Tôi tìm về B'lao, tìm lại ký ức ba năm thầy giáo trẻ tên Sơn dạy học ở nơi này. B'lao xưa Bảo Lộc bây giờ, người làm việc cùng thời với Trịnh Công Sơn những năm tháng ấy nay kẻ còn, người mất...
Tôi tìm về B’lao, tìm lại ký ức ba năm thầy giáo trẻ tên Sơn dạy học ở nơi này. B’lao xưa Bảo Lộc bây giờ, người làm việc cùng thời với Trịnh Công Sơn những năm tháng ấy nay kẻ còn, người mất. Chuyện cũ qua lâu, nhưng vì yêu kính “người khổng lồ trong tân nhạc Việt”, nên chuyện kể về ba năm nhập cuộc thời trai trẻ của ông ở phố thị sơn cước như vẫn còn tươi mới.
|
Trịnh Công Sơn (cánh phải) cùng bạn bè văn nghệ tại triển lãm tranh Đinh Cường - Đà Lạt tháng 12/1965 |
Đó là những năm từ 1964 đến 1967. Mỗi chiều về phố thị B’lao (nay là thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) mang mang sương khói, người dân miền sơn cước này đã quen với hình ảnh một người trai trẻ ngậm điếu thuốc cháy dở trên môi, tay đút túi quần bước lững thững như vô định trên phố. Chàng thanh niên ấy đến từ xứ xa. Những tín đồ tất tả theo chuông giục đến buổi Thánh lễ cuối ngày cũng kịp ngoái lại nhìn chàng trai lạ với dáng vẻ gầy gò có mái tóc thưa buông dài phiêu lãng, cặp kính cận lấp loáng ánh mắt ngẩn ngơ một nỗi buồn man mác. Chàng ngắm phố tưởng như lơ đãng nhưng thẳm sâu hồn chàng giấu những u ẩn khó đoán. Hoàng hôn núi Đại Bình tím sẫm, sương úa dần sang màu hoang lạnh, chàng một mình với ly cà phê đen sánh ngồi chờ đêm buông. Chàng trai ấy là Trịnh Công Sơn, người vừa bước tới tuổi 25 và đã có ca khúc “Ướt mi” (1959) do ca sĩ Thanh Thúy thể hiện đã khá nổi tiếng, hứa hẹn một chân trời, nhưng chưa phải là nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa với gia tài âm nhạc đồ sộ và những cảm thức mới lạ từ vài năm sau đó. Thưở ấy, anh là thầy giáo tiểu học vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, được bổ chức giáo trưởng Trường sơ học Bảo An thuộc Ty Tiểu học Lâm Đồng trên miền núi rừng B’lao heo hút...
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Trường sơ học Bảo An chỉ có ba lớp: 1, 2, 3. Sỹ số mỗi lớp chừng vài mươi em, đa số học trò là người thiểu số, dăm em người Kinh. Cơ sở trường chỉ có hai phòng học mái lợp tranh vách nứa đứng chơ vơ trên một bãi đất trơ trụi. Phòng học không có cửa, nhiều bữa mây mù lãng đãng tràn vào lớp. Gió giật mái tranh xơ xác. Bàn chân thầy trò quết đầy bùn đỏ nhoe nhoét mỗi ngày mưa băng đường đất bazan lầy lội đến lớp. Học trò con nhà nghèo, mặt mày mũi lọ nhem nhuốc, áo quần rách rưới nhưng ngoan, dễ bảo. Sơ học Bảo An là ngôi trường nhỏ nên không có chức hiệu trưởng, người phụ trách thì gọi là trưởng giáo. Trịnh Công Sơn được đào tạo chính quy nên giữ chức ấy và đứng dạy lớp 3 buổi sáng, ông Tạ Văn Thống sắp về hưu thì dạy lớp 1 và 2 vào buổi chiều. Buồn não nề những ngày dạy học trên núi rừng B’lao, nhưng với chỉ số lương 320 cộng thêm phụ cấp vùng cao thì thu nhập mỗi tháng 5.200 đồng đã cho ông giáo Trịnh một đời sống có phần dư dả. Thời giá dễ chịu: cà phê 1 đồng 1 ly, phở 3 đồng 1 tô, cơm 600 đồng 1 tháng, tiền trọ hạng khá mỗi người cũng chỉ hết 300 đồng. Theo ông Nguyễn Đắc Xuân: Nhà trọ của Trịnh Công Sơn tại B’lao là một ngôi nhà kiểu biệt thự mới xây trên khu đất khoáng đạt ở gần Ty Công chính Lâm Đồng. Chủ ngôi nhà là cô Phi - Trưởng phòng Kế toán Ty này. Trịnh Công Sơn thuê nhà cùng với ba đồng nghiệp họ Nguyễn là Thanh Ty (Nha Trang), Hảo Tâm và Văn Ba (Sài Gòn). Bà chủ nhà có dáng người mảnh dẻ, hơn ba mươi tuổi, cùng với đứa con gái ở chung trong nhà. Nhờ thế các thầy giáo trẻ sống xa nhà đỡ bớt khô khan...
Từ dòng hồi ức của những người yêu Trịnh Công Sơn, tôi chắp nối câu chuyện về ông những ngày tháng ấy. Hiểu thêm vì sao, chính tự nơi này với nỗi hoang liêu cùng gió núi mây ngàn, Trịnh viết như đã ngấm lạnh vào tim mình những giai điệu vỗ về như Phúc Âm buồn cho kiếp người mệt nhoài “Người nằm co như loài thú khi mùa đông về. Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình”. Hay cảm thức hoang hoải “Bụi về với mây. Người còn đó gieo hạt lúa trên ruộng đất này”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từng nghe Trịnh Công Sơn kể, ghi lại: “Đêm ở B’lao, Sơn thường đi lang thang. Và để đánh lừa kẻ vào nhà, Sơn thường dùng chiếc drap trắng trùm kín cây đàn guitar để trên giường, giả vờ người nằm bệnh. Từ đó qua suốt thời tuổi trẻ, Sơn vẫn hát về cuộc đời như một “cơn đau vùi”. Cũng chính ở nơi này, “người nằm co” Trịnh Công Sơn đã thiêu đốt tim gan hằng đêm khi nhận tin Mỹ đổ quân ồ ạt lên Tòa Khâm Huế quê anh. Bao bạn bè xuống đường chống lại việc dùng tuổi trẻ miền Nam như một thứ củi đốt cho chiến tranh của Mỹ. Tin về người bạn này nhảy núi, người kia bị bắt, người khác trốn lính... làm hồn Sơn buốt đau. Ngay người bạn thuê chung nhà là Văn Ba cũng chết vì trúng mìn trên chuyến xe đò B’lao - Sài Gòn, đã đâm vào tim Sơn thêm những mũi kim nhọn buốt nhức. Từ nơi này, qua những bức thư gửi cho người tình xa Dao Ánh, Trịnh Công Sơn đã bộc lộ hết nỗi bi đát trong tâm hồn, anh ví mình như chàng Sisyphe trong tác phẩm của Albert Camus, bị khổ sai bằng việc hằng ngày phải lăn một tảng đá lên núi rồi thả tay cho tảng đá lăn xuống núi, một sự tồn tại vô nghĩa: “Người chợt nhớ mình như đá. Đá lăn vết lăn buồn”. Cũng từ nơi này, nhạc Trịnh chuyển hướng theo một con đường khác, con đường chán ghét chiến tranh phi nghĩa và mong một ngày hòa bình về trên đất mẹ. Anh đã khóc bằng âm nhạc vắt ra từ nỗi chia lìa, niềm xót xa thân phận giống nòi: “Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè. Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương”...
* * *
Những buổi chiều cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, từ B’lao buồn Sơn nhảy lên những chuyến xe đò về Sài Gòn đắm mình trong khói thuốc ngột ngạt với bạn bè. Ghé thị trấn D’ran uống rượu bên dòng Đa Nhim cùng họa sĩ Đinh Cường và ngủ quên dưới bầu trời đầy sao và rừng đặc sương mù. Anh cũng dùng nhiều thời gian rảnh rỗi để lên Đà Lạt với Đặng Tiến, Kim Vui, Trịnh Cung cho khuây khỏa những ngày đêm thấy mình như “loài củi mục trên miền xứ bỏ hoang”. Nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn đã ra đời trên những chuyến xe đò ngược xuôi. Cũng từ một chuyến xe B’lao lên Đà Lạt, Sơn đã gặp “cô gái quê” Nguyễn Thị Lệ Mai. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, cô Mai đã biến thành ca sĩ Khánh Ly mà từ đó “tân nhạc Việt Nam không còn như cũ nữa”, như báo chí đương thời phẩm luận...
B’lao những năm tháng ấy nhìn bên ngoài phẳng lặng mà trong lòng bức bối. Nó như là một nơi chốn tạm cư của những thân phận chán chường, trốn tránh chiến tranh. Trong tâm cảm mỗi người đều trĩu nặng những phập phồng, âu lo. Một đời sống khắc khoải như đêm thức chờ đợi điều gì tươi sáng hơn nhưng thật khó đến ở bình minh ngày mới. B’lao, ở đâu đó gần với nơi Trịnh Công Sơn dạy học, từ tháp nhà thờ xứ Kohinda buông trầm những hồi chuông như tiếng thở dài bất tận, giọng cầu kinh vọng từ hậu đường Tu viện Bát Nhã cũng rền rĩ thanh âm cô tịch. Ở đâu đó gần thôi, mấy giáo sư Đại học Vạn Hạnh mà Sơn quen, từ bỏ Sài Gòn trong thời nhiễu loạn lên ngọn đồi Phương Bối ẩn cư, mỗi hoàng hôn về lại đốt những nhánh củi ngo nhằm xua cái lạnh sẽ sâu hơn trong khuya. Giữa không gian hoang liêu B’lao, tiếng guitar bập bùng của Sơn mỗi đêm hòa cùng tiếng mõ lốc cốc nhà bên thành những huyền cảm nhật tụng cho nỗi bi thương của đất nước trong hồi tao loạn. Một cảm giác hoang hoải bao trùm. Từ cao nguyên nhìn về phía biển, những chuyến tàu chở bom đạn Mỹ mỗi ngày cập cảng như mang tới những hụt hẫng đớn đau cho lời hẹn hòa bình. Ngước lên đầu non Trường Sơn, những chớp lòe ánh lửa đại bác. Tiếng bom nổ tan thinh không đâu đó vọng về. Ngày càng nhiều những bìu ríu gánh gồng tránh loạn lạc từ phía đồng bằng lên miền cao trú ẩn. Nơi gửi thân tạm thời này cũng chẳng mấy yên lành. Tiếng xích thiết giáp nghiến trên đường lộ, tiếng xe jeep nhà binh hú còi inh ỏi, tiếng giày đinh, tiếng lách cách súng đạn hằng đêm vọng chóe khô khốc giữa phố thị B’lao. Thân thể Việt Nam như rách toạc thịt da bởi hận thù, chia cắt. Nước non chìm trong binh lửa điêu tàn là nỗi ám ảnh trong tâm hồn người thầy giáo trẻ nhạy cảm, đa tình. Từ những năm tháng ấy, trong cô đơn cùng tận, trong thổn thức về thời cuộc biến loạn, trái tim luôn sẻ chia khắc khoải của đồng bào, đồng loại, anh đã lấy âm nhạc làm phương tiện giải cứu cho nỗi bi thương đã chạm vào nơi sâu đắm nhất trong tâm hồn mình...
Trịnh Công Sơn lặng lẽ náu mình nhưng âm thầm những giai điệu hình thành và phát lộ dần bởi những tâm cảm và dự cảm khác biệt. Ba năm, chỉ ba năm thôi, trong nỗi buồn tê tái, trong sự nhàn rỗi của một ông giáo làng dạy học nơi lưng chừng núi, nhạc sĩ họ Trịnh đã lần lượt cho ra đời những bản tình ca buồn: Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Vết lăn trầm, Tiếng hát Dạ Lan,... Trong nỗi đìu hiu thân phận, hình ảnh cô Ngà ở xứ B’lao mỗi chiều đi lễ nhà thờ qua con đường trước cửa phòng anh với vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thánh thiện đã làm Sơn mất ngủ. Ca khúc Tuổi đá buồn đã được anh viết lên từ cảm ảnh người thiếu nữ tên Ngà và nỗi cô đơn hư vô nhuốm chút siêu hình. Hình ảnh B’lao cũng đã hiện lên lấp loáng trong ca khúc ấy: “Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi. Từng phiến băng dài trên hai tay xuôi. Tuổi buồn em mang đi trong hư vô ngày qua hững hờ... Tuổi buồn như lá. Gió mãi cuốn đi. Quay tận cuối trời...”. Cũng chính trong thời gian này, tập nhạc phản chiến mang tự tình dân tộc “Ca khúc da vàng” đã ra đời. “Ca khúc da vàng” bắt đầu từ mùa Hè 1966 bằng những đêm nhạc Trịnh ở Trường tư thục Việt Anh và Viện Đại học Đà Lạt, rồi sau đó cất lên trên giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn, trên khắp miền Nam bởi tiếng hát Khánh Ly và những người Việt Nam tha thiết với giống nòi. Những giai điệu bi cảm hát về quê hương điêu tàn, hát về giấc mơ hòa bình, hát về vòng tay lớn được nối trong khao khát chờ đợi. Âm nhạc thốt lên từ trái tim chất chứa yêu thương của Trịnh đã băng bó, đã tưới tắm phần nào những vết thương trên đại lộ chiến tranh chết chóc. Cho đến hôm nay, âm nhạc ấy vẫn mang đến những giá trị ở tầm nhân loại, âm nhạc ấy làm cho lòng người khao khát nắm tay nhau hơn là khắc sâu hận thù...
Chỉ ba năm ăn lương thầy giáo và sống với núi rừng, nhưng thiên nhiên tịch liêu và những nỗi niềm nhân thế từ nơi chốn này đã góp phần kích trỗi trong tâm hồn người nhạc sĩ của tình yêu thương những cảm thức ám ảnh mãi mãi. Rồi một ngày, thầy giáo - nhạc sĩ trẻ giã từ B’lao khi thư tín đến, bản danh sách khóa 20 của Trường Bộ binh Thủ Đức đã ghi danh Trịnh Công Sơn trong đó. Rời Trường sơ học Bảo An, rời núi rừng, nhưng Sơn không đến quân trường, anh ra đi và phải sống một đoạn đời “bất hợp pháp”. Người đàn ông tài hoa và đa cảm ấy chỉ có thể căng lồng ngực cất lên những bản tình ca, những bài hát chống lại chiến tranh, chứ không thể nào nghĩ đến một ngày sẽ phải cầm cây súng thép lạnh lẽo và đe dọa chết chóc trên tay.
UÔNG THÁI BIỂU