Ngày 1/1/2019, trong Thông điệp đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bất kì lúc nào, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ngày 1/1/2019, trong Thông điệp đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bất kì lúc nào, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa. Ngày 8/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/2/2019. Ðây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, liệu cuộc gặp này có tạo nên bước ngoặt lịch sử?
VÌ SAO CHỌN VIỆT NAM?
Trái với nhiều lời đồn đoán về nơi được chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội ngày 5/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chọn Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp lần hai giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong 2 ngày 27 và 28/2. Ngày 8/2, trên trang twitter thuộc cá nhân, ông Donald Trump thông báo Mỹ và Triều Tiên đã thống nhất chọn Hà Nội là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Theo nhiều nhà phân tích, lý do chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện lịch sử này có nhiều, tập trung vào một số lý do sau đây:
Môi trường chính trị - xã hội ổn định
Ổn định chính trị là nền tảng để phát triển đất nước. Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế. Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hòa bình và thịnh vượng. Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, nhờ môi trường chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước phục hồi sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và đạt được đà tăng trưởng ở mức cao. Mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 đạt 7,08%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, có nền kinh tế năng động; kinh tế vĩ mô ổn định, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng; chính trị - xã hội ổn định, an sinh xã hội và đời sống Nhân dân được cải thiện; dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng được tôn trọng; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố.
Nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường củng cố; sức mạnh về mọi mặt của Quân đội nhân dân được nâng cao. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng vững mạnh, rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần duy trì hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng
Trong những năm qua, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế không ngừng tăng lên. Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, coi hội nhập quốc tế là nhân tố quan trọng để tạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống tiếp tục được củng cố, phát triển và mở rộng. Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN và ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2 năm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2021.
Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, thực hiện tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (2008 - 2009), tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việt Nam đã trở thành thành viên có uy tín và trách nhiệm, phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực, đóng góp có hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, hợp tác và tự cường; không ngừng mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Những thành tựu trên đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam được coi là điểm đến “an toàn” trong con mắt bạn bè quốc tế và được đánh giá là một trong những “ngôi sao của vũ trụ thị trường mới nổi”. Với sự tăng trưởng kinh tế được đánh giá là toàn diện, Việt Nam đang càng chứng tỏ uy tín và vai trò của mình trên các diễn đàn đa phương.
Có kinh nghiệm tổ chức các hội nghị quốc tế lớn
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Điều này được thể hiện ở tính chuyên nghiệp của các lực lượng chức năng. Trong những năm qua, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn. Tiêu biểu là việc 2 lần đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 tại Hà Nội và năm 2017 tại Đà Nẵng. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017 có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in...
Năm 2018, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN). Chỉ trong 3 ngày (từ 11-13/9/2018), hội nghị đã thu hút số lượng người tham gia kỷ lục (hơn 1.100 người), cũng như số lượng các nhà lãnh đạo thế giới (9 nhà lãnh đạo), thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và khu vực ASEAN. Theo đánh giá của Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới, Klaus Schawb, trong 27 năm tổ chức Hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á, đây là hội nghị thành công nhất trên nhiều khía cạnh. Nội dung hội nghị phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để có được thành công đó, ngoài sự ổn định về chính trị, trình độ chuyên nghiệp của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh; trình độ tổ chức và phối hợp hành động của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy an ninh nhân dân; sự hợp tác với các cơ quan an ninh của các nước có vai trò rất quan trọng. Đối với một cuộc gặp quan trọng, có ý nghĩa quốc tế rất lớn như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, thì Hà Nội là một địa điểm lý tưởng, vì thủ đô của Việt Nam có cơ sở vật chất tốt và có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế.
Có quan hệ tốt cả với Mỹ và Triều Tiên
Đối với Mỹ, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ từ tháng 7/1995; 2 nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện tháng 7/2013, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trong thời gian qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã có bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân. Đặc biệt, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay, Mỹ là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại 2 chiều tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 54 tỷ USD năm 2017, và Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ, xếp thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ; tăng trưởng thương mại giữa các nước hàng năm luôn đạt mức cao khoảng 20%. Hợp tác quốc phòng, an ninh Việt - Mỹ tiếp tục được duy trì và phát triển theo nhịp độ 2 bên mong muốn, phù hợp với các định hướng chiến lược trong khuôn khổ hợp tác đối tác toàn diện.
Đối với Triều Tiên, Việt Nam và Triều Tiên có quan hệ truyền thống lịch sử lâu dài và tốt đẹp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Triều Tiên đã viện trợ và giúp đỡ Việt Nam. Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nhà nước, 2 quân đội đã được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Trong những năm qua, trong bối cảnh Triều Tiên bị Liên Hiệp quốc áp đặt lệnh trừng phạt do tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Mỹ và các nước phương tây bao vây, cấm vận, nền kinh tế sa sút, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã giúp nhân dân Triều Tiên, thể hiện đạo lý “thủy chung”, “uống nước nhớ nguồn” và là biểu hiện của tinh thần quốc tế cao cả.
Ngoài quan hệ tốt với Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam còn có quan hệ tốt với Hàn Quốc, một nhân tố quan trọng trong giải quyết vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Về nền kinh tế, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký tính tới tháng 10/2018 khoảng 65 tỷ USD với hơn 7.000 dự án. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 60 tỷ USD năm 2017. Hàn Quốc hiện là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhiều thứ hai cho Việt Nam với số vốn cam kết là 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam còn có quan hệ tốt với các bên liên quan khác trong vấn đề Triều Tiên như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều rất tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Việt Nam.
Có thể là mô hình phát triển cho Triều Tiên
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng, Việt Nam là đại diện cho mô hình tiềm năng mà Triều Tiên nên theo đuổi. Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, tiến hành cải cách kinh tế, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào, Campuchia. Về kinh tế, là một đất nước bị tàn phá nặng nề sau hai cuộc chiến tranh lớn, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Đối với Triều Tiên, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như có cùng chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trước khi thực hiện đổi mới, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bị Mỹ và phương tây bao vây cấm vận... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới nền kinh tế, phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước đi lên, từ một quốc gia nghèo trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 7 lần trong những năm 1980 lên khoảng hơn 2.500 USD. Do đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên trong thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Vị trí địa lý thuận lợi
Tuy không phải là quyết định, song đây cũng là một lý do không kém phần quan trọng. Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng trong khu vực và trên thế giới, là cầu nối châu Á với Đông Nam Á; nằm trên các tuyến đường hàng hải quan trọng kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; là cửa ngõ giao thương với các nền kinh tế của khu vực và thế giới. Đối với Triều Tiên, về phương diện địa lý, Việt Nam được đánh giá là có vị trí “đắc địa” để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đặc biệt, Hà Nội là Thành phố vì Hòa Bình(1), nơi đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế, được nguyên thủ lãnh đạo cao cấp các nước đến tham dự, cộng đồng thế giới ghi nhận về đảm bảo an ninh ở mức rất cao, người dân thân thiện và mến khách.
Đối với Mỹ, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 11/2017, nhân dự Hội nghị cấp cao APEC 2017, Tổng thống Donald Trump đã chọn Việt Nam để công bố chiến lược này. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nơi đặt trụ sở đại sứ quán của cả Triều Tiên và Mỹ. Điều này giúp cả hai quốc gia đều có thể chủ động trong việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh.
(1) Cách đây gần 20 năm, Thủ đô Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” với các tiêu chí là: xây dựng đô thị, gìn giữ môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ. Hà Nội cách Bình Nhưỡng 2.750 km, nếu không di chuyển bằng xe lửa bọc thép thì khoảng cách này vừa đủ cho một chuyến bay ngắn dành cho lãnh đạo Kim Jong Un. Thời gian bay từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội khoảng 3 giờ, không quá xa đối với việc di chuyển, nhất là không cần đổi chuyến bay hoặc dừng tiếp nhiên liệu.
Theo Tạp chí Tuyên giáo (2/2019)