Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu đã để lại một báu vật Quốc gia - Bản Di chúc thiêng liêng, văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một lãnh tụ vĩ đại đã hiến dâng trọn cả cuộc đời cho nước, cho dân, không màng tới danh lợi bản thân.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu đã để lại một báu vật Quốc gia - Bản Di chúc thiêng liêng, văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một lãnh tụ vĩ đại đã hiến dâng trọn cả cuộc đời cho nước, cho dân, không màng tới danh lợi bản thân.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là bản di chúc thông thường, mà là sự kết tinh toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người; thể hiện ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng và trách nhiệm với Nhân dân của Bác; sự dự báo chính xác về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày thống nhất đất nước và những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở.
Mở đầu Di chúc, Bác đã khẳng định một cách chắc chắn: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Tiếp theo, Bác chỉ dẫn khá cụ thể về những việc cần làm ngay sau khi chiến tranh kết thúc, đó là: Vấn đề xây dựng Đảng (Bác nhắc đến 2 lần); về đoàn viên và thanh niên; về Nhân dân lao động; về công việc đối với con người, gồm: những người đã hy sinh cho Tổ quốc, những liệt sĩ và cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, việc chăm sóc phụ nữ, việc giáo dục, cải tạo những nạn nhân hư hỏng của chế độ cũ và việc miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân...; là tấm lòng thủy chung với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”. Còn về việc riêng, Bác chỉ dành 75 chữ là lời tâm sự của một người suốt đời cống hiến cho dân, cho nước, “Nay dù phải từ biệt thế giới này..., không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”,...
Những điều Bác Hồ căn dặn trong Di chúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị; thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, nhãn quan chiến lược sâu sắc và tấm lòng vì dân, vì nước của Bác. Những chỉ dẫn quý báu của Người là sự định hướng đúng đắn và động lực tinh thần to lớn giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Thực hiện những điều chỉ dẫn trong Di chúc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, suốt 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã hoàn thành vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; cả nước tiến hành công cuộc xây dựng đất nước, “một cuộc chiến đấu khổng lồ”, một quá trình đấu tranh gian khổ, bền bỉ để vươn lên, để xóa bỏ tàn tích của chế độ xã hội cũ, từng bước thực hiện lý tưởng XHCN, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân theo tâm nguyện của Người.
Chặng đường xây dựng đất nước theo con đường XHCN, nhất là hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới trong hoàn cảnh vừa phải khắc phục tàn tích nặng nề của các cuộc chiến tranh xâm lược để lại, vừa phải đối phó với những khó khăn do tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng đất nước ta vẫn giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực; đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Những thành tựu ấy đã tạo ra thế và lực mới của cách mạng Việt Nam; tạo điều kiện, tiền đề đưa nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới: Đẩy mạnh CNH, HĐH, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Mặc dù đã giành được những thành tựu to lớn, nhưng chúng ta vẫn còn ân hận vì nhiều điều chưa làm trọn lời Bác dặn; nhiều điều cũ kỹ, hư hỏng vẫn còn tác oai, tác quái trong đời sống xã hội. Về xây dựng Đảng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ luật trong Đảng lỏng lẻo, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình không nghiêm; thiếu tinh thần trách nhiệm, đồng cam cộng khổ trong giải quyết những vấn đề của đất nước cũng như của từng ngành địa phương, đơn vị; bệnh cục bộ, quan liêu, tham nhũng, hối lộ, đặc quyền đặc lợi, vì lợi ích nhóm, chỉ lo vun vén cá nhân, xu nịnh, cơ hội, coi trọng lợi ích vật chất xem nhẹ giá trị tinh thần, vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ lợi ích cơ bản lâu dài;... Đó là những khuyết điểm rất nặng, mà khi đương thời Bác đã gọi là giặc “nội xâm” và hiện nay đang bị kẻ thù lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Về chăm lo đời sống Nhân dân, mặc dù cơ bản đáp ứng được yêu cầu “làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành”... tuy nhiên, so với nhu cầu của thời kỳ phát triển thì vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu chấn hưng đất nước, mưu cầu hạnh phúc đối với Nhân dân như lời căn dặn của Bác.
Thực hiện Di chúc Bác Hồ và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với Nhân dân cả nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng phấn đấu, giành được nhiều thắng lợi trong chiến đấu và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chặng đường 10 năm đầu sau giải phóng (1975-1985) vừa thoát khỏi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, nền kinh tế của tỉnh nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhưng Đảng bộ Lâm Đồng đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đấu tranh trấn áp các tổ chức phản động cách mạng và lực lượng Fulro, bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước ổn định đời sống Nhân dân.
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Lâm Đồng đã vận dụng sáng tạo Di chúc của Bác Hồ và các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương để vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều điểm sáng được cả nước ghi nhận. Bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi; an sinh xã hội, giáo dục, y tế được coi trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh kể cả đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được coi trọng; bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, tăng cường; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của bộ máy được nâng lên.
Bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh ta vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục, đó là: Nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông còn khó khăn... Sự phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ còn có sự chênh lệch giữa các vùng; xóa đói giảm nghèo chưa thật bền vững. Tình hình quốc phòng, an ninh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu...
Suy ngẫm về quá trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không chỉ tự hào về những thành tựu đạt được mà còn thẳng thắn phê phán, đấu tranh kiên quyết với những hạn chế, khuyết điểm, những tư tưởng, hành vi không đúng với những điều căn dặn của Bác, nhất là chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, thoái hóa, biến chất... của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Từ đó, thôi thúc chúng ta tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần học tập, làm theo Di chúc của Bác; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân, toàn quân suy ngẫm, thấm nhuần hơn nữa những lời dạy của Người, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Mỗi tập thể, cá nhân hãy soi mình vào những điều căn dặn của Người để phấn đấu, rèn luyện nghiêm túc hơn, cố gắng đóng góp nhiều hơn cho địa phương, ngành, đất nước; đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là những việc làm thiết thực và có ý nghĩa nhất thể hiện tấm lòng yêu kính Bác Hồ.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG