. Chúng tôi thề chiến đấu tới cùng. Rồi một mai đây nếu có thiếu thốn mọi thứ, không còn vũ khí gì trong tay, chúng tôi vẫn giương cao nhánh lá cây làm cờ hiệu, chặt cành cây làm vũ khí chiến đấu lại chống các ông. Trong tình huống ấy, làm sao các ông có thể sống nổi với chúng tôi?
 
Mong các ông xem xét đòi hỏi trên của chúng tôi để đi tới việc chấm dứt tình trạng thảm hại cho lợi ích của cả đôi bên”.
 
“Chúng tôi sẽ dựng bia đá khắc công ông”
 
Được tiếp nguồn cảm hứng từ những kỷ niệm tuổi ấu thơ, Giáo sư Paul Mus luôn dành tình cảm thắm thiết nhất mỗi lẫn nói đến những người dân quê Việt. Ông kính trọng các sĩ phu, mặc dù với thời gian, các thế hệ trẻ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX có điều kiện tiếp cận nền văn minh phương Tây sẽ thay đổi dần cách nhìn, nhưng tại các vùng thôn quê, truyền thống xưa tồn tại vững bền. Ông viết: “Ngay cả ở một môi trường rất cấp tiến là Trường trung học Bảo hộ do cha tôi điều hành, tiền đề tạo lập nên các trường đại học của nước Việt Nam ngày nay, nơi lớp bạn bè của tôi thuộc thế hệ người Việt đầu tiên được truyền dạy bài bản về văn minh và tư tưởng phương Tây, qua những kỷ niệm thời niên thiếu, cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in ánh hào quang mọi người cùng dành cho thầy Đức, thầy dạy chữ Hán của chúng tôi, một con người mảnh khảnh và nho nhã, đơn giản vì ông là một cựu tù chính trị từng lĩnh án tử hình. 
 
Ấy là vào những năm 1910 tại Bắc Kỳ. Ba mươi năm sau, năm 1946 tại Nam Kỳ, tôi lại nhìn thấy ánh hào quang ấy qua những lời trao đổi giữa hai người Việt Nam với nhau, một người cao tuổi bị bắt quả tang tay đang cầm vũ khí - thứ vũ khí thô sơ thật đấy nhưng rất nguy hiểm cho quân ta - và viên thẩm phán vừa tuyên án xử tử ông già. 
 
Viên công chức nói: “Tôi đã mạnh tay đối với bác nhưng tôi luôn giữ tình người với bác. Tôi bắt buộc phải làm nhiệm vụ của mình chứ tôi không hề căm ghét bác. Giờ tôi muốn hiểu rõ hơn một chút. Trông bác bề ngoài có vẻ là một nhà nho. Bác là nhà nho, tại sao bác lại đi quấy rối trị an, phạm tội giết người (giết lính Pháp), để giờ đây phải chịu tội chết? Bác là người có học, tại sao bác lại lôi kéo bọn trẻ vào cuộc phiêu lưu này? Các đối thủ của chúng ta dùng toàn vũ khí hiện đại, họ có xe tăng, đại bác, máy bay, họ đã đánh thắng quân Đức. Trong khi quân của bác chỉ có dao và gậy. Các bác đã tự tìm lấy cái chết, một cái chết vô tích sự”. Người tử tù cao tuổi đáp: “Không can chi. Đúng là tôi chết mà chưa làm được gì. Nhưng tôi có một đứa con trai, nó sẽ noi gương tôi. Nếu nó có bỏ mạng mà cũng vẫn chưa làm được gì, cũng chẳng hề chi. Rồi đến lượt thằng cháu nội của tôi sẽ chiến đấu và nó sẽ được tận mắt nhìn thấy đất nước chúng tôi thoát khỏi ách ngoại xâm. Tôi thanh thản lĩnh án tử hình”.
 
Kể đến đây, Giáo sư Paul Mus ngẫm ngợi:
 
“Tám mươi bốn năm - tính từ 1862 đến 1946 - một quãng thời gian ngắn trong lịch sử dài của một đất nước đã từng nghìn năm chiến đấu chống Bắc thuộc, thật xúc động khi nghe người tử tù lặp lại lời những người nổi dậy năm xưa tại tỉnh Gò Công qua nội dung bản cáo yết dựng bên bờ sông cốt cho người Pháp đọc. Tôi nghĩ - vẫn lời Paul Mus - không có cách nào khác để gọi hành động người cao tuổi (vừa bị kết án tử hình) ấy đã làm trừ phi coi đó là một cuộc kháng chiến đích thực - une authentique résistance - bởi nó nhằm mục đích cứu tính mạng và phẩm giá con người mà không nề hy sinh thân xác bản thân. Chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam thật sự là chủ nghĩa nhân văn. Cứ chống lại chủ nghĩa yêu nước ấy thì tuyệt nhiên không có bất cứ cơ may lịch sử nào cho những kẻ trong hàng ngũ chúng ta cứ luôn miệng rêu rao cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt Nam là chủ nghĩa khủng bố”.
 
“Như vậy, có phải chúng ta chỉ còn có mỗi một con đường, là thu xếp hành trang để sớm ra đi? (...) Người Pháp chúng ta mỗi lần nói đến lòng yêu nước của người Việt Nam là làm ra vẻ khinh khi. Với cách nhìn như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thử hỏi có khác gì chủ nghĩa sô vanh nước lớn?”.
 
“Hãy chấm dứt tình trạng gây thảm hại cho lợi ích của chúng tôi cũng như lợi ích của các ông. Được như vậy, chúng tôi sẽ còn biết ơn các ông là khác”. Năm 1862, những người nổi dậy ở tỉnh Gò Công đã cảnh báo người Pháp như vậy. Gần một thế kỷ sau - khoảnh khắc cách nhau ba thế hệ người đời - tháng 9 năm 1945, khi tướng Leclerc vừa đổ quân lên thành phố Sài Gòn, ông đã nghe một người Việt Nam nói với ông: “Thưa tướng quân, người Pháp đã dựng nhiều tượng đài tại những nơi ông đánh thắng quân Đức. Người Việt Nam chúng tôi sẽ tạc bia đá khắc công ông ở những nơi ông sẽ không biến thành chiến trường tại đất nước này” - và tôi (Paul Mus) cảm thấy người chiến binh vĩ đại của chúng ta đã hiểu ngay câu nói của người Việt Nam kia - tướng Leclerc thông minh xuất sắc hơn rất nhiều so với các nhà hoạch định chiến lược của chúng ta lúc nào cũng cứ ngồi ru rú trong phòng riêng mà ban hành các mệnh lệnh”. 
 
(còn nữa)
 
PHAN QUANG