"Tại sao Mác đúng?" - một cách nhìn khoa học, công bằng về chủ nghĩa Mác

08:10, 25/10/2018

"Tại sao Mác đúng?" (Why Marx Was Right) của tác giả Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste Vương quốc Anh được những giáo sư chính trị của Anh, Mỹ đọc, góp ý và Trường Đại học Tổng hợp Yale danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản đầu năm 2011. "Tại sao Mác đúng?" được Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị xuất bản (Ths Đinh Xuân Hà, Phương Sơn dịch), phát hành quý II năm 2018.

“Tại sao Mác đúng?” (Why Marx Was Right) của tác giả Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste Vương quốc Anh được những giáo sư chính trị của Anh, Mỹ đọc, góp ý và Trường Đại học Tổng hợp Yale danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản đầu năm 2011. “Tại sao Mác đúng?” được Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị xuất bản (Ths Đinh Xuân Hà, Phương Sơn dịch), phát hành quý II năm 2018.
 
Một cơ sở mới để củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác
 
Bìa cuốn sách “Why Marx Was Right” của tác giả Terry Eagleton
Bìa cuốn sách “Why Marx Was Right” của tác giả Terry Eagleton
Là một học giả phương Tây không phải là người theo chủ nghĩa Mác (như chính T.Eagleton thừa nhận) nên một số quan điểm, nhận xét trong tác phẩm còn mang tính cá nhân, có thể chưa hẳn đã hoàn toàn chặt chẽ về mặt học thuật, nhất là những quan điểm không hoàn toàn phù hợp với quan điểm, tư tưởng của chúng ta. Tuy nhiên, xét về tổng thể có thể nói rằng “Tại sao Mác đúng?” là một tác phẩm có giá trị tham khảo tốt, mang lại cho chúng ta thêm một cách nhìn mới, một cơ sở mới để củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác với vai trò là nền tảng tư tưởng của công cuộc cách mạng xây dựng và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. 
 
 “Tại sao Mác đúng?” là một cuốn sách gây nhiều chú ý của công luận. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhận được nhiều bình luận, phê bình, nhận xét, đánh giá của giới học giả và báo chí trên thế giới, nhưng tựu trung có hai quan điểm khác nhau. Những người phê bình “Tại sao Mác đúng?” cho rằng, nội dung cuốn sách “thiếu sự chính xác mang tính lôgic, sử dụng nhiều mỹ từ hay đầy tham vọng về tri thức” (báo The Obsever, ngày 29/5/2011). Còn bình luận đăng trên báo Guardian, ngày 21/5/2011 cho rằng, cuốn sách đã “né tránh sự phê phán kinh tế chính trị”. Trong khi đó, rất nhiều người ủng hộ T.Eagleton lại hết lời ca ngợi. Tờ Financial Times ra ngày 27/5/2011 cho rằng, tác giả xứng đáng là ứng viên giải Nobel Kinh tế vì đã “làm sống lại Mác” và khẳng định: “cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản”. Tạp chí Socialist Review số ra tháng 6/2011 viết: “Cuốn sách này rõ ràng nhằm tới những người lần đầu tiên tiếp cận sâu những tư tưởng của Mác... Nhưng cuốn sách nhỏ này giúp trang bị cho những người xã hội chủ nghĩa thế hệ mới những tư tưởng cần thiết để giành thắng lợi trong trận chiến sắp tới”. Một bài bình luận đăng trên www.socialistalternative.org viết: “Cuốn sách ra đời rất đúng lúc khi người ta đang phê phán chủ nghĩa Mác “là lạc hậu” và “không phù hợp”, không thể gắn nó với những vấn đề kinh tế và chính trị đương đại. T.Eagleton đã đưa ra sự điều chỉnh rất cần thiết cho quan điểm thiếu hiểu biết này”. Cho dù là phê phán hay ủng hộ nhưng với số lượng lớn những bài bình luận, nhận xét, phân tích, đánh giá, xuất hiện gần như cùng một lúc trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tác phẩm “Tại sao Mác đúng?” cũng cho thấy một sự thực là cuốn sách có sức hấp dẫn rất lớn!
 
Viết Lời nói đầu “Tại sao Mác đúng?”, T.Eagleton tâm sự: “Cuốn sách này có căn nguyên từ một tư tưởng duy nhất và nổi bật: Sẽ ra sao nếu hầu hết những phản bác quen thuộc về tác phẩm của C.Mác là sai? Hay ít ra nếu không phải là hoàn toàn cố chấp thì cũng gần như là vậy?
 
Điều đó không phải để nói rằng C.Mác không bao giờ sai lầm... Việc bản thân tôi nghi ngờ một vài tư tưởng của ông sẽ được thấy rõ qua cuốn sách này. Nhưng C.Mác đã đúng thời đó về những vấn đề quan trọng khiến cho việc tự gọi mình là một người mácxít trở nên hợp lý... Tôi mong muốn giới thiệu một cách rõ ràng và dễ tiếp cận tư tưởng của ông cho những ai chưa biết tác phẩm của ông”... Đặc biệt, phần kết luận được tác giả viết: “Vậy đấy, Mác có một niềm tin tha thiết vào con người và luôn nghi ngờ những giáo điều trừu tượng... Mác không hề nói rằng: con người chỉ là những con rối vô dụng của lịch sử. Thậm chí ông còn kiên quyết chống lại nhà nước hơn cả những người bảo thủ cánh hữu. Mác nhìn nhận chủ nghĩa xã hội chính là dân chủ ở tầm cao chứ không phải là kẻ thù của dân chủ. Mô hình xây dựng một xã hội tốt đẹp của ông chịu ảnh hưởng của hình thức tự biểu hiện mỹ học... Chủ nghĩa duy vật của Mác mang đậm giá trị đạo đức và tinh thần cao cả...”.
 
Giới thiệu cho lần xuất bản thứ nhất bản tiếng Việt tác phẩm “Tại sao Mác đúng?”, GS, TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết: “Điều quan trọng là qua nội dung cuốn sách, T.Eagleton thể hiện rõ quan điểm của mình: Ông không chấp nhận định kiến cho rằng chủ nghĩa Mác đã chết và không cần phải nhắc đến nữa. Ông khẳng định, C.Mác là người đầu tiên nhận biết được đối tượng lịch sử được biết đến là chủ nghĩa tư bản, chứng minh nó xuất hiện như thế nào, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao. Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời và trong quá trình phát triển của nó luôn là sự phê phán quyết liệt nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế mà C.Mác cũng nhận được nhiều sự ca ngợi và đồng thời là nhiều sự phê phán, chống đối. 
 
Trong “Tại sao Mác đúng?”, khi luận giải, chứng minh và phản bác những ý kiến, quan điểm bôi nhọ, vu khống và những âm mưu nhằm hạ bệ C.Mác cùng tư tưởng của ông, T.Eagleton đã luôn xuất phát từ một niềm tin không thể lay chuyển vào tính khoa học đúng đắn, tính nhân văn của Mác. Đó là một niềm tin được thành tạo bởi kiến thức văn hóa uyên thâm, sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về C.Mác, về chủ nghĩa Mác, cũng như sự chiêm nghiệm thực tiễn lịch sử ở những tầng nấc sâu xa, phong phú. Cuốn sách được viết ra với một sự tỉnh táo khoa học cần thiết, một thái độ trách nhiệm, không thiên vị và sự đánh giá lịch sử rõ ràng và công bằng: “... Đâu đó trên thế giới trong những năm 1980 đã tồn tại quan niệm ấu trĩ cho rằng, chủ nghĩa hậu thực dân phù hợp hơn về mặt chính trị. Trong thực tế, điều này dẫn đến cái mà các nhà triết học gọi là một sai lầm phạm trù, chẳng khác nào đem so một con chuột với khái niệm đời sống hôn nhân. Chủ nghĩa Mác là một phong trào chính trị quần chúng, trải khắp các châu lục và đi qua nhiều thế kỷ, là lý tưởng mà biết bao con người đã chiến đấu và thậm chí hy sinh vì nó. Trong khi đó, chủ nghĩa hậu thực dân là một thứ ngôn ngữ kinh viện, hiếm khi người ta nói tới, ngoại trừ trong vài trăm trường đại học, và thậm chí, chủ nghĩa hậu thực dân có lúc còn là thứ chẳng thể hiểu nổi, không khác gì tiếng Swahili (một ngôn ngữ được sử dụng ở một số nước châu Phi như Kênia, Xômali, Môdămbich...) đối với những người châu Âu bình thường”.
 
Một tấm lòng trân trọng, khâm phục đối với C.Mác
 
T.Eagleton đã lựa chọn 10 vấn đề - sự phê phán phổ biến nhất đối với C.Mác để phân tích, lý giải, đưa ra những minh chứng vững vàng nhằm phản bác và đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Những vấn đề được tác giả lựa chọn để phản bác đã cơ bản phản ánh đầy đủ các bình diện xã hội lịch sử của chủ nghĩa Mác, đã đặt chủ nghĩa Mác dưới nhiều góc nhìn, lát cắt khác nhau để luận giải và trả lời câu hỏi: Tại sao Mác đúng?
 
Xin viện dẫn một số vấn đề chính như: Thứ nhất là “Chủ nghĩa Mác đã kết thúc, nó được coi là phù hợp trong thế kỷ XIX, không ăn nhập gì với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng không còn giai cấp và dễ dàng biến đổi về mặt xã hội như ngày nay...”. Qua các luận giải, tác giả khẳng định rằng, sự phê phán của C.Mác đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng giống với quan điểm này, tác giả Fredrie Jamoson trong cuốn Hệ tư tưởng của học thuyết, xuất bản năm 2008 ở London từng viết: “Chủ nghĩa Mác dứt khoát đúng!”. T.Eagleton khẳng định: “Những nhà nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử chiếm đoạt nô lệ, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm... Chủ nghĩa tư bản cũng được tôi luyện trong máu và nước mắt, chỉ có điều nó đã tồn tại đủ lâu để người ta quên đi nỗi khủng khiếp đó. Do đó, để loài người có được bước phát triển cao hơn, an toàn, công bằng hơn về vật chất và tinh thần thì cần phải có một hình thái xã hội khác cao hơn xã hội tư bản.
 
Về vấn đề áp đặt: “Chủ nghĩa Mác là giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn... Cách nhìn nhận ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người”... Phản bác và tác giả chỉ ra rằng: “Chủ nghĩa xã hội không phải là tất cả mọi người đều mặc chung một bộ quần áo may sẵn. Chính chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã khoác những bộ đồng phục lên công dân của mình...”. Ông mượn lời của tác giả Theodor Adomo để trả lời sự phê phán C.Mác là nhà triết học không tưởng: “C.Mác là kẻ thù của không tưởng chính vì tính hiện thực trong tư tưởng của ông”.
 
Với luận điểm quy kết: “Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận về kinh tế...”, T.Eagleton đã nêu ra hàng loạt dẫn chứng để đi đến xác tín: Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác mới theo thuyết giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích đơn thuần và tin vào nội hàm hẹp hơn của khái niệm “sản xuất”. Tác giả phân tích kỹ học thuyết lịch sử của C.Mác, phân tích rõ mối quan hệ giữa kinh tế và đấu tranh giai cấp, tìm hiểu kỹ quan niệm của C.Mác về cuộc sống con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa - đó là cuộc sống tốt đẹp, trong đó lao động được giải phóng khỏi sự nhọc nhằn, “khổ sai”, để trở thành nhu cầu sống lành mạnh của con người. Nói cách khác, chính C.Mác là người “mong muốn một xã hội mà trong đó kinh tế không còn chi phối và tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực nữa”. Từ những luận giải đó, T.Eagleton khẳng định rõ rằng, cách hiểu chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế là “sự đơn giản hóa chủ nghĩa Mác một cách ngớ ngẩn”. Tác giả cũng chứng minh C.Mác là một nhà tư tưởng đạo đức xuất chúng. Theo C.Mác, cái đạo đức thống soái trong xã hội tư bản - cái tư tưởng cho rằng “tôi sẽ chỉ phục vụ anh chừng nào tôi được lợi” - là phong cách sống đáng ghê tởm. 
 
Về nhận thức: “Nỗi ám ảnh chán ngắt về giai cấp đã khiến chủ nghĩa Mác quá ư lạc hậu...”, trên cơ sở phân tích sâu về nhận thức giai cấp; lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội, giai cấp và bản chất cơ bản của các giai cấp; quá trình hình thành giai cấp công nhân; tác giả phân tích rõ những tiên liệu của C.Mác về sự phát triển của khoa học - công nghệ sẽ làm gia tăng quá trình vô sản hóa những nhà chuyên môn, cùng với tình trạng tái vô sản hóa rất nhiều công nhân công nghiệp. Và như vậy, lực lượng giai cấp công nhân sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nhiều. Vậy nên luận thuyết về sự tiêu vong của giai cấp công nhân là một sự phóng đại thái quá, phi thực tế.
 
Chủ nghĩa tư bản cho rằng: “Chủ nghĩa Mác tin vào một nhà nước nắm mọi quyền lực trong tay. Sau khi xóa bỏ tư hữu, những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thống trị bằng quyền lực và bạo lực, và quyền lực đó sẽ chấm dứt tự do cá nhân...”. Sức mạnh để phản bác lại những phê phán về C.Mác trong nhóm vấn đề trên là hiện thực không thiên vị trong tư tưởng của C.Mác, cả về lý luận và thực tiễn trong tiến trình lịch sử nhân loại. C.Mác hy vọng sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản chủ nghĩa không phải là nhà nước theo nghĩa là chính quyền trung ương mà là nhà nước với tư cách là một công cụ bạo lực. Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý hành chính sẽ tiếp tục sống mãi. C.Mác tin tưởng vào quyền làm chủ của nhân dân... Nhà nước mà C.Mác bảo vệ là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông, tức là hòa tan nhà nước vào xã hội. Như thế tức là nhà nước không mang tính phe phái, một nhà nước công dân có tính tự giác cao. Điều này trái ngược hoàn toàn với những luận điểm phê phán chủ nghĩa Mác. 
 
Đặc biệt đối với sự áp đặt, suy diễn: “Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời. Nó bị thay thế bởi các học thuyết khác như: phong trào nữ quyền, vấn đề bảo vệ môi trường, chính trị, dân tộc, toàn cầu hóa, phong trào vì hòa bình...”, T.Eagleton đã vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản để khẳng định rằng những người phê phán C.Mác là những người hoặc không hiểu tầng nghĩa sâu xa trong triết học Mác, hoặc không đọc hết các tác phẩm của ông, họ cố tình vu khống ông vì mục đích chính trị... Khi vạch mặt, chỉ tên bản chất tàn phá sinh thái, sự chạy đua theo lợi nhuận, khả năng “không thể nào tạo dựng được hòa bình thế giới” của chủ nghĩa tư bản, T.Eagleton lớn tiếng kêu gọi “Nếu nhân loại chúng ta không hành động ngay từ bây giờ thì có lẽ chủ nghĩa tư bản sẽ là mồ chôn chính chúng ta”. Tác giả viết: “Trong nhiều năm qua, những người cộng sản đã tỏ ra là những người ủng hộ nhiệt thành cho hòa bình. Lý do cho việc đó có thể được Ellen Meiksins Wood tổng kết lại: “Điều hiển nhiên đối với tôi là, cái nguyên lý cạnh tranh, bóc lột và mở rộng không ngừng của tích lũy tư bản chủ nghĩa trong bối cảnh hệ thống quốc gia - dân tộc trong tương lai gần và tương lai xa sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với nền hòa bình thế giới trong một tương lai không xa” (Tạp chí cánh tả mới, số 67, January/February 1988). Nếu phong trào hòa bình phải đi tìm nguyên nhân gốc rễ của sự xâm lăng trên toàn cầu, thì nó không thể bỏ qua cái bản chất của con quái vật đang nuôi dưỡng sự xâm lăng đó. Và do đó có nghĩa là nó không thể bỏ qua những phát kiến của chủ nghĩa Mác”. Tác giả cũng lý giải thêm về bản chất chủ nghĩa tư bản: “... Điều khiến cho chủ nghĩa Mác có vẻ không còn hợp lý không phải là ở chỗ chủ nghĩa tư bản đã thay hình đổi dạng. Vấn đề ở đây hoàn toàn ngược lại. Thực tế là hệ thống tư bản chủ nghĩa vẫn đang hoạt động bình thường, thậm chí là còn tốt hơn bình thường. Điều nực cười chính những cái tưởng như giúp đả phá chủ nghĩa Mác lại cũng làm tăng thêm niềm tin, vào những khẳng định của chủ nghĩa Mác. Nó được dấy đến cực điểm bởi vì trật tự xã hội mà chủ nghĩa Mác đương đầu, thay vì trở nên nhân từ và ôn hòa hơn, thì lại trở thành tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Và chính điều này lại làm cho sự phê phán của C.Mác đối với toàn bộ hệ thống [tư bản chủ nghĩa] thành đúng đắn hơn. Xét trên quy mô toàn cầu, tư bản đã trở nên bị tập trung nhiều hơn vào tay một số ít người và ngày càng mang tính chất cướp bóc, còn giai cấp công nhân không ngừng tăng lên về số lượng, hoàn toàn có thể hình dung một tương lai mà ở đó những kẻ siêu giàu sống trong những khu biệt thự kín cổng cao tường và được canh gác cẩn mật, trong khi đó khoảng một tỷ người phải sống trong các khu nhà ổ chuột tồi tàn dơ dáy với trạm gác và tường rào thép gai bao quanh. Trong tình cảnh đó, tuyên bố rằng chủ nghĩa Mác đã kết thúc chẳng khác gì lời tuyên bố rằng công việc cứu hỏa đã hết thời vì những kẻ phóng hỏa đã trở nên cực kỳ khôn ngoan xảo quyệt...”.
 
“Tại sao Mác đúng?” ra đời vào thời điểm mà chủ nghĩa tư bản đang rung chuyển tận gốc rễ với cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với sự lúng túng về đường lối chính trị của nhiều chính thể tư bản bị quy định trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng nợ công đang phủ bóng u ám lên đời sống xã hội cả một khu vực rộng lớn của châu Âu. Cho dù vậy, việc bảo vệ chủ nghĩa Mác đồng nghĩa với việc phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa ngay giữa thành trì của nó, cũng như việc phê phán những luận điểm, âm mưu chống Mác trước búa rìu dư luận ở châu Âu và phương Tây cũng không phải là việc dễ chịu. Điều đó cho thấy sự nhạy cảm chính trị và sự dũng cảm của T.Eagleton.Tác phẩm đã gợi mở cho người đọc suy nghĩ nhiều chiều và đặc biệt là đều ẩn chứa trong đó sự say sưa, nhiệt thành, một tấm lòng trân trọng, khâm phục của tác giả đối với C.Mác - một bậc thiên tài của nhân loại, cũng như đối với chủ nghĩa Mác. Tác giả viết “Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có một phong trào chính trị nào có tầm ảnh hưởng như phong trào mà Mác đã khởi xướng”.
 
ĐAN THANH