Đối với người Pháp và nhiều học giả phương Tây, Giáo sư Paul Mus là ngôi sao tỏa sáng về Việt Nam học và văn minh nhiều nước châu Á thế kỷ XX. Nhà sử học René Grousset (1885-1952), Viện sĩ Hàn lâm Pháp, chuyên gia về châu Á gọi Paul Mus là "một gương mặt lớn" của Pháp về Viễn Đông học, "một trí tuệ hùng cường, phong phú đến mức khó tin"
[links(right)]
II. TÔI THANH THẢN NHẬN ÁN TỬ HÌNH
Ánh hào quang bao phủ một con người
Đối với người Pháp và nhiều học giả phương Tây, Giáo sư Paul Mus là ngôi sao tỏa sáng về Việt Nam học và văn minh nhiều nước châu Á thế kỷ XX. Nhà sử học René Grousset (1885-1952), Viện sĩ Hàn lâm Pháp, chuyên gia về châu Á gọi Paul Mus là “một gương mặt lớn” của Pháp về Viễn Đông học, “một trí tuệ hùng cường, phong phú đến mức khó tin”; triết gia Paul Masson-Oursel (1882-1956), Giáo sư Trường cao học thực hành Paris nói “luồng ánh sáng từ con người Paul Mus đã làm rạng tỏa nền Đông phương học của Pháp đang thời xuống cấp”; học giả Guy Moréchand (1923-2002), thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp gọi Paul Mus là “người dắt dẫn có một không hai cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu các nền văn minh châu Á muôn màu sắc”; nhà dân tộc học George Condominas (1921-2011), người chào đời tại thành phố cảng Hải Phòng từ người cha Pháp và bà mẹ mang nửa dòng máu Việt trong người, tác giả công trình nghiên cứu khoa học mà tràn đầy chất văn chương về người Mnông Tây Nguyên nước ta: Chúng tôi đã ngốn hết rừng xanh ca ngợi “trí nhớ diệu kỳ đến mức khó tin” của Paul Mus, “một trong những nhà Đông phương học lớn nhất hiện nay”, và coi tác phẩm Việt Nam, Xã hội học về một cuộc chiến tranh là “một trong những công trình quan trọng nhất cho bất kỳ ai tìm hiểu nước Việt Nam trong lịch sử và hiện tại”; trong khi nhà báo, nhà văn Jean Lacouture (1921-2015), người chủ trì việc xuất bản tác phẩm của hai thầy trò đơn giản gọi đó là một “cuốn sách bậc thầy, un maitre-livre”...
Mọi lời ca ngợi Paul Mus đều đúng. Ông là một người thông tuệ, thành thạo tiếng Việt, lại giỏi chữ Hán, tiếng Sanscrit (Phạn), tiếng Tây Tạng. Ông là người đầu tiên nghiên cứu di tích Borobodur, quần thể chùa Phật giáo lớn nhất hành tinh, nằm giữa lòng nước đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới là Indonesia, qua công trình khoa học dày hơn 1.100 trang sách, in lần đầu tại Hà Nội và Mỹ năm 1935, tái bản năm 2007. Trước sau ông đã có hơn một trăm công trình khoa học đã in thành sách hoặc chưa. Ông biết vượt qua rào cản của các khoa học chuyên ngành, ông không quan tâm các đường biên giới quốc gia đương đại, bằng phương pháp so sánh học ông tiếp cận các nền văn minh đa dạng ở châu Á với tầm nhìn xuyên quốc gia. Là thành viên lâu năm Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, ông là đồng sự của các nhà trí thức lớn Việt Nam như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên… Xuất phát từ nền kiến thức rộng về cổ học, Paul Mus đề cập, lý giải và đề xuất giải pháp cho những vấn đề thời sự bức xúc, mà nổi bật hơn cả là cuộc chiến tranh do Pháp gây nên tại nước ta sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, kéo dài chín năm, gấp đôi Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuối cùng Pháp thảm bại vì họ không hiểu nổi thực chất nền văn minh Việt Nam và cốt cách con người Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử.
Paul Mus có một thế mạnh nữa mà ông tự hào là ông coi mình như người con của hai nền văn hóa Pháp và Việt Nam. Georges Condiminas kể lại, ông và Paul Mus từng có nhiều buổi chụm đầu tán gẫu với nhau như “hai đứa trẻ con sinh ra trên cùng một xứ sở”. Paul Mus trăn trở tìm lời đáp câu hỏi ông tự đặt ra về căn cước của mình: “Tôi còn biết coi đất nước này, khu phố là gì ngoài nó là đất nước tôi, khu phố của tôi?”. Ông nhắc lại với bao tình cảm mến thân những người Việt Nam đã chăm sóc ông từ tuổi ấu thơ cho tới lúc thành niên tại một khu phố Hà Nội dành cho những người Pháp trung lưu, “những người da trắng nhỏ”, les petits blancs, nhằm phân biệt với “những người da trắng lớn” là các quan cai trị thực dân đầy quyền uy và tàn bạo. Đó là chị nấu bếp, anh giúp việc nhà, đặc biệt bà bảo mẫu của ông: “Một khuôn mặt từ trên cao nghiêng xuống tuổi thơ tôi, và đó cũng chính là nơi ẩn náu của tuổi thơ tôi, khuôn mặt ấy đã chăm bẵm cho tôi đủ mọi thứ, đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện cổ tích Việt Nam”. Ông nhớ năm ông lên sáu, một lần bà đốt nén nhang dí vào bàn tay ông, dạy ông cách vái lạy tổ tiên trước khi cắm nhang lên bàn thờ (chắc đặt trong nhà bếp của ông chủ).
Ông học Trường Trung học Bảo hộ (trước gọi Trường Bưởi, nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An) trước khi về Pháp học tiếp bậc đại học. Nhiều bạn học người Việt cùng lớp với ông, vẫn lời Paul Mus, sau này sẽ trở thành những nhà trí thức tham gia điều hành cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một thầy học của ông ở Trường Bưởi là thân sinh nhà sử học Lê Thành Khôi, tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến giữa thế kỷ 19 mà Pauk Mus sẽ nhiều lần tham khảo. Những nhân tố trên góp phần làm cho Paul Mus trở thành một nhà bác học về Đông phương học “có một không hai”, như lời tiểu dẫn của Guy Moréchand tại phần Nhân sự Trường Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội.
Theo nhà nhân học Laurent Dartigues, năm 1952 cuốn Việt-Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh của Paul Mus phát hành, không gây được tiếng vang lớn tại Pháp chủ yếu do bối cảnh chính trị lúc bấy giờ. Dù bị sa lầy tại Việt Nam, nhà cầm quyền Pháp vẫn nuôi ảo tưởng giành chiến thắng bằng vũ lực bất cứ với giá nào, nhưng cuốn sách của nhà bác học lại đề xuất giải pháp hòa hợp hai nền văn minh, trái hẳn quan điểm của giới đang nắm quyền lực, trong khi giới khoa học Pháp lại đồng loạt ngợi ca tác phẩm, hầu như không ai có ý kiến phản biện.
Ngẫm về lòng yêu nước của người Việt
Paul Mus dành hẳn một chương trong cuốn Viêt-Nam... để luận bàn về Lòng yêu nước Việt Nam (Patriotisme Viêtnamien - từ Viêt có dấu mũ và viết hoa, dù tiếng Pháp không có dấu nặng và tính từ không viết hoa).
“Để tránh những sai lầm mà biết bao người trong chúng ta, bao gồm những người giỏi nhất, khi cứ một mực hết năm này qua năm khác tuyên bố cuộc Kháng chiến (của người Việt Nam) sắp sụp đổ tới nơi - Kháng chiến, ông viết hoa - hay là không còn có bất kỳ vấn đề quân sự nào nữa tại đất nước ấy, chúng ta cần phải tính đến tính kiên trì của người Việt. Tại những người đang chiến đấu chống lại chúng ta, đức tính kiên trì là hữu thức ở tầng lớp những người trí thức và thuộc về bản năng trong đông đảo những người từng chiến đấu cả ngàn năm chống ách đô hộ của nước láng giềng phương Bắc. Cuộc chiến lâu dài chống phong kiến Trung Hoa đã chuẩn bị cho người Việt Nam con đường tiếp cận nước Pháp ngày nay, hòa quyện thái độ không dung tha kẻ xâm lược và khả năng thích ứng với tình hình. Không dung tha sự thống trị của nước ngoài, thích ứng về văn hóa nếu nền văn hóa ngoại lai ấy hàm chứa giá trị phổ biến toàn cầu”.
Đến đây Giáo sư Paul Mus lý giải tính cách người Việt Nam mà theo ông, bắt nguồn từ thấm nhuần kinh sách Khổng, Mạnh với thuyết thái cực và âm dương, ngũ hành và phong thủy, thân phận mỗi con người và mệnh trời ban cho đất nước... Đọc tới đây, những độc giả học vấn tầm tầm nhưng không xa lạ gì phong tục ở các làng quê ta thời trước, bỗng cảm thấy... thế nào ấy: giữa những luận giải hàn lâm và thực tế cuộc sống có cái gì đó hơi vênh. Tác giả kể một câu chuyện ông chứng kiến: Có mỗi một việc bình thường là chặt bớt cành lá một cây đa cổ thụ trong công viên. Vậy mà người Việt Nam vẫn muốn cầu xin sự chấp thuận của trời qua việc xin quẻ: gieo xuống chiếc đĩa hai đồng tiền một mặt xẫm màu một mặt bôi vôi trắng. Lần ấy, những người dân sống cạnh cây đa qua bốn lần cầu xin vẫn chưa được trời đất chấp thuận. Vậy là nhà cầm quyền thuộc địa, trong trường hợp này chỉ là một viên cai lục lộ, để thực thi lệnh của quan trên buộc phải cho người chặt bớt cành đa. Người dân đành chịu thua. Nhưng họ lo là ngay trong năm nay, thế nào làng ta cũng xảy ra việc tang ma, có người đau ốm, chứng tỏ trời đất bất bình. Paul Mus lý giải: những việc như trên trong cuộc sống thường ngày đã không ngừng củng cố niềm tin của người Việt vào số phận và mệnh trời.
(còn nữa)
PHAN QUANG