Đất và người Đạ Tẻh xưa và nay

08:01, 03/01/2019

Đầu tháng Tư năm 1975 tỉnh Lâm Đồng được giải phóng. Chính quyền cũ đã để lại cho địa phương miền núi hai vấn đề lớn đó là lực lượng Fulro nổi lên hoạt động mạnh, chúng đánh phá, cướp bóc khắp nơi và nạn thiếu lương thực, đói kém cũng xảy ra nhiều nơi, nhất là ở Đà Lạt và một số thị trấn trong tỉnh...

Đầu tháng Tư năm 1975 tỉnh Lâm Đồng được giải phóng. Chính quyền cũ đã để lại cho địa phương miền núi hai vấn đề lớn đó là lực lượng Fulro nổi lên hoạt động mạnh, chúng đánh phá, cướp bóc khắp nơi và nạn thiếu lương thực, đói kém cũng xảy ra nhiều nơi, nhất là ở Đà Lạt và một số thị trấn trong tỉnh. Trong lúc ở Vùng Ba (địa phận thuộc huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên bây giờ) là căn cứ cách mạng thời chống Mỹ thì đất đai rộng mênh mông nằm trong lưu vực dòng sông Đồng Nai phù sa màu mỡ. Nơi đó một thời có Nông trường Công Doanh sản xuất lương thực cho kháng chiến, sau 1975 thành lập nông trường lấy tên Nông trường Hà Lâm (ghép tên kết nghĩa giữa tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng). Nông trường Hà Lâm đang thiếu lao động phục vụ sản xuất và cần mở rộng diện tích. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Đà Lạt tổ chức một lực lượng TNXP đáp ứng cả hai nhu cầu vừa sản xuất vừa chiến đấu chống Fulro bảo vệ thành quả lao động tại chỗ. 
 
Những thanh niên xung phong Đà Lạt đến vùng đất mới Đạ Tẻh năm 1977
Những thanh niên xung phong Đà Lạt đến vùng đất mới Đạ Tẻh năm 1977
Lúc bấy giờ khí thế chiến thắng và niềm vui đang tràn ngập lòng người. Nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ đặt niềm tin vào Đảng, Đoàn thật trọn vẹn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Thành Đoàn Đà Lạt mở cuộc vận động, được các bậc phụ huynh ủng hộ, đã có hơn 200 thanh niên đăng ký lên đường. Liên đoàn TNXP đầu tiên của tỉnh ra đời do Võ Thanh Tú (lúc ấy vừa 20 tuổi) làm Bí thư Đoàn kiêm Chính trị viên Liên đoàn, Nguyễn Văn Hoàn làm Liên đoàn trưởng. Liên đoàn xuất quân vào ngày 10/2/1977, đúng ngày 23 tháng Chạp mọi nhà đang cúng đưa ông Táo về trời. Chúng tôi nói đùa với nhau “Hôm nay ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng rằng có hơn 200 chàng trai cô gái Đà Lạt lần đầu tiên trong đời sẽ ăn tết xa nhà”. Xe đổ quân ở Ngã ba Madagui, cả đơn vị xốc lại đội ngũ bắt đầu hành quân bộ theo con đường mòn lẫn vào những rừng tre nứa mịt mùng, quân đi như một đoàn quân bí mật thời kháng chiến. Tới bờ sông Đồng Nai không có cầu, sau khi thăm dò biết được nước chỉ sâu tới bụng nơi sâu nhất chỉ tới ngực nhưng nước chảy rất xiết, người yếu có thể bị cuốn trôi. Thế là những đội viên nam khỏe mạnh được chọn ra đứng nối tay từ bên này qua bên kia sông cho các đội viên nữ bám hàng rào người lội qua. Những chàng trai, cô gái của thành phố hoa lần đầu tiên xa nhà hành quân bộ xuyên rừng, xuyên đêm đến hơn 12 giờ khuya mới tới nơi đóng quân. Buổi sáng, mặt trời lên giữa miền đất lạ, nhìn cảnh rừng núi bạt ngàn với cánh đồng trải rộng trước mắt rồi chạy len lỏi vào những hẻm núi không biết dừng lại ở đâu, một quang cảnh vắng vẻ gần như hoang vu chỉ có quân ta và vài cán bộ nông trường bộ, nhiều anh chị em cảm thấy ớn trong người. Nhưng tổ chức Đoàn đã làm tốt công tác tư tưởng, cả đơn vị giữ nghiêm kỷ luật bắt tay vào nhiệm vụ. 
 
Một năm sau có thêm đơn vị thanh niên xung kích của Huế đổ quân vào, vượt qua dãy năm đồi sáu khe vào khai thác vùng kinh tế mới sau đặt tên là xã Hương Lâm rồi sau tách ra thành Hương Lâm, và Đạ Lây. Lần đầu tiên những thanh niên của xứ cố đô chạm mặt với núi rừng, đèo dốc hoang vu cảm thấy ngao ngán trong lòng, khi trèo lên lưng chừng dốc núi, đuối sức nhiều người bật kêu hai tiếng “Mạ ơi!”. Con dốc đó sau này máy móc cơ giới vào làm đường đã hạ độ cao đi nhiều nhưng vẫn được mang tên dốc “Mạ Ơi” để nhớ mãi thời đầu đi mở đất. Thanh niên xung kích đi đầu khai hoang làm nhà sau mấy tháng thì đón dân từ Huế vào xây dựng vùng kinh tế mới. Tiếp đến là thanh niên Hà Sơn Bình vào làm công nhân nông trường. Vùng đất hoang vu ngày xưa đông người dần. Đã 40 năm qua, 40 năm là dài đối với một đời người nhưng là rất ngắn đối với một vùng đất. Từ nơi hoang sơ nay đã thành một huyện trù phú, với 10 xã và một thị trấn dân cư đông đúc khoảng trên 50.000 người, kinh tế phát triển. Là địa bàn nông nghiệp với diện tích trên 24.600 ha, Đạ Tẻh là một trong những huyện sản xuất lương thực quan trọng của tỉnh. Lúc này mới thấm hai câu thơ của Tố Hữu mà ngày xưa anh em thanh niên xung phong, thanh niên xung kích thường ngâm nga trên những nông trường, những vùng kinh tế mới mà họ đặt chân đến:
 
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”
 
Những lớp người đầu tiên đặt chân vào vùng đất mà ngày nay là huyện Đạ Tẻh, phần lớn đều trưởng thành từ đội thanh niên xung kích Huế đã có người từng nắm giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng Giáo dục, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, một số khác tham gia công tác ở xã hoặc các ban, ngành của huyện. Từ Liên đoàn thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh và các đơn vị thanh niên xung kích Đà Lạt lao động tại Nông trường Hà Lâm đã có rất nhiều người nắm giữ những vị trí quan trọng của hệ thống chính trị từ các huyện, thành phố Đà Lạt, một số cơ quan của tỉnh hoặc đã thành công trên con đường phấn đấu chính trị, thành đạt trong sản xuất, kinh doanh, trong các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục, xã hội... trên mọi miền đất nước. 
 
Trong số họ có những con người tiêu biểu đã góp công một cách ấn tượng cho sự phát triển của vùng đất mới mà sau này là huyện Đạ Tẻh, xứng đáng để chúng ta gửi đến họ lòng cảm mến nhiệt thành.
 
Trước hết phải nói đến anh thanh niên Đỗ Phú Quới, là một thợ ảnh làm việc cho tiệm ảnh Văn Hoa Đà Lạt. Anh ra đi từ An Hòa, Phường I của thành phố mộng mơ trong Liên đoàn thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh. Từ vai trò Chính trị viên trung đội, lần lượt anh giữ nhiệm vụ Liên đội trưởng rồi Chính trị viên các Liên đội Đạ Đờn, Lộc Phước... rồi quay trở lại vùng Ba tham gia xây dựng chính quyền và công tác Đảng. Với tinh thần chịu khó học tập và lao động say mê, ngày càng sắc sảo trong công việc, uy tín ngày càng cao, anh được giao nhiều trọng trách ở huyện cho đến chức Phó Bí thư Huyện ủy. Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ huyện anh được bầu làm Bí thư Huyện ủy và tái đắc cử ở Đại hội lần thứ VII. 10 năm làm Bí thư Huyện ủy anh đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của huyện nhà. 
 
Thi đấu đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã nông thôn mới huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Hữu Sang
Thi đấu đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã nông thôn mới huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Hữu Sang
Một người khác là cô bé Nguyễn Thị Quỳnh Nga, 12 tuổi, ra đi từ Tây Lộc của cố đô Huế vào năm 1978 cùng gia đình vào xây dựng vùng kinh tế mới Đạ Lây. Quỳnh Nga lúc ấy đang học lớp 6, cô bé của xứ Thần Kinh với đôi chân non nớt đã phải vượt lên dốc Mạ ơi để đi vào vùng đất thưa dấu chân người. Cuộc sống bắt đầu với muôn trùng khó khăn, làm nhà, khai hoang, mở đất, cô bé nhỏ xíu cũng tham gia lao động giúp ba mạ và còn phải lo việc học hành ở một vùng chưa có trường lớp. Tinh thần hiếu học của xứ Huế và của gia đình đã giúp cô vượt lên hết những khó khăn này đến vất vả khác. Rồi mọi việc ổn dần, trường lớp tuy bằng tranh tre nứa lá nhưng chương trình giáo dục chính quy đã đến vùng kinh tế mới, cô học trò nhỏ luôn học giỏi với ý thức độc lập và ý chí mạnh mẽ. Cô đã chọn ngành sư phạm với mơ ước trở về nơi gian khổ mà mình đã đến, đã đổ mồ hôi và cả nước mắt cho nó từ thuở thiếu niên. Năm 1981, nữ sinh Đạ Tẻh thi đậu vào Trường Trung học Sư phạm Đà Lạt. Năm 1984 cô về giảng dạy tại trường Đạ Lây như mơ ước ban đầu. Trường cấp I, II Đạ Lây lúc này là một trong những trường nghèo nhất của huyện, của tỉnh, thiếu thốn đủ bề cùng với dịch sốt rét đang hoành hành phổ biến ở các vùng kinh tế mới. Nhưng với tinh thần chiến thắng khó khăn cùng với sự đam mê nghề nghiệp, ngay từ năm đầu tiên bước vào nghề, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Quỳnh Nga đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Những năm tiếp theo cô liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh. Cô được tín nhiệm điều động về Phòng Giáo dục huyện phụ trách công tác chuyên môn Tiểu học. Ở vị trí nào cô cũng làm tốt nhiệm vụ được giao, được bạn bè, đồng nghiệp tôn trọng và được học sinh quí mến. Bên cạnh việc chịu khó học hỏi trong công việc và những người đi trước, cô tiếp tục đăng ký học lên, cuối cùng Quỳnh Nga đã lấy được bằng đại học sư phạm, khẳng định lòng yêu nghề và ý chí đi tới của một cô giáo vùng sâu, vùng xa. Với khả năng làm việc không mệt mỏi, năm 2007, Quỳnh Nga được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, một ngôi trường nằm ở trung tâm thị trấn Đạ Tẻh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 35 trường với gần 9.000 học sinh, có 3 trường trung học phổ thông và một trung tâm giáo dục nghề nghiệp... Trong đó, Trường Tiểu học Quang Trung là một trong những điểm sáng của ngành giáo dục huyện. Bằng tác phong gương mẫu, lối ứng xử chân thành với nụ cười hiền dễ mến và phương pháp làm việc dân chủ, cô hiệu trưởng mới đã thu phục được nhân tâm các thầy cô, các bậc phụ huynh và lòng kính trọng của cả học sinh. Cô đã đưa chất lượng dạy và học của trường ngày càng đi vào chiều sâu. Năm học 2013-2014, hội đồng sư phạm nhà trường đã được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc và được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm học 2017-2018, vinh dự được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh Lâm Đồng.
 
Mới đây thôi mà đã 40 năm trôi qua, những con người đầu tiên đến đây có dịp trở lại thăm chốn này để thấy một vùng đất hoang sơ ngày xưa, nay đã đổi khác không ngờ, ruộng vườn xanh mát, đường sá rộng dài, phố chợ thênh thang. Mới đây thôi mà chàng thanh niên xung phong trẻ trung, năng nổ ngày nào ra đi từ thành phố hoa, nay tóc đã pha nửa màu sương, rời vị trí lãnh đạo cao nhất của huyện để về hưu vui cùng con cháu, bầu bạn cùng xóm giềng. Và mới đây thôi mà cô bé nhỏ xíu ngày xưa rời cố đô cổ kính đến vùng đất thưa dấu chân người, nay đã là cô hiệu trưởng đáng kính từng dạy dỗ hàng trăm, hàng ngàn những học trò thành đạt. Học trò của cô như những cánh chim đã, đang và sẽ tiếp tục bay xa trên mọi miền của đất nước. Xuân mới đang về với Đạ Tẻh, xin chúc mừng đất tiếp tục nở hoa và người luôn rạng ngời hạnh phúc.
 
HOÀNG NGUYÊN