Ðộc đáo bản khắc gỗ duy nhất bộ sách Ngự chế thiên cơ dự triệu thi của Hoàng đế Minh Mạng

08:04, 04/04/2019

Trong cuốn Mộc bản triều Nguyễn đề mục tổng quan nhóm tác giả cho rằng, bộ sách Ngự chế thiên cơ dự triệu thi này là sáng tác của Thiệu Trị. Tuy nhiên, khi đối chiếu với chính sử Đại Nam thực lục và nghiên cứu của chúng tôi, bộ sách này là của Minh Mệnh sáng tác được vua Thiệu Trị cho khắc in sau khi vua cha mất. 

Trong cuốn Mộc bản triều Nguyễn đề mục tổng quan nhóm tác giả cho rằng, bộ sách Ngự chế thiên cơ dự triệu thi này là sáng tác của Thiệu Trị. Tuy nhiên, khi đối chiếu với chính sử Đại Nam thực lục và nghiên cứu của chúng tôi, bộ sách này là của Minh Mệnh sáng tác được vua Thiệu Trị cho khắc in sau khi vua cha mất. 
 
Chính vua Thiệu Trị đã nhận xét về thơ của vua cha như sau: “Hoàng khảo ta, trời cho nhiều tài năng, thơ văn ngày một phong phú, những thơ làm ra từ tập đầu đến tập thứ năm (Tập thơ này từ sơ tập đến tập thứ năm, tác giả Minh Mệnh làm từ năm 1827 đến năm 1838. - Theo lời Chí của Trương Đăng Quế và Nguyễn Trung Mậu để ở cuối Ngự chế thi lục tập, sách Thư viện Khoa học, ký hiệu A.134, tờ 3a.), các bài văn ở sơ tập, và các tập thơ Tiễu bình Nam Bắc Xiêm khấu nghịch phỉ, cùng là các bài minh khắc vào cổ khí, đều đã khắc in, ban hành khắp thiên hạ; duy còn tập thơ thứ sáu, tập văn thứ hai và tập thơ Thiên cơ dự triệu chưa khắc in được, và một thiên “Trù biên” chưa kịp làm xong, thành ra bỏ dở”. Như vậy, qua lời nhận xét ấy, có thể khẳng định tập thơ này là của vua Minh Mệnh sáng tác nhưng chưa kịp khắc in. Tập thơ Ngự chế thiên cơ dự triệu thi sau khi khắc in xong vua Thiệu Trị đã sai Các thần là bọn Nguyễn Đình Tân làm bài Bạt.
 
Đại Nam thực lục còn cho biết thêm: “Tập thơ thứ 6, tập văn thứ 2 và tập thơ “Thiên cơ dự triệu” của Tiên đế làm ra, đã khắc in xong. Sai Nội các kính cẩn bọc bìa lụa. Vua nhân cúng ngày mồng một, dâng các tập tâu ấy lên bàn thờ”. 
 
Cũng theo sách Đại Nam thực lục cho biết: Thiên cơ dự triệu là tập thơ gồm 200 bài. Theo khảo sát của chúng tôi và bài tựa sách cho biết thêm, bộ sách này chia làm 2 quyển: Quyển thượng và quyển hạ. Quyển thượng in mực màu đỏ gồm 100 bài. Quyển hạ in mực đen cũng gồm 100 bài thơ. 
 
Về cách đặt tên bài thơ là sự kết hợp của thiên can: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý. Đầu tiên là sự kết hợp của thiên can thứ nhất là giáp. Giáp sẽ kết hợp lần lượt với các thiên can khác cho đến hết: 甲甲 (giáp giáp), 甲乙 (giáp ất), 甲丙 (giáp bính),甲丁 (giáp đinh), 甲戊 (giáp mậu), 甲己 (giáp kỉ), 甲庚 (giáp canh), 甲辛 (giáp tân), 甲壬 (giáp nhâm), 甲癸 (giáp quý). Sau khi hết vòng như vậy, sẽ đến sự kết hợp của các thiên can khác đứng đầu. Nếu như vậy thì ta sẽ có 10 thiên can x 10 = 100 bài. Con số này đúng như lời bài tựa và sách Đại Nam thực lục đã ghi chép.
 
Ngự chế thiên cơ dự triệu thi là tác phẩm mà vua Minh Mệnh làm thơ để biết được điềm xấu tốt xem xét các hiện tượng thiên nhiên như trăng, sao, khí âm dương, cùng các loài như hổ, rắn, rồng, thỏ... có ảnh hưởng đến mùa màng, đến cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt con hổ và con rắn, rồng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
 
Những bài thơ trong Ngự chế thiên cơ dự triệu thi ngoài việc chiêm nghiệm về các vấn đề tốt xấu của tự nhiên ra thì xen lẫn trong thơ là quan điểm của tác giả về vấn đề đó. Nhiều bài tác giả đã đưa ra quy luật tự nhiên của trời đất như 氣數由來否又亨, 飛龍虎躍妄相爭 Khí số do lai phủ hựu hanh, (Khí số đến tắc rồi lại thông) hay như “雲消雨散復開晴 Vân tiêu vũ tán phục khai tình (Mây tan mưa ngớt trời lại tạnh). 暑往寒來又首年, 春花秋實結綿綿. 雄風一陣何方去, 皮核留來落滿筵. Thử vãng hàn lai hựu thủ niên, xuân hoa thu thực kết miên miên. Hùng phong nhất trận hà phương khứ, Bì hạch lưu lai lạc mãn diên. (Nóng qua lạnh tới lại đầu năm, Xuân thì nở hoa thu thì kết đầy quả. Một trận gió lớn từ đâu tới, Vỏ hạt rơi đầy trong bàn tiệc).
 
Nhiều bài thơ lại thể hiện nỗi tâm sự của tác giả đối với gia đình và xã hội, đó là tình cảm gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền và mong mỏi mọi người hãy nghĩ đến việc thiện mỗi ngày. 能調琴瑟一家和,子孝孫賢喜氣多. 更得日常開善念, 牛頭鼠尾益榮華 Năng điều cầm sắt nhất gia hòa, Tử hiếu tôn hiền hỉ khí đa. Cánh đắc nhật thường khai thiện niệm, Ngưu đầu thử vĩ ích vinh hoa. (Có thể điều hòa được tiếng đàn thì làm cho nhà được hòa mục, Con hiếu cháu hiền khí nhà vui nhiều. Lại được hàng ngày nghĩ đến làm việc thiện, Đầu trâu đuôi chuột lại thêm sang).
 
Có bài thơ lại thấy được sự am hiểu về thiên nhiên thời tiết, cũng như là sự điều hòa bản thân mình trong cuộc sống. 一生知爾慣行船, 測水觀風又看天. 羹用鹽梅舟用楫, 食甘寢穩兩皆全 Nhất sinh tri nhĩ quán hành thuyền, Trắc thủy quan phong hựu khán thiên. Canh dụng diêm mai chu dụng tiếp, Thực cam tẩm ổn lưỡng giai toàn. (Một đời biết anh chỉ quen việc đi thuyền, Đo mực nước xem hướng gió lại xem thiên văn. Canh nấu dùng muốn mai thuyền thì dùng mái chèo, Ăn ngon ngủ yên được cả hai).
 
Có bài thơ lại thể hiện quan điểm bất cần gì vô tư thoải mái không cần cầu thân với nhà khá giả mà lại kết thân với nhà nông, hay không cần dự yến tiệc nhưng vẫn vui vẻ được ăn hai buổi sớm chiều. 可笑冬瓜撞木鐘 , 不親庠序且親農. 鹿鳴宴上雖無預, 但得朝餐又暮餐 Khả tiếu đông qua tràng mộc chung, Bất thân tường tự thả thân nông. Lộc minh yến thượng tuy vô dự, Đãn đắc triêu xan hựu mộ xan. (Đáng cười tiếng chuông bằng quả bầu, Không thân quyền quý lại thân nông. Yến tiệc tuy rằng không tham dự, Chỉ cần no đủ sáng với chiều ).
 
Về nghệ thuật, điều đầu tiên đó chính là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mà tác giả đã vận dụng trong toàn tập thơ. Ngoài ra nghệ thuật sử dụng điển cố rất linh hoạt và khá nhiều trong tập thơ như: Tái ông thất mã (ông lão ở biên ải mất ngựa), lộ phùng xà hổ (trên đường gặp hổ và rắn), lấy điển tích Bất tường (Điềm xấu); Lộc minh (nai kêu) đây là điển lấy trong Kinh thi tiếng nai kêu dùng để chỉ yến tiệc...
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN