Đất Blao xưa, thành phố Bảo Lộc ngày nay là một cao nguyên khá bằng phẳng, chung quanh bao bọc bởi các ngọn núi của phần cực nam dãy Trường Sơn, trừ phần phía đông, được chia cắt với cao nguyên lớn Di Linh bởi các dãy đồi thấp của ngọn Serlung, ngọn núi mà mọi người thường gọi trại ra là núi Xà Lùng
[links()]Đất Blao xưa, thành phố Bảo Lộc ngày nay là một cao nguyên khá bằng phẳng, chung quanh bao bọc bởi các ngọn núi của phần cực nam dãy Trường Sơn, trừ phần phía đông, được chia cắt với cao nguyên lớn Di Linh bởi các dãy đồi thấp của ngọn Serlung, ngọn núi mà mọi người thường gọi trại ra là núi Xà Lùng, ba phía còn lại có các núi cao như Bùm Trao, Pàng Per ở phía bắc; bnom Doi, bnom Sang Lú, bnom Sang Loh ở phía tây; bnom Sin Say ở phía tây nam và đặc biệt ngọn Sepung ở phía nam, làm cho Bảo Lộc có dáng dấp một thành phố núi. Buổi chiều tà vào mùa thu, mùa xuân, những áng mây lãng đãng trôi che khuất đỉnh núi như sà xuống tận mái nhà của cư dân trong phố. Còn vào mùa đông, mỗi sáng, màn sương bạc che mờ ngọn núi mãi gần trưa mới tan hẳn cùng cái lành lạnh nhẹ nhàng của đất trời làm cho thành phố Bảo Lộc mang vẻ huyền ảo, lung linh khó tả.
|
Núi Sepung. Ảnh: N.T.H |
Ngọn núi thiêng của người Mạ bản địa
Trong Yan Yau của người Mạ bản địa xứ Blao có truyền thuyết về một trận hồng thủy, trận lụt đó nước dâng cao đến mức các núi cao trong vùng chỉ còn một chút trên đỉnh:
... Bnom R’Lá đờng đùng.
Bnom Sepung đờng khèn.
Bnom Pàng Per đờng chinh
Bnom Blinh đờng rtong
Bnom B’Toong đờng rnay
Bnom Sinsay play lợu…
Có nghĩa là:
… Núi R’Lá còn bằng cái nia.
Núi Sepung còn như cái khiên.
Núi Pàng Per chỉ như cái chiêng.
Núi Blinh còn như miếng cót
Núi B’Toong còn bằng cái cối
Núi Sin Say giống như quả dưa
Các ngọn núi được nêu tên trong bài Yan Yau đều là các ngọn núi thiêng của người bản địa Blao, trong đó núi Pàng Per ở phía tây bắc Bảo Lộc là núi Ông, còn núi Sepung ở phía nam là núi Bà.
Trong xã hội đang chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ như người Mạ, thì người phụ nữ là gốc rễ của dòng tộc, nên núi Bà là núi thiêng của các ngọn núi thiêng, là núi thiêng hàng đầu trong xứ Blao.
Ngọn núi thiêng Sepung của người Mạ bản địa chính là núi Đại Bình mà người Kinh đang gọi hiện nay.
Dưới chân ngọn núi Sepung có con sông nhỏ, phát nguồn từ dãy núi đèo Bảo Lộc, chảy quanh co từ phía tây sang phía đông Bảo Lộc, để hợp lưu với sông Dà Rgna ở địa phận xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Con sông đó người bản địa gọi là sông Dà Bin, người Kinh gọi là sông Đại Bình.
Nhưng chẳng biết từ bao giờ, người Kinh gọi luôn ngọn núi sát con sông là núi Đại Bình, thế là tên sông trở thành tên núi - núi Đại Bình.
Thực ra núi Sepung là một dãy núi gồm có ba ngọn Bnom Sepung, Bnom Kon Klang và Bnom Kon Krim, là dãy núi nhô ra xa nhất về phía bắc của các dãy núi dọc theo bờ bắc sông La Ngà, trong đó ngọn Sepung có sáu đỉnh, đỉnh cao nhất cao 1.244 m.
Trước khi người Pháp và người Kinh đến đất Blao, phần đỉnh các ngọn của núi Sepung là rừng thiêng của người bản địa, là nơi hàng năm các buôn chung quanh núi đến cúng Yang Bri (Giàng rừng). Không có ai đến phá rừng làm rẫy, không ai lấy các sản vật từ rừng thiêng này về dùng trong gia đình, trong buôn làng cả. Ngay cả khi có việc, mà thường là cả buôn cùng đi, vào rừng thiêng trên núi để làm lễ cúng, cũng không có ai to tiếng, cười đùa hay nói tục tĩu. Người ta vào rừng như vào một nơi linh thiêng, huyền bí, đầy sức mạnh của thần linh vậy.
Núi Sepung, ngọn núi trung tâm xứ Blao
Các dãy đồi chung quanh ngọn núi, là phần rừng để ăn của nhiều buôn làng. Phía nam, giáp với trảng Dà Rngao là rừng của bon B’Ngor Dà Trang, phía tây nam là của buôn Dà Rngao, phía Bắc thuộc buôn Blao S’re và buôn BLao Kon Hền Dà, phía đông thuộc buôn Blao Kon Teh S’re Pong. Các buôn du canh, du cư trên phần rừng thuộc buôn mình, ít khi xâm phạm sang rừng của buôn khác. Các buôn chỉ phát rẫy trên những khu rừng thưa thứ sinh, vừa phục hồi sau một thời gian hoang hóa, nhờ đó, đất rừng lại có lớp mùn xốp dày, sẽ làm cho lúa mẹ, lúa con tươi tốt trong mùa rẫy mới. Cạnh những cánh rừng để phát rẫy đó, còn có những khu rừng dầu, phần lớn là cây dầu lông, lá rất dày, to như cái quạt, mọc trên những quả đồi thấp với thảm cỏ tranh dày. Những khu rừng dầu đó, không ai phát rừng làm rẫy bao giờ, một phần vì tốn công chặt hạ những cây dầu to một, hai vòng tay ôm, mà chặt xuống rồi cũng không đốt cháy được, vả lại, loại đất mà cây dầu lông mọc thường là đất ít màu mỡ, lại toàn cỏ tranh, không có cây trồng nào sống được, vì vậy, quanh núi Sepung có rất nhiều những đồi dầu cổ thụ.
Rừng trên núi Sepung là rừng già nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như Kiền kiền, Sao, Dổi, Vàng tâm, Huỳnh đàn, Trắc, Cẩm lai... nhưng không hiểu vì sao, sườn phía bắc của núi lại có nhiều mỏm đồi trọc, chỉ có cỏ tranh mọc là chính, thỉnh thoảng mới có một vài cây me rừng, loại cây có quả tròn tròn to như ngón tay cái, ăn vào có vị vừa chua, vừa chát, vừa đắng hòa trộn rất lạ, hoặc vài cây cà chí khẳng khiu, đen đúa vì đã trải qua nhiều trận lửa cháy đồng cỏ. Những đồi trọc đó, vào dịp cuối năm, hoa cỏ tranh nở trắng, dập dờn trong gió núi, như được phủ bởi lớp tuyết của vùng hàn đới vậy. Trong các thung lũng ở mạn sườn phía nam và tây nam của núi Sepung, có một loại cây họ kè, gọi là cây mbu, người bản địa thường đốn những cây to khoảng một người ôm chặt khúc đem về, đẽo thành dăm, ngâm nước, giã nhỏ, sau đó để lắng, lọc lấy bột, đem nấu cháo hay nặn thành bánh đem luộc, có thể ăn thay cơm, nhưng ăn lâu ngày thì đôi chân yếu hẳn, đi đường núi rất khó khăn, nên người bản địa chỉ dùng làm lương thực khi thiếu đói.
Ngọn núi Sepung cũng là nơi giao thoa của nhiều dân tộc bản địa, buôn Blao Kon Teh là buôn người Mạ lai với người K’Ho S’re, buôn B’ Ngơr Dà Trang là buôn của người Ta La lai với người Mạ, buôn Dà Rngao của người K’Ho Ta La, còn buôn Blao S’re và buôn Blao Kon Hền Dà là các buôn người Mạ. Trước đây, khoảng cuối thế kỷ XIX, gần buôn Kon Teh, ở các dãy đồi ven sông Dà Bin còn có một buôn tên Kon N’ho, là một buôn người Mạ. Vì trong vùng có nhiều cọp, thường bắt người của buôn, nên già làng đã đổi phần đất của buôn mình cho buôn Blao S’re lấy 10 ché Rlung là một loại ché cổ rất quí, sau đó dời buôn về mạn sông Dà Lai.
Chung quanh núi Sepung có các con đường giao thương từ miền núi với vùng đồng bằng và ven biển.
Phía đông núi, con đường từ dãy Bum Trao - Pàng Per đến buôn Blao Kon Hền Đăng, sang buôn Blao Kon Teh, vượt ngang sông Dà Bin ở chân núi Sepung rồi theo bờ phải sông Dà Rnga sang vùng người Ta La, qua La Dày La Dạ xuống vùng người Ka Yon, rồi từ đó xuống đồng bằng ven biển. Cũng chính theo con đường này, thế kỷ XIV - XV, người Chăm đã đem quân lên chinh phục các buôn làng vùng núi Blao và chỉ bị chặn lại ở buôn Blao Kon Hền của người Mạ vùng này. Vì sống khá lâu dưới sự cai trị của người Chăm nên người S’re, người Ta La, người Ka Yon chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Chăm Pa, còn người Mạ vẫn giữ được tự chủ nên ít bị ảnh hưởng hơn và tên gọi tộc người cũng không có từ K’Ho ở trước. Ngày nay, Quốc lộ 55 từ Ngã ba Đại Bình đến Nhà máy Thủy điện Dà Mi sau đó rẽ sang đường đi Phan Thiết ở Ngã ba La Dạ hiện nay là theo con đường mòn giao thương ngày xưa ấy.
Phía tây, con đường đến buôn Blao Kon Hền Đăng, rẽ về hướng tây nam qua buôn Blao Kon Hền Dà, sang buôn Blao S’re, theo ngọn suối Dà L’Giang sang suối Dà Xị, theo triền núi Sin Say sang buôn Tô Noh của người Ta La rồi từ đó qua đèo Tà Pứa sang Me Pu, Măng Tố, La Ngâu rồi xuống miền đồng bằng ven biển. Người Chăm, khi chinh phục miền núi theo hướng này, đã bị các buôn làng người Mạ liên minh với người Ta La chặn lại ở đỉnh đèo Tà Bứa. Chuyện cổ ở buôn B’Sar kể rằng, khi người Chăm lên đến buôn Tô Noh, thì bị người miền núi chặn lại ở ven suối Dà Xị, người Chăm đã để lại nhiều xác chết khi rút chạy. Đến nỗi sau này, người đi rừng còn gặp nhiều hàm răng hàm dưới của người chết rơi ra từ các đầu lâu, bị nước mưa cuốn xuống ven suối, nên con nước có tên là Dà Xị, nghĩa là suối hàm răng người.
(CÒN NỮA)
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG