Nguồn nước nào cho Ðà Lạt? (Kỳ 1)

07:11, 14/11/2019

Ðầu thập niên 1970, Ðà Lạt đứng trước một vấn đề nan giải: nguồn nước từ những hồ nội thành cung cấp cho người dân bị ô nhiễm. Xây dựng một hệ thống cung cấp nước mới là vấn đề không hề đơn giản trong bối cảnh chiến tranh...

[links()]
Từ một cuộc khủng hoảng
 
Ðầu thập niên 1970, Ðà Lạt đứng trước một vấn đề nan giải: nguồn nước từ những hồ nội thành cung cấp cho người dân bị ô nhiễm. Xây dựng một hệ thống cung cấp nước mới là vấn đề không hề đơn giản trong bối cảnh chiến tranh...
 
Hồ Than Thở được xây dựng từ năm 1937 và được sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ năm 1938.  Ảnh tư liệu
Hồ Than Thở được xây dựng từ năm 1937 và được sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ năm 1938. Ảnh tư liệu
 
Báo động uế nhiễm
 
Lúc bấy giờ, nguồn nước mà thành phố Đà Lạt sử dụng được cung cấp từ nhà máy nước hồ Than Thở và hồ Xuân Hương. Cuối tháng 12/1972, thị xã Đà Lạt được đặt trong tình trạng báo động ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. 
 
Ngày 28/12/1972, một “Bản phúc trình về việc nhiễm uế tại các nguồn nước Đà Lạt” được Nha Cấp thủy gửi đến Viện trưởng Viện Quốc gia Y tế Công cộng, Giám đốc Nha Y tế Công cộng, Tổng Giám đốc Y tế và Bệnh viện, Chủ tịch Ủy ban Liên Bộ Bài trừ Uế nhiễm Môi sinh (dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa). Theo đó, thông báo tình trạng các nhà máy cung cấp nước ở nội thị Đà Lạt quá tải và chất lượng nước không còn đảm bảo để cư dân sử dụng. Bản phúc trình ghi nêu chi tiết: Nhà máy hồ Than Thở xây đã được hơn 30 năm, sản lượng 2.500 m3/ngày; cung cấp nước cho khu vực Chi Lăng, Yersin, hồ Than Thở và Trường Võ Bị Quốc gia Đà Lạt. “Vì nhà máy quá cũ nên hồ lóng, lọc, hoạt động không hữu hiệu, hiện đang được sửa chữa để có thể tăng gia năng suất lên 3.000 m 3/ngày và cải thiện phẩm chất nước sản xuất. Còn nhà máy hồ Xuân Hương thì mới hơn, đã được cải thiện hồi giữa thập niên 1960 bằng cách xây thêm hồ lóng để gia tăng năng suất. Lượng nước cung cấp khoảng 2.500 m 3/ngày. “Vì máy móc cũ nên đang có dự án thay thế các máy mới để điều hành, tránh trở ngại. Nhà máy này cung cấp nước cho khu Đa Thiện, khu chợ, bệnh viện, Pasteur và một phần khu Dinh Thị trưởng hiện tại”.
 
Hai nhà máy nước này hút nước từ hồ Xuân Hương và hồ Than Thở, qua hệ thống xử lý và chuyển đến cho cư dân Đà Lạt sử dụng thông qua một hệ thống phân phối nước gồm các hồ chứa đặt ở các ngọn đồi trong thành phố. Vào đầu thập niên 1970, Đà Lạt có các hồ chứa: hồ chứa Résidence du Maire có dung tích 1.600 m 3, hồ chứa Calypso 575 m 3, hồ chứa hồ Than Thở 1.300 m 3 và hồ chứa Gougal 575 m 3.
 
Nước được dẫn qua 41.000 mét ống cái, loại từ 60 ly đến 250 ly (ngoại trừ khoảng 5.000 m ống gang đặt năm 1967, còn lại đa phần đã cũ). Việc thay thế một phần ống cũ có được thực hiện vào năm 1972.
 
Uế nhiễm đến từ đâu?
 
Đã có một cuộc quan trắc kỹ lưỡng của các cơ quan chuyên môn vào đầu thập niên 1970, đưa ra những chỉ số đáng báo động. Bản phúc trình nói trên dẫn lại: “Hai nhà máy tại thị xã lấy nước sống từ hồ Than Thở và hồ Xuân Hương để chế hóa thành nước uống được, cung cấp cho dân chúng sử dụng hằng ngày. Nước chứa trong hồ được cung cấp do một lưu vực rộng chừng 3.000 mẫu tây. Hồ Than Thở ở cao hơn, lưu vực 600 mẫu tây, nước dư tràn về hồ Mê Linh rồi chảy theo một con rạch xuống hồ Xuân Hương. Trong lưu vực 3.000 mẫu tây chỉ có 600 mẫu được canh tác (trồng rau)”.
 
Những khảo sát hóa tính trong nước sống từ hồ Xuân Hương và hồ Than Thở cũng đáng lo ngại. Nguyên do chính là việc làm nông, dùng phân bón của cư dân lân cận mép nước dòng chảy dẫn về các hồ trên. Bản phúc trình mô tả: “Trong mùa mưa, nước sát trùng để giết sâu trong rau theo nước mưa xuống hồ, mặt khác, phân bón rau như phân hóa học hay phân chuồng cũng tan theo nước mưa vào hồ, tạo cho nước hồ một nguồn hữu cơ, chất đạm và trở nên môi sinh cho các loại vi khuẩn, rong rêu”.
 
Hằng năm, số lượng phân bón xử dụng cho khu vực này ước lượng 18.000 tấn, trong đó phân chuồng chiếm khoảng 8.000 tấn, còn lại là phân xác mắm hay phân hóa học. Số lượng thuốc sát trùng sử dụng ước lượng khoảng 240.000 lít có chất phosphate.
 
Những khảo sát về sinh học cũng cho thấy ngoài các vi khuẩn và rong rêu do phân chuồng đem lại, các nước dơ của dân chúng sống trong lưu vực cũng được đổ theo các rãnh chảy xuống hồ, “tạo cho nước hồ sự nhiễm trùng trầm trọng do phân tức là nguyên nhân của các dịch bệnh nếu nước không được sát trùng đúng mức”, văn bản trên viết.
 
Biện pháp, cũng chỉ trước mắt
 
Bản phúc trình này đề nghị một số giải pháp trước mắt bắt buộc để cải thiện nguồn nước đảm bảo an toàn cho thị dân sử dụng. Trước hết, các phương pháp chế hóa nước được nêu ra và thực hiện.
 
Hai tháng trước khi bản Phúc trình trên được gửi đi, Quốc gia Sản cấp Thủy cục đã thành lập Ty Cấp thủy (ngày 21/10/1972), đưa ra ngay chương trình trang bị máy châm thuốc khử trùng chlore lỏng để xử khử trùng hai lần trước và sau lọc; xây thêm hồ kết cợn (cặn) và sửa hồ lọc tại nhà máy Than Thở, đồng thời trang bị máy châm hóa chất để việc kết cợn được hiệu quả, loại trừ phần lớn các hóa chất không thích hợp để cải thiện nước sản xuất.
 
Các biện pháp hạn chế sự ô nhiễm khác cũng được nêu ra. Cấp thời, vấn đề phân bón và thuốc khử trùng được cảnh báo không sử dụng: tránh dùng phân chuồng, chỉ dùng phân hóa học mà phẩm chất và thành phần được Sở Bảo vệ Mùa màng chấp thuận; Cấm sử dụng thuốc sát trùng có độc chất vô cơ như Arsenic hoặc các loại thuốc hữu cơ có nguồn gốc Halogen như DDT có thể tích tụ trong cơ thể con người.
 
Ngoài thành phần hóa học, thì nguồn nước thải của cư dân ven bờ dòng chảy cũng được đề cập đến. Nhận định nguồn nước dơ trong hệ thống bài thủy trong thành phố chảy vào hồ Xuân Hương, có 3 nguồn và cần các giải pháp tự nhiên - đào “ao ôxi hóa” (oxidation pond): (1) Phía cầu Sắt, từ hồ Than Thở, Saint Benoit chảy xuống. Nguồn này không nguy hiểm vì đã quảy qua một ao ôxi hóa để nước dơ mùa nắng chảy qua được thanh lọc phần nào; (2) phía Viện Đại học Đà Lạt và Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, cư dân thưa thớt cũng nên đào một ao ôxi hóa và (3) phía ga xe lửa được xem là nguồn nhiễm uế quan trọng nhất vì cư dân đông, hệ thống hầm tiêu tự hoại không có hoặc không đúng cách, nên nước thải ra nhiễm trùng nghiêm trọng cũng cần có một ao ôxi hóa. Các ao ôxi hóa phải có dung tích đủ giữ nước trong 2 ngày (kinh phí mỗi ao như thế khoảng 10 triệu đồng thời Việt Nam Cộng hòa). 
 
(Trên thực tế, một số ao ôxi hóa này đã tồn tại cho đến gần đây (những năm 2000), với chức năng là hồ chứa nước tự nhiên để các nhà vườn tưới tiêu hoa màu!)
 
Hệ thống bài thủy tại khu vực Chợ Mới Đà Lạt nay để ngăn hẳn nước dơ chảy vào hạ lưu đập cầu Ông Đạo cũng được đề nghị xem lại và giải quyết.
 
Ngoài ra, biện pháp hạn chế diện tích đất trồng trọt ở khu vực nhận nước vào hồ Than Thở và hồ Xuân Hương cũng được nêu ra, không những đảm bảo cho nước không bị ô nhiễm, mà còn với mục đích cấp thủy, không để khan hiếm nước vào mùa khô do phải san sẻ với nhà vườn trong việc canh công. Và phải thành lập một tiểu ban bài trừ uế nhiễm môi sinh riêng cho Đà Lạt.
 
Từ thời điểm đó, Nha Cấp thủy nêu ra yêu cầu cần tính tới giải tỏa các khu vực xây cất bất hợp pháp, thu nước của các hồ, kiểm soát tại chỗ các hầm tiêu tự hoại của các nhà nằm trên khu vực thu nước; vét hồ Than Thở (khoảng 100.000 m3 đất) và hồ Xuân Hương 1.000.000 m3 đất, nhằm tăng sức chứa.
 
Nhưng các giải pháp được nêu ra trong bản phúc trình trên chưa hé lộ một kế hoạch lâu dài. Một năm sau, thì có những chuyển biến mới.
 
Ðón đọc kỳ 2: MỘT KỊCH BẢN BẤT THÀNH
 
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN