Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam, các bậc hoàng đế đứng đầu thiên hạ cũng không ngoại lệ. Lịch sử triều Nguyễn ghi lại câu chuyện cảm động về tình thầy trò giữa vua Thiệu Trị với người thầy giáo của mình là Nguyễn Đăng Tuân. Mặc dù lên ngôi báu, nhưng vị vua thứ 3 của triều đại quân chủ cuối cùng vẫn luôn giữ đạo học trò, yêu mến và kính trọng thầy.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam, các bậc hoàng đế đứng đầu thiên hạ cũng không ngoại lệ. Lịch sử triều Nguyễn ghi lại câu chuyện cảm động về tình thầy trò giữa vua Thiệu Trị với người thầy giáo của mình là Nguyễn Đăng Tuân. Mặc dù lên ngôi báu, nhưng vị vua thứ 3 của triều đại quân chủ cuối cùng vẫn luôn giữ đạo học trò, yêu mến và kính trọng thầy.
|
Nghe tin thầy mất, vua Thiệu Trị đã rất tiếc thương và gia cấp nhiều thứ để lo việc ma chay |
Thầy Nguyễn Đăng Tuân sinh năm Nhâm Thìn (1772), tại làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong một gia đình nho học, cha của ông là tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành. Mặc dù có tài năng, nhưng vào thời Tây Sơn, Nguyễn Đăng Tuân không ra làm quan mà đi ở ẩn. Đầu triều Gia Long, ông được tiến cử vào làm việc ở Viện Hàn lâm, rồi làm Tri huyện Ngọc Sơn (nay là vùng thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ít lâu sau, ông được đổi về Huế sung chức Tư giảng ở Công phủ, rồi làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh.
Sau khi được điều ra giữ nhiều chức vụ khác nhau ở Bắc Thành, năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng sung ông làm Phó Tổng tài Quốc Sử quán. Tuy nhiên, làm được một năm, thì ông xin về nghỉ, được ban hàm Tả Tham tri bộ Lễ. Đến năm Ất Mùi (1835), ông được triệu vào triều, sung chức Sư bảo dạy các Hoàng tử. Trong số đó có Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Nhờ dạy bảo nghiêm, và định rađiều lệ để dạy dỗ, ông được ban hàm Thượng thư. Khi vua Minh Mạng mất (1840), Nguyễn Đăng Tuân về triều viếng tang nên vua Thiệu Trị gặp lại thầy cũ vui mừng khôn xiết, muốn cất nhắc ông lên làm Thượng thư bộ Lễ, nhưng Nguyễn Đăng Tuân khẩn thiết từ chối, chỉ dâng lên bài biểu, vừa để tạ ơn, vừa để xin vua hãy chú trọng “đạo hiếu” và “đạo trị nước”. Cảm kích trước tấm lòng ấy, cùng năm đó, vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã ban chỉ mời ông về triều, sung ông giữ chức Sư bảo dạy dỗ cho các Hoàng tử. Theo vua Thiệu Trị, thầy Nguyễn Đăng Tuân là người thích hợp nhất với chức Sư bảo bởi: “Đế vương ngày xưa, mến yêu con em, tất phải chọn người chính nhân, quân tử để làm thầy dạy dỗ, cốt mong cho đức nghiệp của con em được thành tựu. Nhà nước được trị yên dài lâu, là bởi ở đó. Quốc gia ta, đời đời vun đắp nền nhân hậu, nên con cháu đông nhiều. Nay hoàng tử, hoàng đệ tuổi đã dần lớn, dạy chính đạo từ lúc còn nhỏ, chính là lúc này...”.
Suốt thời gian đảm nhiệm chức Sư bảo, Nguyễn Đăng Tuân luôn hết lòng để dạy dỗ, bảo ban các hoàng tử. Ông luôn nghiêm khắc với chính các học trò của mình. Bản thân vua Thiệu Trị cũng hết lòng gửi gắm thầy: “Khanh là bề tôi kỳ cựu, kiêm giữ trách nhiệm làm Sư bảo, nên nhắc nhở dẫn dụ để hoàng tử trở nên người có đức; những trò chơi chọi gà, quần ngựa nhất thiết ngăn cấm cả”. Ngoài ra, vua Thiệu Trị vẫn một mực thể hiện thái độ tôn kính người thầy của mình. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 28 còn ghi chép về cách xử sự của vua đối với thầy như sau: “Đăng Tuân là bề tôi cũ, làm Sư bảo, vua rất coi trọng, thường sai Trung sứ đến thăm hỏi, vẻ lễ độ không lúc nào kém”.
Khi thấy mình tuổi cao sức yếu, Nguyễn Đăng Tuân xin vua được về nghỉ ngơi. Không nỡ trái ý thầy mãi, vua Thiệu Trị bèn chuẩn cho ông được giữ nguyên hàm về làng, lại ban thưởng cho 10 chi nhân sâm Cao Ly vua dùng, 10 thanh quế Thanh, 100 lạng bạc và sai lấy thuyền công tiễn về. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), nhà vua sai quan ở Nội các mang sắc thư đến nhà thăm hỏi ông, đồng thời ban cho ông thực thụ hàm Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ. Ngoài ra, nhà vua còn sai cấp cho ông một nửa nguyên bổng hàng năm, cho người con thứ (được tập ấm làm Tư vụ) và người cháu là cử nhân Nguyễn Đăng Hành đều được ở nhà để phụng dưỡng ông. Song ông đã dâng sớ xin từ chối bổng lộc, nói rằng mình “không đến nỗi thiếu thốn”.
Mùa đông năm đó (1844), Nguyễn Đăng Tuân mất tại quê nhà, hưởng thọ 72 tuổi. Ông được truy tặng chức Thiếu sư, và ban tên thụy là Văn Chính, ngoài ra vua còn hậu cấp cho gia quyến nhiều phẩm vật quý. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 45, mặt khắc 5, 6 còn chép: “Hiệp biện Đại học sĩ hưu trí là Nguyễn Đăng Tuân chết. Đăng Tuân trải thờ 3 triều, kiêm sung chức thầy dạy học trong cung vua, trước vì già yếu xin về hưu, vua lúc nào cũng mến nhớ, thường sai trung sứ thăm hỏi, gọi là Thận Trai tiên sinh mà không gọi tên; đến đây ông bị bệnh, mất ở nhà, thọ 72 tuổi, được truy tặng Thiếu sư, cho tên thụy là Văn Chính, gia cấp cho gấm hoa 3 cây, sa hoa 5 cây, vải lụa mỗi thứ 50 tấm, 1.000 quan tiền, chuẩn cho con trưởng là Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên Nguyễn Đăng Giai về quê lo liệu việc tang; sai Bố chính Quảng Bình là Nguyễn Văn Đạt đến tế một tuần”.
Ngoài ra, vua còn sai lấy thơ vua làm và soạn sự trạng khắc vào bia đá, dựng nơi làng của ông. Sau này, mỗi lần nhắc đến người thầy cũ, vua Thiệu Trị luôn nói với tấm lòng hết sức tôn kính: “Trẫm từ khi lên ngôi vua, viên ấy dạy bảo trẫm, lời ngay khuyên bảo, giúp ích rất nhiều, đến các hoàng thân, tuổi gần trưởng thành, lại nhờ viên ấy giáo dục, bảo ban tuổi trẻ, dẫn dụ điều hay, rất có thành hiệu.... Viên ấy tuổi cao già cả, mà vốn có uy tín, tinh thần còn khỏe, lại giao cho trách nhiệm hun đúc nhân tài là vốn mong chức sư phó được người xứng đáng”.
Có thể nói, dẫu ngồi trên ngai báu, nhưng tình cảm của vua Thiệu Trị đối với thầy giáo cũ vẫn nguyên vẹn như xưa, luôn biết ơn và kính trọng thầy. Câu chuyện về tình thầy trò tốt đẹp ấy đã trở thành bài học về truyền thống tôn sư trọng đạo mà người thời nay cần phải học tập và noi theo.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Hồ sơ H23/15 Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H23/46, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
THƠM QUANG