Lê Lợi qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn

09:11, 22/11/2018

Lê Thái Tổ (chữ Hán: 黎太祖), húy Lê Lợi (黎利), là người có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người đã đập tan quân xâm lược nhà Minh và lập ra triều đại nhà Lê Sơ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Những trang sử vẻ vang vua Lê Thái Tổ còn được lưu danh trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.

Lê Thái Tổ (chữ Hán: 黎太祖), húy Lê Lợi (黎利), là người có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người đã đập tan quân xâm lược nhà Minh và lập ra triều đại nhà Lê Sơ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Những trang sử vẻ vang vua Lê Thái Tổ còn được lưu danh trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
 
Tượng đài Lê Lợi ngày nay
Tượng đài Lê Lợi ngày nay
Lê Lợi sinh ngày 10/9/1385 (tức ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình “đời đời làm quân trưởng một phương”. Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Lê Lợi thường nói với mọi người rằng: “Kẻ trượng phu sinh ra ở trên cõi đời, cần phải cứu thoát nạn lớn, lập nên công nghiệp vĩ đại, nỡ nào lại chịu để cho người ngoại bang sai khiến hay sao”.
 
Đầu năm Bính Thân (1416), tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi cùng 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách. Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa. Ở đó có đủ các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý... Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi. 
 
Đặc biệt là cuộc vây hãm Vương Thông ở thành Đông Quan và tiêu diệt viện binh giặc tại Chi Lăng, Xương Giang cuối năm 1427 là kết quả thắng lợi của tư tưởng quân sự của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Sau khi đánh đuổi giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế vào năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê, lấy hiệu là Thuận Thiên.
 
Khi lên ngôi, với quyết tâm phục hồi, củng cố phát triển đất nước, Lê Lợi đã cho tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Năm 1428, vua cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426 trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở một khoa thi đặc cách lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, một nhà ngoại giao xuất sắc thời Lê Lợi. Về ngoại giao, ông đã thiết lập quan hệ bình thường giữa triều Lê và triều Minh. Ngoài ra, vua kiên quyết đập tan những âm mưu và hành động bạo loạn muốn cát cứ của một số ngụy quân trước, điển hình là vụ Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. 
 
Năm 1428, vua Lê Thái Tổ cho mở khoa thi Minh Kinh để tuyển chọn nhân tài
Năm 1428, vua Lê Thái Tổ cho mở khoa thi Minh Kinh để tuyển chọn nhân tài
Vua Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân Thanh Hóa đã lập đền thờ tại quê hương. Và đền thờ Lê Lợi ở tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc đế vương. Mỗi lần quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, nhân dân quanh năm được phụng thờ. Dưới triều Nguyễn, đền thờ Lê Lợi cũng được các bậc vua chúa quan tâm đặc biệt. Năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đã đích thân đến yết miếu Lê Thái Tổ. Đến năm Canh Tý (1840), thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn trọng các triều trước và tỏ ý yên ủi các thần, vua Minh Mạng đã cho tỉnh Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) sửa đắp lăng vua Lê và lập bia ký. 
 
Sở dĩ các vua triều Nguyễn quan tâm đến miếu thờ Lê Thái Tổ bởi vì theo vua Minh Mạng: “Lê Thái Tổ oai võ giỏi, mưu lược lớn, khai sáng trước, Thánh Tông nối sau, lập ra pháp chế, việc gì cũng có thể lưu mãi về sau, thực không thể bàn ai hơn ai kém được”. Hay như: “Từ đời Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông và Lê Thái Tổ, thừa vận lần lượt nổi lên, đều là vua sáng dựng nghiệp một đời”. Cảm phục tài năng và đức độ của Lê Thái Tổ, vua Tự Đức đã có bài thơ ngự chế như sau:
 
Lam Sơn nổi giận dấy nhân binh
Gian khổ mười năm nghiệp đế thành
Từng nói trượng phu không chịu khuất
Còn nhường Thiên Khánh chiếm Tiên Thanh
 
Có thể nói, vua Lê Thái Tổ với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng đã kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, giành lại giang sơn cho nước Đại Việt, mang lại cuộc sống thái bình cho dân tộc. Năm 2018, lễ hội kỷ niệm 590 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang cũng được tổ chức nhằm thể hiện lòng tôn kính, sự tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công bảo vệ và dựng xây đất nước.
 
THƠM QUANG