Thầy là Paul Mus, người Pháp sinh năm 1902, thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội từ năm 1926, Giáo sư Trường Đại học Collège de France, Paris từ 1946, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Yale, Mỹ từ 1949 đến 1969 năm ông qua đời. Trò là John McAlister Jr., người Mỹ sinh năm 1936, giáo sư Trường Đại học Princeton rồi Đại học Stanford. Xuất thân sĩ quan Hải quân Mỹ, ông được coi như một chuyên gia thành thạo về Việt Nam, nổi tiếng với thái độ cực lực phản đối chủ trương của mấy đời tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông qua đời ngày 20 tháng 5 năm 2016.
[links(right)]I. CUỐN SÁCH CỦA HAI THẦY TRÒ PHÁP, MỸ
Một tác phẩm dày công
Thầy là Paul Mus, người Pháp sinh năm 1902, thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội từ năm 1926, Giáo sư Trường Đại học Collège de France, Paris từ 1946, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Yale, Mỹ từ 1949 đến 1969 năm ông qua đời. Trò là John McAlister Jr., người Mỹ sinh năm 1936, giáo sư Trường Đại học Princeton rồi Đại học Stanford. Xuất thân sĩ quan Hải quân Mỹ, ông được coi như một chuyên gia thành thạo về Việt Nam, nổi tiếng với thái độ cực lực phản đối chủ trương của mấy đời tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông qua đời ngày 20 tháng 5 năm 2016.
Sách có nhan đề Người Việt Nam và cuộc cách mạng của họ (nguyên bản tiếng Anh The Vietnamese của their revolution, bản dịch tiếng Pháp in lần đầu năm 1972 Les Vietnamiens et leur révolution).
Giáo sư Paul Mus ra đời tại Pháp. Lên năm, ông cùng bố mẹ sang Việt Nam, sống trong lòng những người dân Việt, học tiểu học rồi trung học cùng với các học sinh người Việt tại ngôi trường bố mẹ ông dạy. Cậu bé nói sõi tiếng Việt, am tường phong tục tập quán Việt Nam, nhờ vậy tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, Paul Mus được sự giúp đỡ của những người nông dân miền Bắc, đã một mình từ Hà Nội băng đồng vượt núi xuyên rừng qua 400 km, thoát sang bên kia biên giới Việt Trung, gặp đội tàn quân Pháp do tướng Alessandri chỉ huy cũng vừa tháo chạy sang đây.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai 1941-1945, Paul Mus bị động viên vào quân đội, chiến đấu chống Đức. Ông bị thương, được giải ngũ. Năm 1943, tướng De Gaulle dù đang phải vong thân nơi đất khách quê người, Tổng hành dinh còn phải đóng tại châu Phi, vẫn nuôi ảo vọng phục hồi “sự vĩ đại của nước Pháp” tại Viễn Đông bằng cách áp đặt trở lại chế độ thực dân Pháp lên ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia mà họ cố tình gọi chung là Xứ Đông Dương thuộc Pháp. Paul Mus lại bị sung vào cơ quan tình báo với quân hàm đại úy. Ông được tướng De Gaulle phong làm đặc sứ, có nhiệm vụ cùng Jean Sainteny, Emile Bollaert sang Nam Trung Hoa liên hệ với đội không quân Mỹ đang đặt bản doanh tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam hỗ trợ quân của Tưởng Giới Thạch chống quân phiệt Nhật, cậy nhờ người Mỹ giúp phương tiện nhảy dù xuống nước ta, xây dựng cơ sở chuẩn bị làm nội ứng cho “đạo quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương” sẽ được phái đến biển Đông xâm lược nước ta ngay sau ngày phát xít Nhật ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (Về hoạt động của đội tình báo này, Jean Sainteny kể tả tỉ mỉ, kèm nhiều ảnh minh họa, trong hồi ký Histoire d’une paix manquée, NXB Amiot & Dumont, Paris 1952). Hiểu quá rõ chất kiên cường và lòng yêu nước của người Việt Nam, Paul Mus sớm nhìn thấy trước thất bại khó tránh khỏi của cuộc phiêu lưu ấy. Có lần, được cấp trên tham khảo ý kiến, ông trình bày quan điểm của mình. Tường trình của bậc học giả bị một sĩ quan cấp tá hạ bút phê lên trang đầu: “Không quan trọng. Chẳng có gì mới ngoài những ý tưởng viển vông”.
Mãi đến cuối năm 1946, lúc này Paul Mus đã là giáo sư Trường Đại học Collège de France giảng dạy về Việt Nam tại Khoa Đông phương học, mới viết bản báo cáo gửi người đứng đầu chính phủ Pháp hồi bấy giờ là tướng De Gaulle, tại đó ông quả quyết: “Chẳng thứ gì có thể sống nổi tại Việt Nam ngoài những thứ mọc lên từ nền đất nước ấy”. De Gaulle cho mời Paul Mus đến trực tiếp tường trình. Vị giáo sư uyên bác cố gắng trình bày cặn kẽ với ngài tướng lĩnh cao ngạo, rằng nếu các lực lượng nước ngoài cố tình dùng vũ lực, họ chẳng bao giờ giải quyết nổi các vấn đề gắn bó với con người và xã hội Việt Nam. Nhờ sự gắn kết của toàn dân tộc, khởi đầu từ cộng đồng làng xã, người Việt Nam đã kiên trì chiến đấu và cuối cùng chiến thắng phong kiến Trung Hoa sau một ngàn năm Bắc thuộc. Tướng De Gaulle chăm chú lắng nghe gần một tiếng đồng hồ. Nghe xong, ông tướng đứng bật dậy, vươn cao tấm thân vốn đã cao quá cỡ, dõng dạc kết thúc cuộc đối thoại: “Chúng ta sẽ trở lại xứ Đông Dương, bởi chúng ta có đủ sức mạnh”.
Qua công trình nổi tiếng, được nhiều học giả nước ngoài, đặc biệt châu Âu và Mỹ, coi như một cuốn sách gối đầu giường cho bất cứ ai muốn nghiên cứu vấn đề Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong chiến tranh chống Mỹ, nhan đề Viêt-Nam, Sociologie d’une guerre xuất bản lần đầu năm 1952 (“Việt-Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh”. Trong các tác phẩm của Paul Mus, tên nước Việt Nam bao giờ cũng được viết “Viêt-Nam” có gạch nối như cách viết tiếng Việt phổ biến thời bấy giờ dù tiếng Pháp thiếu dấu nặng). Paul Mus trăn trở: “Chúng ta bị đánh bại ngay cả trước khi chúng ta khởi đầu cuộc chiến. Biết đến bao giờ người ta mới chịu nhìn thẳng vào sự thật ấy?”.
Giáo sư John McAlister Jr. thuộc thế hệ những người Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, ông kém thầy đến 34 tuổi. Ông là sĩ quan Hải quân Mỹ được phái sang làm cố vấn cho chính quyền Sài Gòn. Ông từng trải qua hai năm công tác tại đồng bằng sông Cửu Long trước khi trở về nước làm nghiên cứu sinh Trường Đại học Yale.
Thời gian này, Giáo sư Paul Mus chuyên giảng dạy về “Các nền văn minh Viễn Đông” tại Trường Đại học Collège de France, đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Yale, Mỹ. Đều đặn mỗi năm sáu tháng, ông rời Paris sang bang Connecticut dạy về các vấn đề Việt Nam. Sinh viên theo học thầy Paul Mus hầu hết là những người Mỹ đã có ít nhiều trải nghiệm tại các thành thị hoặc làng mạc nước ta với tư cách viên chức dân sự, quân sự, nhà báo, thành viên các đội hòa bình Peace corps, v.v... Theo lời kể của John McAlister, lúc đầu chỉ một nhóm người tham dự các khóa học với mục đích kiếm thêm chứng chỉ hàn lâm academic credits, dần dà số sinh viên ngày một đông lên với những thanh niên Mỹ tin rằng sớm hay muộn rồi cũng sẽ đến lượt mình bị sung quân cầm súng sang chiến đấu tại một đất nước xa xôi mà không rõ chiến đấu chống ai và để làm gì. Họ cần có một ít hiểu biết về xứ sở ấy. Ngoài ra, còn có những người đến từ Campuchia, Myanmar, Indonesia...
John McAlister bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ Ph. D. tại Trường Đại học Yale. Ông lần lượt dạy tại Trường Woodrow Wilson School về các Vấn đề công cộng và quốc tế, tham gia Trung tâm nghiên cứu quốc tế Trường Đại học Princeton trước khi trở thành giáo sư Đại học Stanford bang California. Năm 1969, ông xuất bản một công trình nghiên cứu về cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 tại Việt Nam, được dư luận Mỹ chú ý (The Origins of Revolution, Những cội nguồn của Cách mạng). Năm 1994, ông sang thăm nước ta, được gặp và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tin báo Los Angeles Times ngày 9/1/1994). Cũng như thầy Paul Mus thường xuyên trăn trở về cuộc chiến tranh Pháp gây ra tại Việt Nam để cuối cùng rước lấy thảm bại, trò John Mc Alister luôn đau đáu trước câu hỏi: “Người Mỹ tìm cách chinh phục trí tuệ và tâm hồn người Việt Nam. Nhưng chúng ta có biết được cái gì hiện đang nung nấu tâm hồn và trí tuệ của họ? Liệu nước Mỹ có còn đủ thời gian (để kịp khắc phục sai lầm ấy)? Các nước phương Tây từ trước tới nay vốn không biết cách giúp người Việt Nam cũng như người các nước châu Á nói chung tự hiện đại hóa với tư cách những dân tộc tự do; bao năm chiến tranh do Pháp rồi Mỹ gây ra khiến ông Hồ Chí Minh, người vẫn mong muốn giải quyết mọi bất đồng bằng giải pháp hòa bình, buộc phải khơi gợi hận thù trong tâm hồn và trí tuệ người Việt nhằm giành bằng được độc lập cho đất nước. Liệu chúng ta còn có đủ thời gian hướng dân tộc Việt Nam từ bỏ mục tiêu của họ tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà chính sự không khoan nhượng của Mỹ là một động lực góp phần thôi thúc họ phải nhanh chân theo con đường ấy?”.
(Còn nữa)
PHAN QUANG