Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với bề dày truyền thống và tính chất đặc biệt, Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất ở nước ta.
Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với bề dày truyền thống và tính chất đặc biệt, Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất ở nước ta.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Hàng năm, đến ngày Giỗ Tổ và tổ chức lễ hội, con Lạc cháu Hồng trên mọi miền Tổ quốc hành hương về Đất Tổ, đến những địa điểm tổ chức lễ với tấm lòng thành kính tưởng nhớ Tổ tiên, tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân của dân tộc. Có thể nói, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Trong tháng ba nguồn cội, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vừa mang tính trang nghiêm, vừa quy tụ cộng đồng qua các hoạt động đa dạng trong ngày lễ chính là ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Trong hoạt động tâm linh trọng đại này, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra gồm hai phần: Phần Lễ và phần Hội.
Trong phần Lễ là nghi thức dâng hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh, thành được tổ chức long trọng trên Đền Thượng. Từ chiều mồng 9, các làng rước kiệu dâng lễ bánh giầy, bánh chưng cùng tập trung đông đủ dưới cổng Công Quán (nơi đón tiếp khách thập phương). Sáng sớm hôm sau, các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau cỗ kiệu, rước lễ vật lần lượt đi lên đền trong tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước cửa Đền Thượng, đoàn đại biểu dừng lại kính cẩn dâng lễ vào Thượng cung. Đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thay mặt Nhân dân cả nước (nếu vào năm chẵn là đồng chí nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn đầu đoàn đại biểu) thành kính đọc diễn văn Lễ Tổ.
Khu vực Núi Hùng rộn ràng trong phần Hội. Các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian được tổ chức như đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi kéo lửa thổi cơm, trò diễn “Bách nghệ khôi hài”, hội rước lúa thần... Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như chèo, kịch nói, hát quan họ, hát xoan, hội diễn văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, phục vụ đồng bào về dự hội.
Theo kế hoạch, năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 8 đến 10 tháng ba Âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì; các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 sẽ có 3 địa phương cùng tham gia góp giỗ gồm: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La.
Điểm nổi bật trong lễ hội năm nay là toàn bộ 13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thực hiện dâng hương, tưởng niệm Vua Hùng theo chương trình có những nét riêng đặc sắc của mỗi địa phương. Đồng thời, tỉnh Phú Thọ vận động mỗi gia đình làm “mâm cơm tri ân” đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm vào thời điểm chủ lễ đọc chúc văn nơi Đền Thượng. Đặc biệt, trước thềm Lễ hội, ứng dụng công nghệ thông tin về Đền Hùng đã được ra mắt. Với ứng dụng này, có cả những thông tin tổng quan về bề dày văn hóa truyền thống của dân tộc đến những tính năng gần gũi như các điểm tham quan, hướng di chuyển tại khu vực Đền Hùng...; giúp đông đảo Nhân dân, du khách thuận tiện hơn khi tìm hiểu, khám phá Đất Tổ.
Lâm Đồng - địa bàn Nam Tây Nguyên dù cách xa Đất Tổ về mặt địa lý nhưng luôn hướng về nguồn cội, đang hòa vào dòng chảy tâm linh nhiều ý nghĩa này. Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương - Đền thờ Âu Lạc 2019 được tổ chức tại Khu Du lịch thác Prenn, thành phố Đà Lạt từ ngày 13/4/2019 đến ngày 14/4/2019 (ngày 9 - 10/3 Âm lịch).
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương - Đền thờ Âu Lạc 2019 có chủ đề “Bản sắc Việt Nam” sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật như: Hội thi Trang trí mâm lễ vật dâng cúng Vua Hùng; Lễ cáo yết; Đám rước lễ vật dâng cúng Quốc Tổ; Tế lễ truyền thống và dâng hương Quốc Tổ; Biểu diễn nghệ thuật dân gian giới thiệu những làn điệu dân ca tiêu biểu của loại hình Đàn ca tài tử Nam Bộ và dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hội thi trò chơi dân gian; Thi đấu cờ tướng; Phiên chợ quà quê...
Đây được xác định là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - 2019, chào mừng 44 năm Ngày Giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm là cuộc hành hương mang ý nghĩa tâm linh, bồi đắp vào dòng chảy văn hóa truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa, thủy chung... Đây là ngày hội để củng cố tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, truyền thống văn hóa đáng trân trọng này góp phần hun đúc sức mạnh Việt Nam.
YÊN NGUYÊN