70 năm, chặng đường vẻ vang của Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào

05:10, 24/10/2019

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Đông Dương quyết định tổ chức lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào, đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai nước, mở ra thời kỳ mới trong liên kết, phối hợp đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho mỗi nước.

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Đông Dương quyết định tổ chức lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào, đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai nước, mở ra thời kỳ mới trong liên kết, phối hợp đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho mỗi nước.
 
Quân tình nguyện Việt Nam và QĐND Lào gặp mặt mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu
Quân tình nguyện Việt Nam và QĐND Lào gặp mặt mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu
 
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, theo PGS-TS. Hồ Khang - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam thì ngay từ ngày đầu thành lập ĐCS Đông Dương, Hội nghị BCH ĐCS Đông Dương (tháng 10/1930) đã ra nghị quyết về phát động phong trào cách mạng đều khắp ở Đông Dương để đánh đổ thực dân Pháp xâm lược. Đến tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 nêu rõ “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”; các dân tộc Đông Dương phải thành lập các đoàn thể phản đế trong “Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương”. Từ đó, Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) được ra đời, tạo ra tiền đề vững chắc cho cuộc tổng tiến công, khởi nghĩa tháng 8/1945 giành thắng lợi, thúc đẩy cho cuộc cách mạng Lào tiến lên giành chính quyền ở một số thị xã, thành phố như Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xa-vẳn-na-khẹt, Sầm Nưa, Luông-pha-băng. Từ đó tổ chức Lào Ít-Xa-La được thành lập vào tháng 9/1945, lúc đầu còn non trẻ và cần có sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam. Đây là cơ sở đầu tiên cho việc thành lập “Quân tình nguyện” Việt Nam sang giúp Lào, nhằm xây dựng cơ sở chính trị, vũ trang quần chúng, phát động chiến dịch, chiến tranh du kích rộng khắp trên đất nước Lào, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam trong các chiến dịch Thượng Lào, Phông-Xa-Lỳ, Trung và Hạ Lào vào những năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ ở Việt Nam 1954, làm phá sản kế hoạch Nava của Pháp, tạo đà giúp cho Việt Nam - Lào giành những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương.
 
Nhưng chẳng bao lâu, Mỹ thay chân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược mới, gây biết bao đau thương, tàn ác cho dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân các bộ tộc Lào, lần nữa nhân dân và quân đội hai nước lại kề vai sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn, thử thách, bước vào cuộc chiến đấu mới, quyết liệt hơn. Đến năm 1959, theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định cử lực lượng cố vấn quân sự giúp đỡ cách mạng Lào bên cạnh cấp ủy và các lãnh đạo Lào từ Trung ương đến khu, tỉnh; trên cơ sở chấn chỉnh lại Quân tình nguyện Việt Nam, chuyển trọng tâm hoạt động cho phù hợp với tình hình cách mạng mới.
 
Đến đầu năm 1960, cục diện chiến trường Đông Dương đã có sự thay đổi, chuyển sang một bước ngoặt mới, từ thế giữ gìn, phòng thủ sang thế tiến công trên khắp các mặt trận. Từ chiến dịch cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1961) đến Nậm Thà (1962); Đường số 8, số 12 (1963); Nậm Bạc (1968); cánh đồng Chum (1964-1969-1970-1972); Đường 9 Nam Lào (1971) giải phóng tỉnh Attapeu, cao nguyên Bôlôven, Saravan, tạo bước tiến nhảy vọt, hỗ trợ đắc lực cho cách mạng Việt Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973) tuyên bố rút khỏi Việt Nam và ký Hiệp định Viêng Chăn về Lào ngày 21/2/1973, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam (30/4/1975) và tại Lào (2/12/1975), mở ra thời kỳ mới cho 2 nước bước vào khôi phục và xây dựng đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, liên minh phối hợp chiến đấu giữa lực lượng quân sự Việt Nam - Lào là rất quan trọng, nhân tố góp phần cho cách mạng hai nước thành công, tô thắm thêm tình hữu nghị đoàn kết đặt biệt đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đặt nền tảng và dày công vun đắp, trở thành tình đoàn kết thủy chung như anh em một nhà. Dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây trở thành hình ảnh sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp, “cọng rau bẻ nửa, hạt muối xẻ đôi” mà không có thế lực nào lay chuyển nổi, như Bác Hồ đã chỉ rõ: “Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long”.
 
Bước vào thời kỳ mới, quan hệ hai nước Việt - Lào đã được nâng lên tầm cao mới. Ngày 18/7/1977 hai nước đã ký hiệp ước, hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, tạo điều kiện thuận lợi để hai nước, hai quân đội giúp đỡ nhau cùng phát triển trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào là dịp để tăng cường, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục giành những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời vun đắp hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
 
NGUYỄN BẠN