Lòng yêu nước Việt Nam đậm tính nhân văn (tiếp theo)

09:08, 02/08/2018

Sau nửa thế kỷ tính từ năm "cuốn sách bậc thầy" của Giáo sư Paul Mus ra mắt bạn đọc, năm 1952, tạp chí Pháp Moussons chuyên nghiên cứu khoa học nhân văn của Đông Nam châu Á số tháng 5 năm 2002 đăng bài của tiến sĩ nhân chủng học Laurent Dartigues đánh giá lại tác phẩm Việt Nam, Xã hội học về một cuộc chiến tranh...

III. CHÚNG TA LÀ NHỮNG CÂY TRE MỌC THẲNG
 
Cách “nhìn lại” của một học giả mượn lời người khác
 
Sau nửa thế kỷ tính từ năm “cuốn sách bậc thầy” của Giáo sư Paul Mus ra mắt bạn đọc, năm 1952, tạp chí Pháp Moussons chuyên nghiên cứu khoa học nhân văn của Đông Nam châu Á số tháng 5 năm 2002 đăng bài của tiến sĩ nhân chủng học Laurent Dartigues đánh giá lại tác phẩm Việt Nam, Xã hội học về một cuộc chiến tranh. Bài viết nhan đề “Nước Việt Nam của Paul Mus: tầm vóc vĩ đại và những hiểu lầm qua một cuộc đối thoại xuyên văn hóa”. Bài viết khá dài, gồm ba phần, bảy chương và kết luận. Tác giả phản bác một số luận điểm và đề xuất của Paul Mus, nhưng theo chính lời ông ngay từ đầu bài, ông chỉ dựa vào ý kiến phản biện của hai người khác là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1915-1987) và triết gia Francois Jullien (sinh năm 1951), để cuối cùng chốt lại coi như ý kiến của chính mình.
 
Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ảnh: Internet
Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước,
lòng tự hào dân tộc. Ảnh: Internet
Lời vào đầu bài viết như sau: “Giáo sư Paul Mus vốn được coi như một trong những nhà Đông phương học lớn nhất thời ông, năm 1952 đã cho xuất bản công trình quan trọng nhất của mình, một cuốn sách cho đến nay vẫn còn thanh thế lớn: Việt Nam, Xã hội học về một cuộc chiến tranh. Với lối văn diễn tả phức hợp được hệ thống ẩn dụ của văn chương kinh điển Khổng giáo gợi cảm hứng, ông đề xuất một xã hội học thực sự đậm chất tôn giáo và chính trị tại Việt Nam. Ông cũng nêu một số gợi ý cho con đường đầy khó khăn là tái hòa hợp hai nước trên cơ sở đối thoại giữa giới thượng lưu hai nước Pháp và Việt. Ở chỗ này, Paul Mus đã nhận thức không đúng về những bất đồng sâu sắc làm nên đặc trưng cho cuộc đối thoại kéo dài liên miên ấy”.
 
Tên tuổi Nguyễn Khắc Viện “sĩ phu hiện đại” (lời Nguyễn Khắc Viện tự bạch) không mấy xa lạ đối với người Việt Nam chúng ta. Triết gia Francois Jullien chuyên nghiên cứu về Hy Lạp cổ đại và Trung Hoa học, là một ngôi sao đang lên ở Pháp. Ông đã cho xuất bản hàng trăm tác phẩm văn, triết dựa trên phương pháp so sánh học xuyên văn minh qua các nền văn hóa Đông - Tây. Ông là một trong những học giả đương đại Pháp mà tác phẩm được dịch nhiều nhất sang các ngôn ngữ khác trên thế giới. Tại Việt Nam cũng có in một số sách của Francois Jullien bằng tiếng Việt. Năm 2005, Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành Kỷ yếu cuộc hội thảo quốc tế do Trường Đại học Tổng hợp Huế tổ chức, nhan đề Sang Viễn Đông trở về Viễn Tây. Năm 2009, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trình bạn đọc biên khảo Francois Jullien và nghiên cứu so sánh văn hóa Đông Tây (NXB Lao động). Như vậy, nhìn từ một phía khác, tác giả Laurent Dartigues mượn lời của hai nhân vật như trên để bày tỏ chính kiến của mình và viết thành bài đăng tạp chí Moussons thì ông có thể cầm chắc là... yên chí lớn!
 
Về phần ý kiến của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Laurent Dartigues chỉ dựa trên nội dung một bài báo ông cho đăng tạp chí Pháp La Nouvelle Critique (La Nouvelle Critique là tạp chí lý luận, phê bình văn học của Đảng Cộng sản Pháp, do nhà văn Jean Canapa làm chủ bút, xuất bản năm 1948, đình bản năm 1980) năm 1973, nhan đề “Huyền thoại và thực tế”. Qua bài viết Nguyễn Khắc Viện phê phán luận điểm của nhà báo Mỹ Frances Fitzgerald (sinh năm 1940), sau khi đọc xong cuốn sách mới xuất bản của bà về cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, và sang năm sau tác phẩm ấy đã ẵm luôn một lúc ba giải thưởng danh giá của Mỹ (Đó là cuốn Fire in the Lake: The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Giải thưởng Pulitzer về tiểu luận, Giải thưởng National Book Award về lịch sử đương đại, Giải thưởng Bancroft của Trường Đại học Tổng hợp Columbia về ngoại giao và lịch sử năm 1973). Qua bài viết của mình, Nguyễn Khắc Viện phê phán quan điểm của một số học giả phương Tây, hễ mỗi lần có dịp nói đến văn hóa Việt Nam là y như đánh giá cao quá mức ảnh hưởng của Nho giáo. Ông cũng có phản biện cách nhìn của Paul Mus về vai trò của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam thời trước nhưng tuyệt nhiên không một lần nhắc đến trong bài tên nhà văn, học giả lúc ấy đã qua đời một phần tư thế kỷ trước.
 
Vậy mà Laurent Dartigues dùng cả một chương, đầu đề “Sự phê phán cay độc của Nguyễn Khắc Viện”, để trích dẫn, luận bình một bài báo chỉ dài có sáu trang tạp chí. L. Dartigues khẳng định: “(Từ trước đến nay), chẳng có mấy ai phê phán cuốn Việt Nam, Xã hội học về một cuộc chiến tranh của Paul Mus về mặt học thuật. Do đó, bài viết của Nguyễn Khắc Viện thật “đặc biệt lý thú”. Mặc dù bài được viết ra nhằm mục đích bảo vệ đường lối của đảng cộng sản là chính, nhiều luận điểm của ông vẫn “có thể chấp nhận được”(!).
 
L. Dartigues nhấn mạnh hai điểm: 1). Nguyễn Khắc Viện cho rằng tác giả (không rõ ông muốn chỉ tác giả cuốn sách là bà Frances Fitzgerald hay là cuốn của Giáo sư Paul Mus?) không tính đến bối cảnh chính trị khi đề cập các tiếp xúc văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Theo Nguyễn Khắc Viện, chính trị giữ vai trò quyết định văn hóa chứ không phải ngược lại. 2). Nguyễn Khắc Viện viết: Các nhà Đông phương học phương Tây luôn có khuynh hướng “coi trọng kinh sách Trung Hoa hơn thực tế lịch sử Việt Nam”, mỗi lần cần lý giải một sự kiện nào đó trong quá khứ ở Việt Nam là y như các vị lại viện dẫn đến cái gọi là “mệnh trời”, từ đó ông cho rằng Paul Mus đã đánh giá quá cao vai trò của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam - vẫn lời của L. Dartigues.
 
Điều đáng ngạc nhiên là tiến sĩ L. Dartigues hoàn toàn (hay cố tình) không hay biết một bài khác của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nổi tiếng hơn nhiều từ mười năm trước, tại đó ông phê bình trực diện luận điểm của giáo sư Paul Mus và của cả nhà văn Albert Camus, chủ nhiệm nhật báo Combat, Giải thưởng Nobel về văn học, dù chỉ nhắc tên Albert Camus mỗi một lần khi mở đầu bài viết có nhan đề: “Nho giáo và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam”. Bài đăng tạp chí La Pensée (La Pensée tạp chí tổng hợp do Paul Langevin, Georges Cogniot và các nhà trí thức cánh tả Pháp xuất bản), số tháng 10 năm 1962. Thời gian này, Nguyễn Khắc Viện vẫn đang sống và hoạt động tại Pháp, đến năm 1966 mới bị trục xuất về Việt Nam.
 
(còn nữa)
 
PHAN QUANG